Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

2011 LỄ NGHĨA THẦY TRÒ

 

LỄ NGHĨA THẦY TRÒ
PrintE-mail
Monday, 21 November 2011 16:36
Là người Việt Nam ắt hẳn sẽ có rất nhiều người biết đến câu thành ngữ:
“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”,
có lẽ chúng ta cũng chẳng phải luận bàn gì thêm về vai trò của người thầy trong việc giáo dục nhân cách của các thế hệ trẻ - câu thành ngữ trên đã nói lên tất cả, tầm quan trọng của người thầy được đặt ngang hàng với các bậc phụ mẫu, bậc thân sinh. Điều đó thể hiện một truyền thống tôn sư trọng đạo rất cao đẹp của dân tộc Việt. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng vì lòng tự tôn mà cho rằng đây là một đặc trưng riêng biệt của văn hóa con người Việt Nam. Thật ra, truyền thống tôn sư trọng đạo hay nói đúng hơn là “Lễ nghĩa thầy trò” là một dạng thức chung trong cách đối xử giữa người dạy và người học ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tất nhiên, ở những vùng văn hóa khác nhau chúng ta lại bắt gặp những nét thể hiện khác biệt. Chính vì vậy, chúng ta không nên so sánh và luôn phải giành cho văn hóa những sự tôn trọng tuyệt đối. Văn hóa của mỗi tộc người cần được đối xử một cách công bằng, không áp đặt và không bóc tách khỏi không gian sinh tồn của tộc người đó.
Với văn hóa Việt Nam, lễ nghĩa thầy trò mang một sắc thái riêng song cũng chịu nhiều dấu ấn của văn hóa Nho giáo Trung Quốc, đó là sự ảnh hưởng bị áp đặt của nghìn năm Bắc thuộc cũng như sự tự tiếp thu những giá trị tinh túy của Nho giáo.
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Trần Văn Đoàn (Đại học Quốc gia Đài Loan), lễ được diễn tả qua những hình thức mà chúng ta gọi là văn (tức vẻ đẹp, beauty), hoa (tính chất cao thượng, elegance) của cách sống và lối suy tư. Và sau cùng, lễ cũng là một phương thế giáo hóa biến con người thành người có văn, có học, tức người quân tử, người trượng phu. Đây chính là một trong những ý nghĩa căn bản nhất của nền văn hóa hóa Việt.
Qua những phân tích về chữ lễ, và về sự liên quan mật thiết giữa lễ và nghĩa trong tư tưởng Việt, cũng như vai trò của lễ nghĩa trong cuộc sống toàn diện của họ. Chỉ trong một mạch văn như vậy, chúng ta mới có thể nhận ra được rằng, người Việt hiểu lễ (giống như người Trung Hoa) ở những điểm sau: lễ như là quy tắc (lễ pháp), lễ như là hình thức trong những cuộc tương giao (lễ nghi), lễ như là một thể chế (lễ chế), lễ như là hình ảnh của lương tâm (lễ nghĩa), lễ như là một thước mực đo lường tư cách con người (lễ độ), và lễ như là một phương thế giáo dục cũng như quản lý xã hội (lễ trị). Nhưng hơn người Trung Hoa, người Việt coi lễ nghĩa không chỉ là cái lý, mà là chính là những hình ảnh, những phương thế, những quy luật nội tại (không phải là pháp luật, như chúng tôi sẽ giải thích sự khác biệt giữa lễ pháp và lễ phép, cũng như lễ độ và chế độ) của cuộc sống. Nói cách khác, lễ nghĩa là chính cách sống biểu hiện tâm thức, tinh thần, tình cảm, cảm vị (cảm nhận) của người Việt…
Nói như nhà nghiên cứu Trần Văn Đoàn cũng rất súc tích và hàm chứa nhiều yếu tố khoa học. Song, chính vì vậy mà người đọc có phần khó hiểu và dễ bị “rối” khi rơi vào hàng loạt các thuật ngữ chuyên ngành. Chúng ta có thể hiểu nôm na: Lễ là những quy tắc ứng xử không có tính bắt buộc nhưng mang tính ràng buộc, có nghĩa là ở một vị trí nhất định, trong một hoàn cảnh, tình huống cụ thể thì chúng ta phải ứng xử có khuôn phép hay nói cách khác là ứng xử một cách hợp lễ. Còn “nghĩa” trong trường hợp này được hiểu như là ý nghĩa của từng hành động nghi lễ, hay nói một cách dễ hình dung hơn: Lễ là yếu tố bên ngoài được biểu đạt bằng hành động trực quan còn nghĩa là những yếu tố ẩn chứa bên trong những hành động đó. Hai yếu này có quan hệ biện chứng hết sức thân thiết, không tách rời, mặc dầu trong những hoàn cảnh và thời gian khác nhau thì tính chất của mối quan hệ này cũng có nhiều sự biến đổi. Tuy vậy, với người phương Đông – trong đó có đại đa số người Việt, lễ nghĩa là một nét đặc trưng nổi bật trong văn hóa hóa ứng xử cộng đồng, là yếu tố chi phối sâu rộng đời sống xã hội phong kiến…
Lễ nghĩa trong cách ứng xử của giới võ thuật xưa cũng rất đặc sắc, sự sâu sắc này được thể hiện rõ trong cách ứng xử giữa sư phụ và đệ tử, giữa huynh đệ với nhau, giữa quần hùng đồng đạo võ học và giữa người học võ với quần chúng, có những chuẩn mực vô hình và cũng có những chuẩn mực đã được cụ thể hóa bằng môn quy, quy định và nó đang chi phối những hành động của mỗi người học võ.
“Học trò học nghề hay học chữ, ở với người dạy cho mình đều có nghĩa thầy trò. Học trò phải kính trọng thầy, phải quý mến thầy, mà nhất là thầy dạy học chữ lại càng phải kính trọng hơn nữa. Học trò khi mới vào học gọi là nhập môn, phải kiếm buồng cau lạy yết kiến thầy hai lạy. Lúc học gặp khi mồng năm ngày tết như ngày tết nguyên đán, tết thanh minh, tết đoan dương, tết trung thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà, thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà làm lễ đến thầy…”
Với người theo học võ, trước đây khi được nhận làm đệ tử hoặc có cha mẹ gửi theo học, người đệ tử phải trải qua nhiều nghi thức:
Đầu tiên, người học võ phải làm lễ cúng tổ, lễ vật thường gồm: trầu, cau, nhang, đèn, gà, trái cây và một ít tiền, số tiền ít- nhiều không quan trọng, miễn có để lấy thảo là được. Tuy nhiên, lễ vật luôn phải có như là sự ra mắt các bậc tiên sư, tổ sư. Đó cũng là một nghi lễ để tưởng nhớ đến gốc rễ, cội nguồn, nhớ đến những vị tiền nhân đã bỏ không biết bao nhiêu công sức gây dựng. Bên cạnh những lễ thức bái tổ của tân môn sinh chúng ta cũng phải kể đến một nghi lễ hết sức quan trọng của môn phái là lễ cúng tổ (giỗ tổ). Mỗi môn phái đều có các tổ sư riêng cho nên đối tượng thờ cúng của mỗi môn phái là khác nhau, ngày giỗ tổ thường là ngày tổ sư đó qua đời hoặc cũng có thể là ngày võ phái được chính thức thành lập.
Lễ vật cúng tổ ngày xưa cũng rất cầu kỳ, ít nhất cũng phải có những món thiết yếu như gà trống, gạo tẻ, gạo nếp, rượu, hương, trầu cau, ít nhiều tiền vàng mã… Hoặc như khó khăn quá thì chỉ là những thứ có sẵn như hoa trái trong vườn, ít hương đèn là đủ. Đó gọi là lễ mà không thiết ở “lễ”, điều quan trọng trong dịp này là chưởng môn và các thế hệ môn sinh có dịp tề tựu về võ đường, trao đổi, chuyện trò và quan trọng nhất là mọi người cùng nhau dâng lên chư vị nén hương để thể hiện lòng thành, đạo lý uống nước nhớ nguồn truyền thống của dân tộc ta được thể hiện là ở những điểm đó.
Ngày nay việc “nhận” môn sinh và dạy kiến thức võ học mang đậm tính “phổ cập”, bất kỳ ai yêu thích đều có thể theo học. Việc dạy võ có chương trình, giáo án rõ ràng và phải đảm bảo các yêu cầu về mặt sư phạm. Ngày trước công việc này hoàn toàn khác bây giờ, việc “nhận” đệ tử không hề đơn giản. Người sư phụ phải xem môn đồ của mình có đủ tố chất “nhà võ” hay không mới quyết định nhận thành đệ tử.  Rõ ràng, việc nhận đệ tử ngày trước là một sự chọn lựa khó khăn vừa đảm bảo sức vóc vừa đảm bảo yếu tố trí tuệ. Người thầy tuy nhận rất ít đệ tử nhưng những đệ tử đó  sau này đều trưởng thành và làm rạng danh môn phái. Có nhiều phái không có để tử chân truyền, cho nên người sư phụ mất đi, tuyệt kỹ cũng thất truyền theo.
Việc truyền dạy võ nghệ cho đệ tử cũng rất đặc biệt, người thầy căn cứ vào thể trạng, tố chất và ưu thế của môn sinh để truyền dạy những món đòn thích hợp. Mặt khác người thầy còn xem xét mục đích học võ của môn sinh là gì: Học để tự vệ, học làm võ sỹ hay học để truyền bá lại võ thuật.
Có lẽ cũng chính vì thế mà lễ nghĩa thầy trò xưa kia thật tôn nghiêm, quý giá và hết sức sâu sắc. Ngươi thầy – người sư phụ giống như người cha với biết bao sự quan tâm, chăm sóc, sự rèn giũa, sự bao dung. Và, hơn ai hết người với tư cách làm thầy luôn phải cố gắng để trở thành tấm gương sáng về đạo đức và lối sống cho các môn sinh neo theo. Dạy võ tuy cũng là một nghề song hiếm có ai sống nhờ thu nhập từ dạy võ, các võ sư tùy vào tình hình của mỗi môn sinh mà nhận lệ phí, có nhiều trường hợp khó khăn thầy dạy không những không lấy tiền mà còn nuôi cho ăn ở như con cái, tình nghĩa thầy trò trở nên vô cùng sâu nặng, chẳng khác nào cha con ruột rà. Người thầy dạy võ có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với các môn sinh của mình, chẳng những họ truyền cho đệ tử những kiến thức võ thuật mà còn truyền cho họ một nhân sinh quan sống động, với những triết lý sống, những quan điểm về thời cuộc, chính vì vậy một người thầy tốt sẽ cho đời những người trò ngoan, có ích cho xã hội. Trái lại, một người thầy không đủ tư chất thì khó lòng mong đợi những học trò tốt như người Việt Nam có câu “thầy nào trò nấy”.
Còn với những người học trò, họ luôn phải giữ những chuẩn mực đạo nghĩa, đó là sự kính trọng, vâng lời thầy, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các bạn đồng môn, sự kính trên, nhường dưới. Trong các dịp lễ, tết môn sinh dù còn học hay không vẫn thường về thăm thầy và không quên dâng lên tổ sư những nén hương thành kính…
Tình thầy trò (nguồn dẫn http://www.votrandaiviet.org/)
Lễ nghĩa thầy trò ngày nay đã không còn như xưa ắt hẳn sẽ có không ít người ngậm ngùi song điều đó là khó có thể tránh khỏi. Tuy vậy, trong rất nhiều tâm hồn người Việt Nam tình nghĩa thầy trò mãi là một hình ảnh đẹp, một ký ức khó phai. Xin mượn lời của PGS.TS Phạm Văn Tình để thay cho lời kết: “Khi người ta chịu ơn còn sống thì ta phải nhớ lễ tết cho chu đáo, còn khi người đó mất rồi, ta phải nhớ cúng giỗ nghiêm chỉnh theo phong tục. Đó là lẽ thường đối với tứ thân phụ mẫu mỗi người. Nhưng còn có những người khác mà nghĩa ơn sâu đến nỗi họ cần phải được ứng xử như vậy trong cuộc sống. Đó là những người thầy từng dạy dỗ ta..."
San Jose, Cali ngày 20.11.2011
Nguyễn Minh Tuấn và Ban Biên tập Võ trận Đại Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét