Lòng Nhân Ái Của Thầy Thuốc Nguyễn Ý Đức, |
Saturday, 08 September 2012 10:12 |
Tập thể của chúng ta ngày càng có thêm rất nhiều bác sĩ y khoa. Những người chọn ngành này là những người ôm ấp, đeo đuổi lý tưởng phục vụ đồng bào, phục vụ tha nhân. Hoặc dùng cụm từ quen thuộc là lý tưởng “Cứu nhân độ thế.” Cộng đồng của chúng ta ở quê người cũng có khá nhiều bác sĩ y khoa xứng đáng với thiên chức “Lương y như từ mẫu.” Nhưng vì công việc đa đoan, hay vì không có nhiều thì giờ cho nên tới hôm nay, chúng ta không có nhiều bác sĩ y khoa dành thời gian để viết về những gì liên quan tới các chứng bệnh từ thông thường tới nan y. Như một thứ cẩm nang phòng ngừa…Để mỗi gia đình có thể lưu giữ trong nhà, bên cạnh những tủ thuốc phải có. Vị bác sĩ y khoa này nói đùa với tôi rằng, với 5, 6 tiếng để hoàn tất một bài viết lưu ý độc giả về bệnh này, bệnh kia xuất hiện theo mùa, hay hậu quả của sự ăn uống, thiếu vận động cơ thể dài lâu…có thể đưa tới những hậu quả nào đó, về phương diện sức khỏe… là một việc làm khá “gay go” đối với ông. Vị bác sĩ này nhấn mạnh: “Mục đích của tôi khi bỏ thì giờ viết một bài gì đó về các loại bệnh thường thức, có tính chất phòng ngừa, không hề vì nhu cầu tiền nhuận nhuận bút. Bởi vì với số thời gian tôi bỏ ra để viết bài, tôi khám được biết bao bệnh nhân.Và, dĩ nhiên, số tiền tôi kiếm được cũng sẽ rất nhiều lần, hơn tiền nhuận bút mà một tờ báo có thể trả tôi. Tóm lại, tôi viết chỉ vì muốn viết. Chỉ vì muốn phục vụ nhiều người cùng một lúc. Nó khác hơn việc tôi khám bệnh, chỉ hữu ích cho một người. Một bệnh nhân mà thôi…” Lời nói thật hay tâm sự của người bạn bác sĩ y khoa vừa kể, khiến tôi liên tưởng ngay tới một bác sĩ y khoa, mà tên tuổi của ông từ nhiều năm qua, đã trở thành quen thuộc với cộng đồng Việt của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới. Luôn cả đồng bào ở Việt Nam. Đó là bác sĩ Nguyễn Ý Đức. Tôi không biết khi đặt tên cho con mình là Nguyễn Ý Đức, đấng sinh thành ra người con trai sau này trở thành một bác sĩ y khoa từ đầu thập niên 1960 ở Saigon đã nghĩ gì? Muốn gửi gấm điều gì cho đứa con yêu quý của mình? Nhưng căn cứ vào sự theo dõi hành trình “cứu nhân độ thế” của mình, tôi thấy ông không chỉ là một bác sĩ y khoa xứng đáng với cụm từ “Lương y như từ mẫu,” mà cái “đức” dường như luôn là một trong những “ý” thức hàng đầu của ông. Hơn thế nữa, dù công việc bề bộn, dù thì giờ dành riêng cho cá nhân và cho gia đình mình không được bao nhiêu, vậy mà ông vẫn cặm cụi viết liên tục từ mấy chục năm qua… Những bài viết có tính cách “y khoa thường thức’ hay “y khoa phòng ngừa” của ông, tôi thấy chúng xuất hiện thường xuyên hàng tuần, hàng tháng trên rất nhiều mặt báo, cũng như trên rất nhiều trang mạng Việt ngữ của chúng ta. Điểm đặc biệt của ngòi bút mang tên Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, không chỉ là tính chính xác với những tài liệu được cập nhật, và những chỉ dẫn chi tiết về nguyên nhân căn bệnh, cách phòng ngừa bệnh….Mà những bài viết của ông, theo tôi còn có tính cách thủ thỉ như một nhà văn kể chuyện đời thường (The Story Teller.) Ông cũng luôn cho thấy tính chất dịu dàng, nhỏ nhẹ trong các bài viết của mình, như thể ông đang nói chuyện, hay dỗ dành một người bạn ngang chướng mà ông yêu quý, quan tâm. Tôi cũng rất thích, và tôi cho là vô cùng đặc biệt khi ông đem được vào trong hàng chục cuốn sách thuộc loại “y khoa phòng ngừa” của ông, phần văn học quá khứ. Đó là những bài học ngụ ý sâu sắc. Đồng thời, ông cũng cho người đọc cơ hội được sống lại những kỷ niệm của một thời vang bóng. Như trước khi mời độc giả bước vào tác phẩm “Cẩm nang sức khỏe cao niên,” ông đã trích dẫn “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” như sau: “Một ông thầy thuốc già, chữa bệnh giỏi có tiếng. Phải khi ông ốm nặng, các học trò đến chầu chực thuốc thang bên cạnh ông. Ông cố gượng nói rằng: ‘Lão biết mình đã đến ngày tận số rồi nhưng lão có nhắm mắt cũng cam lòng, vì lão có để lại ba thầy thuốc rất hay.’ Ông nói tới đây, nhọc quá phải nghỉ. Các thầy thuốc học trò thấy ông nói thế, đều lắng nghe, ai cũng nghĩ bụng trong ba người ấy thế nào chả có tên mình. Ông nghỉ một lúc rồi lại nói: ‘Trong ba thầy thuốc ấy thì hay nhất là thầy Sạch Sẽ, thứ nhì là thầy Điều Độ, thứ ba là thầy Thể Thao. Sau khi lão mất rồi, nếu các anh biết theo ba thầy ấy mà chữa cho người ta, thì thiên hạ khỏi được bao nhiêu là bệnh tật.’…” Đoạn trích dẫn ở trên, tự thân đã cho thấy tính chất… “ý” và “đức” trong con người thầy thuốc Nguyễn Ý Đức. Khi đang viết bài này, tình cờ chúng tôi lại được đọc một bài viết có tính cách báo động cho tất cả chúng ta về sự trở lại “Vi khuẩn West Nile,” của bác sĩ Nguyễn Ý Đức. Mở đầu bài viết về “Vi khuẩn West Nile,” người bác sĩ họ Nguyễn của chúng ta viết: “Ngày 1 tháng Tám vừa qua, Bộ Y tế tiểu bang Texas đã đưa ra lời báo động cho dân chúng là phải đề phòng bệnh do vi khuẩn West Nile gây ra. Theo bộ này, kể từ đầu năm cho tới cuối tháng Bảy, đã có 111 trường hợp bệnh với một tử vong ở miền Bắc Texas, đặc biệt là tại các quận hạt Dallas, Collin, Tarrant và Denton. Cơ quan y khoa phòng ngừa đang ráo riết phun thuốc diệt trừ muỗi tại một số vùng có nhiều muỗi để phòng ngừa bệnh dịch (…) “…Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết nóng ẩm và thường thấy ở miền Đông Bắc Louisiana, miền Trung và Nam California, các vùng phụ cận Dallas, Houston, Chicago và Phoenix…” Sau đó, tác giả đi vào phần nguồn gốc bệnh. Cách truyền bệnh. Những rủi ro đưa tới nhiễm vi khuẩn West Nile. Có thuốc chủng ngừa chưa? Phòng ngừa bệnh. Cách dùng thuốc đuổi muỗi… Nghĩa là tác giả không để một chút thiếu sót nào trong bài viết của mình, khiến độc giả phải hoang mang vì không có câu trả lời. Tôi muốn kết luận bài viết này của mình, bằng một câu nói bình thường thôi, nhưng không thể chân tình hơn trước những đóng góp ý nghĩa của bác sĩ Nguyễn Ý Đức cho đời sống này là: “Cảm ơn người thầy thuốc của tôi. Và, cũng xin được cảm ơn đấng sinh thành ra ông. Dù các đấng sinh thành này, còn tại thế hay đã qua đời.” Du Tử Lê, (Aug. 31. 2012.) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét