Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

2013 Hạnh phúc Thầy -Trò

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Thầy hạnh phúc thì trò hạnh phúc"

Thiền sư Thích Nhất Hạnh quan niệm, thầy cô cần phải nắm  được nghệ thuật chế tác hạnh phúc và xử lý khổ đau, rồi sau đó mới trao truyền lại cho các sinh viên của mình. Thầy cô hạnh phúc thì học trò cũng sẽ hạnh phúc và thế giới này cũng nhờ đó mà trở nên tốt đẹp hơn.

Đó là một nội dung trong buổi đối thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh và GS Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng cùng Giáo sư Lee Chak Fan – giám đốc Trường giáo dục chuyên môn thường xuyên (HKU SPACE) của ĐH Hồng Kông, diễn ra ngày 13/3/2014. Dưới đây là lược trích nội dung buổi đối thoại.
  

"Hòa giải với mẹ cha"
Chúng ta hiện nay đang ở trong tình trạng bị quá tải thông tin. Thông tin thì tràn ngập nhưng sự hiểu biết thì lại thiếu. Có nhiều thông tin không có nghĩa là chúng ta có thể hiểu được chính mình và hiểu được thực tại. Để hiểu được, chúng ta cần phải biết cách lắng nghe và biết cách sử dụng ái ngữ. Vì vậy nên tổ chức những khóa học về kỹ năng truyền thông để chỉ dẫn cho mọi người cách thức sử dụng ái ngữ và lắng nghe....
"Bạn nói không phải với mục đích trách móc hay buộc tội, mà chỉ để cho những người ở nhóm bên kia hiểu được những khổ đau của bạn mà thôi"
Khi đã hiểu được khổ đau nơi mình và nơi người thì tự nhiên giọng nói của ta cũng chứa đựng năng lượng từ bi. Cách nói của chúng ta cũng có thể giúp nối lại truyền thông, bởi vì giọng nói của ta không còn năng lượng trách móc, buộc tội nữa. Chỉ cần nửa giờ hoặc một giờ thôi là chúng ta có thể nối lại truyền thông và hàn gắn lại mối liên hệ của mình.
Tôi nghĩ người trẻ có thể học được điều này từ trường học, và khi trở về nhà, các em có thể hàn gắn lại mối liên hệ của mình với cha, với mẹ, với anh chị em trong gia đình mình. Kinh nghiệm ở Làng Mai cho thấy những người trẻ sau khi tham gia các khóa tu đều trở về hòa giải với cha mẹ và gia đình mình.
"Thầy cô cần lắng nghe khổ đau của sinh viên"
Điều này rất cần thiết. Bởi vì nếu sinh viên có quá nhiều khổ đau thì thầy cô giáo cũng rất khó có thể truyền đạt kiến thức cho các em. Vì vậy mà việc giúp các em bớt khổ cũng giúp ích rất nhiều cho việc dạy và trao truyền kiến thức.
Nếu thầy cô giáo biết cách lắng nghe và hiểu được khổ đau của chính mình thì cũng có thể lắng nghe và hiểu được những khổ đau của các học trò, có thể giúp cho các em bớt khổ liền chỉ sau một giờ thực tập lắng nghe. Khi thầy cô giáo có thể lắng nghe và hiểu được khổ đau của học trò mình thì học trò cũng sẽ lắng nghe khi thầy cô giáo có khổ đau trong lòng. Bởi vì thầy cô giáo cũng có rất nhiều nỗi khổ, niềm đau. Nếu các em đã thấy và đã hiểu được khổ đau của thầy cô giáo thì sự truyền thông sẽ trở nên dễ dàng, và như vậy việc dạy và học cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Chúng tôi đã khám phá ra điều này nhờ vào kinh nghiệm có được khi đào tạo các giáo viên về chánh niệm. Vì vậy chúng tôi thấy rằng sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giữa thầy cô giáo và học sinh, sinh viên có thể giúp làm thay đổi môi trường học đường, và giúp cho việc dạy và học trở nên tốt hơn.
Tôi nghĩ quý vị có thể đưa sự thực tập này vào nội dung đào tạo dành cho các giáo viên của trường. Muốn tốt nghiệp khóa học này, các giáo viên không chỉ nắm lý thuyết mà còn phải thực tập lắng nghe khổ đau của chính mình và khổ đau của những người xung quanh. Đây là một sự thực tập rất hay. Và nó luôn luôn có hiệu quả.
Thất nghiệp vẫn có thể hạnh phúc
...Những người không có việc làm chắc chắn là khổ rồi, nhưng ngay cả những người có việc làm cũng vẫn khổ như thường. Vì vậy, đây không phải là vấn đề của những người không có việc làm mà thôi.
  

Trong tăng thân chúng tôi, nhiều người đã từng có công ăn việc làm rất tốt nhưng họ đã từ bỏ những công việc đó để trở thành “thất nghiệp”. Tôi nghĩ chúng ta phải nói với người trẻ về hạnh phúc chân thực là gì. Bởi vì nhiều người nghĩ rằng hạnh phúc được làm bởi tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc dục... Và nếu không đạt được những thứ đó thì họ khổ. Nhưng chúng ta thử nhìn xem, trong xã hội có nhiều người đã có đầy đủ những thứ đó nhưng vẫn tiếp tục khổ đau, thậm chí có nhiều người còn đi đến chỗ tự tử.
Vì vậy, theo tôi, hạnh phúc chân thực chỉ có được khi ta được hiểu, được thương, và ta có khả năng hiểu và thương những người khác. Chúng ta hoàn toàn có thể sống hạnh phúc mà không cần có nhiều tiền bạc. Ở Làng Mai, chúng tôi đang chứng minh cho điều đó. Ở đây các thành viên trong tăng thân không ai có nhà riêng, xe riêng, tài khoản riêng và cũng không có lương hàng tháng. Nhưng chúng tôi đâu có khổ, chúng tôi rất hạnh phúc, các bạn có thể thấy chúng tôi vui cười cả ngày. 
Đó là bởi vì chúng tôi sống trong sự hòa hợp và biết cách chế tác tình huynh đệ. Ngoài ra, chúng tôi thấy mình sống có ích và giúp được cho nhiều người bớt khổ. Chúng tôi thấy rằng hạnh phúc chân thực được làm bởi lòng từ bi và tình thương chân thực. Vì vậy mà dù ta sống rất giản dị và tiêu thụ rất ít thì ta vẫn có thể hạnh phúc như thường.
Thay đổi quan điểm về hạnh phúc
Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi quan niệm về hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc và ý niệm đó có thể là trở ngại chính ngăn chúng ta tiếp xúc với hạnh phúc chân thực. Nếu chúng ta chưa tìm được việc làm thì chúng ta vẫn có thể sống một cách đơn giản, tiêu thụ ít lại nhưng vẫn có thể hạnh phúc hơn nhiều người đang có rất nhiều tiền bạc, địa vị và quyền lực trong xã hội.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đối thoại, giới trẻ, giáo dục

Đó là lý do vì sao công tác giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta cần đưa những nội dung như nghệ thuật xử lý khổ đau và chế tác hạnh phúc vào giảng dạy tại trường học. Điều này rất quan trọng.
Tôi nghĩ các thầy cô giáo là những người cần phải nắm cho được nghệ thuật chế tác hạnh phúc và xử lý khổ đau, rồi sau đó mới trao truyền lại cho các sinh viên của mình. Chúng ta cần phải bắt đầu với các giáo viên trước. Thầy cô giáo hạnh phúc thì học trò cũng sẽ hạnh phúc và thế giới này cũng nhờ đó mà trở nên tốt đẹp hơn.

(Theo Sen Vàng) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét