Kỷ niệm tròn 20 năm với Sai Gòn (1971-1979 và 2010-2021)
xin chia sẻ bài của tác giả Đỗ Duy Ngọc
Tôi và Sài Gòn
Tôi vốn không phải là dân Sài Gòn. Tôi là thằng con trai miền Trung vô Sài Gòn kiếm cái chữ từ những năm cuối của thập niên sáu mươi, đầu bảy mươi của thế kỷ trước. Là thằng sinh viên nghèo tự lập chẳng ai nuôi nên tôi chỉ quanh quẩn ở những xóm lao động của Sài Gòn hoa lệ thời ấy. Để tiện việc học hành, và vì lúc đấy cũng chẳng có phương tiện di chuyển, tôi bám trụ khu Trương Minh Giảng suốt quãng đời đi học. Cho đến khi đi làm mua nhà, tôi vẫn quanh quẩn khu vực ấy. Thế nên Sài Gòn trong tôi là những xóm nghèo, Sài Gòn với tôi là những người lao động nghèo, những căn nhà nho nhỏ, lụp xụp bên bờ kinh Nhiêu Lộc mà bây giờ không còn nữa. Ngay đống rác ngay chân cầu Trương Minh Giảng thuở xưa cũng là nơi ghi dấu nhiều ký ức cùa tôi một thời đã đi qua không trở lại.
Lúc mới vào Sài Gòn,
tôi mê những hàng cây. Những cây me đường Nguyễn Du với những quán cà phê ven
vỉa hè. Tôi và bè bạn rong chơi ở đấy suốt đời sinh viên để ngắm những hàng me,
để đón những lá me nhỏ xíu rớt trên vai mình, để nhìn những hạt mưa bay bay
trên những vòm lá xanh biếc màu ngọc bích và để yêu một thành phố. Tôi cũng mê
những buổi chiều đi lang thang sau giờ học ở Đại học Văn khoa, đến cuối đường
Gia Long, ở gần nhà thương Grall để ngắm hai hàng cây giao nhau và cuối con
đường là chủng viện Công giáo với tường màu gạch đỏ. Cảnh đó giống như một tác
phẩm nghệ thuật và lúc đó tôi nghĩ đây là con đường đẹp nhất Sài Gòn. Đi thêm
một đoạn nữa, ta ngỡ ngàng với hàng cây cổ thụ vươn cao từ khu Ba Son chạy ra
Đinh Tiên Hoàng, những hàng cây thẳng tắp luôn khiến con đường nhiều bóng mát
điểm những bóng nắng loang lổ như một bức ảnh đẹp được chụp bởi một tay máy
nghệ sĩ.
Tôi cũng thích bách bộ
lang thang đến đường Đoàn Thị Điểm (bây giờ là Trương Định) để ngắm những ngôi
nhà sang trọng nhưng rất thanh lịch thấp thoáng sau hàng rào đầy hoa và con
đường nhiều bóng râm. Nhiều lần đi kiếm cơm ăn ké bạn bè ở Đại học xá Minh
Mạng, tôi cũng ngắm nhìn những hàng cây cao vút cạnh ngôi nhà thờ màu đỏ như
gợi nhớ một bức tranh nào đó đầy màu sắc của hoạ sĩ Đinh Cường. Có nhiều đêm,
đi qua ngôi nhà lớn ở đầu đường Trương Minh Giảng tôi nghe tiếng dế gáy ở bụi
cỏ và hương ngọc lan thơm ngát từ ngững cây ngọc lan cổ thụ trong sân toà nhà
dưới ánh đèn đường mờ đục. Tiếng dế và hương thơm ngọc lan vẫn năm trong ký ức
của tôi đến tận bây giờ bởi con đường đó gắn với tôi biết bao kỷ niệm không thể
quên.
Kể nhiều vòm cây khóm
lá để thấy ấn tượng đầu tiên của một chàng học trò tỉnh lẻ đến Sài Gòn chính là
những con đường với những hàng cây rợp bóng.
Đến bây giờ, tôi đã ở
Sài Gòn được gần nửa thế kỷ. Chưa bao giờ có ai hỏi tôi là người gốc Sài Gòn
hay là dân Sài Gòn xịn, dù đã ở lâu xứ này, tôi vẫn nói giọng Quảng dù đã nhẹ
hơn người chánh gồc Quảng. Ở đất này, ai đã đến và sinh sống ở đây đều là người
Sài Gòn. Sài Gòn có nhiều người Bắc di cư năm 1954. Sài Gòn cũng có nhiều người
miền Trung từ Quảng Nam, Ngãi, Quy nhơn, Bình Định. Sài Gòn còn có rất nhiều
người miền Tây lên, từ miền Đông Nam bộ đến. Nhưng dù họ đến từ đâu, họ ở đây
đã là dân Sài Gòn, chẳng có ai phân biệt, chẳng có ai thắc mắc. Và đó cũng là
đặc điểm đặc biệt của người Sài Gòn khác với Hà Nội.
Đêm đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi ngủ trên ghế đá chỗ vườn hoa Tao Đàn. Nửa đêm tôi bị đánh thức bởi hai người cảnh sát. Bởi thời đó thiết quân luật từ nửa đêm, không ai được ra đường. Sau khi đưa giấy tờ và kể lể hoàn cảnh vừa mới từ miền Trung vào đi học, chưa kiếm được người quen. Một anh cảnh sát bảo: Miền Trung à? Ái chà chà, mấy ông sinh viên quê ngoài ấy khoái theo Việt cộng lắm. Tui chẳng biết nói sao đành chịu bị giải về cái bót cảnh sát ở ngay góc chợ Bến Thành. Tui nằm ở đó một đêm, sáng ra có một ông sĩ quan cảnh sát đến, bảo tôi đi học thì gắng mà học hành, đừng nghe lới mấy tay Việt Cộng mà tiêu đời. Ông ta móc bóp, cho tôi tiền ăn sáng và uống cà phê. Đó là cái tình của ngưởi Sài Gòn đầu tiên trong đời tôi và gây cho tôi ấn tượng về con người ở xứ này.
Trong những ngày đói
rách, khó khăn của cuộc đời, những người Sài Gòn, những người nghèo Sài Gòn đã
bảo bọc, giúp đỡ tôi qua cơn khốn khó. Tôi không quên được cô gái bán cơm ở chợ
Trương Minh Giảng. Thuở đó, tôi thất nghiệp, chẳng kiếm ra tiền, chắt bóp, vơ
vét túi chỉ đủ gọi dĩa cơm trắng rồi xin miếng xì dầu ăn qua bữa. Ăn được ba
hôm như thế thì cô bán cơm hỏi sao không thấy anh ăn thức ăn, đành nói dối tôi
ăn chay. Cô ấy chỉ cười, không nói. Nhưng mấy hôm sau, dĩa cơm xì đâu của tôi
luôn có dưới lớp cơm trắng khi thì miếng đậu hủ, lúc thì miếng thịt hoặc cái
hột vịt kho. Được mấy hôm, tôi mắc cỡ, không dám ra ăn nữa. Sau đó lại kiếm
được việc bán báo ở tận đường Phạm Ngũ Lão, tôi không ăn cơm ở đó. Thời gian
sau tìm lại thì quán đã đổi chủ rồi, tôi chẳng tìm được lại cô gái bán cơm có
nụ cười rất tươi và tấm lòng nhân hậu.
Ăn uống thiếu thốn lại
tạng người không khoẻ, tôi hay bệnh vặt. Chính những người hàng xóm rất nghèo
của tôi đã giúp tôi qua được những cơn bệnh, giúp tôi có chén cháo, viên thuốc.
Cái tình đó tôi làm sao quên. Sau này ở lâu, tôi mới hiểu ra đó là bản chất của
người Sài Gòn. Là cái tính ưa giúp người hoạn nạn, giúp kẻ sa cơ, tính ưa làm
việc thiện của người Sài Gòn.
Mỗi lần đi xa rời Sài
Gòn lâu, nhớ về Sài Gòn tôi chỉ nhớ những hàng cây và những người Sài Gòn tôi
đã gặp, đã sống chung với họ một quãng đời. Người ta hay khen Sài Gòn với những
cao ốc, những dinh thự, những khu ăn chơi bốc trời, những hàng quán xa hoa,
những chiếc xe đắt tiền, những thú vui hoan lạc. Riêng tôi, trong tôi, Sài Gòn
là vòm cây xanh lá, là những ngôi nhà bên dòng nước đen và ở đó tôi tìm thấy
tình người.
Bây giờ, Sài Gòn đã
đổi tên. Thế nhưng tôi vẫn gọi là Sài Gòn như một thói quen, cái tên của ký ức
không thể nhạt phai. Người ta đang tìm đủ cách để thành phố này không còn ký ức
của Sài Gòn. Nhưng với người Sài Gòn, Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn mà không có
một cái tên nào khác có thể thay thế được.
15.4.2018
Đỗ Duy Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét