Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

2012 LÌ XÌ TẾT


TỤC MỪNG TUỔI (HAY LÌ XÌ)

Ngày tư ngày tết, ngoài được mặc quần áo mới, vui chơi trẻ con còn háo hức chời đợi được ông bà cô bác…cho tiền mới hay còn gọi là Lì xì(压岁钱, phát âm: ya sui qian): Thường khi cúng giao thừa xong, bánh trái được đem ra phát cho trẻ con, còn người lớn thì uống trà và con cháu trong nhà ra mừng tuổi người lớn. Trước hết là ông, bà, cha, mẹ sau đó là anh chị đã trưởng thành…Khi trẻ mừng tuổi,người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn.
Theo tác giả Nguyễn Sơn Hà ghi chép trong “Triết lý phong tục ngày tết” thì "lì xì" là gốc tiếng Nôm nói trại ra từ chữ "lợi thị" với nghĩa là lợi lộc, tiền của, hay giàu có với sự mua bán đổi chác… vì người ta hay hiểu theo kiểu vật chất bề ngoài. Nhưng hai chữ "lợi thị" ở đây có chữ "thị" viết với bộ thị (âm) "kỳ" có nguyên nghĩa là Tổ, hay Thần (thổ), nên hiểu rộng là lễ tế Tổ, tế Thần. Còn chữ "lợi" viết với bộ "đao", có nguyên nghĩa là đẹp đẽ thuận lợi, vì đó là 1 trong 4 đức tính của quẻ Càn : nguyên, hanh, lợi, trinh. Như vậy hiểu nghĩa rộng ra là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", tức là nghĩa thuận lợi và tốt đẹp bền vững cho mọi chuyện nên nói là "mỹ lợi", hay còn nói là "lợi giả nghĩa chi hòa dã" có nghĩa là hòa hợp những cái thích nghi cân xứng . Do đó phong tục "lì xì" với nguyên nghĩa cũng là sự cúng tế Tổ, tế Thần, tức là để Hành động sắp đặt mọi sự sao cho thích nghi cân xứng để cho tốt đẹp thuận lợi thì sẽ được tài lộc may mắn, mà người mình trao tặng cho nhau bao lì xì nhân dịp đầu năm. Vì vậy mà bao lì xì luôn luôn là màu đỏ tức hành Hỏa, vì Hỏa biểu tượng ánh sáng hỏa châu soi cho "tâm thức" con người để biết đường sống Đạo, là biết sắp đặt mọi sự sao cho thích nghi cân xứng hòa hợp thì sẽ được thuận lợi. Nên người ta hay nói "số đỏ" là số hên, là số có "lợi" với ý nghĩa biết hoà hợp để thích nghi và tiến hoá, để thành Tài thành Nhân. Vì vậy mà giấy bạc (tiền) mới trong bao lì xì là ý nghĩa cầu chúc cho mình biết thích nghi để cho mọi sự tốt đẹp thuận lợi thì đó là "lợi lộc" trong suốt năm mới. Ngoài ra với bất cứ ý nghĩa nào khác chỉ là dị đoan mê tín !
Theo cổ tích Trung Quốc thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.
Theo truyền thuyết: Thì Ngày xưa có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm Giao thừa khiến trẻ con giật mình khóc thét lên. Hôm sau đứa trẻ nhức đầu, sốt cao, làm cho bố mẹ không dám ngủ, phải thức canh phòng yêu quái. Có một cặp vợ chồng nọ mới sinh được một mụn con trai kháu khỉnh. Tết năm đó, có 8 vị tiên dạo qua, biết trước cậu bé sẽ gặp nạn liền hóa thành 8 đồng tiền ngày đêm túc trực bên cậu bé. Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại và đặt lên gối con rồi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện định làm hại đứa trẻ thì từ chiếc gối loé lên những tia vàng sáng rực, khiến nó khiếp vía bỏ chạy.
Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là "Tiền mở hàng".
Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.
Ngày nay tục mừng tuổi vẫn giữ, con cháu biết chúc tụng lời tốt lành cho ông bà cha mẹ trong ngày đầu năm với mong muốn ông bà cha mẹ sống lâu với con cháu. Nó còn có tình giáo dục con cháu biết quí trọng tình cảm gia đình, biết quan tâm, yêu thương nhau, học tốt, sống tốt làm rạng danh dòng họ. Tuy nhiên có một số người lợi dụng tục lì xì để mua quan, bán chức để lấy lòng cấp trên…Đó là một điều đáng chê trách.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

về tái cấu trúc kinh tế.

Tái cấu trúc 'đừng là trò chơi chính trị'

Cập nhật: 12:58 GMT - thứ bảy, 3 tháng 12, 2011
Ông Jonathan Pincus từng là kinh tế gia cao cấp tại UNDP ở Việt Nam.
Kinh tế gia Jonathan Pincus, làm việc cho Chương trình Việt Nam, Harvard Kennedy School và là Hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Tp HCM vừa có bài viết đăng trên Bấm Financial Times, đánh giá về nỗ lực tái cấu trúc kinh tế của Việt Nam. BBC tiếng Việt giới thiệu cùng quí vị.
Báo chí Việt Nam đưa tin dày đặc về tái cấu trúc kinh tế. Lạm phát giá cả vượt quá 20%, mức lãi suất danh nghĩa cao, tiền đồng bị mất giá và thâm hụt mậu dịch triền miên đã làm suy yếu niềm tin trong chiến lược phát triển của chính phủ, bao gồm cả việc tự do hóa thương mại trong ngành nông nghiệp và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, cộng với việc trợ giá và bảo hộ cho cho các công ty nhà nước.

Nhưng Việt Nam thực sự nên làm gì để thay đổi có kết quả?

Việc tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới đã được chính thức phê duyệt. Tháng trước, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, một lần nữa kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi của họ và ra lệnh cho Bộ Tài chính công bố kết quả tài chính của tổng công ty và các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, được gọi là tập đoàn kinh tế nhà nước.

Tuy nhiên, tái cấu trúc kinh tế lại được hiểu theo cách khác nhau từ những người khác nhau.

Cách diễn giải cấp tiến nhất – và là cách mà giới ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội ủng hộ - được dựa trên việc định nghĩa lại vai trò của nhà nước, chủ yếu thông qua việc bán các công ty nhà nước.

Hầu hết giới lãnh đạo Việt Nam không sẵn lòng đi xa như vậy. Họ ưa kiểm soát hành chính chặt chẽ hơn đối với chính quyền cấp địa phương và các công ty nhà nước, và giảm mức đầu tư công cũng như thâm hụt tài chính.

Người ta đề xuất các biện pháp khác nhau để đạt được một mục tiêu chung: đó là áp đặt kỷ luật đối với doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương.

Việt Nam từ trước tới nay đầu tư hơn 40% GDP, phần lớn từ ưu đãi quỹ đất của nhà nước và tín dụng dành cho các công ty nhà nước cũng như chính quyền cấp địa phương.
"Bán các công ty nhà nước và buộc chính quyền cấp tỉnh dùng doanh thu của địa phương và vay qua trái phiếu để đầu tư công sẽ làm giảm phạm vi cho vay với động cơ chính trị."
Như vậy có nghĩa là người ta sẽ dễ có lãi khi được cấp đất và được đi vay với lãi suất thấp, thậm chí đượccấp miễn phí, chứ thực ra kinh doanh để có lãi không phải là mục đích chính.
Khi công chức có ngưỡng nhiệm kỳ là 5 năm hoặc ngắn hơn, và nhiều tiền được chi để thực hiện giao dịch và ký kết hợp đồng, thì lối đầu tư kể như là theo khuôn mẫu giao dịch chỉ có một lần hơn là cam kết có tính lâu dài.

Vì vậy, tái cấu trúc kinh tế là qui định nhằm khóa vòi nước đầu tư công, hoặc ít nhất là nhằm đạt được một mối quan hệ chặt chẽ giữa đầu tư và lợi nhuận kinh tế.
Để cho chắc chắn, Quốc hội Việt Nam vừa công bố giảm tỷ trọng đầu tư theo kế hoạch từ 42 xuống 35% GDP.

Tuy nhiên phía nước ngoài ủng hộ cơ chế dùng sức cạnh tranh thị trường để áp đặt kỷ luật đối với công ty nhà nước và các cơ quan của Việt Nam.
Bán các công ty nhà nước và buộc chính quyền cấp tỉnh dùng doanh thu của địa phương và bán trái phiếu để đầu tư công sẽ làm giảm phạm vi cho vay với động cơ chính trị.

Nhưng cách tiếp cận này giả định rằng có một giới nhà đầu tư thực sự là tư nhân và sẵn sàng và có khả năng mua các tài sản nhà nước cũng như mua trái phiếu chính phủ.
'Quyền lực gián tiếp'
Thủ tướng Dũng mới chỉ đạo cổ phần hóa một số tập đoàn kinh tế nhà nước.
Martin Gainsborough, khoa học gia chính trị từ trường Đại học Bristol ở Anh đã lập luận rằng ngay cả trên danh nghĩa các nhà đầu tư tư nhân tại Việt Nam đều có liên kết với nhà nước theo một kiểu nào đó, ví dụ như thông qua việc kết nối với các công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, các hợp đồng nhà nước hoặc các giao dịch đất đai từng được "cổ phần hóa”.
"Tái cấu trúc thực sự sẽ chỉ xảy ra khi người ta cân nhắc tới kinh tế thay cho tính toán chính trị để làm cơ sở để ngân hàng cho vay tiền"
Tức là người ta còn lâu mới giảm vai trò của nhà nước mà việc tư nhân hóa (cổ phần hóa) đã trao cho nhà nước quyền lực gián tiếp bằng cách mở rộng mạng lưới doanh nghiệp có liên kết với chính phủ.

Sự bùng nổ các tập đoàn "giống tư nhân" đã tích lũy được tài sản khổng lồ thông qua ưu đãi về đất đai của nhà nước, tín dụng và các hợp đồng kinh doanh minh chứng cho quan điểm rằng tư nhân hóa tại một đất nước mà khu vực tư nhân nhỏ và yếu sẽ nhiều khả năng không thể tạo ra các kết quả như mong đợi.

Trong khi đó, chính phủ từ chối bán cổ phần kiểm soát của các công ty nhà nước cho các nhà đầu tư nước ngoài, một chính sách từng được coi là để bảo hộ và rất được ưa dùng.
Người Việt Nam có thể đã mất lòng tin vào các doanh nghiệp nhà nước, nhưng điều đó không có nghĩa là họ tin người nước ngoài.

Tiến bộ trong việc tăng hiệu quả đầu tư sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng của chính phủ áp đặt kỷ luật đối với các ngân hàng - không chỉ các ngân hàng thương mại nhà nước, mà còn cả "ngân hàng cổ phần", mà có nhiều ngân hàng trong số này thuộc sở hữu của các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước.

Tái cấu trúc thực sự sẽ chỉ xảy ra khi người ta để dùng việc cân nhắc tới kinh tế thay cho tính toán chính trị để ngân hàng làm cơ sở khi cho vay tiền.
Làm thế nào để đạt được sự thay đổi này vẫn là vấn đề cơ bản của việc tái cấu trúc kinh tế tại Việt Nam.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

2012 Huỳnh Ngọc Chênh= Chỉnh đốn Đảng- Tái cấu trúc kinh tế.

Huỳnh Ngọc Chênh
Ngay sau khi ông Nguyễn Phủ Trọng phát động đợt chỉnh đốn trong toàn Đảng từ trên cao xuống đến cơ sở vì sự sống còn của Đảng  thì quả bom Đoàn Văn Vươn phát nổ làm rúng động dư luận.
Quả bom ấy là sự phản ứng tuyệt vọng của một người nông dân chân chất hiền lành bị đẩy đến bước đường cùng bởi những sai lầm của hàng loạt cơ quan chức năng cộng với lòng tham của bọn cường hào mới, đang nhanh chóng sinh sôi ra từ những lỗ hổng của cơ chế. Trong trường hợp nầy là lỗ hổng của cơ chế về quản lý đất đai.

Sự không rõ ràng về quyền sỡ hữu đất đai đã làm cho các cấp chính quyền địa phương vận dụng một cách tùy tiện vào việc quản lý, giao và thu hồi đất. Từ đó kích thích sự phát triển lòng tham của một số vị quan chức, đẩy dần họ vào vòng tay của một nhóm lợi ích để rồi họ tự diễn biến thành một tầng lớp cường hào mới. Hệ quả: Người nông dân bị tước đoạt đất đai một cách tàn nhẫn.
Không riêng gì ở lãnh vực quản lý đất đai, lỗ hổng cơ chế có ở khắp mọi lãnh vực như kinh tế, giáo dục, văn hóa… Không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Hoàng Tụy nói: “Mấy năm nay trong xã hôi ta thường nghe nói đến các lỗi hệ thống. Và trong năm 2011 cụm từ tái cấu trúc được nhắc đi nhắc lại với tần số kỷ lục trong các giải pháp vượt qua khó khăn kinh tế gay gắt hiện nay.”
Những lỗ hổng cơ chế ấy phát sinh ra từ một hệ thống bị lỗi. Lỗi hệ thống sinh ra lỗ hổng cơ chế, lỗ hổng cơ chế sinh ra sự tùy tiện trong vận hành của bộ máy, sự tùy tiện trong vận hành làm rối loạn các hoạt động kinh doanh sản xuất và phát sinh ra tiêu cực. Rối loạn  kinh doanh sản xuất đưa đến suy thoái kinh tế, tiêu cực làm thoái hóa đạo đức các cán bộ của Đảng được phân công nắm giữ các khâu vận hành.
Đảng đang báo động về sự suy thoái đạo đức của cán bộ đảng viên. Ông Nguyễn Phú Trọng nói: Suy thoái đạo đức nghiêm trọng kể cả ở cán bộ cấp cao. Ông Trương Tấn Sang nói: Có cả đàn sâu. Ông Nguyễn Sinh Hùng bảo: Kỷ luật hết lấy ai làm việc.
Rồi suy thoái kinh tế, giáo dục, văn hóa… thì không cần báo động cũng thấy rõ qua thực tế.
Để khắc phục suy thoái đạo đức, đảng phát động chỉnh đốn Đảng
Để khắc phục suy thoái kinh tế, đảng nói đến việc tái cấu trúc.
Nhưng cả hai việc ấy chỉ giải quyết phần ngọn theo kiểu hư đâu sửa đó chắc chắn sẽ chẳng đi tới kết quả mong muốn. Không thể bỏ tù vài cán bộ tham ô là giảm được thất thoát trong xây dựng cơ bản xuống dưới 30%. Không thể nay cấm xe mai tăng lệ phí là chấm dứt được tình trạng ùn tắc giao thông. Không thể bắt vài người buôn ngoại tệ, vài kẻ bán vàng là ổn định được thị trường vàng, ngoại tệ. Làm như vậy cũng giống như bị sốt cao do viêm họng mà điều trị bằng thuốc giảm sốt. Giáo Sư Hoàng Tụy cho rằng cần phải chỉnh sửa từ gốc tức là phải chỉnh sửa lỗi hệ thống, nghĩa là phải tái cấu trúc lại các thành phần hình thành nên hệ thống thì mới khắc phục được các loại suy thoái.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng  để chống suy thoái đạo đức nên phải chỉnh đốn đảng. Việc chỉnh đốn đảng là công việc tự làm như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Ai không tự thấy sai sót thì nhờ đồng chí chỉ ra như chỉ vết nhọ trên mặt để mình rửa đi là sạch. Nói như vậy thì có am hiểu biện chứng không nhỉ?  Vì đúng với biện chứng, đạo đức người cán bộ phải được soi xét ngay khi người ấy đang ở vị trí được phân công trong bộ máy đang vận hành. Anh có đạo đức tốt nhưng nằm trong cổ máy vận hành bởi một hệ thống bị lỗi thì anh dễ dàng bị đẩy vào lỗi lầm trừ khi anh thoát ra khỏi bộ máy bị lỗi đó.
Ông chủ tịch huyện Tiên Lãng sẽ không tùy tiện giao đất cho mỗi người mỗi kiểu và tùy tiện thu lại đất của gia đình anh Vươn một cách bất chấp đạo lý để giao lại cho ai đó vì động cơ nào đó nếu như không có lỗ hổng trong cơ chế vận hành quản lý đất đai. Không có lỗi vận hành đó thì ở cương vị chủ tịch huyện, ông Lê Văn Hiền không rắp tâm cấu kết với tòa án để lừa cho anh Vươn rút đơn khiếu kiện rồi đẩy anh vào bước đường cùng. Để rồi quả bom Đoàn Văn Vươn phải nổ.
Như nhà báo Huy Đức đã viết trong bài Quả bom Đoàn Văn Vươn:
Nếu như, quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, thì cách khai hoang, lấn biển của gia đình anh Vươn phải được coi như một hình thức thụ đắc ruộng đất mà từ xa xưa cha ông ta đã áp dụng cho người dân để ngày nay Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. Nếu như quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, Chính quyền không thể hành chính hóa các giao dịch dân sự liên quan đến đất đai. Các đại gia không thể thậm thụt với đám cường hào thu hồi những mảnh đất của dân mà họ mua không được.
Tại sao quyền sở hữu đất đai của người dân không được công nhận? Ấy là do hệ thống điều hành buộc phải như vậy. Đó là một đơn cử về lỗi hệ thống. Nếu lỗi hệ thống ấy không được chỉnh sửa để đưa đến một bộ luật đất đai hợp lý, không bị lỗi ra đời, thì như nhà báo Huy Đức cảnh báo, không chỉ có một chủ tịch huyện Lê Văn Hiền mà trong cả nước có đến 500 chủ tịch huyện đang đứng trước sự hấp dẫn của hàng vạn đất ha đất đang đến hạn thu hồi. Ai bị thu hồi, ai được tái giao, ai được giao mới đều toàn quyền nằm trong tay các chủ tịch huyện. Đó là lỗ hổng cơ chế đồng thời là hố đen đạo đức dễ dàng làm sa chân 500 chủ tịch huyện. Đó là 500 cán bộ đảng cần phải suy xét đạo đức ngay trong vị trí vận hành của họ để chỉnh đốn. Mà không chỉ có 500 cán bộ ấy thôi.
Liệu có chỉnh đốn được không khi cổ máy được vận hành bởi một hệ thống có lỗi luôn chạy theo hướng đẩy họ vào chỗ sai lầm?
Phải như giáo sư Hoàng Tụy nói: Tải tái cấu trúc ngay chính hệ thống đang bị lỗi.
Nhưng nói lỗi hệ thống và tái cấu trúc là cách nói tế nhị cho vừa tai của đảng ấy mà.

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

2012 "60 Năm Cuộc Đời"

Thursday, 12 January 2012 19:39

Em ơi có bao nhiêu
60 năm cuộc đời
20 năm đầu
Sung sướng không bao lâu
20 năm sau
Sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao...
Y Vân
Tôi xin phép đươc mượn ít lời trong bản nhạc "60 Năm Cuộc Đời" của nhạc sĩ Y Vân để mở đầu cho bài viết này, chứ thực sự cho tới hôm nay - lúc ngồi viết bài này -  thì đời tôi đã dài hơn con số 60 tới 12 năm, và còn dài hơn bao nhiêu năm nữa thì chưa biết, vì tuy đã... lẩm cẩm lắm rồi nhưng tôi thấy mình vẫn còn ăn ngon ngủ được nên mới dám nói như thế.
Bà xã tôi - cái khúc xương sườn cụt của tôi ấy - cứ mỗi lần tôi viết xong một bài đưa cho bà ấy đọc thì bà ấy lại bửu mỏ ra bào: Ối dào, ông mà viết lách cái gì, toàn là vạch áo cho người xem lưng! Nghe vậy tôi tức lắm, nghĩ bụng đúng là Bụt chùa nhà không thiêng! Nghĩ thế thôi chứ chẳng hơi đâu mà "Thanh Minh, Thanh Nga" hay là  đôi co với bà ấy, cứ miễn là mình viết gửi đi 10 bài thì 9 bài báo đăng (chùa) là được rồi. Với lại thực sự thì chỉ tại tôi không có tài tưởng tượng như người ta. Người ta thì cứ ngồi trong nhà, cà phê, thuốc lá rồi tưởng tượng thôi mà cũng viết được tràng giang đại hải. Có vị tả có một khúc đường đi thôi mà viết được cả trang giấy, cảnh xen với tình, tình lồng trong cảnh, đọc cứ rối tinh rối mù lên. Viết thế thì tôi chịu thua, cứ phải là "có bột mới gột nên hồ". Mà "bột" đây là chuyện thật "một chăm phần chăm em ơi" rồi thêm mắm dặm muối vào cho nó dài ra. Thế thì truyện thực lấy ở đâu ra nếu không phải là chính chuyện của mình hoặc của những người bà con thân thuộc với mình?
Cái truyện ngắn "Bà Cô Bên Chồng" tôi viết được nhiều người khen hay, ấy thế mà bà xã tôi cũng vẫn chê, bảo: "Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại", ông đem cả Cô mình ra mà viết thế không phải "vạch áo cho người xem lưng" thì là gì? Tôi cãi: Anh viết toàn là sự thật, những chuyện chính mắt anh thấy hoặc nghe "Bu" kể lại (tôi gọi Cha, Mẹ là "Thày, Bu"), nhưng anh cũng đã viết ngày còn trẻ thì Cô thế, nhưng càng về già Cô càng thay đổi tính nết, trở nên người hiền lành rất dễ thương, chính Thày Bu cũng công nhận như thế. Ngoài ra người ta cũng có câu: "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng", như thế là anh chỉ muốn nói Cô là một trong số những bà Cô bên chồng thôi chứ có phải Cô là người "Bà Cô bên Chồng" duy nhất đâu?
Đến cái bài "Tôi Đi Xem Bói" cũng vậy, tôi đã lấy chuyện thực của mình ra mà viết. Lần xem bói thứ nhất là ngày tôi còn nhỏ, mới học tới lớp Ba hay lớp Nhì gì đó, ông thày xem bói cho tôi là một ông cụ người làng bên, mà cứ như Thày tôi nói thỉ cụ giỏi lắm, nói đâu trúng đó. Hôm đó cụ đã bắt tôi quay đằng trước, quay đằng sau cho cụ ngắm, ngắm chán rồi cụ phán: Thằng này sau này không đến nỗi nào, chỉ phải cái dài mồm ăn người và có tới ba (3) đời vợ!
Cho tới nay nghiệm ra thì những điều cụ nói đều trật lất cả. Tôi chẳng ăn không cái gì của ai bao giờ, "hòn đất ném đi thì hòn chì ném lại", hay là "bánh ít đi thì bánh quy lại" có khi tôi còn chịu thiệt thòi nữa là đằng khác. Còn cụ bảo tôi có những ba đời vợ thì lại càng trật lất nữa: Bà xã tôi đây, tôi đã phải làm áp lực mãi mới được Thày Bu tôi cưới cho từ ngày tôi còn rất trẻ đến nay đã ngoài 50 năm. Năm nay tôi lại đã bước qua cái tuổi "thất thập" được mấy năm rồi, bà ấy kém tôi 4 tuổi, như thế thì cả hai vợ chồng đều đã kể được là "thọ" rồi chứ gì nữa? Vậy mà (nói nhỏ để các vị nghe thôi, nói lớn bà ấy nghe được bà ấy giận đấy) là tôi vẫn còn ì ạch cõng bà ấy trên lưng đây, nói dại đổ xuống sông xuống biển, chẳng may mà Chúa có cất bà ấy đi trước tôi thì tôi cũng đành vâng theo ý Chúa rồi ngồi... khóc thôi, chứ tuổi này rồi rước... vợ mới về để mà thờ à, thế có phải "ông thày" nói tôi có những 3 đời vợ là nói bố láo bố lếu không?
Lần coi bói thứ nhất vì thày bói là thứ người trần mắt thịt nên nói sai thôi cũng được đi, nhưng lần thứ hai "Thánh" phán đàng hoàng mà cũng trật lất các vị ạ. Năm ấy tôi học ở Nha Trang, đang chuẩn bị thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Hôm ấy không nhớ rõ là Chúa Nhật hay là ngày lễ, ngày vía gì mà tôi theo mấy người bạn lên Tháp Bà chơi. Nghe nói Tháp Bà linh lắm, vì thế mà ngày Rằm, mùng Một hay những ngày lễ ngày vía khách thập phương kéo tới đông lắm. Chỗ này xin xăm, chỗ kia vái lậy khói nhang nghi ngút. Tôi cũng bắt chước mấy người bạn hai tay bưng ống thẻ, nghiêm chỉnh cúi đầu, miệng lẩm bẩm xin "Thánh" cho được một que thẻ tốt rồi lắc ống thẻ. Môt que thẻ rớt ra, tôi nhặt đem ra ngoài nhờ một thày bàn xăm coi hộ chứ chữ viết trên cây thẻ là chữ Nho tôi có hiểu gì đâu. Thày lẩm nhẩm đọc rồi ngước mắt nhìn tôi mỉm cười bảo: Chúc mừng cậu, năm nay cậu thi đậu chắc rồi, đây này "Thánh" dạy rõ ràng bảng hổ đề danh! Nghe vậy tôi khoái chí tử, móc túi biếu thày 5 đồng. 5 đồng tiền Việt Nam ngày đó có khi giá trị còn hơn 5 Đô La Mỹ bây giờ nhiều. Ở Mỹ bây giờ, 1 tô phở trung bình cũng phải giá 9, 10 Đô La. Chỉ riêng hội trường Nhà Thờ Giáo Xứ Thánh Giuse ta tô phở chỉ có 6 Đô La là giá đặc biệt bán cho người nhà, nhưng phải self service. Còn Việt Nam ngày đó, một tô phở trung bình chỉ 5 đồng, nhỏ hơn một tí thì 3 đồng, gọi là phở 5 hoặc phở 3.
Nghe thày bảo "Thánh dạy rõ ràng bảng hổ đề danh" tôi mở cờ trong bụng, lẩm bẩm phen này thì đừng có thằng nào chê là "ông" học dốt nữa nhé! Thế nhưng mà các vị ạ, năm đó tôi trượt vỏ chuối, thế có phải là "Thánh" cũng bố láo bố lếu không? Cũng có những lúc, như là muốn "biện hộ" cho "Thánh" tôi lại tự nghĩ: Hay là thấy mình lấc ca lấc cấc "Thánh" bèn "trác" mình cho bõ ghét! Cố biện hộ cho Thánh như thế, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì lại thấy không chấp nhận được, "Thánh" thì phải nói đâu ra đấy chứ "trác" người ta thì còn ra cái thể thống gì nữa?
Lần "coi bói" thứ ba là hồi mới vào tù cải tạo, trại chúng tôi là trại Thanh Hóa, Hố Nai, Biên Hòa. Nơi này trước kia là trại gia binh của một Tiểu đoàn Biệt Đông Quân QLVNCH. Mấy tháng đầu mới nhập trại,  họ còn dễ dãi lắm, học viên chưa phải lao động gì cả, chỉ ăn chơi để chờ học thôi. Không phải làm gì, chỉ chơi thôi mà túi anh nào cũng rủng rỉnh tiền vì lệnh chỉ phải đóng có nửa tháng tiền ăn mà tiền đem theo thì dư. thế là lại nhờ cán bộ mua dùm nào là đậu, nào là đường để nấu chè, nào bánh tét, bánh ú... Nhờ mua cái gì họ cũng mua cho, cán bộ lúc đó tốt lắm, chỉ sau này mới... đổi tính đổi nết hay nói là "trở mặt" cũng được.
Phần lớn những bài viết của tôi đều có thể xếp vào loại truyện "vạch áo cho người xem lưng" được. Nhưng mà sợ gì chứ? Thí dụ như mình là công nhân hạng bét thì nói là làm công nhân hạng bét có chết thằng Tây nào đâu? Vỗ ngực xưng là kỹ sư hoặc làm supervisor hay làm manager làm gì để lúc nào cũng nơm nớp sợ có người biết được họ lại bảo là mình nổ văng miểng!
Mới đây tôi đã viết được một truyện dài với cái tên truyện là "16 năm một quãng đời", kể lại quãng thời gian 16 năm từ ngày tôi qua Mỹ tới ngày tôi về hưu, đã làm bao nhiêu job và mỗi job như thế nào. Truyên thật "Một chăm em ơi một chăm phần chăm"! Có người đọc rồi hỏi tôi sao không viết theo dạng hồi ký mà lại viết như một truyện dài? Tôi trả lời: Giá mà tôi làm "nhớn thật là nhớn" thì tôi đã viết hồi ký rồi, chứ "ấm ớ hội tề" như tôi mà viết hồi ký thì ma nó đọc. Quý vị nào muốn đọc "16 Năm Một Quãng Đời" thì xin vui lòng liên lạc với tôi.
Nhạc sĩ Y Vân chia "60 Năm Cuộc Đời" làm 3 giai đoạn:
20 năm đầu
Sung sướng không bao lâu
20 năm sau
Sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao
Còn tôi thì cho tới hôm nay, lúc ngồi viết bài này đã 72 cái "xuân xanh vương trên mái tóc", vẫn không biết phải chia cuộc đời mình ra làm mấy gai đoạn vì nó lung tung lắm. Từ lúc được sanh ra cho tới khi lấy vợ thì cơm cha cơm mẹ. Lấy vợ rồi thì phải kiếm việc mà làm cho có tiền nuôi mình và nuôi vợ chứ ăn bám cha mẹ thế nào được nữa?
Tôi dạy học ở trường Don Bosco Gò Vấp được 2 năm thì đi lính. Bấm đốt ngón tay, từ ngày bước chân vào Liên Trương Võ Khoa Thủ Đức, cho tới 30 Tháng Tư đen QLVNCH rã đám là xuýt xoát 15 năm. Tiếp đó lại hơn 6 năm tù cải tạo. Ra tù lại sống dưới chế độ xhcn ưu việt thêm 9 năm nữa. Làm đủ mọi nghề, từ anh xích lô đạp đến nhận thầu xây cất những công trình cò con, cuối cùng là làm chủ 2 bàn bi da kèm thêm một cửa hàng tạp hóa nhỏ như cái lỗ mủi. Sang Mỹ theo diện HO cuối năm 1990. Đi làm, đến năm 2006 đủ tuổi về hưu là về ngay. Lại bấm đốt ngón tay thì thấy mình đã đi làm ở Mỹ được 16 năm. Trong 16 năm ấy tôi đã làm vương làm tướng gì, trải qua bao nhiêu job, và mỗi job như thế nào tôi đều đã viết một cách rất thực thà trong cuốn 16 NĂM MỘT QUÃNG ĐỜI.
Cứ công bằng mà nói, tôi bị bà xã chê: "Ông mà viết lách cái gì, chỉ vạch áo cho người xem lưng thôi" là đúng lắm! Ấy thế nhưng mà tôi vẫn cứ viết, tôi tự biện hộ cho mình: Xấu tốt gì thì tôi cũng chỉ viết về tôi thôi chứ có đụng chạm gì đến ai đâu, có làm thiệt hại gì ai đâu mà sợ. Thú thật, điều mà tôi sợ nhất là phải "đi" sau một người. "Đi" sau ai cũng được, sau càng nhiều người càng tốt nhưng đừng "đi" sau bà xã tôi. Sớm tối cầu nguyện, tôi vẫn cầu xin: Lậy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cùng Chúa cho con, nếu đẹp lòng Chúa thì xin Chúa cho con "đi" trước người vợ yêu dấu của con. Tôi đem điều này ra nói với bà xã thì bà ấy bảo:
- Sao ông ích kỷ thế, lại sợ không có người hầu hạ ông chứ gì?
Tôi trả lời:
- Không phải thế, anh không cần người hầu hạ, nhưng thiếu mình thì anh cảm thấy cô đơn lắm!

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

2011 Khoa học Việt Nam

Khoa học Việt Nam: một năm nhìn lại  GS NGUYỄN VĂN TUẤN
Trong quá trình hội nhập quốc tế, mấy năm gần đây, khoa học càng ngày càng được quan tâm, vì nghiên cứu khoa học là một hoạt động mang tính quốc tế. Nghiên cứu khoa học là một trong những chiến lược chính để đưa các đại học Việt Nam lên thành “đẳng cấp quốc tế”. Chúng ta đang ở đâu trong bản đồ khoa học quốc tế? Bài viết này sẽ điểm qua những thành quả của nghiên cứu khoa học, phản ảnh qua số ấn phẩm khoa học được công bố trên những tập san quốc tế năm 2011.

Công bố quốc tế: thước đo năng suất khoa học
Sản phẩm của nghiên cứu khoa học có thể thể hiện qua 3 hình thức: ấn phẩm khoa học, bằng sáng chế, và đào tạo. Ấn phẩm khoa học ở đây chủ yếu là những bài báo cáo kết quả nghiên cứu được chấp nhận cho công bố trên các tập san có bình duyệt (peer review), nhưng cũng có thể kể cả sách chuyên khảo. Nghiên cứu khoa học ngày nay đang chuyển dần đến khái niệm translational research, tức những nghiên cứu có thể áp dụng trong thực tế hay thương mại hoá. Do đó, Bằng sáng chế là một thước đo quan trọng để đánh giá khả năng ứng dụng và thương mại hoá khoa học. Một công trình nghiên cứu khoa học tốt có thể làm đề tài cho một số luận án tiến sĩ và thạc sĩ. Vì thế, sản phẩm của nghiên cứu khoa học, ngoài số ấn phẩm khoa học và bằng sáng chế, còn có thể kể đến số nghiên cứu sinh được đào tạo.
Tuy nhiên, một trong những “sản phẩm” quan trọng của nghiên cứu khoa học là số lượng ấn phẩm khoa học được công bố trên những tập san khoa học quốc tế (gọi tắt là “công bố quốc tế”). Theo chuẩn mực chung trong cộng đồng khoa học, một công trình nghiên cứu mà chưa được công bố quốc tế thì chưa thể xem là hoàn tất. Công bố quốc tế, do đó, là một thước đo quan trọng không chỉ để đánh giá cá nhân nhà khoa học, mà tập hợp ấn phẩm còn dùng để đánh giá tình hình chung về hoạt động nghiên cứu khoa học. Đó cũng là một chỉ tiêu quan trọng nhất mà các chương trình xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế thường dựa vào để đánh giá thành bại. Chẳng hạn như trong chương trình Trí tuệ Hàn Quốc Thế kỉ 21 (Brain Korea 21), Chính phủ Hàn Quốc lấy số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế làm chỉ tiêu để quyết định nên hay không nên tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Ở nước ta, trong vài năm gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng bắt đầu xem xét các công trình công bố quốc tế như là một thước đo để quyết định tài trợ cho nghiên cứu khoa học.
Ngay cả ở những nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai, Singapore, công bố quốc tế cũng được xem là một thước đo quan trọng không chỉ cho nền khoa học của một quốc gia mà còn cho cá nhân nhà khoa học. Mỗi năm, ở các nước trên, người ta làm những phân tích thống kê để đánh giá xu hướng nghiên cứu và so sánh với các nước trên thế giới nhằm đề ra ưu tiên cho nghiên cứu khoa học trong năm tới. Đối với cá nhân nhà khoa học, số lượng và chất lượng công bố quốc tế là chỉ tiêu số 1 để đề bạt các chức danh khoa bảng. Do đó, để biết nghiên cứu khoa học ở nước ta đang ở vị trí nào trong vùng, chúng ta cần phải nhìn lại và so sánh với các nước trong vùng.
Công bố quốc tế từ Việt Nam năm 2011
Trong vài năm gần đây, chúng tôi đã tiến hành một số phân tích về ấn phẩm khoa học Việt Nam trên tập san quốc tế. Những phân tích này cho thấy số lượng bài báo khoa học từ Việt Nam có phần tăng trong 10 năm gần đây, nhưng chất lượng vẫn còn quá thấp, và phần lớn các công trình nghiên cứu vẫn còn lệ thuộc vào nước ngoài. Trong phân tích ngắn dưới đây, tôi sẽ điểm qua một số khía cạnh liên quan đến số lượng ấn phẩm, lĩnh vực nghiên cứu, và các trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở nước ta.
Về số lượng, tính từ đầu tháng 1/2011 đến cuối tháng 11/2011, các nhà khoa học Việt Nam công bố được 1028 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Tính trung bình, mỗi tháng, Việt Nam công bố được 93 bài. Do đó, dự đoán trong năm 2011, con số ấn phẩm khoa học là khoảng 1120 bài. Nếu dự đoán này đúng thì số ấn phẩm khoa học năm 2011 thấp hơn so với năm 2010 (1280 bài).
Nhìn lại dữ liệu 5 năm qua, xu hướng số ấn phẩm có gia tăng, nhưng chưa thấy một sự “đột phá”. Năm 1990 số bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tập san quốc tế chỉ khoảng 250 bài. Đến năm 2005 con số này tăng lên khoảng 600 bài, và đến nay thì khoảng 1000 bài. Tính trung bình, trong vòng 20 năm qua, số ấn phẩm khoa học tăng khoảng 13% mỗi năm. Tỉ lệ tăng trưởng này không cao hơn so với các nước trong vùng.
Con số ấn phẩm khoa học Việt Nam cần phải đặt trong bối cảnh toàn vùng để có một bức tranh đầy đủ hơn. Trong cùng thời gian (2011), Thái Lan công bố 4244 bài báo (tức cao gấp 4 lần Việt Nam), Mã Lai 5363 (cao hơn Việt Nam gấp 5 lần), và Singapore 7296 (hơn Việt Nam gấp 7 lần). Tuy nhiên, số ấn phẩm khoa học Việt Nam đã vượt qua Indonesia và Philippines (Bảng 1).
Bảng 1. Số ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế trong năm 2011 của một số quốc gia
Nước
2011 (tính đến tháng 11)
Việt Nam
1028
Thái Lan
4244
Malaysia
5363
Indonesia
865
Philippines
719
Singapore
7296
Laos
87
Cambodia
103
Miến Điện
37
Hàn Quốc
32446
Úc
30396
Pháp
44836
Nhật
54537
Trung Quốc
112829

265159

Mĩ vẫn là nước có số ấn phẩm khoa học cao nhất thế giới, với 265,159 bài trong năm 2011. Số ấn phẩm khoa học của Mĩ cao hơn 2 lần so với số ấn phẩm của Trung Quốc, nước đang đứng thứ hai trên thế giới. Hàn Quốc với tổng số 32446 bài, đã vượt quá Úc về số ấn phẩm khoa học (20396).
Chất lượng nghiên cứu khoa học. Một thước đo về chất lượng nghiên cứu là chỉ số ảnh hưởng (impact factor - IF) của tập san. Chẳng hạn như trong y khoa và sinh học, tập san có chỉ số ảnh hưởng trên 10 có thể xem là có ảnh hưởng lớn. Đại đa số các ấn phẩm khoa học Việt Nam, ngay cả trong ngành y, chỉ công bố trên những tập san có IF khoảng 1 đến 2. Con số này cho thấy nhiều nghiên cứu khoa học của Việt Nam thường có chất lượng rất thấp, dưới trung bình khá xa.
Lĩnh vực nghiên cứu. Nhìn chung, số bài báo khoa học trong ngành y sinh học vẫn đứng đầu bảng, với 241 công trình. Sau y sinh học là toán (131 bài), vật lí (123), hóa học (110). Các ngành khoa học thuộc vào nhóm “top 10” bao gồm khoa học vật liệu (77), khoa học môi trường (65). Phần lớn những bài báo trong ngành y sinh học của Việt Nam liên quan đến các công trình nghiên cứu y tế công cộng, rất ít những công trình nghiên cứu lâm sàng hay sử dụng công nghệ cao. Xu hướng này cũng không khác mấy so với năm 2010.
Trường / viện. Khi phân tích theo trường / viện, một xu hướng thú vị xuất hiện. Viện Khoa học và Công nghệ công bố được 131 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, và với năng suất này, Viện KHCN là trung tâm đứng đầu nước về số ấn phẩm khoa học, nhưng điều này không có nghĩa là Viện KHCN có năng suất cao hơn các trung tâm và trường khác.
Các trường đại học có nhiều công trình công bố quốc tế thường là các trường phía Bắc. Các trường trong khối Đại học Quốc gia đứng vào hàng thứ hai (với 62 bài). Các trường “top 10” bao gồm: ĐH Bách Khoa Hà Nội (57), ĐH Cần Thơ (42), ĐH Sư Phạm Hà Nội (40), Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (32), Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (20), Đại học Y Hà Nội (19), Viện Toán (17), ĐH Huế và ĐH Vinh (mỗi trường 16 bài). Ở phía Nam, ngoại trừ Đại học Cần Thơ đứng vào hạng “top 10”, không có trường nào đứng vào hạng top 10. Ngay cả những trường “lớn” Như Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Y Dược, v.v. có số ấn phẩm khoa học không đáng kể.
Năng suất. Có thể nói năng suất khoa học của các nhà khoa học Việt Nam còn rất thấp. Viện KHCN có 880 giáo sư và tiến sĩ (207 giáo sư và phó giáo sư và 673 tiến sĩ – số liệu 2008), nhưng năm 2011 chỉ công bố được 131 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Tính trung bình, gần 7 người giáo sư và tiến sĩ mới công bố được 1 bài báo khoa học. Thật ra, trong suốt thời gian 20 năm (1991 – 2010), Viện KHCN chỉ công bố được 785 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Nói cách khác, tính trung bình, mỗi nhà khoa học cần đến >10 năm để công bố được 1 bài báo khoa học.
Tính cả nước, hiện nay Việt Nam có khoảng 7751 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ trong các đại học (số liệu 2008). Nhưng năm 2011 chỉ có 1028 bài báo khoa học. Do đó, tính trung bình, 8 giáo sư và tiến sĩ chỉ công bố được 1 bài báo khoa học trong vòng một năm. Năng suất này tương đương với năng suất của Viện KHCN. Ở Hàn Quốc, các đại học hàng đầu như Đại học Quốc gia Seoul, mỗi giáo sư trung bình công bố 4 bài một năm, cao hơn 30 lần so với Việt Nam.
Hợp tác quốc tế. Khoảng 65% những công trình khoa học của Việt Nam trong năm 2011 là hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Chỉ có khoảng 1/3 ấn phẩm khoa học là thật sự do “nội lực” (tức không có sự hỗ trợ từ đồng nghiệp nước ngoài). Ba nước có hợp tác khoa học nhiều nhất với Việt Nam là Nhật (chiếm 18% tổng số công trình khoa học), Mĩ (13%), và Pháp (12%). Trong cùng thời gian, tỉ lệ hợp tác với đồng nghiệp ngoại quốc của Thái Lan là 50%; nói cách khác họ tự lực gần phân nửa trong tất cả các công trình nghiên cứu. Những số liệu này cho thấy nội lực khoa học của ta vẫn còn kém hơn các nước trong vùng.
Vài nhận xét
Những phân tích trên đây cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học Việt Nam như thể hiện qua số ấn phẩm quốc tế chưa có một bước đột phá. Hiện nay, số ấn phẩm khoa học của Việt Nam chỉ bằng 25% của Thái Lan và Mã Lai, 15% của Singapore. Các nước này cũng có tỉ lệ tăng trưởng số ấn phẩm khoa học trong khoảng 15 đến 17%, nên với đà hiện nay, chúng ta khó bắt kịp các nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai (chứ chưa nói đến Singapore).
Số ấn phẩm khoa học có liên quan mật thiết với chỉ số kinh tế tri thức. Trong một phân tích trước đây, 10 nước ASEAN có thể được chia thành 4 nhóm dựa trên số lượng và chất lượng của ấn phẩm khoa học. Singapore là nước dẫn đầu với kết quả cao nhất, tiếp đó là nhóm thứ hai gồm Thái Lan và Malaysia, và tiếp đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines với thành tích trung bình; và cuối cùng là nhóm thấp nhất về kết quả nghiên cứu khoa học, gồm Kampuchea, Lào, Miến Điện và Brunei. Với tốc độ hiện nay, rất khó để Việt Nam vượt ra khỏi nhóm 3 để tiến đến nhóm 2 trong khối ASEAN.
Phân tích chi tiết hơn về lĩnh vực nghiên cứu phản ánh những nhóm chính như sau: những nước phát triển mạnh về kinh tế thì có kết quả nghiên cứu tốt về kĩ thuật công nghệ cao và công nghệ sinh học (Singapore, Thai Lan và Malaysia), trong lúc những nước nghèo hơn (như Việt Nam, Indonesia, Lào, Kampuchea, Philippines thì có thành tích cao về những lĩnh vực “công nghệ thấp” như y tế công cộng, và đối với Việt Nam là toán và vật lí lí thuyết. Do cơ sở hạ tầng cho hoạt động khoa học yếu kém, hầu hết dự án nghiên cứu ở Việt nam tập trung vào những lĩnh vực lí thuyết hoặc công nghệ thấp như toán cơ bản, vật lí lí thuyết, và y tế cộng đồng, chưa đi sâu vào những lĩnh vực mang tính tầm vóc quốc tế như công nghệ sinh học và di truyền học. Singapore đã và đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển, với ngân sách chiếm từ 1,9% đến 2,5% GDP trong khoảng từ năm 2000 đến 2007, và đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó giữa giới nghiên cứu học thuật với các doanh nghiệp. Hệ quả là, thành tựu nghiên cứu của Singapore phần lớn do đóng góp của nghiên cứu ứng dụng và công nghệ như kĩ thuật điện tử, công nghệ nano, và công nghệ sinh học. Xu hướng này cũng nhất quán với kết quả của một phân tích gần đây cho thấy những nước kém phát triển về kinh tế có xu hướng tập trung vào những lĩnh vực nghiên cứu cơ bản vốn đòi hỏi những thiết bị khoa học và công nghệ hiện đại ở mức tối thiểu.
Khoa học là động lực phát triển kinh tế. Các nước công nghiệp hóa như Hàn Quốc và Singapore nổi bật ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Chỉ trong vòng 20 năm, Hàn Quốc và Singapore đã trở thành một cường quốc trung về khoa học, với nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu. Chúng ta đặt mục tiêu năm 2020 là hoàn thành công nghiệp hóa với kinh tế tri thức. Chúng ta chỉ có 9 năm nữa để thực hiện mục tiêu này, trong khi vị trí khoa học còn quá thấp. Nếu không có một sự đổi mới mang tính cách mạng trong chính sách tài trợ và quản lí nghiên cứu khoa học, e rằng vị thế của khoa học Việt Nam sẽ không thay đổi đáng kể trong vòng 10 năm tới.
(*) Bản ngắn của bài này đã đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần dưới tựa đề "Khoa học Việt Nam: để thoát khỏi nhóm trung bình trong khu vực"

2012 Lời chúc Tết


Lời chúc Tết đến Đảng Cộng sản VN
http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2011/08/12/110812121337_nguyenvandai144.jpg
LS Nguyễn Văn Đài
Viết cho BBC từ Hà Nội
Cập nhật: 10:32 GMT - thứ năm, 12 tháng 1, 2012
Ngày 3 tháng 2 tới đây đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tròn 82 tuổi và trải qua gần một thế kỷ ra đời, tồn tại và phát triển, đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và tôi hy vọng họ vẫn sẽ là một phần của dân tộc Việt Nam.

Chính trị lạc hậu và thể chế độc đoán gây ách tắc giao thông, lộn xộn cơ sở hạ tầng
Những sai lầm, thất bại hay công lao, thành tựu của đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ tôi không đề cập trong bài viết này. Những điều đó hãy để cho lịch sử và nhân dân phán xét.
Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến những vấn đề bức xúc của xã hội Việt Nam trong thời điểm hiện tại.Và tôi cũng đưa ra những quan điểm mang tính cá nhân góp ý cho đảng Cộng sản tự chỉnh đốn và thực hiện tiến trình dân chủ vì tương lai đất nước của chúng ta.
Trong những ngày cuối tháng 12 của năm 2011, đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị trung ương lần thứ tư. Một trong ba vấn đề cấp bách mà hội nghị trung ương lần này đề cập đó là: ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của các bộ đảng viên vì điều này liên quan đến sự tồn vong của đảng Cộng sản.
Vậy vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên đảng Cộng sản xuất phát từ đâu?Điều đó gây ra những ảnh hưởng gì trong đời sống xã hội hiện tại của đất nước, dân tộc Việt Nam?
Vì đâu suy thoái?
Nguyên nhân: Theo quan điểm của tôi, nguyên chính là do thể chế chính trị độc đảng hiện nay không còn phù hợp với một xã hội Việt Nam hiện đại và mở cửa hội nhập với cộng đồng quốc tế. Trong một đất nước với gần 90 triệu dân mà chỉ có một đảng Cộng sản với hơn ba triệu đảng viên, đại diện cho một hệ tư tưởng duy nhất thì đó là một sự áp đặt hết sức vô lý và bất công với hơn 80 triệu người dân.
Trong khi có hàng triệu người Việt Nam qua con đường du học, du lịch, lao động, qua internet, qua các phương tiện truyền thông quốc tế. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục được tiếp thu những hệ tưởng, tư duy tiến bộ trên khắp thế giới.
Theo Hiến pháp Việt Nam, họ có quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, họ có quyền thành lập các tổ chức, đảng phái chính trị để đại diện cho những quan điểm, tư tưởng của họ.
"Các cán bộ, đảng viên đã sa vào 'vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân', tự biến mình thành kẻ phản lại mục tiêu, lý tưởng của đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân…"
Báo Quân đội Nhân dân
Các tổ chức, đảng phái chính trị này có quyền đại diện cho các từng lớp nhân dân khác nhau để giám sát hoạt động lãnh đạo đất nước của chính quyền, của đảng Cộng sản. Các tổ chức, đảng phái chính trị cũng có quyền cử các thành viên của mình tham gia ứng cử vào quốc hội cũng như các cơ quan dân cử cấp địa phương.Nhưng trên thực tế, những hoạt động chính trị của họ đang bị cấm đoán, sách nhiễu, bắt giữ, cầm tù.
Xuất phát điểm từ sự lạc hậu của hệ thống chính trị độc đảng, dẫn đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, các cơ quan, tổ chức kinh tế của Nhà nước diễn ra trong nội bộ và khép kín của đảng Cộng sản.
Những người có tài, có đức nhưng họ không phải là đảng viên đảng Cộng sản, nên họ không có cơ hội được cống hiến tài năng của mình để phục vụ nhân dân và đất nước.
Từ đó phát sinh những đảng viên cơ hội trong chính nội bộ của đảng Cộng sản, nạn con ông, cháu cha, nạn chạy chức, chạy quyền.Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống bắt nguồn từ đây.
Sự lạc hậu của hệ thống chính trị và sự độc quyền về chính trị cũng làm cho các cán bộ đảng viên có tư tưởng độc đoán, chuyên quyền, tư lợi. Khi họ đã dành được vị trí lãnh đạo thì họ lại đặt lợi ích của bản thân lớn hơn lợi ích của nhân dân.Họ không những tìm mọi cách để duy trì quyền lực mà còn tìm cách thăng tiến không phải bằng tài năng mà bằng tiền bạc.Bán các vị trí chức quyền bên dưới, dùng tiền mua chức cao hơn.Sách nhiễu nhân dân để kiếm tiền, tìm cách tham ô ngân sách.

Sự hậu thuẫn của Đảng góp phần dẫn tới vụ đổ bể của Tập đoàn nhà nước lớn thứ hai là Vinashin.
Trong bài viết của tác giả Bấm Huy Thiêm đăng trên trang web báo Quân đội Nhân dân ngày 9/1 năm 2012 đã thừa nhận những vấn nạn tham nhũng trong các cán bộ, đảng viên đảng Cộng sản:
“Tình trạng liên kết, đồng lõa giữa bộ phận này với bộ phận khác “lách luật”, bẻ cong đường lối, chính sách của đảng để trục lợi (lợi ích nhóm) chính là hình thức tham nhũng tập thể, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì con “bạch tuộc” tham nhũng này sẽ còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác..., các cán bộ, đảng viên đã sa vào 'vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân', tự biến mình thành kẻ phản lại mục tiêu, lý tưởng của đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân…"
Sự lạc hậu của hệ thống chính trị tất yếu sẽ dẫn đến nạn chia bè phái và địa phương chủ nghĩa trong nội bộ của đảng Cộng sản. Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của các bộ đảng viên.
Sự lạc hậu của hệ thống chính trị dẫn đến sự thiếu công khai và minh bạch trong mọi vấn đề và mọi lĩnh vực của xã hội.Từ đó mà nẩy sinh ra tiêu cực, tham nhũng và suy thoái về đạo đức và lối sống của các bộ đảng viên diễn ra là điều tất yếu.
Những vấn đề bức xúc của xã hội Việt Nam hiện nay: Sự lạc hậu của thể chế chính trị độc đảng dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên đã gây ra những hậu quả vô cùng xấu cho xã hội. Nguyên tổng bí thư đảng Cộng sản Lê Khả Phiêu đã thừa nhận rằng: “Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm của tộc”.
Trong các xã hội dân chủ, tham nhũng chỉ mang tính chất cá biệt. Chúng nhanh chóng bị phát hiện và ngăn chặn bởi các đảng chính trị đối lập, bởi báo chí tự do. Còn ở Việt Nam, tham nhũng diễn ra từ trung ương đến địa phương, diễn ra ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực. Những điều mà người dân có thể thấy được hàng ngày khi họ phải chi những khoản tiền phong bì cho các quan chức hành chính để xin các giấy phép kinh doanh, đầu tư, xây dựng, …
Họ phải chi tiền phong bì khi con cái họ đi học, chuyển trường, họ phải cho tiền bác sĩ khi đến các cơ sở y tế của Nhà nước để khám chữa bệnh. Họ phải đút lót khi có người thân bị vướng vào vòng lao lý, khi họ có tranh chấp cần đến sự giải quyết của tòa án. Khi họ đi trên đường giao thông chứng kiến nạn mãi lộ.Còn chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tội thì diễn ra ở những nơi kín đáo, riêng tư nên người dân chỉ có thể biết được khi chúng bị phát hiện và đưa lên báo chí.
Méo mó và ách tắc
Sự lạc hậu và yếu kém của thể chế chính trị độc đảng còn thể hiện rõ nét trong việc xây dựng, kiến trúc đô thị, giao thông. Khi đến thăm những quốc gia dân chủ, văn minh chúng ta có thể thấy ngay bộ mặt kiến trúc đô thị, giao thông của họ theo qui hoạch đẹp đẽ,, hợp lý và thuận tiện cho người dân.
Còn ở Việt Nam, bởi các quan chức chính quyền năng lực yếu kém lại bị suy thoái về tư tưởng và đạo đức nên xây dựng và kiến trúc đô thị không giống nơi nào trên thế giới với những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, những con đường không hoàn chỉnh với những nút thắt cổ chai tồn tại cả chục năm trời mà không được giải quyết.

Một đảng chân chính không điều hành bằng quân đội, cảnh sát
Xây dựng những con đường giao thông đắt nhất thế giới trong khi nước ta chưa thoát khỏi nghèo. Nạn ách tắc giao thông sảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các thành phố lớn.
Sự lạc hậu của thể chế chính trị độc đảng còn tạo ra một đội ngũ các bộ đảng viên yếu kém và thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra và giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hàng trăm các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng, có chứa các chất độc hại cho sức khỏe của nhân dân được nhập khẩu và bày bán công khai trên hè phố, trong các khu thương mại.
Các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng và độc hại được sản xuất, tiêu thụ trong nước cũng không được kiểm soát và ngăn chặn.Những điều này không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của các thế hệ người Việt Nam hôm nay mà còn ảnh hưởng đến cả các thế hệ mai sau.
Sự lạc hậu của thể chế chính trị với đội ngũ các bộ đảng viên yếu kém về năng lực và phẩm chất đạo đức trong lĩnh vực quản lý, sử dụng và thu hồi quyền sử dụng đất đai đã gây nên hàng trăm nghìn vụ khiếu kiện, khiếu nại trên toàn quốc, làm hàng chục ngàn người dân mất đất đai, nhà cửa phải sống trong điều kiện tồi tệ, tạm bợ, không ổn định, gây bức xúc cho đông đảo nhân dân.
Trên đây tôi chỉ xin nêu một số hậu quả xấu do sự suy thoái tư tưởng, đạo đức và lối sống của các bộ đảng viên đã và đang diễn ra trong xã hội mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng có thể chứng kiến trực tiếp hoặc đọc, hoặc xem, hoặc nghe trên các phương tiện truyền thông chính thống của Nhà nước. Những vấn đề bức xúc đang diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đang gây nên sự thất vọng và phẫn nộ của đa số nhân dân.
Các quan chức Cộng sản tham nhũng và tham quyền nên hiểu một điều: Quyền lực và của cải rồi cũng sẽ mất đi, đó là những thứ không thể mang theo khi qua đời.
Chỉ có một thứ mà quí vị để lại đó là tiếng xấu cho muôn đời con cháu và một thứ mà quí vị mang theo đó là tội ác để chịu sự phán xét cuối cùng của Thượng Đế.
Vậy giải pháp nào cho đảng Cộng sản Việt Nam tự chỉnh đốn mình?
Công khai và dân chủ
Theo quan điểm của tôi, chỉ có một giải pháp duy nhất cho đảng Cộng sản Việt Nam đó là: “Công khai hóa và dân chủ hóa”. Đảng Cộng sản Việt Nam cần tiến hành đồng thời cả hai:
Thứ nhất là công khai hóa gồm:
Các cán bộ, đảng viên có chức, có quyền từ trung ương đến địa phương phải tiến hành kê khai tài sản và thu nhập hàng năm của bản thân và các thành viên trong gia đình cho toàn dân được biết. Việc kê khai tài sản và thu nhập nếu chỉ diễn ra trong nội bộ mà không công khai cho nhân dân biết thì điều này chẳng có ý nghĩa gì. Nhân dân là chủ nhân của đất nước, nhưng không biết được tài sản và thu nhập của những “người đầy tớ” thì thật đáng mỉa mai.
Công khai hóa thông tin trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao mà không thuộc bí mật quốc gia.
Thứ hai là dân chủ hóa: Đảng Cộng sản phải tiến hành song song dân chủ hóa trong nội bộ của đảng và dân chủ hóa xã hội.
Dân chủ hóa trong đảng Cộng sản: Đảng Cộng sản nên cho phép các đảng viên của mình được tự ứng cử và bầu cử trực tiếp các chức danh lãnh đạo cấp ủy từ trung ương đến địa phương. Cần có sự cạnh tranh tự do và công bằng cách chức danh lãnh đạo của đảng Cộng sản trong các kỳ đại hội của mình.
http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2012/01/12/120112101209_flower_304x171_flower_nocredit.jpg
Xuân về LS Đài chúc mọi đảng viên Cộng sản mạnh khoẻ, có dũng khí để tự chính đốn và dân chủ hóa
Những đảng viên cơ hội, yếu kém năng lực sẽ bị loại bỏ, từ đó tạo nên động lực và sức sống cho chính đảng Cộng sản.
Dân chủ hóa xã hội: Có hai yếu tố cấu thành bắt buộc phải có trong một xã hội dân chủ mà đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận đó là:
Yếu tố thứ nhất là tự do báo chí hay báo chí độc lập tức là đảng Cộng sản phải chấp nhận quyền làm báo chí tư nhân của công dân. Đây là quyền con người về chính trị đã được Hiến pháp Việt Nam năm 1992 ghi nhận. Báo chí là một thực thể quyền lực, hoạt động độc lập với chính quyền, thay mặt nhân dân để giám sát và phản ánh mọi hoạt động bình thường cũng như bất thường của chính quyền.
Báo chí thông tin đến người dân tất cả các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao, … Một quốc gia không thể tối đa hóa sự ổn định chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân chủ nếu không có sự tự do báo chí và lan truyền thông tin. Chính phủ không được phép can thiệp vào các hoạt động bình thường của báo chí.
Yếu tố thứ hai là sự ra đời và hoạt động hợp pháp của các tổ chức, đảng phái chính trị khác nhau trong xã hội.Đảng Cộng sản Việt Nam phải thừa nhận và công nhận sự ra đời và hoạt động của các tổ chức, đảng phái chính trị khác một cách bình đẳng.Bởi đó là quyền Hiến định mà mỗi công dân Việt Nam đều được hưởng ngang nhau.Đảng Cộng sản không nên coi các tổ chức, đảng phái chính trị khác là thế lực thù địch, phản động.Mà phải coi họ là đối tác để vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau vì lợi cuối cùng và cao nhất của đất nước và dân tộc.
Trong một xã hội dân chủ, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái chính trị không phải là một cuộc chiến sinh tử mà là một cuộc cạnh tranh để phục vụ nhân dân.Đảng Cộng sản nên coi các tổ chức, đảng phái khác là động lực để đảng Cộng sản tiến hành tự dân chủ trong đảng một cách mạnh mẽ, hoàn thiện chính mình để nhận được sự ủng hộ của nhân dân.
Một đảng chính trị chân chính là một đảng phải có đội ngũ đảng viên có đạo đức, có năng lực và trách nhiệm với nhân dân và Tổ quốc. Một đảng được gọi “ đảng là đạo đức, là trí tuệ, là văn minh” là một đảng dám chấp nhận sự cạnh tranh tự do và công bằng thông qua cuộc bầu cử dân chủ đa đảng. Và đảng đó sẽ dành được đa số phiếu của nhân dân, dành được quyền lãnh đạo bằng uy tín và năng lực của mình.
Một đảng chân chính không bao giờ bảo vệ quyền lãnh đạo của mình bằng quân đội, cảnh sát và nhà tù. Một đảng chân chính không bao giờ duy trì quyền lãnh đạo của mình bằng việc cấm các đảng chính trị khác ra đời và hoạt động.
Một mùa Xuân mới đang về, cũng là lúc đảng Cộng sản Việt Nam tròn 82 tuổi, tôi chúc toàn thể đảng viên đảng Cộng sản mạnh khỏe, có đủ niềm tin và dũng khí để tự chỉnh đốn mình bằng cách tiến hành công khai hóa, dân chủ hóa trong đảng và dân chủ hóa xã hội đáp ứng khát vọng tự do dân chủ của cả dân tộc Việt Nam.
(Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2012)

2012 Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Hiến Lê và Không Khí của Văn Hóa VNCH

Cập nhật: 02:27 GMT - thứ tư, 18 tháng 1, 2012

Nguyễn Hiến Lê
Nguyễn Hiến Lê là một trong những học giả nổi tiếng nhất của Việt Nam thế kỷ 20
Ngày 8 tháng Giêng năm nay đánh dấu ngày sinh nhật 100 năm của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), học giả nổi tiếng của thế kỷ 20.
Với khoảng 100 tác phẩm phát hành trong thời chiến, cụ Nguyễn Hiến Lê có thể là tác giả viết nhiều, in nhiều, và được đọc nhiều nhất trong thời kỳ 1950-1975 ở miền Nam. Lại có khoảng 20 bản thảo của cụ được in sau ngày thống nhất quốc gia, phần lớn là sau khi cụ qua đời. Nhiều tác phẩm cũ của cụ cũng được phát hành lại từ cuối thập niên 1980 tới nay. Mặc dù đã quá cố gần 30 năm, ảnh hưởng của cụ còn khá lớn lao.
Nhưng con số tác phẩm chỉ là một khía cạnh của Nguyễn Hiến Lê. Một khía cạnh khác là cụ viết rất nhiều thể loại: ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, địa lý, giáo dục, du ký, tiểu sử, và sách “học làm người”. Đối với chúng ta, hậu duệ của cụ lớn lên trong văn hóa nặng chuyên môn, điều này nghe khá đặc biệt. Nhưng nó không lạ lùng với thế hệ trí thức của cụ Lê.
Họ là thế hệ trưởng thành trong hai thập niên cuối thời thuộc địa, cũng chuyên môn nhưng rộng rãi hơn về đọc, viết, và suy tưởng. Họ lớn lên và hấp thụ không khí văn hóa thành thị sôi nổi như nhóm Tự Lực Văn Đoàn và báo Phụ Nữ Tân Văn trong thập niên ba mươi, hay các nhóm Thanh Nghị, Tri Tân, và Hàn Thuyên trong thập niên bốn mươi. Đây là thời điểm rất nhiều bàn cãi và tranh luận trong nhiều lãnh vực về đường hướng và tương lai Việt Nam. Bầu không khí có nhiều lúc gây cấn, nhưng không eo hẹp hạn chế, mà ngược lại mở mang nhãn quan về xã hội, cá nhân, và đời sống hiện đại.
Rồi họ viết báo in sách trong những năm cuối thập niên bốn mươi và đầu thập niên năm mươi. Thời điểm này nổi bật nhất là cuộc kháng chiến chống Pháp và hình thành hai chế độ Nam Bắc: quân sự và chính trị. Còn văn học, nghệ thuật, và văn hóa thường bị đặt phía dưới. Nhưng thời điểm này có một số người làm văn hóa, nhất là tại Sài Gòn, bắt đầu gây dựng sinh lực mới về văn hóa và xã hội, tiếp nối phát triển của văn hóa tiền chiến.
"Cụ đọc nhiều về chủ nghĩa cộng sản và biết không thể chấp nhận nó được. Nhưng vì tình cảm với một số bạn bè kháng chiến chống Pháp cũng như sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong miền Nam, cụ nghĩ là chế độ Hà Nội sẽ không tệ sau thống nhất: một ý tưởng cụ hối hận sau này."
Họ là những người đã có tiếng tại Hà Nội nhưng vào Nam trong thời kỳ 1945-1954 như Nguyễn Vỹ và Lê Văn Siêu. Họ cũng là người gốc miền Nam và luôn sống trong Nam như Nguyễn Duy Cần và Phạm Văn Tươi. Hòa hợp Nam Bắc thời kỳ này rất ư quan trọng và làm đường cho phát triển văn hóa miền Nam sau 1954.
Về Nguyễn Hiến Lê, thời điểm này quan trọng vì cụ gặp được Ngô Trọng Hiếu và Phạm Văn Tươi. Cụ Hiếu, một nhân vật chính trị trong chính quyền VNCH sau này, trợ giúp tiền bạc in quyển sách đầu tay của cụ Lê tại Long Xuyên. Rồi quyển sách dẫn tác giả đến cụ Tươi trên Sài Gòn. Dưới sự điều khiển của cụ Tươi, một loạt sách nhãn hiệu “học làm người” được phát hành qua những tay viết khá mới mẻ, nhất là Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Duy Cần, và Phạm Cao Tùng. (Phạm Cao Tùng không phải ai xa lạ, mà là bút danh của Phạm Văn Tươi.) Mặc dù cụ Lê chỉ hợp tác với nhà xuất bản Phạm Văn Tươi vài năm, cụ luôn ngưỡng mộ và mang ơn sự chăm chút của cụ Tươi, một người tiên phong mở mang văn hóa miền Nam trong thời kỳ chuyển tiếp thuộc địa qua độc lập.
Còn về cụ Lê, thành công về sách giáo khoa và học làm người giúp cụ độc lập về tài chánh cũng như nghề nghiệp. Nhưng cụ cũng cần một bàn tựa văn hóa, và cụ kiếm được nó khi hợp tác với tạp chí Bách Khoa, sáng lập và lãnh đạo bởi Huỳnh Văn Lang rồi sau đó Lê Ngộ Châu. Đây là một trong những hợp tác lâu dài và thành công nhất của lịch sử báo chí Việt Nam thế kỷ hai mươi. Chi tiết về Bách Khoa vẫn cần được tìm hiểu thêm. Nhưng một điều chúng ta có thể khẳng định, là nó hỗ trợ cho tính tình độc lập và ham muốn tìm hiểu của cụ qua gần 20 năm.
"Điểm cuối cùng đáng được nhấn mạnh, không phải chỉ vì cụ Lê sẽ mất hết độc lập nếu sống ở miền Bắc. Mà là vì môi trường văn hóa cũng như pháp luật VNCH, dù hạn chế, vẫn tạo nhiều cơ hội cho tầng lớp trí thức phát triển và phổ biến tư tưởng. "
Nhìn lại Nguyễn Hiến Lê, chúng ta thấy cụ có nhiều tương phản. Cụ là người lớn lên trong miền Bắc, nhưng yêu quý miền Nam và lấy hai người vợ đều người Nam. Cụ viết về nhiều nơi nhiều nước khắp hoàn cầu, nhưng cả đời chỉ đi ra ngoài Việt Nam một hay hai lần. (Ngay cả trong nước, sau 1950 cụ ít ra ngoài Sài Gòn và Long Xuyên.) Cụ đọc nhiều về chủ nghĩa cộng sản và biết không thể chấp nhận nó được. Nhưng vì tình cảm với một số bạn bè kháng chiến chống Pháp cũng như sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong miền Nam, cụ nghĩ là chế độ Hà Nội sẽ không tệ sau thống nhất: một ý tưởng cụ hối hận sau này. Cụ không thích chính phủ Sài Gòn lắm, nhưng cụ không thể nghiên cứu và phổ biến nếu không có nền văn hóa tương đối tự do của chế độ này.
Điểm cuối cùng đáng được nhấn mạnh, không phải chỉ vì cụ Lê sẽ mất hết độc lập nếu sống ở miền Bắc. Mà là vì môi trường văn hóa cũng như pháp luật VNCH, dù hạn chế, vẫn tạo nhiều cơ hội cho tầng lớp trí thức phát triển và phổ biến tư tưởng. Một thí dụ là học hỏi hàm thụ. Cụ Lê rất chăm học hàm thụ trong thập niên bốn mươi và năm mươi, và dùng nhiều tài liệu hàm thụ khi viết lúc này. Một phần là vì sở thích của cụ. Nhưng cũng một phần vì chế độ Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, và Nguyễn Văn Thiệu cho phép thư từ và bài vở qua lại dễ dàng giữa Sài Gòn và Paris.
Một thí dụ khác là sự thành hình và phát triển các nhóm văn chương, nghệ thuật, và văn học, thường thường là bên một tạp chí. Bên trên chúng ta có nhắc tạp chí Bách Khoa. Nhưng còn nhiều tạp chí với những nhóm khác, như Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, Thời Nay của Nguyễn Văn Thái, hay Văn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Đình Vượng, Trần Phong Giao, và Mai Thảo. Những tạp chí và bè nhóm vừa tạo nên và vừa phản ảnh văn hóa đa dạng thành thị bấy giờ.
Vì những lý do trên, khi kỷ niệm sinh nhật 100 năm ngày sinh Nguyễn Hiến Lê, chúng ta cũng nên tưởng niệm môi trường phong phú văn hóa thời VNCH. Không có nó, cụ Lê đã khó mà thành công trên con đường văn hóa cụ đi.
Tác giả Hoàng Anh Tuấn dạy sử Hoa Kỳ và Á Châu bán thời gian tại Palm Desert Campus của California State University, San Bernardino, và nghiên cứu về văn hóa thành thị thời VNCH cũng như lịch sử người Việt tị nạn và di dân qua Hoa Kỳ sau 1975

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

2012 Trị đảng & đảng trị

Trị đảng

Tôi muốn dùng chữ “trị”, trị đảng chứ không phải “xây dựng chỉnh đốn”. Ông Giang Trạch Dân khi đương chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc cũng đã nói “muốn trị quốc phải trị đảng”.
          Hội nghị 4 vừa kết thúc. Chuyện nóng của hội nghị này là… bàn lại vấn đề “xây dựng chỉnh đốn” đảng. Nói “bàn lại” bởi việc “xây dựng chỉnh đốn” trong đảng đã được bàn từ rất lâu, mấy nhiệm kỳ rồi nhưng vẫn chưao đâu, thậm chí càng chỉnh càng xộc xệch thêm.
          Hồi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nghe nói “nhà dột từ nóc”. Đến giờ, hình như “cái nhà” ấy không những dột từ nóc mà “dột nhiều chỗ khác nữa”. “Dột nhiều chỗ khác” là cách nói của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, chứ thật ra không phải dột mà nhiều chỗ đã thật sự… mục nát rồi. Đến như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng phải thốt lên “Trước chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều sâu lắm!”. Còn ông Trọng Tổng Bí thư thì phải thừa nhận rằng “chỉnh đốn đảng vì sự tồn vong của chế độ”.
          Đảng bây giờ không chỉ xộc xệch, ông Phiêu nói thẳng: đảng có những cái đang hư hỏngbản thân đang có bệnh”. Trọng bệnh. Bởi thế ông Phiêu muốn đợt “chỉnh đốn” đảng lần này phải như “không khí chuẩn bị ra trận, tổ chức một chiến dịch như là tổng tiến công”.
          Hư hỏng thì chỉnh đốn, nhưng đã bệnh rồi thì phải trị. Ông Giang Trạch Dân khi đương chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc đã dõng dạc rằng “muốn trị quốc phải trị đảng”. Tôi muốn dùng chữ “trị” này, trị đảng chứ không phải “xây dựng chỉnh đốn”.
          Ở những quốc gia có chế độ đa đảng, sức ép cạnh tranh từ các đảng phái đối lập luôn buộc họ phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Việt Nam độc đảng, không cạnh tranh, không có thế đối trọng, thì việc “trị” đảng, chữa bệnh cho đảng phải dựao dân.
          Bài trả lời của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trên báo Tuổi Trẻ về “xây dựng chỉnh đốn đảng” được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, ông cũng chỉ nói đúng thực trạng, bắt đúng con bệnh của đảng (mà cũng chỉ nhìn ranói đúng khi đã nghỉ hưu), còn cách “trị” vẫn đưa phương thuốc cũ. Cách tự kiểm điểm, “tự soi mình” của ông Phiêu thì rồi cũng luẩn quẩn như kiểu đánh trống phong trào, chứ không mong có sự thay chuyển nào.
          Bản thân mình thì khó nhìn thấy mình, nhất là những khuyết điểm, bệnh tật, đặc biệt là những khuyết tật đó lại nằm phía… sau lưng. Muốn nhìn thấy, muốn trị bệnh thì phải nhờo người khác chứ tự thân đảng không thể chữa trị cho mình được.
          Ai là bác sĩ cho đảng? Không ai khác đó chính là dân. Dựao dân, nhờ dân chỉnh đốn đảng chứ bản thân đảng không thể tự chỉnh đốn mình được, nhất là với thể chế độc đảng như Việt Nam hiện nay.
          Cũng đã có lý do đưa ra: sợ làm mạnh quá sẽ đi đến tình trạng đấu tố như hồi cải cách, sợ “kè thù” lợi dụng, sợ có bộ phận “ngoài đảng” làm bậy… Thực tế, sai lầm thời cải cách ruộng đất là lỗi ở đảng chứ đâu phải kẻ thù, đâu phải ở dân. Hơn nữa, nếu đảng thật sự công minh chính trực, đảng trong sáng thì sợ gì chuyện “đấu tố”? “Dân sinh thành ra đảng, dân là cha mẹ của đảng”. Vì thế tôi tin dân không bao giờ hại đảng, phản đảng.
         Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nghe nhiều người khen. Nhưng tôi không nhìn thấy hi vọng nào.
          “Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn có được sức mạnhuy tín thì đảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, đổi mới, chỉnh đốn; không ai có thể làm thay được” (lời ông Trọng). Tôi nghĩ khác, đảng khó (thậm chí là không thể) tự “chỉnh đốn” được mình. Thực tế bao nhiệm kỳ rồi vẫn thế, có chỉnh đốn được gì đâu, nếu không muốn nói là càng chỉnh càng xộc xệch. Ngay chính câu chuyện về cụ Hồ mà ông Trọng nhắc cũng nói lên điều này: “Có lần Bác nói: "Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ "nể Cụ" không nói là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa, tức là hại người ta".
          Vết nhọ trong đảng không nhờ dân phát hiện thì không thể chùi được. Nói như cụ Hồ, nhọ trên trán đã khó chùi, huống chi nhọ trong óc.
          Khẳng định công tác xây dựng chỉnh đốn đảng là cấp bách, là vấn đề sống còn của đảngchế độ, nhưng lại không hoạch định được thời gian nào, đến nhiệm kỳ nào, 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa… sẽ chùi sạch nhọ, chữa khỏi bệnh cho đảng? Bao giờ thì thực hiện xong cái “nhiệm vụ cấp bách, sống còn” này? Tại sao đảng không dám đặt ra một mục tiêu cụ thể về thời gian cho mình?
          Chữa bệnh khác với việc đánh răng vệ sinh thường nhật. Trọng bệnh mà vẫn thủng thẳng “kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt, quét nhà, rửa bát hằng ngày”? Khối u ác tính cần lập tức cắt bỏ, cho thuốc xạ trị, hóa trị mạnh, chứ không thể chỉ chà cọ đánh răng, chùi rửa hết ngày này sang tháng nọ. Thủng thẳng “chùi rửa” thế thì nó di căn đến hủy hoại đảng mất!
          Muốn trị quốc phải trị đảng. Muốn trị đảng phải dựao dân! Đã trọng bệnh, không thể nằm đó mà tự “chùi rửa” cho mình được. Chỉ có dân mới có thể làm sạch đảng. Chỉ có “bác sĩ” dân mới trị được căn bệnh trầm kha trong đảng. Còn nếu đảng cứ tự “xây dựng chỉnh đốn” mãi, tự “đánh răng chùi rửa” mãi, thì không mong gì khỏi bệnh để… vững mạnh được!