Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020

2014 Thế Nào Là Hạnh Phúc? Nhất Hạnh

 Hòa Thượng Nhất Hạnh Thuyết Pháp


Thế Nào Là Hạnh Phúc? 

Hôm thứ năm, chúng ta đã đặt ra câu hỏi: Nếu chúng ta không biết cái gì có thể làm cho chúng ta hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, thì làm sao chúng ta biết được cái gì làm cho chúng ta hạnh phúc trong tương lai? Câu hỏi đó rất là quan trọng. Câu hỏi đó có liên hệ đến câu hỏi: Hạnh phúc trong hiện tại có thể có được hay không? Chúng ta có đủ những điều kiện để có hạnh phúc trong hiện tại hay không? Trước hết, chúng ta hãy thử định nghĩa thế nào là hạnh phúc.

Hạnh phúc trước hết là một cảm thọ, gọi là lạc thọ, pleasant feeling. Nhưng lạc thọ chưa hẳn là hạnh phúc. Khi nhìn các em bé đang nô đùa một cách rất vô tư, không luyến tiếc quá khứ, không lo lắng tương lai, chúng ta thấy các em như là đang ở trong thiên đường. Đó là hạnh phúc. Nhưng không biết các em có biết là các em đang có hạnh phúc hay không? Đang nô đùa, đang rong chơi, không lo lắng, chưa hẳn đó là hạnh phúc. Mình không biết là mình đang có hạnh phúc, thì cái hạnh phúc đó chưa hẳn là hạnh phúc chân thật. Có nhiều người đang sống trong những điều kiện rất thuận lợi, không có vấn đề, không có lo lắng, không có sầu khổ, đáng lý ra là những người đó có hạnh phúc. Cho nên sống trong những điều kiện thuận lợi coi như chưa phải là hạnh phúc. Không thể định nghĩa rằng hạnh phúc là một cảm thọ dễ chịu, một cái lạc thọ. Chúng ta có thể định nghĩa hạnh phúc là ý thức mình đang có về lạc thọ. Lạc thọ chưa phải là hạnh phúc, mà ý thức rằng mình đang có lạc thọ thì mới thật là hạnh phúc. Những em bé đang nô đùa trong thiên đường, các em không biết là các em đang có hạnh phúc. Chỉ khi nào các em lớn lên và mất cái thiên đường đó rồi, các em mới biết rằng mình đã từng có hạnh phúc.

Yếu tố chánh niệm là yếu tố căn bản. Nếu mình hạnh phúc mà không biết rằng mình đang hạnh phúc thì cái đó chưa phải là hạnh phúc. Mình có thể tạm đưa ra một định nghĩa về hạnh phúc, tức là ý thức được rằng mình đang có một lạc thọ. Nhưng định nghĩa đó chưa có tuyệt đối, tại vì có thể mình đang không có lạc thọ, nhưng mình vẫn có hạnh phúc như thường. Ví dụ mình đang khuân vác một cái gì đó nặng, nhưng nghĩ rằng khuân vác như vậy đem lại hạnh phúc cho tăng thân, cho người thương của mình, thì trong khi đang khuân vác nặng nề như vậy mình cũng có thể có hạnh phúc. Cảm thọ lúc đó không hẳn là lạc thọ, nhưng vì ý thức được mình đang làm một việc có ý nghĩa, do tình thương xúc tác, thì lúc đó trong tâm phát sinh một lạc thọ, lạc thọ đó có thể đi đôi với khổ thọ (là mình đang chịu đựng về thân xác, mình đang khuân vác cực nhọc, không được nghỉ ngơi), thì đó cũng là hạnh phúc. Các vị Bồ Tát đang lăn mình vào trong những hoàn cảnh khổ đau để cứu vớt chúng sanh, thì tuy là họ đang bị sức nóng của chiến tranh, của áp bức, của nghèo khổ đè nặng, nhưng vì họ có tâm trí của đại bi, đại từ cho nên họ không có khổ đau, và họ có hạnh phúc. Vì vậy hạnh phúc không thể định nghĩa đơn thuần là lạc thọ mà thôi. Trong tâm vị bồ tát có bình an và có tình thương, thì dù có những khổ thọ vị bồ tát vẫn chịu đựng được rất dễ dàng, tại vì vị bồ tát có hạnh phúc trong khi làm công việc nặng nhọc như vậy. ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, ý thức rằng mình đang làm cái đáng làm, mình đang làm những việc cao quý có ý nghĩa, có lợi ích cho cuộc đời, thì với cái ý thức đó nó sẽ đem tới hạnh phúc. Định nghĩa 'hạnh phúc là một lạc thọ' là một định nghĩa quá hẹp hòi, đơn giản. Tâm mình đóng một vai trò rất quan trọng. Tâm mình không phải chỉ là lạc thọ hay chỉ là cảm thọ thôi.

Trong văn học Phật giáo, chữ lạc thường đi đôi với chữ an, an lạc. An có nghĩa là bình an, peace. Lạc có nghĩa là hạnh phúc. Hạnh phúc thường đi đôi với cái an, không có an thì chưa hẳn là có lạc. Dù mình đang uống rượu, dù mình đang ăn thức ăn rất là ngon, dù mình mới trúng số độc đắc, nhưng nếu tâm không có an thì cái đó chưa hẳn là lạc. Có những người nghe tin mình trúng số độc đắc thì ngất xỉu, tại vì họ chịu đựng không nỗi cái tin mừng đó, tại vì trong tâm họ không có an. Cái tin đó chỉ là một chất xúc tác, một cái exiting, một sự kích động. Nếu đó là sự kích động thì trong đó không có cái an, nếu không có an thì trong đó không thực sự là có lạc. Trong khi mình theo đuổi và hưởng thụ ngũ dục, ví dụ khi mình đang ăn một cái gì đó, đang uống một cái gì đó, đang có những liên hệ xác thịt với một người nào đó, thì có thể trong khi ăn cái đó, uống cái đó, có liên hệ xác thịt đó, thì mình cho cái cảm giác lúc đó nó là lạc thọ. Nhưng trong cái lạc thọ đó, mình hãy tự hỏi nó có cái an hay không? Nếu không có an thì cái đó không phải là lạc, mà là mình đang bị một ngọn lửa đốt cháy. Ngọn lửa đó là ngọn lửa của dục. Tham ăn, bị chìm đắm trong biển Vị mênh mông, đó là một cái dục. Thèm nghe hát nhạc Rock, nhạc tình sầu đứt ruột, thì đắm chìm trong biển Thanh mênh mông, đó là một cái dục. Trong khi mình hưởng thụ những hương vị đó, những âm thanh đó, thì trong người mình bị thiêu đốt, cái thiêu đốt bởi dục. Nếu có ngọn lửa của sự đam mê đốt cháy thì tuy mình có thể diễn tả cái đó là một lạc thọ, nhưng lạc thọ đó không phải là hạnh phúc. Tại vì nó không có yếu tố an ở trong đó, không có an thì không có lạc. Trong ngôn từ đạo Bụt, luôn luôn là an đi đôi với lạc, an lạc - yên vui. Không có yên thì không có vui. Cho nên mình có thể nhận diện ra được cái chân hạnh phúc và cái không phải là chân hạnh phúc. Người đời chỉ muốn có những cảm giác lạc thọ mà ít khi để ý hay phán xét cái đó có thật là lạc thọ, là hạnh phúc hay không. Cho dù trong cái lạc thọ đó nó có ít yếu tố của sự bất an, của sự đốt cháy, thì cái lạc thọ đó cũng không phải là hạnh phúc chân thật. Giây phút của khoái lạc đó có thể kéo theo giây phút của sự khổ đau. Ví dụ như khi mình buồn quá, mình đi uống rượu. Trong khi uống rượu mình thấy bớt buồn và mình nghĩ là có hạnh phúc. Nhưng kỳ thực, sau khi uống rượu nhiều rồi thì lại chồng chất thêm những cái khổ thọ khác lên, mà cơn buồn sẽ trở lại khi mình tỉnh rượu. Sử dụng ma túy cũng vậy hay là đắm mình trong sắc dục cũng vậy, để quên bớt những khổ đau, để quên bớt những cô đơn. Nhưng sau những hưởng thụ dục lạc đó thì những khổ đau ban đầu hiện hình ra rõ ràng hơn trước. Vì vậy những giây phút đó không thể được định nghĩa là những giây phút thực sự là hạnh phúc, tại vì nó là nền tảng, là nguyên nhân của những giây phút khổ đau sau này, những cái khổ thọ sau này.

Sau khi đã xét liên hệ giữa lạc (không có an) và Lạc (có an), bây giờ chúng ta xét tới liên hệ giữa khổ và lạc, tức là khổ đau và hạnh phúc. Khổ đóng một vai trò rất là quan trọng để tạo ra lạc. Nếu không có khổ thì không có lạc. Ví dụ khi chúng ta không có đói, không biết đói là gì, thì chúng ta không được cái hạnh phúc của sự ăn ngon. Khi chúng ta không biết lạnh là gì, thì chúng ta không biết được hạnh phúc của sự ấm áp. Hạnh phúc là cái gì chỉ có thể nhận diện được trên bối cảnh của khổ đau mà thôi. Bối cảnh, tiếng Anh là background. Cũng như khi chúng ta đang ở ngoài trời lạnh buốt mà chúng ta mở cửa đi vào trong nhà, chúng ta cảm thấy ấm quá, dễ chịu quá, hạnh phúc quá, thì cái hạnh phúc khi bước vào nhà là do cái đau khổ bị chịu lạnh ở ngoài trời. Nếu chúng ta ở trong nhà độ chừng mười phút hoặc mười lăm phút, thì chúng ta quên đi cảm giác đó, chúng ta không thấy hạnh phúc nữa. Chúng ta phải ra ngoài để thấy lạnh rồi đi vô mới thấy hạnh phúc lại, đó là điều kiện của con người, condition, là như vậy. Chúng ta phải nhờ có khổ đau thì chúng ta mới nhận diện được hạnh phúc. Đó là cái contrast, cái tương đãi, cũng như là ánh sáng và bóng tối. Nếu không có đêm thì ta không thấy được ngày là sáng. Có đêm, có ngày thì mình mới biết đêm là quý, và ngày là quý. Tưởng tượng mình chỉ có ngày thôi mà không có đêm thì buồn biết mấy, và mình sẽ không biết được cái quý giá của ngày. Nếu chỉ có đêm thôi mà không có ngày thì làm sao thấy được cái êm đềm của đêm, mình sẽ thấy đêm dài đặc. Mình đã thấy ngày rồi cho nên thấy đêm là hạnh phúc, mình đã sống cả đêm rồi cho nên thấy ngày là hạnh phúc. Hạnh phúc tùy thuộc ở khổ đau. Muốn loại trừ khổ đau ra để chỉ có hạnh phúc thôi là một ý niệm rất là ngây thơ, khờ dại. Khi có chiến tranh thì chúng ta mới biết hòa bình là quý. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên duy trì chiến tranh, chiến tranh luôn luôn có, tại vì loài người có quá nhiều tham, sân, si, cho nên chiến tranh cứ tiếp tục hết nơi này đến nơi khác. Thành ra chúng ta đâu cần phải tạo thêm chiến tranh để có điều kiện nhận diện ra hòa bình. Chiến tranh luôn luôn có mặt: nó có ở trong nội thân của chúng ta, nó có ở trong sự liên hệ giữa ta và người ta thương. Chiến tranh là thường xuyên, và nhờ chiến tranh cho nên chúng ta mới nhận diện được hòa bình là quý. Hòa bình ở trong bản thân, hòa bình giữa ta với người ta thương, hòa bình giữa ta với đoàn thể chúng ta đang sống. ý niệm về Thiên Đường hay Tịnh Độ, là một nơi không có khổ đau là một ý niệm rất ngây thơ. 'Xá Lợi Phất ! Tại sao cõi đó gọi là Cực Lạc? Tại vì nhân dân ở cõi đó không biết khổ là gì, vì vậy cho nên cõi đó gọi là Cực Lạc.' Câu kinh này ở trong kinh A Di Đà, là một câu kinh không có liễu nghĩa. Câu này chỉ biểu lộ lòng từ bi của Bụt mà thôi. Bụt thấy chúng sinh khổ quá, ao ước trốn tránh khổ đau, cho nên Bụt mới nói như vậy để cho hấp dẫn. Thật ra, nếu không có khổ đau thì không thể nào có hạnh phúc được. Câu kinh trong kinh A Di Đà là chứng tỏ cái hiểu của Bụt về tâm trạng của chúng sanh là chỉ muốn trốn tránh đau khổ để đi tìm hạnh phúc. Ngài đưa ra một cái bánh để chúng sanh chạy theo. 'Xá Lợi Phất ! Tại sao cõi đó gọi là Cực Lạc? Tại vì nhân dân ở cõi đó không biết khổ là gì, vì vậy cho nên cõi đó gọi là Cực Lạc.' Sự thật nếu ta không biết khổ đau là gì thì ta cũng không biết hạnh phúc là gì. Thiên Đường cũng vậy. Chúng ta không nên gởi con cháu của chúng ta tới những nơi không có khổ đau, nếu con cháu chúng ta tới những nơi không có khổ đau thì chúng nó sẽ không biết gì là hạnh phúc. Không có khổ đau thì làm sao mình tập hiểu và tập thương được ! Nếu không có chất liệu hiểu và thương thì đố mà anh có hạnh phúc được. Chỉ khi nào trong trái tim anh có chất liệu hiểu và thương thì anh mới có hạnh phúc. Nếu không có khổ đau, thì làm sao anh biết hiểu và làm sao anh biết thương. Hiểu cái gì? Thương cái gì? Do đó định nghĩa về Thiên Đường hay Cực Lạc là chỗ không có khổ đau là một định nghĩa rất ngây thơ. Thế hệ của quý vị phải thấy cho rõ. Chúng ta không phải là một bầy con nít mà bất cứ ai nói cái gì thì chúng ta tin cái đó. Chúng ta phải quán chiếu bằng trí tuệ của chúng ta. Hạnh phúc là một cái gì chỉ nhận diện được khi có đau khổ. Hạnh phúc chỉ nhận diện được trên cái bối cảnh khổ đau mà thôi. Cũng như cái ấm được nhận diện trên bối cảnh của cái lạnh; cái no được nhận diện trên bối cảnh của cái đói. Chạy trốn khổ đau là một thái độ không phù hợp với tinh thần của giáo lý đạo Bụt. Chúng ta phải đối diện khổ đau, phải nhìn vào khổ đau, hành động đó giúp chúng ta nhận diện được thế nào là hạnh phúc.

Sự thật thứ nhất là Khổ Đế, rất cần thiết để chúng ta nhận diện được sự thật thứ ba. Sự thật thứ ba là sự chấm dứt của khổ, có nghĩa là hạnh phúc. Sự thật thứ nhất và sự thật thứ ba có liên hệ với nhau, nếu không có sự thật thứ nhất làm gì có sự thật thứ ba, nếu không có sự thật thứ ba làm gì có sự thật thứ nhất. Sự thật thứ nhất là khổ đau, sự thật thứ ba là hạnh phúc. Sự thật thứ hai là con đường đưa tới khổ đau. Sự thật thứ tư là con đường đưa tới hạnh phúc. Có hai cặp chân lý. Cặp đầu là đau khổ và con đường đưa đến đau khổ. Cặp thứ hai là hạnh phúc và con đường đưa tới hạnh phúc. Đó là giáo lý Tứ Diệu Đế. Hai cặp đó đi đôi với nhau, nếu không có cặp này thì không có cặp kia.

Khi cầm cây bút thẳng đứng, thì chúng ta thấy rất rõ là có trên có dưới. Hễ có trên thì thế nào cũng phải có dưới, hễ có dưới thì thế nào cũng có trên. Làm sao chỉ có trên mà không có dưới được, đó là chuyện vô lý. Nếu chúng ta để cây bút nằm ngang, chúng ta thấy có trái và có mặt. Nếu có trái thì phải có mặt, nếu có mặt thì phải có trái. Nếu mình thuộc về phe tả thì đừng mong ước phe hữu không có mặt, tại vì nếu phe hữu không có mặt thì phe tả cũng không có mặt, cái này gọi là tương đãi. Mình phải hiểu hạnh phúc trong văn mạch đó thì mới biết hạnh phúc là gì. Hạnh phúc không thể nào được nhận diện nếu không có bối cảnh của khổ đau. Mà khổ đau thì luôn luôn có đó, tham, sân, si luôn luôn có đó, nhận diện được khổ đau thì ta có thể nhận diện được hạnh phúc.

Chúng ta đã tìm ra liên hệ giữa lạc và Lạc, giữa khổ và Lạc: Có khi ta đi trong mưa lạnh nhưng ta có hạnh phúc; có khi ta ngồi trong ấm áp mà ta không có hạnh phúc. Ví dụ chúng ta nghe một người thân đang bị tai nạn, chúng ta không có cơ hội đi ra ngoài để tìm cách cứu trợ người thân của chúng ta, thì chúng ta đau khổ vô cùng, dù chúng ta đang ở trong chỗ ấm áp. Hạnh phúc lúc đó là được cứu giúp người thân dù phải đi ra chỗ mưa lạnh, hạnh phúc lúc đó không phải được ngồi yên trong nhà ấm nữa, người đó sẽ đau khổ. Liên hệ giữa lạc và khổ tương đối. Hạnh phúc nằm ở trong tâm mà không phải ở hoàn cảnh. Thường thường mình hay nghĩ tới hạnh phúc trong cái văn mạch của sự mua sắm. Có cái xe hơi đó, có cái nhà đó, có cái bằng cấp đó, thì có hạnh phúc; có được tiền để đi du lịch là có hạnh phúc. Tất cả những cái mình nghĩ tới hạnh phúc như là một điều kiện ngoại tài, điều kiện đi tìm ở ngoài, trong khi hạnh phúc tùy thuộc vào tâm của mình rất nhiều.

Trong sự thực tập của Làng Mai, chúng ta thường nghe và được nhắc nhở rằng chúng ta có nhiều điều kiện hạnh phúc rồi, nhiều hơn là chúng ta tưởng. Chúng ta chỉ cần trở về trong giây phút hiện tại để nhận diện những điều kiện hạnh phúc thì ta có hạnh phúc liền. Người đời nghĩ rằng hạnh phúc không thể có được trong giây phút hiện tại, cho nên họ mới đi tìm thêm một số điều kiện chưa có, vì vậy họ phóng tâm về tương lai. Còn chúng ta là người tu, chúng ta không nên làm như họ, không được làm như họ. Giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú nói rất rõ ràng là hạnh phúc có thể có được trong giây phút hiện tại, đó là một sự xác quyết của đức Như Lai. Đức Như Lai nói rằng mình có thể sống hạnh phúc được trong giây phút hiện tại. Chúng ta cần những gì, những điều kiện nào để có thể hạnh phúc ngay trong giây phúc hiện tại? Trở về với giây phút hiện tại, tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc đã có và đang có. Câu hỏi được trả lời liền, và những điều kiện đó ta có thể nêu ra rất rõ ràng. Và những điều kiện đó có mặt, nếu những điều kiện đó có mặt mà ta không có hạnh phúc là tại vì ta mà thôi. Khi ngồi ăn cơm thì mình ăn như thế nào để có hạnh phúc trong khi ăn. Khi từ liêu xá của mình đi ra thiền đường, thì đi như thế nào để có hạnh phúc trong khi đi. Buổi sáng thức dậy có được một giờ để ngồi thiền, thì ngồi như thế nào để có hạnh phúc trong khi ngồi. Buổi chiều có một giờ chấp tác, thì chấp tác thế nào để trong giờ chấp tác đó mình có hạnh phúc. Buổi sáng mình có hai phút để chải răng, trong hai phút để chải răng thì chải như thế nào để có hạnh phúc, để có an và có lạc. Mỗi ngày được đi cầu một lần hay hai lần, đi cầu làm sao để trong khi đi mình có an, có lạc. Sự thực tập rất rõ ràng. Làm được hay không làm được, cái đó là do mình thôi. Tại vì những điều kiện hạnh phúc mình có rồi. Nếu trong khi đi cầu mình không có an thì làm sao lạc được, trong khi chải răng mình không có an thì làm sao có lạc được. Quý vị có thể tự biết rằng trong khi chải răng mình có an hay là không. Cái tập khí đi như bị ma đuổi, làm như bị ma đuổi, mình có thể nhận diện và đối phó với nó được hay không? Có thể an trú trong giây phút hiện tại không? Đó là công phu hàng ngày của mình. Nếu mình giảng một bài giảng về hạnh phúc, hay viết một cuốn sách về hạnh phúc, thì mình phải nói những điều đó. Nếu đức Thế Tôn nói hạnh phúc có thể có được trong giây phút hiện tại, và sự thực tập của anh là phải có hạnh phúc, thì là suốt ngày mình chỉ lo hạnh phúc mà thôi, đâu có lo cái gì đâu mà than thở. Mình chỉ lo hạnh phúc của mình thôi. Khi mình hạnh phúc là mình đóng góp cho Tăng Thân, đóng góp cho cuộc đời. Nếu không có cái đó thì mình có gì cống hiến cho đời đâu. Cho nên phải chải răng làm sao để trong khi chải răng mình có hạnh phúc, phải đi cầu làm sao để trong khi đi mình có hạnh phúc, phải ngồi ăn cơm làm sao để trong khi ăn mình có hạnh phúc, chứ vừa ăn vừa khóc thì đâu tốt.

Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Đó là thơ của Nguyễn Bính.
Bữa ăn nào cũng khóc, cũng lấy nước mắt chan vô cơm. Ôm những mối sầu đau của mình để ăn cơm thì tội quá đi, tội cho cơm quá đi. Ăn cơm sao cho có hạnh phúc, là mình tiếp nhận những lời chỉ bảo của đức Thế Tôn. Đức Thế tôn dạy trong khi ăn phải duy trì năm quán, phải ý thức về thức ăn, phải ý thức về Tăng Thân, ngồi ăn như thế nào để có thảnh thơi, hạnh phúc. Nếu trong khi ăn cơm mà không có hạnh phúc là tại vì mình, chứ không phải tại vì đức Thế Tôn.

Hỷ là niềm vui và Lạc là hạnh phúc. Đức Thế Tôn muốn chúng ta có Hỷ và có Lạc trong đời sống hàng ngày. Nếu không có Hỷ và có Lạc thì sự thực tập của ta không được nuôi dưỡng và ta không có đi xa được. Đức Thế Tôn nói là có những phương pháp thực tập để giúp ta có Hỷ và có Lạc trong đời sống hàng ngày.

Trước hết là ly. Ly tức là buông bỏ. Mình phải biết buông bỏ thì mới có Hỷ và Lạc được. Buông bỏ cái gì đây? Có những cái trong tâm cần phải buông bỏ: những giận hờn, những tiếc nuối, những cố chấp, những thành kiến. Đó là những hành trang làm chiếc thuyền của mình nặng và đi không được. Buông bỏ rất là quan trọng. Thử hỏi mình có hành trang nào cần phải buông bỏ? Trước hết mình có ý niệm về hạnh phúc. Mình nghĩ rằng trong giây phút hiện tại mình không có hạnh phúc, mình chỉ có thể có hạnh phúc khi mình được như thế này, được như thế kia, được có cái này, được có cái kia, thì đó là trở lực đầu tiên. Ví dụ bây giờ tôi nghĩ rằng nếu được về Việt Nam thì tôi mới có hạnh phúc, và nếu chánh quyền vẫn không cho tôi về thì tôi không có hạnh phúc. Nếu tôi kẹt với ý nghĩ đó thì ôi thôi hết rồi, sống đâu có vui vẻ gì nữa, thành ra phải buông cái ý đó ra, không cần phải về Việt Nam mới có hạnh phúc, ở đây cũng có hạnh phúc chán. Quý vị đang muốn đi đâu? Quý vị nghĩ rằng phải tới chỗ nào đó mới có hạnh phúc, quý vị phải buông cái suy nghĩ đó đi, thì cái đó là ly.
Ly sanh hỷ lạc, tức là sự buông bỏ đưa tới Hỷ và Lạc. Quý vị nghĩ rằng nếu mình không được người đó thương thì mình không có hạnh phúc, người đó phải thương mình thì mình mới có hạnh phúc được. Điều kiện đó chưa có, thành ra mình phải đợi người đó thương mình, rồi mình mới có hạnh phúc được, thì cái đó là một cái kẹt, cái đó cần phải buông bỏ. Tại sao phải có người đó thương mình mới có hạnh phúc? Tại sao phải cột hạnh phúc của mình vào một điều kiện mà mình chưa có? Tại sao hạnh phúc đang tới từ muôn phương thì mình đóng cửa lại hết, mà mình chỉ ngồi đó trông cầu một cái mình chưa có? Đó là phóng tâm về tương lai, đòi hỏi những cái khác, trong khi điều kiện hạnh phúc mình có sẵn mà không biết thừa hưởng. Đó là những cái phải buông bỏ. Có những cái ta nghĩ rằng rất cần thiết cho hạnh phúc của ta, và ta cứ tiếp tục nắm giữ. Có thể chính vì những cái ta đang nắm giữ mà ta không có hạnh phúc. Có những người thích đi 'chợ rệp'. Họ thấy người ta bày hàng rẽ quá đi, một đô hay là hai đô một món thôi, tuy không cần xài những thứ đó nhưng không mua thì uổng, cho nên họ lấy tiền ra mua. Họ nghĩ rằng những cái đó sẽ làm cho họ có hạnh phúc. Rốt cuộc, cái nhà của họ là một cái kho, đi ra đi vô không có chỗ đi, không có chỗ thở, mà buông ra thì tiếc. Trong khi đó, con đường mà họ phải làm là gọi bạn tới 'nếu anh cần cái gì thì anh lấy đi, tôi không cần món đồ nào hết, tôi cần một cái nhà thật là trống, có không gian cho tôi thở, có khoảng trống để tôi có thể đi ra đi vô cho thảnh thơi', và họ phải buông hết. Khi người ta tới lấy những cái gì người ta thích rồi, thì tự nhiên mình có một cái nhà rất là trống, đi ra đi vô rất là sướng. Những cái đó thật sự không cần thiết nhưng vì mình nghĩ là cần thiết.

Ví dụ trên chỉ là sự buông bỏ đồ đạc. Ở đây, không phải là đồ đạc mà là những ý niệm, những tình cảm, những vướng mắc của mình. Mình nghĩ không có cái đó mình sống không được, không có hạnh phúc, ai dè chính cái đó lại là những trở lực của mình, ngăn cản mình hạnh phúc. Thành ra mỗi người phải tự quán chiếu để coi mình vướng vào những cái gì, mình muốn nắm chặc những cái gì, khi buông ra thì mình sẽ có hạnh phúc liền. Chữ ly có nghĩa là buông. Càng buông càng có hạnh phúc, càng chất chứa thì càng đau khổ. Đức Thế Tôn dạy phương pháp buông bỏ rất là hay, phương pháp này ngược lại với cái lề thói thâu góp, chứa chất, chiếm đoạt. Phương pháp này rất là mầu nhiệm. Hạnh phúc chỉ có thể có được khi mình biết buông bỏ. Buông bỏ những tiếc nuối của mình, nhất là buông bỏ những ý niệm của mình, những ý niệm về mình và về người kia. Những ý niệm đó làm cho mình khổ mà cũng làm cho người kia khổ. Mình có sự phán xét về mình, mình có sự phán xét về người kia; mình cho mình là cao, hoặc mình cho mình là thấp, mình cho mình là đẹp, hoặc mình cho mình là xấu, mình cho người kia là đẹp, người kia là xấu, người kia là tốt, người kia là khó chịu, người kia là dễ chịu, tất cả những ý niệm đó đều có thể làm cho mình khổ đau. Thành ra buông bỏ những ý niệm đó rất là quan trọng, không có tốn một đồng nào hết. Buông bỏ là một phương pháp rất là mầu nhiệm, nó đem tới hạnh phúc liền lập tức. Chúng ta phải học và thực tập phương pháp đó. 'Nếu không có cái đó chắc là tôi chết quá !' Mình cứ nghĩ như vậy. 'Tôi làm sao sống được nếu không có cái đó, hay người đó', khi kẹt vào ý niệm đó, thì mình không còn tự do nữa. Ví dụ mà Làng Mai thường đưa ra là những người sống ở thành phố lớn như là Paris, hay là Los Angeles. Cuối tuần, vì muốn thoát khỏi thành phố với những bụi bậm cũng như tiếng ồn, họ lái xe ra khỏi thành phố. Chỉ cần một giờ đồng hồ thôi thì ra khỏi thành phố, ra khỏi thành phố, thì tiếp xúc được với núi đồi, biển cả, gió mát, bắt đầu thấy trăng sao, thấy trời xanh mây trắng, thấy trong lòng lâng lâng. Hạnh phúc đó là do bỏ cái thành phố lại sau lưng, cái đó gọi là ly, là buông bỏ, là để lại sau lưng. Mình phải bỏ lại sau lưng những cái làm cho mình kẹt thì mình mới có hạnh phúc. Cái đó gọi là ly sinh hỷ lạc, nghĩa là Hỷ và Lạc được phát sinh ra từ cái khả năng buông bỏ. Bây giờ nhiều người nghĩ rằng có nhiều tiền thì có hạnh phúc, mua sắm nhiều mới có hạnh phúc. Còn phương pháp của đức Thế Tôn thì không cần một đồng nào hết.
Niệm sinh hỷ lạc là một phương pháp khác. Niệm tức là ý thức. Ví dụ khi mình uống một ly trà hay một ly sữa đậu nành, nếu mình biết rằng mình đang có ly trà hay một ly sữa đậu nành để uống trong giờ phút này thì mình có hạnh phúc lớn, đó là niệm. Niệm là có mặt, có mặt đích thực. Niệm tức là ý thức được cái gì đang xảy ra. Trong khi có niệm thì mình nhận diện được những điều kiện của hạnh phúc, cái đó gọi là niệm sinh hỷ lạc. Ý thức rằng mình đang có tuổi trẻ, mình đang có cơ hội để tu học, mình đang ở trong tăng thân, mình có những điều kiện để tu tập, thì cái ý thức đó là niệm. Khi mà không biết, không có ý thức tức là quên, là thất niệm. Niệm đưa lại hạnh phúc liền lập tức.

Mình đang ở ngoài trời lạnh mà đi vào trong nhà ấm thì có hạnh phúc, nhưng chỉ mười phút sau thì mình quên là mình đang có hạnh phúc. Cơ thể và tâm mình luôn luôn có khuynh hướng bình thường hóa, làm cho soi mòn những cảm thọ. Niệm cho mình biết rằng: 'Trời ơi! Đang ở trong nhà ấm hạnh phúc quá!', thì niệm giúp mình phục hồi cái hạnh phúc trở lại. Nếu bây giờ mình phải đi ra ngoài trời lạnh, thì ý thức rằng mình đang được ở trong nhà ấm sẽ đưa lại hạnh phúc liền lập tức, mau như là một tia chớp. Ý thức đó là niệm. Ý thức rằng người thương của mình đang còn đó, ngồi trước mặt mình, thì tự nhiên mình có hạnh phúc. Ý thức rằng mình còn hai mắt sáng, mở mắt ra thì thấy trời xanh mây trắng, đó là niệm. Ý thức rằng mỗi ngày có cơ hội thực tập thiền đi là hạnh phúc. Có vô số những điều kiện hạnh phúc đang có mặt mà mình chỉ cần thực tập chánh niệm là trở về được giây phút hiện tại và tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc. Niệm là một nguồn suối của hạnh phúc, niệm sinh hỷ lạc. Từ niệm mà hỷ và lạc phát sanh. Mình rất là giàu có. Mình thật sự là những đứa con rất giàu có nhưng mình hành xử như những đứa cùng tử than nghèo. 'Trời ơi! Tại sao tôi không có hạnh phúc gì hết, tôi chỉ có khổ đau mà thôi.'

Niệm sinh hỷ lạc có thể được khai thác phát triển ra được, thế giới ngày hôm nay rất cần cái giáo lý này, rất cần sự nhắc nhở này.

Định có nghĩa là chuyên chú, là tập trung tâm ý. Niệm đã đem lại hỷ lạc rồi, còn định làm cho niềm vui và hạnh phúc sâu sắc hơn. Trong niệm có định. Càng thực tập niệm thì định càng lớn. Định này làm cho mình tập trung được, làm cho mình chuyên chú được vào đối tượng, và đối tượng đó có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc. Ví dụ như là hơi thở của mình. Trong khi mình ngồi thở, trong khi mình đi thiền, trong khi mình ngồi thiền, trong khi mình nấu cơm, giặt áo, niệm về hơi thở đưa lại hạnh phúc, và định về hơi thở làm cho hạnh phúc sâu sắc hơn. Định càng lớn thì hạnh phúc càng lớn. Khi chúng ta có năng lượng của niệm và định hùng hậu thì chúng ta sẽ có tuệ. Tuệ tức là cái thấy, cái hiểu. Nhờ cái thấy này, cái hiểu này mà đem lại hạnh phúc rất là nhiều. Tuệ có khả năng giải tỏa những hiểu lầm, những khổ đau, những kiến chấp. Ngày xưa khi con mình bị sốt, tại mình không có tuệ, cho nên mình mới nghĩ rằng con mình bị sốt là vì ông thần nào đó phạt hay lúc đi ngang qua cây đa, nó vạch quần đái, vì vậy nó bị ông thần của cây đa phạt... Người mẹ cuống lên nghe người ta bảo phải đem một mâm cơm ra cúng ngoài cây đa thì con mình mới hết sốt. Mình tin như vậy. Hiện bây giờ cũng có nhiều người tin như vậy. Có những ví dụ như là sấm sét hay là mưa bão, tất cả những cái đó mình đều cho là sự trừng phạt của thần linh. Cũng như các ông vua Ả Rập hay là các ông vua Tàu ngày xưa, trước khi chết đi, họ muốn sang thế giới bên kia cũng phải có người hầu cận, cũng cần phải có nhiều lính, có bác sĩ, và vì vậy khi người ta chôn vua người ta chôn luôn cả bác sĩ, nàng hầu, cung nữ mà vua thích. Chôn sống hết! Cái đó là do thiếu tuệ mà gây đau khổ cho mình và cho người khác, cái đó là do chấp vào cái linh hồn bất diệt (thường kiến). Ở bên Tàu, người ta đào xới ra và thấy có quân lính nung bằng đất, hàng trăm ngàn người bằng đất. Tại vì ông vua nghĩ rằng sang thế giới bên kia ông cũng rất cần nhiều lính; khi chôn vua phải chôn theo cái ấn của ông, cái ấn bằng ngọc, tại vì ông sẽ phải ra lệnh; phải đem theo bác sĩ vì nếu có bệnh thì có bác sĩ để chữa trị, cho nên chôn sống luôn cả bác sĩ... Những cái đó là do u mê, vô minh mà ra. Khi có niệm, có định, có tuệ thì mình thấy được sự thật, cho nên mình giải tỏa được những thành kiến, những u mê, và mình có hạnh phúc. Ví dụ giữa mình với người thương của mình có sự hiểu lầm. Người thương hiểu lầm mình, và mình hiểu lầm người thương vì những tri giác sai lầm. Nhờ niệm và tuệ mình thấy được sự thật, nhờ vậy mình lấy đi sự hiểu lầm đó, thì tự nhiên giữa mình và người mình thương có hạnh phúc thôi, cho nên tuệ sinh hỷ lạc. Trí tuệ là nguồn suối của hỷ và lạc, cho nên người nào cũng phải thực tập.

Giới tức là thực tập chánh niệm, mindfulness training. Giới bảo hộ cho mình. Giới là do niệm sinh ra. Nhờ có chánh niệm cho nên ta biết những đau khổ được sinh ra vì ta không chịu giữ giới, cho nên giới tương đương với niệm. Khi giữ giới, mình bảo hộ cho mình, và bảo hộ cho người thương của mình, bảo hộ cho hoàn cảnh gia đình, vì vậy cho nên hạnh phúc có được, niềm vui có được. Giới cũng sanh ra hỷ và lạc.

Nhu Yếu Hiểu Và Thương
Trong con người của mình có hai nhu yếu, và khi hai nhu yếu đó được thỏa mãn thì mình có rất nhiều hỷ và nhiều lạc. Cái nhu yếu thứ nhất là hiểu. Hiểu tức là tuệ. Hạt giống tuệ ở trong mình đòi hỏi mình phải làm thỏa mãn nó, mình khao khát hiểu biết (curiosity), bởi vì sự sống là một mầu nhiệm. Chính cái thân của mình cũng là một mầu nhiệm. Ngành khoa học Anatony, người ta nghiên cứu về mắt, về mũi, về tất cả những cái gì thuộc về cơ thể của con người, nhưng người ta cũng vẫn chưa hiểu được hết những mầu nhiệm đó. Cho nên con mắt cần một cái viện, gọi là viện mắt, để chỉ nghiên cứu về con mắt mà thôi. Cái lỗ tai cần một cái viện để mà nghiên cứu, gọi là viện tai; mũi cần một cái viện để mà nghiên cứu, gọi là viện mũi,... Có nhiều việc lắm để nghiên cứu về những thành phần của cơ thể. Chúng ta đã khám phá ra những mầu nhiệm của cơ thể, nhưng khám phá đó là khám phá riêng của từng vùng cơ thể. Toàn thể cơ thể đã phối hợp với nhau và lưu chuyển như thế nào, đó cũng là cái mầu nhiệm rất lớn, huống hồ là tâm của chúng ta. Tâm của chúng ta cũng là những mầu nhiệm rất lớn. Đạo Bụt là một khoa học nghiên cứu về tâm, gọi là tâm học. Chúng ta tu, chúng ta cũng có cái nhu yếu muốn hiểu, muốn có cái hiểu biết sâu sắc về thực tại. Chúng ta muốn hiểu biết về năm uẩn của chúng ta, và sự hiểu biết về năm uẩn đó sẽ đưa lại sự thỏa mãn, có thể làm tiêu tán những u mê sai lầm của chúng ta về năm uẩn, những cái u mê đã từng gây ra những khổ đau cho mình và cho người khác. Vì vậy cho nên cái hiểu này không phải là cái hiểu suông, cái hiểu này có tính cách chuyển hóa, giải phóng, giải thoát, cái hiểu đó gọi là prajna (bát nhã), là trí tuệ, đó là nhu yếu rất lớn. Ngày xưa Sĩ Đạt Ta đi tu cũng vì khao khát muốn hiểu biết, mà hiểu biết này không phải là hiểu biết của trí năng không, cái hiểu biết có khả năng giải phóng, chuyển hóa và trị liệu. Trong ta có cái nhu yếu lớn đó. Chúng ta phải để thì giờ để mà thỏa mãn nhu yếu đó, chứ không để thì giờ chạy theo cái nhu yếu khác không quan trọng bằng. Vì những nhu yếu tầm thường như muốn có những tiện nghi về vật chất, muốn có những tiện nghi về tình cảm, mà chúng ta để hết thì giờ để thỏa mãn những nhu yếu đó, thì chúng ta đâu còn thì giờ nào nữa để mà thỏa mãn cái nhu yếu hiểu biết lớn, tiếng phạn là maha-prajna. Maha là lớn, prajna là hiểu biết.

Chúng ta cũng có một cái nhu yếu lớn khác nữa, đó là thương yêu lớn. Thương yêu lớn không phải là tình thương vị kỷ, không phải là tình thương chỉ có một người, hai người, ba người, hay chỉ có vợ chồng con cái mà thôi. Tình thương lớn là tình thương ôm ấp được mọi loài. Trong mỗi chúng ta đều có hạt giống thương yêu lớn, và khi nhu yếu này được chúng ta thỏa mãn, càng thỏa mãn chừng nào thì hạnh phúc của chúng ta càng lớn chừng đó. Tình thương đem lại hạnh phúc, càng thương nhiều càng hạnh phúc nhiều. Tình thương này gọi là maha-maitri (đại từ), maha-karuna (đại bi). Còn cái tình thương một hai người kia thì càng thương càng khổ, càng thương càng bị hệ lụy, càng thương càng bị vướng mắc, càng thương càng bị ray rức, càng thương càng bị lo sợ, đó là tình thương nhỏ không cùng chất liệu với tình thương lớn, nó là tình thương vị kỷ, là sự đam mê, kỳ thị. Trong khi đó tình thương lớn, đối tượng của nó rất là rộng lớn không có tính cách kỳ thị. Dầu cho mình chăm sóc mình đi nữa thì cái đó không phải là kỳ thị, nếu mình chăm sóc mình là mình chăm sóc người kia, mình có sức khỏe, mình có sự thư thái thì cái đó rất là cần thiết cho người mình thương. Bảo trọng thân thể của mình, bảo trọng hạnh phúc của mình rất là quan trọng cho người mình thương, cái đó nằm trong phạm vi của tình thương lớn. Nó không phải là vị kỷ nữa tại vì mình làm cái đó không phải cho mình mà cho những người mình thương. Khi mình lo cho những người khác tức là cũng lo cho mình, tại vì những người khác bớt khổ, mỉm cười được thì mình cũng có hạnh phúc. Tình thương lớn không có tính cách kỳ thị, không có tính cách giới hạn. Trong khi cái tình đam mê vướng mắc có tính cách kỳ thị, chỉ có người này là người thương của mình thôi, còn người khác thì không phải.

Bậc Đại Giác Viên Mãn xuất hiện nơi cõi ta bà,

Tấm lòng ôm trọn cả thái hư

Tức là trái tim của Bụt chứa được hết cả vũ trụ, còn trái tim mình nhỏ xíu chứa được có một người thôi mà chưa chắc đã chứa dược, đó là sự kỳ thị. Chúng ta biết được cái chân hạnh phúc, hạnh phúc chân thật là do mỗi ngày mình có làm thỏa mãn được hai nhu yếu căn bản đó của mình không, tức là nhu yếu hiểu và nhu yếu thương, nhu yếu hiểu biết lớn và nhu yếu thương yêu lớn.

Bây giờ chúng ta có ý niệm sâu hơn và rõ ràng hơn thế nào là chân lạc, chân hạnh phúc. Chúng ta nghiên cứu thêm liên hệ giữa lạc và Lạc. Chữ Lạc viết hoa không phải là chữ lạc không hoa. Chúng ta biết rằng bốn đức của Niết Bàn là Thường, Lạc, Ngã và Tịnh (đều viết hoa), nó không phải là thường của vô thường, lạc của khổ, ngã của vô ngã, và cái tịnh của bất tịnh. Thường và vô thường là một cặp đối đãi, lạc và khổ là một cặp đối đãi thứ hai, ngã và vô ngã là một cặp đối đãi thứ ba, tịnh và bất tịnh là một cặp đối đãi thứ tư. Nhưng Thường không phải là cái thường đối đãi với vô thường cho nên nó được viết hoa, Lạc không phải là lạc đối đãi với khổ cho nên nó được viết hoa. Vậy thì ta hãy xét coi thử có sự liên hệ giữa Lạc và lạc hay không? Hai cái có hẳn là chống đối nhau hay không? Cố nhiên khi nói tới bốn đức của Niết Bàn là Thường, Lạc, Ngã và Tịnh, thì chúng ta không thể nói cái Thường ở đây là cái thường đối với vô thường, tại vì cái thường đối với vô thường là một tà kiến, là một điên đão kiến, còn Thường của Niết Bàn không phải là tà kiến, không phải là điên đão kiến. Chúng ta chưa hiểu được văn mạch của Tích môn và Bản Môn, chúng ta phải đem lại hình ảnh của sóng và nước để cho dễ hiểu. Sóng có sinh có diệt, có lên có xuống, có thường có vô thường. Những từ ngữ sinh diệt, cao thấp, thường vô thường, lên xuống là chỉ áp dụng cho sóng thôi, phải như vậy không? Nó không áp dụng cho nước được. Đứng về phương diện sóng thì có lên có xuống, nhưng nước thì đâu có lên có xuống, nước chỉ có nước thôi. Sóng có thể nói 'tôi là sóng này anh sóng kia', nhưng nước thì không thể nói 'tôi nước này, anh nước kia.' Đứng về phương diện bản môn thì không có sinh không có diệt, không có lên không có xuống, không có cái này, không có cái kia, cho nên đứng về phương diện bản môn ta không thể dùng chữ thường và vô thường để diễn tả bản môn cho được, cho nên ta dùng chữ Thường viết hoa. Nhìn vào sóng thì ta thấy nước, và ta thấy sóng cũng là nước, trong khi sóng bị điều kiện hóa bởi thường hay vô thường, nhưng mà nước thì không có bị điều kiện hóa, vì vậy trong nước có cái gì giống như là thường (Thường), nhưng cái thường của nước không phải là cái thường đối lại với vô thường của sóng. Chữ Thường ở đây không có nghĩa là có một cái gì trường cửu bất diệt, nó đối chọi với cái mong manh, dễ tan vỡ. Khi nói tới sóng ta nói tới vô thường để đối trị với cái quan niệm thường, đứng về phương diện nước thì chúng ta phải vượt thoát ý niệm thường và vô thường để đi tới một ý niệm cao hơn vượt thoát hai ý niệm kia, đó là ý niệm Thường. Trong khi sóng lên xuống, cao thấp, thì nước đâu có lên xuống, cao thấp, vì vậy ta thấy tính Thường của nó ở trong. Thường của Niết Bàn không phải là thường của sinh tử, Thường của bản môn không phải là thường của tích môn. Cũng như trên phương diện tích môn, có hữu và có vô, đứng về phương diện hiện tượng, đứng về phương diện các pháp thì mình nói tới có và không. Khi đi vào chân như, đi vào phương diện bản môn, thì tuy vượt thoát hữu và vô rồi mình vẫn thấy là có thể dùng chữ diệu hữu và chân không. Diệu hữu và chân không, hai cái là một. Tại vì diệu hữu không phải là hữu, chân không không phải là không. Thì chữ Thường đây ta gọi là chân thường, chữ Lạc đây ta gọi là diệu lạc, còn cái Ngã đây ta gọi là chân ngã, true self, còn cái Tịnh đây ta gọi là diệu tịnh, tạm mượn chữ như vậy. Chư Tổ đã xài chữ như vậy, đã sử dụng chữ nghĩa như vậy, thì ta có thể tiếp tục được chư Tổ.

Khi ta vượt được cái thường và cái vô thường rồi thì ta không có sự sợ hãi, không có sự sợ hãi thì tự nhiên ta có niềm an vui. Khi chúng ta ca ngợi đức Quan Thế Âm, chúng ta hay nói rằng:

Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài
Đoan cư ba thượng tuyệt trần ai

Nghĩa là 'trí tuệ bừng lên đóa biện tài, đứng yên trên sóng sạch trần ai,' tức là cái sóng của thường và vô thường còn đó, nhưng bồ tát đứng yên không bị sóng đó làm cho lên xuống, làm cho vùi dập, tại vì Ngài đã vượt thoát thường và vô thường, đã đạt được cái chân thường rồi. Chân thường cũng là chân vô thường, vô thường này là một ý niệm, còn chân vô thường không còn là một ý niệm nữa mà nó là một thực tại. Vì vậy ta không còn sự sợ hãi nữa, và ta có Lạc. Lạc này là hạnh phúc, hạnh phúc này hoàn toàn do vô úy, là sự không sợ hãi sinh ra. Món quà lớn nhất đức Quan Thế Âm tặng cho mình là cái vô úy, là sự không sợ hãi. Có ba món quà mình có thể tặng cho người là Tài thí, Pháp thí, và Vô Úy thí. Vô úy thí là món quà lớn nhất. Khi nào đạt tới Bản Môn, Niết Bàn thì mới có Vô Úy thí mà thôi. Ngã là gì? Chân Ngã là gì? Ngã ở đây có nghĩa là không còn là nạn nhân của sự lên xuống, của thường, vô thường nữa. Ngã ở đây có nghĩa là tự do lớn, Ngã ở đây có nghĩa là chủ quyền. Trong khi định nghĩa về Ngã, các Tổ ngày xưa có nói về Ngã là có chủ quyền. Mình có chủ quyền hay không? Nếu mình không có tuệ giác và không có từ bi, thì làm gì mình có chủ quyền được, mình chỉ là nạn nhân thôi, nạn nhân của những gì xảy ra trong hàng ngày. Có được đại trí và đại bi thì có chủ quyền, cái đó gọi là Ngã, tức là có chủ quyền, lúc đó mình không còn là nạn nhân của sự lên xuống của thế gian nữa. Thế gian chê, mình cũng không có buồn; thế gian khen, mình cũng không có mừng, cái đó là chủ quyền, cái đó là Ngã. Bát phong suy bất động, tám ngọn gió không làm cho mình động, đó là chủ quyền, cái đó gọi là Ngã. Ngã tức là chủ quyền. Niết Bàn là chủ quyền. Ngã không phải là một cái ta, một cái ego, hễ ai đụng tới thì ta nổi tam bành lục tặc ra. Cái Ngã này có chủ quyền rất lớn, mà các vị Bụt, các vị bồ tát và các bậc đại nhân có chủ quyền rất lớn. Không còn làm nạn nhân của sự lên xuống, ra vào, khen chê hay là đắc thất nữa, cái đó gọi là Ngã. Tịnh ở đây không phải là cái tịnh do vô minh thấy. Vô minh nhìn cái bất tịnh thì cho là tịnh. Tịnh ở đây vượt ra khỏi ý niệm dơ và sạch. Khi có Thường, Lạc, Ngã rồi thì có sự thanh tịnh lớn gọi là diệu tịnh. Diệu tịnh này tức là sự không có vẩn đục, tâm mình không bị vẩn đục bởi danh lợi tài sắc, đây là sự tinh khiết lớn nhất mà mình có thể đạt được. Sự tinh khiết này chỉ có thể đạt được khi mình thực chứng được niết Bàn. Bốn đức của Niết Bàn là Thường, Lạc, Ngã và Tịnh phải được hiểu như vậy thì mới có thể nói bốn cái đó không phải là tà kiến điên đão, nếu không thì nó vẫn là tà kiến điên đão. Nếu không hiểu thì nói rằng giáo lý về Thường, Lạc, Ngã và Tịnh đi ngược lại giáo lý nguyên thủy của đứcThế Tôn. Tại vì Thường, Lạc, Ngã và Tịnh là bốn điên đão kiến, nhưng nếu hiểu theo văn mạch của bản môn, tích môn, thì mình thấy Thường đây là chân thường, vượt thoát ý niệm thường và vô thường; Lạc đây là diệu lạc, vượt thoát ý niệm khổ và lạc; Ngã đây là chân ngã, vượt thoát ý niệm ngã và vô ngã; Tịnh đây tức là diệu tịnh, sự trong sáng hoàn toàn, không dính líu gì đến tịnh và bất tịnh của tích môn.

Có một ví dụ rất mầu nhiệm có thể cho mình thấy giáo lý của Bụt như là phương tiện huyền xảo. Con người bị kẹt vào ý niệm thường, cho nên Bụt mới chế ra phương thuốc gọi là vô thường, để cho con người có thể hóa giải được, bệnh thường chỉ có thuốc vô thường mới trị được. Con người cho là lạc những cái không phải là lạc, cho nên Bụt nói rằng cái đó không hẳn là lạc, cái đó là khổ. Đó cũng là một phương tiện huyền xảo. Chỉ là thang thuốc thôi, nếu không có bệnh thì thuốc đó đâu có xài được, đâu có cần phải xài. Con người cho là có ngã riêng biệt, cho nên Bụt mới dạy vô ngã. Vô ngã là thuốc để trị ngã. Con người tin vào tịnh nên But mới dạy bất tịnh để cho con người đừng có đam mê. Tất cả giáo lý về vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh là những phương tiện huyền xảo, và những phương tiện huyền xảo đó mình phải vượt luôn. Chớ không có lý nói thuốc này quý quá, vất đi thì uổng, nhưng uống vô thì nguy. Không có bệnh mà uống thuốc thì hơi nguy. ỀGiáo lý của ta là chiếc bè để đưa qua sông, qua sông rồi các ngươi đừng đội chiếc bè mà đi, nên để chiếc bè ở lạiỂ. Bụt dạy như vậy.

Như vậy mình đã thấy cái liên hệ giữa Lạc và lạc. Mình thấy rằng cái lạc nào không viết hoa có khả năng đưa tới Lạc viết hoa, thì cái lạc đó mình có thể sử dụng được. Còn cái lạc nào không đưa tới Lạc viết hoa, cái lạc đó không phải là chân lạc, cái đó là khổ. Kinh Người Bắt Rắn có nói tới sự hiểu lầm này. Bụt dạy rằng chỉ có những cái lạc nào, thanh thoát, nhẹ nhàng, nuôi dưỡng, đưa tới cái Lạc lớn (giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú), thì tất cả những cái lạc đó mình đều có thể sử dụng được, trong khi thầy Arita hiểu lầm đức Thế Tôn, thầy nghĩ rằng hành lạc là không có chướng ngại cho sự tu tập.

Đây là bài giảng cho chúng ta chuẩn bị đi vào Lâm Tế Lục. Tại vì Lâm Tế Lục là thuốc rất là đắng, thuốc rất là mạnh, nếu kẹt vào Lâm Tế Lục là chết luôn. Cũng như quẹt que diêm là để có ngọn lửa. Que diêm có mục đích là tạo ra ngọn lửa. Giáo lý vô thường, vô ngã có mục đích giúp cho mình có được tuệ giác về vô thường, vô ngã. Que diêm tức là phương tiện huyền xảo, phương tiện huyền xảo đó để làm phát sinh ra tuệ giác về vô thường và vô ngã. Khi tuệ giác vô thường và vô ngã được phát sinh thì nó thêu đốt que diêm. Vì vậy que diêm là giáo lý vô thường, là giáo lý khổ, vô ngã và bất tịnh. Giáo lý được đưa ra để làm thang thuốc thôi, khi mà thang thuốc đã chữa được bệnh rồi, thì thuốc đó không cần xài nữa. Giáo lý của Bụt như là ngón tay chỉ mặt trăng, như là thuốc trị bệnh, là chiếc bè đưa qua sông. Mục đích của giáo lý đó là làm phát khởi ra tuệ giác, mà tuệ giác đó trong khi phát khởi nó thiêu đốt cái giáo lý đó, làm cho chiếc bè đó không còn, và mình không còn dính vào chiếc bè nữa. Chúng ta phải có một thái độ rất là buông bỏ đối với giáo lý thì mới được, Lâm Tế Lục dạy mình như vậy. Que diêm rất là cần thiết để làm phát sinh ra ngọn lửa, nếu không có que diêm làm sao có ngọn lửa, thì những giáo lý của Bụt như là vô thường, vô ngã, bất tịnh rất cần thiết để làm sinh ra tuệ giác, khi mà tuệ giác sinh ra rồi thì nó đốt cháy cái giáo lý về vô thường, vô ngã, bất tịnh. Khi nào vượt thoát được rồi thì mới đạt được Niết Bàn. Cái thí dụ hộp diêm rất hay, giúp cho quý vị thấy được những người có khuynh hướng giáo điều, bị kẹt vào giáo điều, thì những người đó sẽ khổ, cũng như là những người bắt rắn mà không biết bắt rắn thì rắn trở lại cắn mình. Bụt cũng nói rõ ràng là 'Giáo lý của ta nguy hiểm lắm, giáo lý của ta là rắn đó, nếu quý vị không biết sử dụng thì nó sẽ cắn quý vị.' Không có một vị đạo sư nào trên thế gian lại nói về giáo lý của chính mình như vậy. 'Giáo lý của ta rất là cần thiết cho các ngươi, nếu các ngươi không biết sử dụng thì các ngươi sẽ chết về giáo lý của ta.' Đệ tử của Bụt chết về giáo lý của Bụt cũng khá nhiều. Thầy Lâm Tế cũng nói như vậy. Con cháu của Tổ Lâm Tế cũng chết vì giáo lý của Tổ Lâm Tế rất nhiều, tại vì trong khi học hỏi họ kẹt vào chữ nghĩa, không biết rằng những giáo lý của Ngài, những cái gậy của Ngài, những tiếng hét của Ngài đều là những phương tiện cả, kẹt vào đó là chỉ có chết thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét