Trần Vinh Dự: Góc nhìn Kinh tế
Thứ Ba, 06 tháng 12 2011
Đông Nam Á trong bảng vàng tham nhũng thế giới
Theo TI, cảm nhận tham nhũng ở Malaysia đang có vẻ ngày càng tệ đi, với 5.1 điểm nă m2007 (xếp thứ 43) và giảm dần xuống còn 4.3 năm 2011 (xếp thứ 60). Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tốt hơn rất nhiều so với các nước còn lại trong khu vực, ngoại trừ Singapore.
Trong khi đó, tiến bộ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á thuộc về Indonesia. Với 2,3 điểm năm 2007 (xếp thứ 143), Indonesia còn đứng sau cả Việt Nam và Philippines trong cùng năm này. Tới năm 2011, Indonesia đã đạt 3 điểm (xếp thứ 100), trên cả Việt Nam và Philipines (xem đồ thị).
Các nước còn lại trong khu vực hầu như không có thay đổi gì lớn. Singapore vẫn là đất nước có chỉ số cảm nhận tham nhũng thuộc loại tốt nhất thế giới (9.2 trên 10 điểm), mặc dù về xếp hạng có thay đổi đôi chút (Singapore xếp thứ nhất toàn thế giới năm 2010 và xếp thứ 5 trong năm nay). Myanma vẫn là một trong vài nước tệ nhất thế giới về tình trạng tham nhũng. Năm 2007, Myanma đứng cuối bảng, năm 2011 năm nay cũng đứng thứ 180 trong tổng số 183 nước được xếp hạng.
Lào và Cambodia vẫn hầu như không có thay đổi gì và trong nhóm các nước tệ nhất. Năm nay Lào xếp thứ 154 còn Cambodia xếp thứ 164. Thái Lan cũng nằm nguyên ở vị trí trên dưới 80.
Với 2.9 điểm, Việt Nam xếp hạng 112 trong tổng số 183 nước trong bảng tổng sắp của TI. Riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là trong sạch hơn Lào, Cambodia, và Myanma trong khi tệ hơn Indonesia, Thái Land và Singapore. Chỉ số CPI của Việt Nam năm nay cao hơn một chút so với các năm trước (2.7 cho các năm 2008 đến 2010 và 2.6 cho năm 2007) trong khi xếp hạng của Việt Nam cũng tốt hơn (112 năm nay so với 123 năm 2007).
So với người hàng xóm phương Bắc, Việt Nam luôn được coi là có mức độ tham nhũng cao hơn trong suốt 05 năm vừa qua. Năm 2007, Trung Quốc có số CPI bằng 3.5 và xếp thứ 72. Tới năm 2011, Trung Quốc vẫn có CPI là 3.6 và xếp hạng 75, hầu như không thay đổi gì so với 05 năm trước. Với mức xếp hạng này, Trung Quốc được phân vào nhóm nước có mức độ tham nhũng trung bình (màu đỏ nhạt), trong khi Việt Nam vẫn bị xếp vào nhóm nước có tham nhũng cao (màu đỏ tươi), và chỉ hơn nhóm màu đỏ thẫm là nhóm được cho là cực kỳ tham nhũng.
Tham nhũng không phải là một vấn đề mới. Và tham nhũng ở các nước đang phát triển như Việt Nam cũng không phải quá bất bình thường, mặc dù ai cũng biết nó là một nhân tố cản trở sự phát triển. Trong trường hợp của Việt Nam, đã có nhiều đối tác quốc tế tham gia giúp giải quyết bài toán này, trong đó có các cuộc đối thoại giữa Việt Nam và các nhà tài trợ về việc giải quyết tệ tham nhũng.
Ngày 29 tháng 11 vừa qua đã diễn ra phiên Đối thoại Phòng, Chống Tham Nhũng lần thứ 10 do Vương Quốc Anh phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng của Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Tại phiên đối thoại, các bên đều đồng ý là đã đến lúc phải thúc đẩy hơn nữa tính minh bạch bằng việc ban hành và thực thi Luật Tiếp cận Thông tin, tăng cường sự tham gia của các bên liên quan khác nhau trong đó có chính quyền địa phương, xã hội dân sự, người dân và khu vực tư nhân.
Ông Antony Stokes, Đại Sứ Vương Quốc Anh cho rằng: “Năm 1946, các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chất vấn Chính phủ, và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói: ‘Chính phủ sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết’. “Tuy nhiên, 55 năm đã trôi qua, tham nhũng vẫn là một vấn đề mang tính hệ thống. Tham nhũng đe dọa sự phát triển và ổn định của đất nước cũng như uy tín của Việt Nam. Đồng thời tham nhũng làm tổn thương người nghèo và những người dễ bị tổn thương”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét