Thursday, 12 January 2012 19:39
Em ơi có bao nhiêu
60 năm cuộc đời
20 năm đầu
Sung sướng không bao lâu
20 năm sau
Sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao...
Y Vân
Tôi xin phép đươc mượn ít lời trong bản nhạc "60 Năm Cuộc Đời" của
nhạc sĩ Y Vân để mở đầu cho bài viết này, chứ thực sự cho tới hôm nay -
lúc ngồi viết bài này - thì đời tôi đã dài hơn con số 60 tới 12 năm, và
còn dài hơn bao nhiêu năm nữa thì chưa biết, vì tuy đã... lẩm cẩm lắm
rồi nhưng tôi thấy mình vẫn còn ăn ngon ngủ được nên mới dám nói như
thế.
Bà xã tôi - cái khúc xương sườn cụt của tôi ấy - cứ mỗi lần tôi viết
xong một bài đưa cho bà ấy đọc thì bà ấy lại bửu mỏ ra bào: Ối dào, ông
mà viết lách cái gì, toàn là vạch áo cho người xem lưng! Nghe vậy tôi
tức lắm, nghĩ bụng đúng là Bụt chùa nhà không thiêng! Nghĩ thế thôi chứ
chẳng hơi đâu mà "Thanh Minh, Thanh Nga" hay là đôi co với bà ấy, cứ
miễn là mình viết gửi đi 10 bài thì 9 bài báo đăng (chùa) là được rồi.
Với lại thực sự thì chỉ tại tôi không có tài tưởng tượng như người ta.
Người ta thì cứ ngồi trong nhà, cà phê, thuốc lá rồi tưởng tượng thôi mà
cũng viết được tràng giang đại hải. Có vị tả có một khúc đường đi thôi
mà viết được cả trang giấy, cảnh xen với tình, tình lồng trong cảnh, đọc
cứ rối tinh rối mù lên. Viết thế thì tôi chịu thua, cứ phải là "có bột
mới gột nên hồ". Mà "bột" đây là chuyện thật "một chăm phần chăm em ơi"
rồi thêm mắm dặm muối vào cho nó dài ra. Thế thì truyện thực lấy ở đâu
ra nếu không phải là chính chuyện của mình hoặc của những người bà con
thân thuộc với mình?
Cái truyện ngắn "Bà Cô Bên Chồng" tôi viết được nhiều người khen hay,
ấy thế mà bà xã tôi cũng vẫn chê, bảo: "Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy
lại", ông đem cả Cô mình ra mà viết thế không phải "vạch áo cho người
xem lưng" thì là gì? Tôi cãi: Anh viết toàn là sự thật, những chuyện
chính mắt anh thấy hoặc nghe "Bu" kể lại (tôi gọi Cha, Mẹ là "Thày,
Bu"), nhưng anh cũng đã viết ngày còn trẻ thì Cô thế, nhưng càng về già
Cô càng thay đổi tính nết, trở nên người hiền lành rất dễ thương, chính
Thày Bu cũng công nhận như thế. Ngoài ra người ta cũng có câu: "Giặc bên
Ngô không bằng bà cô bên chồng", như thế là anh chỉ muốn nói Cô là một
trong số những bà Cô bên chồng thôi chứ có phải Cô là người "Bà Cô bên
Chồng" duy nhất đâu?
Đến cái bài "Tôi Đi Xem Bói" cũng vậy, tôi đã lấy chuyện thực của
mình ra mà viết. Lần xem bói thứ nhất là ngày tôi còn nhỏ, mới học tới
lớp Ba hay lớp Nhì gì đó, ông thày xem bói cho tôi là một ông cụ người
làng bên, mà cứ như Thày tôi nói thỉ cụ giỏi lắm, nói đâu trúng đó. Hôm
đó cụ đã bắt tôi quay đằng trước, quay đằng sau cho cụ ngắm, ngắm chán
rồi cụ phán: Thằng này sau này không đến nỗi nào, chỉ phải cái dài mồm
ăn người và có tới ba (3) đời vợ!
Cho tới nay nghiệm ra thì những điều cụ nói đều trật lất cả. Tôi
chẳng ăn không cái gì của ai bao giờ, "hòn đất ném đi thì hòn chì ném
lại", hay là "bánh ít đi thì bánh quy lại" có khi tôi còn chịu thiệt
thòi nữa là đằng khác. Còn cụ bảo tôi có những ba đời vợ thì lại càng
trật lất nữa: Bà xã tôi đây, tôi đã phải làm áp lực mãi mới được Thày Bu
tôi cưới cho từ ngày tôi còn rất trẻ đến nay đã ngoài 50 năm. Năm nay
tôi lại đã bước qua cái tuổi "thất thập" được mấy năm rồi, bà ấy kém tôi
4 tuổi, như thế thì cả hai vợ chồng đều đã kể được là "thọ" rồi chứ gì
nữa? Vậy mà (nói nhỏ để các vị nghe thôi, nói lớn bà ấy nghe được bà ấy
giận đấy) là tôi vẫn còn ì ạch cõng bà ấy trên lưng đây, nói dại đổ
xuống sông xuống biển, chẳng may mà Chúa có cất bà ấy đi trước tôi thì
tôi cũng đành vâng theo ý Chúa rồi ngồi... khóc thôi, chứ tuổi này rồi
rước... vợ mới về để mà thờ à, thế có phải "ông thày" nói tôi có những 3
đời vợ là nói bố láo bố lếu không?
Lần coi bói thứ nhất vì thày bói là thứ người trần mắt thịt nên nói
sai thôi cũng được đi, nhưng lần thứ hai "Thánh" phán đàng hoàng mà cũng
trật lất các vị ạ. Năm ấy tôi học ở Nha Trang, đang chuẩn bị thi Trung
Học Đệ Nhất Cấp. Hôm ấy không nhớ rõ là Chúa Nhật hay là ngày lễ, ngày
vía gì mà tôi theo mấy người bạn lên Tháp Bà chơi. Nghe nói Tháp Bà linh
lắm, vì thế mà ngày Rằm, mùng Một hay những ngày lễ ngày vía khách thập
phương kéo tới đông lắm. Chỗ này xin xăm, chỗ kia vái lậy khói nhang
nghi ngút. Tôi cũng bắt chước mấy người bạn hai tay bưng ống thẻ, nghiêm
chỉnh cúi đầu, miệng lẩm bẩm xin "Thánh" cho được một que thẻ tốt rồi
lắc ống thẻ. Môt que thẻ rớt ra, tôi nhặt đem ra ngoài nhờ một thày bàn
xăm coi hộ chứ chữ viết trên cây thẻ là chữ Nho tôi có hiểu gì đâu. Thày
lẩm nhẩm đọc rồi ngước mắt nhìn tôi mỉm cười bảo: Chúc mừng cậu, năm
nay cậu thi đậu chắc rồi, đây này "Thánh" dạy rõ ràng bảng hổ đề danh!
Nghe vậy tôi khoái chí tử, móc túi biếu thày 5 đồng. 5 đồng tiền Việt
Nam ngày đó có khi giá trị còn hơn 5 Đô La Mỹ bây giờ nhiều. Ở Mỹ bây
giờ, 1 tô phở trung bình cũng phải giá 9, 10 Đô La. Chỉ riêng hội trường
Nhà Thờ Giáo Xứ Thánh Giuse ta tô phở chỉ có 6 Đô La là giá đặc biệt
bán cho người nhà, nhưng phải self service. Còn Việt Nam ngày đó, một tô
phở trung bình chỉ 5 đồng, nhỏ hơn một tí thì 3 đồng, gọi là phở 5 hoặc
phở 3.
Nghe thày bảo "Thánh dạy rõ ràng bảng hổ đề danh" tôi mở cờ trong
bụng, lẩm bẩm phen này thì đừng có thằng nào chê là "ông" học dốt nữa
nhé! Thế nhưng mà các vị ạ, năm đó tôi trượt vỏ chuối, thế có phải là
"Thánh" cũng bố láo bố lếu không? Cũng có những lúc, như là muốn "biện
hộ" cho "Thánh" tôi lại tự nghĩ: Hay là thấy mình lấc ca lấc cấc "Thánh"
bèn "trác" mình cho bõ ghét! Cố biện hộ cho Thánh như thế, nhưng nghĩ
đi nghĩ lại thì lại thấy không chấp nhận được, "Thánh" thì phải nói đâu
ra đấy chứ "trác" người ta thì còn ra cái thể thống gì nữa?
Lần "coi bói" thứ ba là hồi mới vào tù cải tạo, trại chúng tôi là
trại Thanh Hóa, Hố Nai, Biên Hòa. Nơi này trước kia là trại gia binh của
một Tiểu đoàn Biệt Đông Quân QLVNCH. Mấy tháng đầu mới nhập trại, họ còn dễ dãi lắm, học viên chưa phải lao động gì cả, chỉ ăn chơi
để chờ học thôi. Không phải làm gì, chỉ chơi thôi mà túi anh nào cũng
rủng rỉnh tiền vì lệnh chỉ phải đóng có nửa tháng tiền ăn mà tiền đem
theo thì dư. thế là lại nhờ cán bộ mua dùm nào là đậu, nào là đường để
nấu chè, nào bánh tét, bánh ú... Nhờ mua cái gì họ cũng mua cho, cán bộ
lúc đó tốt lắm, chỉ sau này mới... đổi tính đổi nết hay nói là "trở mặt"
cũng được.
Phần lớn những bài viết của tôi đều có thể xếp vào loại truyện "vạch
áo cho người xem lưng" được. Nhưng mà sợ gì chứ? Thí dụ như mình là công
nhân hạng bét thì nói là làm công nhân hạng bét có chết thằng Tây nào
đâu? Vỗ ngực xưng là kỹ sư hoặc làm supervisor hay làm manager làm gì để
lúc nào cũng nơm nớp sợ có người biết được họ lại bảo là mình nổ văng
miểng!
Mới đây tôi đã viết được một truyện dài với cái tên truyện là "16 năm
một quãng đời", kể lại quãng thời gian 16 năm từ ngày tôi qua Mỹ tới
ngày tôi về hưu, đã làm bao nhiêu job và mỗi job như thế nào. Truyên
thật "Một chăm em ơi một chăm phần chăm"! Có người đọc rồi hỏi tôi sao
không viết theo dạng hồi ký mà lại viết như một truyện dài? Tôi trả lời:
Giá mà tôi làm "nhớn thật là nhớn" thì tôi đã viết hồi ký rồi, chứ "ấm ớ
hội tề" như tôi mà viết hồi ký thì ma nó đọc. Quý vị nào muốn đọc "16
Năm Một Quãng Đời" thì xin vui lòng liên lạc với tôi.
Nhạc sĩ Y Vân chia "60 Năm Cuộc Đời" làm 3 giai đoạn:
20 năm đầu
Sung sướng không bao lâu
20 năm sau
Sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao
Còn tôi thì cho tới hôm nay, lúc ngồi viết bài này đã 72 cái "xuân
xanh vương trên mái tóc", vẫn không biết phải chia cuộc đời mình ra làm
mấy gai đoạn vì nó lung tung lắm. Từ lúc được sanh ra cho tới khi lấy vợ
thì cơm cha cơm mẹ. Lấy vợ rồi thì phải kiếm việc mà làm cho có tiền
nuôi mình và nuôi vợ chứ ăn bám cha mẹ thế nào được nữa?
Tôi dạy học ở trường Don Bosco Gò Vấp được 2 năm thì đi lính. Bấm đốt
ngón tay, từ ngày bước chân vào Liên Trương Võ Khoa Thủ Đức, cho tới 30
Tháng Tư đen QLVNCH rã đám là xuýt xoát 15 năm. Tiếp đó lại hơn 6 năm
tù cải tạo. Ra tù lại sống dưới chế độ xhcn ưu việt thêm 9 năm nữa. Làm
đủ mọi nghề, từ anh xích lô đạp đến nhận thầu xây cất những công trình
cò con, cuối cùng là làm chủ 2 bàn bi da kèm thêm một cửa hàng tạp hóa
nhỏ như cái lỗ mủi. Sang Mỹ theo diện HO cuối năm 1990. Đi làm, đến năm
2006 đủ tuổi về hưu là về ngay. Lại bấm đốt ngón tay thì thấy mình đã đi
làm ở Mỹ được 16 năm. Trong 16 năm ấy tôi đã làm vương làm tướng gì,
trải qua bao nhiêu job, và mỗi job như thế nào tôi đều đã viết một cách
rất thực thà trong cuốn 16 NĂM MỘT QUÃNG ĐỜI.
Cứ công bằng mà nói, tôi bị bà xã chê: "Ông mà viết lách cái gì, chỉ
vạch áo cho người xem lưng thôi" là đúng lắm! Ấy thế nhưng mà tôi vẫn cứ
viết, tôi tự biện hộ cho mình: Xấu tốt gì thì tôi cũng chỉ viết về tôi
thôi chứ có đụng chạm gì đến ai đâu, có làm thiệt hại gì ai đâu mà sợ.
Thú thật, điều mà tôi sợ nhất là phải "đi" sau một người. "Đi" sau ai
cũng được, sau càng nhiều người càng tốt nhưng đừng "đi" sau bà xã tôi.
Sớm tối cầu nguyện, tôi vẫn cầu xin: Lậy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cùng Chúa
cho con, nếu đẹp lòng Chúa thì xin Chúa cho con "đi" trước người vợ yêu
dấu của con. Tôi đem điều này ra nói với bà xã thì bà ấy bảo:
- Sao ông ích kỷ thế, lại sợ không có người hầu hạ ông chứ gì?
Tôi trả lời:
- Không phải thế, anh không cần người hầu hạ, nhưng thiếu mình thì anh cảm thấy cô đơn lắm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét