THAM NHŨNG VNCH
Chính Trị Bạch Phiến Tại Đông Nam Á
Độc Quyền Á Phiện Mới
Sự
nghiệp không quân của Thủ Tướng Kỳ bắt đầu khi ông trở về nước sau khi
hoàn tất khóa học về dụng cụ trên phi cơ tại Pháp với chứng chỉ phi công
vận tải và với một bà vợ người Pháp. Khi người Mỹ bắt đầu hất cẳng
người Pháp ra khỏi vai trò cố vấn không quân năm 1955, người Pháp cố
gắng tăng cường ảnh hưởng suy yếu của họ bằng cách tiến cử các sĩ quan
có liên hệ chặt chẽ với họ, ông Kỳ được "cấp tốc" thăng cấp đại tá và
trở nên người Việt đầu tiên nắm chức tư lệnh không quân Việt Nam.
Bà
vợ người Pháp của trung úy Kỳ là bằng chứng của lòng trung kiên của
ông, và mặc dù còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, ông được bổ nhiệm chỉ huy
trưởng Không Đoàn Vận Tải 1. Năm 1956, Kỳ cũng được bổ nhiệm chỉ huy
trưởng Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhất tại Sàigòn, và không đoàn của ông
được tăng lên gấp đôi với ba mươi hai chiếc C-47 và được cải danh là
Liên Đoàn Vận Tải 1. Tuy bay máy bay loại C-47 khắp cùng mọi nơi trong
nước không mấy gọi là vẻ vang đối với một phi công, nhưng cũng có cái
lợi của nó. Trách vụ chuyên chở các viên chức và tướng tá trong chính
phủ đưa tới cho ông nhiều cơ hội tốt tiếp xúc chính trị, và với ba mươi
hai phi cơ trong tay, Kỳ có một đoàn phi cơ vận tải to lớn nhất tại Nam
Việt Nam. Kỳ mất chức vụ chỉ huy Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt, vì ông
bị chỉ trích về lối quản trị câu lạc bộ tại căn cứ của bà Nguyễn Thị Lý,
chị ông. Nhưng ông vẫn nắm Liên Đoàn Vận Tải 1 cho đến ngày đảo chánh
ông Diệm tháng 11/1963. Kỳ dùng tài giựt giây chính trị, và mặc dù không
mấy giỏi trong lãnh vực âm mưu đảo chánh, ông đã trở thành tư lệnh
không quân Việt Nam chỉ sáu tuần lễ sau ngày ông Diệm bị lật đổ.
Với
tư cách tư lệnh không quân, Thiếu Tướng Không Quân Kỳ trở nên một trong
những thành viên đắc lực nhất trong nhóm "Tướng Trẻ". Nhóm này đã khiến
chính trường trở nên hỗn độn dưới sự lãnh đạo ngắn ngủi và tùy hứng của
Tướng Khánh. Tuy không quân không có sức mạnh để tự mình khởi xướng một
cuộc đảo chánh, như một sư đoàn thiết giáp hay bộ binh, nhưng với khả
năng khống chế các trục lộ dẫn vào Sàigòn và ngăn chận mọi di chuyển của
các sư đoàn của bất cứ phe nhóm nào âm mưu đảo chánh, Kỳ hầu như nắm lá
phiếu định đoạt tuyệt đối trong tay. Sau khi không quân dẹp tan mưu
toan đảo chánh bất thành ngày 13/9/1964 chống Tướng Khánh, ngôi sao
chính trị của Kỳ bắt đầu sáng chói. Ngày 19/6/1965, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc
Gia gồm 10 tướng cầm đầu bởi Tướng Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Kỳ vào
chức vụ Thủ Tướng, một chức vụ cao nhất tại Nam Việt Nam.
Tuy
Kỳ rất được giới không quân ưa chuộng, ông không có một bàn tọa chính
trị riêng biệt và không thu hút thật sự được đám đông quần chúng khi ông
lên làm thủ tướng. Một gương mặt tương đối mới trên chính trường, không
mấy ai biết Kỳ ngoài vòng một số người quen thuộc. Lại nữa, Kỳ coi bộ
thiếu thốn tiền bạc, các đường giây móc nối, và khả năng giựt giây cần
thiết để tạo một thành phần lãnh đạo hữu hiệu và tái tạo nền an ninh tại
Sàigòn. Nhưng ông giải quyết các vấn đề này một cách rất ư theo truyền
thống Việt Nam bằng cách chọn lấy một tay môi giới quyền lực, đắc lực
như Machiavellian và tham nhũng như Bẩy Viễn hay Ngô Đình Nhu - Tướng
Nguyễn Ngọc Loan.
Loan
không mấy khó trở nên một trong những sĩ quan không quân sáng chói
nhất. Sự nghiệp ông được đánh dấu bởi sự thăng tiến mau lẹ và sự bổ
nhiệm vào những chức vụ nặng tính chất kỹ thuật như chỉ huy trưởng Liên
Đoàn Quan Sát Nhẹ và chỉ huy phó Trung Tâm Hành Quân Tác Chiến. Loan
cũng phục vụ với tư cách chỉ huy phó cho Kỳ, một người bạn đồng khóa,
sau vụ đảo chánh ông Diệm. Ngay sau khi nhậm chức, Kỳ bổ nhiệm Loan vào
chức vụ giám đốc ngành Anh Ninh Quân Đội (ANQĐ). Vì ANQĐ có trách nhiệm
điều tra chống tham những trong quân đội, Loan có một địa vị rất tốt để
bảo vệ cho các đàn em của Kỳ. Sau vài tháng quyền thế của Loan gia tăng
rõ rệt khi ông được bổ nhiệm thêm chức vụ giám đốc Cơ Quan Tình Báo
Trung Ương (TBTƯ), một CIA Việt Nam, mà không bị đòi buộc phải từ chức
ANQĐ. Sau cùng, vào tháng 4/1966, Thủ Tướng Kỳ tuyên bố Tướng Loan đã
được bổ nhiệm thêm vào chức vụ tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Chỉ sau
khi Loan củng cố xong địa vị mình và chính tay chọn những người kế vị,
ông mới nhượng lại chức vụ giám đốc ANQĐ và TBTƯ. Ngay cả dưới thời ông
Diệm, chưa có ai từng nắm nhiều cơ quan cảnh sát và tình báo như vậy.
Khi
bổ nhiệm Loan vào cả ba chức vụ đó, quyền lợi của Kỳ và của Mỹ trùng
hợp nhau. Trong khi Thủ Tướng Kỳ dùng Loan để tạo dựng một guồng máy
chính trị thì Mỹ lấy làm hài lòng thấy một người hùng mạnh chỉ huy lấy
giới cảnh sát và tình báo Sàigòn để tống khứ Mặt Trận Giải Phóng Miền
Nam ra khỏi thủ đô. Trung Tá Lucien Conein nói Loan được Mỹ ủng hộ hết
mình vì
Chúng
ta muốn an ninh hữu hiệu tại Sàigòn trên hết, và Loan có thể cung ứng
sự an ninh đó. Không có gì đáng chê trách đối với các hoạt động của Loan
và cả ba tầng lớp cố vấn Mỹ tại quận, tỉnh và toàn quốc được giao đặt
vào tay ông để tùy nghi xử dụng.
Lối
nhìn ngây ngô của các nhà ngoại giao thời Kennedy trong những tháng
cuối của chế độ ông Diệm tuyệt nhiên không còn nữa. Sự tranh luận liên
quan đến chiến thuật "cảnh sát trị" và sự mơ hồ cho là Sàigòn có thể an
ninh và chính trường có thể ổn định mà không cần tới ngân khoản bắt
nguồn từ các mánh mung làm tiền tại Sàigòn không còn có thế đứng nữa.
Được
Kỳ khích lệ và Mỹ ngấm ngầm ủng hộ, Loan (mà Mỹ gọi là "Laughing Larry"
vì ông hay cười thé lên) hồi phục phương thức của Bình Xuyên dùng tham
nhũng để chống lại du kích chiến trong thành thị. Thay vì trừ khử các
văn phòng cảnh sát và tình báo, Loan liên hợp với các chuyên viên đã
từng điều khiển các cơ quan này trong mười, mười lăm năm cuối đây. Theo
Trung Tá Conein, "cũng chính những chuyên viên tổ chức tham nhũng cho
Diệm và Nhu vẫn còn nắm cảnh sát và tình báo. Loan chỉ việc bắn tiếng
cho họ và tái tạo hệ thống cũ lăn bánh trở lại."
Dưới
sự điều khiển của Loan, an ninh tại Sàigòn tiến bộ khả quan. Với việc
tái áp dụng mạng lưới theo dõi từng nhà một theo phương pháp do bác sĩ
Tuyến hoàn bị, cảnh sát thu thập được vô vàn tin tức. Một viên chức sứ
quán Mỹ, Charles Sweet, lúc đó làm việc trong lãnh vực bình định thành
thị, nhớ lại là năm 1965 Mặt Trận Giải Phóng thường tổ chức tụ tập dân
chúng trong các quận 6, 7 và 8 thuộc Chợ Lớn và các vụ khủng bố xảy ra
trên 40 vụ một tháng chỉ duy trong quận 8. Phương pháp của Loan hữu hiệu
đến nỗi, từ tháng 10/1966 cho tới tháng 1/1968, không có vụ khủng bố
nào xảy ra trong quận 8. Tháng 1/1968, phóng viên Robert Shaplen báo cáo
Loan "đã đem lại thành quả trong việc truy lùng các quân khủng bố Cộng
Sản trong Sàigòn..."
Lẽ
dĩ nhiên "tái dùng hệ thống cũ" có nghĩa là phục hồi tham nhũng đại qui
mô để tài trợ tiền mặt tưởng thưởng các điệp viên bán thời gian mỗi khi
họ cung cấp tin tức. Loan và các tay nhà nghề tình báo cảnh sát hệ
thống hóa tham nhũng, ấn định mỗi cơ quan có quyền thu tiền bao nhiêu,
mỗi sĩ quan được phép cất giữ xài riêng bao nhiêu, và phải giao lại bao
nhiêu phần trăm cho guồng máy chính trị của Kỳ. Tham nhũng cá nhân thái
quá bị triệt tiêu, và các mánh mung tứ đổ tường tại Sàigòn-Chợ Lớn, việc
bảo vệ chúng và đút lót đều được kiểm soát kỹ lưỡng. Sau nhiều năm quan
sát hệ thống của Loan, Charles Sweet nhận thấy có bốn nguồn hối lộ
chính tại Nam Việt Nam: (1) buôn quan bán chức của các tướng tá và mấy
bà vợ của họ, (2) tham nhũng trong giới hành chánh (hối lộ, đút lót, vân
vân), (3) tham nhũng trong giới quân đội (ăn cắp của công , gian lận
trả lương lính ma) và (4) buôn á phiện. Và trong bốn thứ đó, Sweet kết
luận là buôn á phiện là nguồn lợi quan trọn nhất không thể chối cãi
được.
Với
tư cách môi giới thế lực cho Thủ Tướng Kỳ, Loan chỉ quản đốc các phương
thức tham nhũng khác nhau trên bình diện hành chánh tổng quát; ông
thường nhường lại việc tổ chức và quản trị các mánh mung làm tiền cho
các đàn em thân tín.
Đầu
năm 1966 Tướng Loan bổ nhiệm một chính trị gia Sàigòn có bộ mặt bí mật
tên là Nguyễn Thanh Tùng (biệt hiệu là "Mai Đen") vào chức vụ giám đốc
Sở Tình Báo Hải Ngoại thuộc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương. Mai Đen là một
trong số những chuyên viên âm mưu đảo chánh đã nhiều lần thay đổi phe
nhóm trong thời gian 25 năm sau này mà không ai biết mấy về hành tung
của nhóm người này. Hình như Mai Đen bắt đầu sự nghiệp trong ngành tình
báo Việt Minh vào cuối thập niên 1940, rồi trở nên một điệp viên làm
việc cho Pháp tại Hà Nội vào những năm 1950, tiếp đến ông gia nhập sở
mật vụ của Bác Sĩ Tuyến sau khi Pháp rút lui. Khi chế độ Diệm đổ vỡ, ông
trở nên cố vấn chính trị thân cận của tư lệnh Quân Đoàn I, Tướng Nguyễn
Chánh Thi. Tuy nhiên, khi Tướng Thi xung khắc với Thủ Tướng Kỳ trong vụ
khủng hoảng Phật Giáo năm 1966, Mai Đen cung cấp cho Tướng Loan những
tin tức về hành tung và kế hoạch của Thi. Sau ngày Tướng Thi bị thất
sủng vào tháng 4/1966, Loan đền ơn Mai Đen bằng cách bổ nhiệm ông vào Sở
Tình Báo Hải Ngoại. Tuy ngoài mặt Mai Đen phụ trách về tình báo hải
ngoại, nhưng công việc thật sự của ông là tái tổ chức đường giây buôn á
phiện và vàng giữa Sàigòn và Lào.
Vì
Mai đen nắm quyền bổ nhiệm các chức vụ sứ quán và tình báo tại hải
ngọai, nên ông không gặp khó khăn khi gài một số tay chân tại Lào. Tuy
nhiên, tùy viên quân sự tại Vạn Tượng, Trung Tá Khư Đức Nùng, và chị của
Thủ Tướng Kỳ tại Pakse, bà Nguyễn Thị Lý (quản lý Khách Sạn Sedone
Palace), hầu như chắc là bộ hạ chính của Mai Đen.
Á
phiện được mua, đóng thành kiện hàng và giao tại một địa điểm tại Lào
(thường là Savannakhet hay Pakse). Một số phương pháp được xử dụng để
đưa á phiện vào Nam Việt Nam. Tuy không còn quan trọng như trong quá
khứ, phương pháp thả dù vẫn tiếp diễn. Vào tháng 8/1966, chẳng hạn, các
lính mũ xanh Mỹ đang hành quân tại các đồi núi phía bắc Pleiku ngạc
nhiên khi đồng minh người thượng của họ tặng cho họ một bó á phiện thô
do một phi công bay ngang qua đầu họ thả xuống vì ngỡ đám phục kích quân
người thượng này là nhóm người tiếp nhận hàng. Bộ hạ của Kỳ trên Cao
Nguyên là Tướng Vĩnh Lộc, tư lệnh Quân Đoàn II. Tướng Vĩnh Lộc được đưa
lên đó vào năm 1965 và thừa hưởng tất cả những lợi lộc của chức vụ này.
Người tiền nhiệm của ông, một tướng lãnh khét tiếng tham nhũng, khoe
khoang với đồng nghiệp, ông được năm ngàn mỹ kim cho mỗi tấn á phiện thả
dù xuống Cao Nguyên.
Khi
mà phương cách thả dù tại Cao Nguyên giảm thiểu và đường giây qua ngã
đường bộ chưa được phát triển thì á phiện thô được đưa vào Sàigòn qua
các chuyến bay dân sự thông thường xuất phát từ Lào. Ngành hải quan tại
Tân Sơn Nhứt đầy dãy tham nhũng, và Giám Đốc Hải Quan, Nguyễn Văn Lộc là
một cơ phận quan trọng trong guồng máy kinh tài của Loan. Trong một bản
báo cáo tháng 11/1967, George Roberts, thời đó là trưởng ban đội toán
cố vấn Mỹ cho cơ quan hải quan, mô tả tình trạng tham nhũng và buôn lậu
tại Nam Việt Nam:
Mặc
dù theo dõi quan sát Sở Hải Quan, một cơ quan tham nhũng điển hình của
chính phủ Việt Nam, trong suốt bốn năm, tôi vẫn chỉ có thể đưa một số
rất ít người ra tòa án pháp luật với những bằng chứng cụ thể tôi có
trong tay và không hy vọng có thể kết tội họ với những bằng chứng đó.
Tham nhũng đã trở nên một thể chế ăn sâu vào quá trình làm việc của
chính phủ khiến nó bất khả xâm phạm vì đã lan tràn quá sâu rộng, đến độ
không còn có thể phân biệt đâu là hành động "chính" đâu là hành động
"tà". Thế nào là tham nhũng tại Việt Nam? Theo nhận xét riêng, tham
nhũng là:
+
Giới chức cao cấp làm ngơ, và tham dự vào việc buôn lậu, không những
mặt hàng đáng nghi ngờ, mà còn hủy hoại kinh tế quốc gia bằng cách buôn
lậu vàng và tệ hại hơn cả, á phiện và bạch phiến;
+ Giới chức cảnh sát biến các "trạm kiểm soát" thành các "trạm moi tiền";
+ Giới chức chính quyền khuyến cáo các nhân viên cấp dươi phải "điếu đóm" hàng tháng cho mình...
+ Nhân viên hải quan đấu giá các chức vụ kiếm lời nhất và bán các chức vụ đó cho ai ra giá cao nhất.
Coi
bộ giám đốc hải quan Lộc dốc toàn lực vào việc tổ chức buôn lậu vàng và
á phiện giữa Vạn Tượng, Lào, và Sàigòn. Khi 144 kí lô vàng bị phát giác
tại phi trường Tân Sơn Nhứt trên chuyến bay tư Vạn Tượng tới, George
Roberts báo cáo cho cơ quan hải quan Mỹ tại Washington là "Có vết tích
chính trị và có sự đồng lõa của giới chức cao cấp dính vào vụ này." Giám
Đốc Lộc cũng dùng những móc nối chính trị để cho đứa cháu gái xinh đẹp
của ông được làm tiếp viên hàng không trong hãng máy bay Vương Quốc Lào,
có nhiều chuyến bay mỗi tuần giữa Vạn Tượng và Sàigòn, và dùng cô cháu
gái này làm giao liên các dịch vụ chở vàng và á phiện. Khi các cố vấn
hải quan Mỹ ra lệnh lục soát hành lý của cô vào tháng 12/1967 khi cô vừa
bước xuống chuyến bay Vương Quốc Lào từ Vạn Tượng đáp xuống, họ khám
phá hai trăm kílô á phiện thô. Trong bản tường trình hàng tháng gửi về
Washington, George Roberts kết luận Giám Đốc Lộc "khuyến khích hệ thống
thường nhật đút lót hối lộ tại một số địa hạt trong guồng máy Hải Quan."
Sau
khi Roberts đệ trình một số bản báo cáo tố giác mạnh mẽ với sứ quán Mỹ,
Đại Sứ Ellsworth Bunker cho triệu ông và các thành viên của đội toán cố
vấn hải quan Mỹ tới Sứ Quán thảo luận về "sự thông dự của Việt Nam
trong vụ buôn lậu vàng và bạch phiến." œy Ban mang tên The Public Administration Ad Hoc Committe on Corruption in Vietnam
được thành lập để đối phó với vấn đề này. Tuy Roberts khuyến cáo ủy ban
"phải bỏ thái độ bưng bít đút đầu xuống cát như những con đà điểu" khi
giáp mặt với tham nhũng và buôn lậu, và van lạy, "Điều tối quan trọng,
xin quí vị đừng liệt kê đề tài này vào loại hồ sơ mật và như thế đóng
hòm chôn vùi đi,", Sứ Quán Mỹ lại quyết định làm đúng như thế. Giới chức
sứ quán mà Roberts mô tả như những biện hộ viên với "tấm lòng vàng" đã
quyết định không can thiệp vào vụ buôn lậu và tham nhũng đại qui mô này
vì "áp lực tới từ những quyền lực khỏi phải nêu xuất xứ mà ai cũng biết
tới."
Bực
tức Sứ Quán Mỹ đã không chịu hành động, một nhân viên hải quan Mỹ tiết
lộ các báo cáo của Roberts về tham nhũng cho tiểu ban do Thượng Nghị Sĩ
Albert Gruening của Tiểu Bang Alaska thuộc Thượng Nghị Viện Mỹ. Khi
Thượng Nghị Sĩ Gruening tuyên bố tháng 2/1968 là chính phủ Sàigòn "tham
nhũng và hối lộ đến độ không còn được dân chúng kính nể và trung tín
nữa," giới chức Mỹ tại Sàigòn chống đỡ cho chế độ Thiệu-Kỳ bằng cách nói
là "không có gì chứng minh rằng các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam có tội ăn
hối lộ." Một tháng sau Thượng Nghị Sĩ Gruening phân phát bằng cớ Kỳ
buôn lậu á phiện trong những năm 1961-1962, nhưng Sứ Quán Mỹ che chở cho
Kỳ khỏi phải bị điều tra thêm bằng cách ra một bạch thư phủ nhận lời
buộc tội của ông nghị sĩ.
Trong
khi những bản tin động trời về buôn lậu tại khu dân sự phi trường Tân
Sơn Nhứt được đăng tải với những tít giựt gân, thì cách đó có vài trăm
thước những chiếc máy bay C-47 của KQVN đang xuống các kiện hàng á phiện
từ Lào chở qua mà không ai để ý tới. Kỳ không nhường lại chức tư lệnh
không quân đến mãi tháng 11/1967, và ngay cả sau đó ông vẫn dành quyền
thăng chức và bổ nhiệm trong mạng lưới gồm các sĩ quan bộ hạ thân tín;
giới này vẫn coi ông là tư lệnh đích thực của họ. Ngay khi giữ cả hai
chức vụ thủ tướng và phó tổng thống, Thiếu Tướng Không Quân Kỳ từ chối
các tư dinh chính thức đã được hiến dâng cho ông và thay vào đó ông xử
dụng 200 ngàn đô tiền chính phủ để xây cất một lâu đài tân thời và có
trang bị hệ thống máy lạnh ngay trong Căn Cứ Không Quân tại Tân Sơn
Nhứt. Ngôi "biệt thự phó tổng thống," một quái vật màu sặc sỡ giống như
một biệt thự tại Los Angeles, chỉ cách phi đạo Tân Sơn Nhứt có vài bước,
nơi các trực thăng ngồi trực hai mươi bốn trên hai mươi bốn, và chỉ
cách bản doanh của đơn vị cũ ông, Liên Đoàn Vận Tải 1, có một phút. Điều
dễ hiểu là những người ủng hộ ông quyết liệt nhất thuộc Liên Đoàn Vận
Tải 1 này. Chỉ Huy Trưởng của đơn vị này, Đại Tá Lưu Kim Cương, được
giới quan sát viên hiểu biết coi như là "quyền tư lệnh" bán chính thức
của toàn đơn vị không quân và là nhân vật chính trong vụ buôn lậu á
phiện. Từ khi quyền hành chỉ huy của Liên Đoàn Vận Tải 1 và của Căn Cư
Không Quân Tân Sơn Nhứt được sát nhập với nhau nằm 1964, Đại Tá Cương
không những có máy bay bay từ nam Lào và Cao Nguyên (đường bay chính của
á phiện), nhưng ông cũng kiểm soát các lính anh ninh căn cứ không quân
và như vậy ông có thể ngăn chận mọi lục soát những chuyến bay của các
C-47.
Một
khi á phiện tới Sàigòn an toàn, á phiện được bán cho các tổ hợp người
Tàu, là những người lo dịch vụ tinh lược và phân phối. Cảnh sát của Loan
dùng tổ chức hữu hiệu này để "cấp giấy phép" và đóng cửa cả ngàn động
tiên bất hợp pháp tập trung trong các quận 5, 6 và 7 thuộc Chợ Lớn và
rải rác đồng đều tại phần còn lại của các quận trong thủ đô.
Tuy
thương vụ xuất cảng bạch phiến qua Âu Châu tương đối nhỏ bé dưới thời
chế độ Diệm, nhưng nó đã tăng trưởng dưới chế độ Kỳ từ khi Thổ Nhĩ Kỳ
chấm dứt việc sản xuất bạch phiến vào những năm 1967-1968. Theo Trung Tá
Lucien Conein, Loan thừa hưởng tình trạng thay đổi này:
Loan
tái tổ chức việc xuất cảng á phiện như một thành phần của hệ thống tham
nhũng. Ông tiếp xúc với bọn Corse và Tàu, và nói họ có thể bắt đầu xuất
cảng á phiện Lào từ Sàigòn nếu họ trả một giá nhất định cho tổ chức
chính trị của Kỳ.
Hầu
hết bạch phiến xuất cảng từ Nam Việt Nam - dù dưới dạng tinh lược qua
Âu Châu hay dưới dạng á phiện thô tại các địa hạt khác thuộc Đông Nam Á -
được chở từ bến cảng Sàigòn trên các tàu chở hàng vượt trùng dương.
(Đồng thời, Sàigòn cũng có thể là bến nhập khẩu của á phiện từ Thái Lan
du nhập vào Nam Việt Nam.) Giám đốc thương cảng Sàigòn trong thời kỳ này
là anh em rể của Thủ Tướng Kỳ và cũng là cố vấn của ông, Trung Tá Phó
Quốc Chữ (Kỳ đã ly dị với bà vợ Pháp và cưới một người Việt). Dưới sự
quản đốc của Trung Tá Chữ, tất cả những nhân viên thương cảng chuyên
nghiệp bị sa thải, và tháng 10/1967 cố vấn trưởng hải quan Mỹ báo cáo,
giới chức điều hành thương cảng là một "tập đoàn sĩ quan keo sơn với
nhau." Tuy nhiên, so với tài sản có thể tạo nên bằng cách ăn cắp dụng cụ
quân sự và hàng hóa thì á phiện có lẽ không quan trọng bằng.
Chắc
hẳn Loan và Kỳ quan tâm tới tình trạng an ninh tối hậu tại Sàigòn khi
mà họ lên nắm quyền, nhưng mục tiêu thật sự khi gầy dựng bộ máy cảnh sát
trị là quyền lực chính trị. Xem ra họ thường quên "kẻ thù" của họ là
ai, và xử dụng mạng lưới tình báo cảnh sát để tấn công các đối thủ chính
trị và quân sự. Ngoài vụ bắn một nghi can thuộc Mặt Trận Giải Phóng
trước ống kính của các đài truyền hình Mỹ trong trận Tết Mậu Thân 1968,
có lẽ Tướng Loan được nổi tiếng trên thế giới về phương pháp độc đáo ông
dùng tới để bẻ gẫy tình trạng bế tắc tại Quốc Hội trong kỳ tuyển cử năm
1967. Một dân biểu đề nghị một đạo luật không cho phép Kỳ tham dự vào
những cuộc tuyển cử tới, bị ám hại. Vợ vị dân biểu này tố cáo Tướng Loan
đã ra lệnh ám sát chồng bà. Khi hạ nghị viện không chịu chấp thuận liên
danh Thiệu Kỳ nếu họ không chịu tuân theo luật bầu cử, Tướng Loan xông
thẳng lên lầu trên của phòng hạ nghị viện với hai lính cận vệ, thế là sự
chống đối tan biến. Khi hạ nghị viện do dự chuẩn y các chiến thuật gian
lận liên danh Thiệu Kỳ xử dụng để thắng phiếu trong cuộc bầu cử tháng
9, Tướng Loan và lính tráng ông tràn ngập lầu trên hạ nghị viện, và một
lần nữa các dân biểu nhìn thấy họ sai lầm trong lề lối hành động của họ.
Dưới
sự điều khiển của Tướng Loan, guồng máy Kỳ tái tổ chức guồng máy đút
lót trong việc buôn lậu á phiện và tạo dựng một tổ chức mà nhiều quan
sát viên cho là bao quát hơn là bộ máy mật của Nhu. Nhu lệ thuộc vào các
tổ hợp Corse để quản lý hầu hết các đường giây buôn lậu á phiện giữa
Lào và Sàigòn, nhưng các hãng máy bay cho bao thuê bị tống khứ khỏi Lào
đầu năm 1965. Điều này khiến bộ máy của Kỳ buộc phải can dự một cách
trực tiếp hơn vào việc buôn lậu hơn là mật vụ của Nhu. Qua trung gian
các tiếp xúc cá nhân tại Lào, số lượng lớn á phiện tinh lược và thô được
chuyên chở từ các phi trường tại Nam Lào, nơi mà chúng được chất lên
các máy bay vận tải của không quân dể du nhập vào Nam Việt Nam. Hải Quan
Việt Nam cũng bị kiểm soát bởi bộ máy của Kỳ, và một số lượng lớn á
phiện được chở thẳng tới Sàigòn qua các chuyến bay dân sự từ Lào. Một
khi á phiện tới thủ đô, á phiện được phân phối tới các động tiên rải rác
khắp thành phố đã được cảnh sát của Tướng Loan che chở. Sau cùng, dưới
sự kiểm soát của giới thương cảng Sàigòn, bộ máy của Kỳ có thể kiếm trác
lợi lộc lớn bằng cách đóng thuế trên các mặt hàng Corse xuất cảng sang
Âu Châu và các mặt hàng Tàu chở sang Hồng Kông. Mặc dầu mặt hàng bạch
phiến chiếm phần quan trọng hơn, nhưng bộ máy của Kỳ vẫn quan tâm tới
thị trường á phiện nội địa. Dịch lính Mỹ tiêu thụ bạch phiến sẽ chỉ bộc
phát năm năm sau này.
Thiệu Nắm Phần Chỉ Huy
Khi
thế chính trị của Thiếu Tướng Không Quân Kỳ xuống dốc nhanh chóng, các
sĩ quan cao cấp dưới quyền Tổng Thống Thiệu trồi hiện lên như những tay
buôn bạch phiến chính tại Nam Việt Nam. Cũng như những vị tiền nhiệm,
Tổng Thống Diệm và Thủ Tướng Kỳ, Tổng Thống Thiệu cẩn trọng tránh né
liên hệ trực tiếp vào tham nhũng chính trị. Tuy nhiên, người môi giới
quyền lực của ông, cố vấn tình báo phủ tổng thống Tướng Đặng Văn Quang,
dính líu sâu đậm vào những hoạt động mờ ám này. Qua trung gian các sĩ
quan cao cấp trong quân đội và hải quân trung tín đối với ông hay đối
với Tổng Thống Thiệu, Tướng Quang đã tạo dựng một nền móng quyền lực to
lớn. Tuy mạng lưới quốc tế của Tướng Quang có vẻ yếu hơn mạng lượi quốc
tế của Kỳ, Tướng Quang kiểm soát hải quân Việt Nam, là đơn vị có một tổ
chức tinh vi buôn lậu du nhập một số lượng lớn bạch phiến hoặc bằng cách
che chở cho bọn buôn lậu đường biển Tàu hay bằng cách xử dụng chính các
tàu chiến hải quân Việt Nam. Ảnh hưởng của Kỳ đối với các sĩ quan cao
cấp trong quân đội suy yếu rất nhiều, và sự kiểm soát quân đội giờ này
chuyển qua tay Tướng Quang. Giờ này quân đội quản lý hầu hết sự phân
phối và bán bạch phiến cho lính Mỹ. Cộng thêm vào đó, một khối dân biểu
theo phe Thiệu đã bị tố giác cho dân chúng biết là họ đã tích cực can dự
vào việc buôn lậu bạch phiến, nhưng coi bộ họ hành sự một cách độc lập
hơn đối với Tướng Quang là đối với quân đội và hải quân.
Ngày 15/6/1971, trong một bản tin của NBC Nightly News,
phóng viên của đài này tại Sàigòn, Phil Brady, nói với khán thính giả
toàn quốc là cả Tổng Thống Thiệu lẫn Phó Tổng Thống Kỳ tài trợ cuộc
tranh cử của họ bằng buôn lậu bạch phiến. Brady trích dẫn "những nguồn
tin hết sức đáng tin cậy" và nói là cố vấn tình báo của Tổng Thống
Thiệu, Tướng Đặng Văn Quang, là "tay buôn lớn nhất" tại Nam Việt Nam.
Tuy phát ngôn viên báo chí của Thiệu phổ biến lời phủ nhận mạnh mẽ và tố
cáo Brady "loan tin thất thiệt và bôi nhọ các nhà lãnh đạo chính phủ,
và như vậy tiếp tay cho địch Cộng Sản," viên chức này không chống đỡ cho
Tướng Quang, là người có tiếng là tướng lãnh tham nhũng nhất tại Nam
Việt Nam khi ông còn là tư lệnh Quân Đoàn IV dưới đồng bằng sông Cửu
Long.
Vào tháng 7/1969, phóng viên tuần báo Time điện về văn phòng Nữu Ước bản báo cáo này về hoạt động của Tướng Quang tại Quân Đoàn IV:
Khi
ở vùng đó, người ta nói ông kiếm cả triệu bằng cách buôn quan bán chức
và hối lộ tiền trong việc sản xuất gạo. Có một vụ nổi tiếng, được mô tả
trong hồ sơ tham nhũng cũ của Quang, khi Đại Tá Nguyễn Văn Minh nhận
chức tư lệnh Sư Đoàn 21. Ông từng là tư lệnh phó quân đoàn dưới quyền
Quang. Trong buổi lễ nhận chức bà vợ của vị tư lệnh bị thay thế đứng lên
và hô hoán cho cử tọa biết là Minh đã trả cho Quang 2 triệu đồng (7,300
mỹ kim) để đổi lấy chức vụ này ... Rốt cuộc Quang bị cách chức khỏi
Quân Đoàn Bốn vì áp lực của Mỹ.
Tướng
Quang bị thuyên chuyển về Sàigòn vào cuối năm 1966 và trở nên bộ trưởng
kế hoạch và phát triển, một chức vụ ngồi không ăn lương. Không bao lâu
sau khi Thiệu được bầu lên làm Tổng Thống vào tháng 9/1967, Quang được
bổ nhiệm phụ tác đặc biệt quân sự và an ninh. Tướng Quang trở thành môi
giới quyền lực của Tổng Thống Thiệu, và giờ này làm kinh tài một cách
bất chính cho guồng máy chính trị của Thiệu cũng giống như Tướng Loan
từng làm cho guồng máy chính trị của Kỳ.
Tuy
nhiên Tổng Thống Thiệu không tin cậy Quang như Thủ Tướng Kỳ tin cậy
Tướng Loan. Loan được lòng tin cậy tuyệt đối của Kỳ và được giao phó
quyền hành vô giới hạn. Thiệu, ngược lại, cẩn thận tạo dựng nhiều trung
tâm quyền lực cạnh tranh nhau bên trong guồng máy chính trị của ông để
tránh Tướng Quang có quá nhiều quyền lực trong tay. Kết quả là Quang
không nắm được các phe nhóm phân mỏng ủng hộ Thiệu như Loan từng nắm
guồng máy của Kỳ. Khi quyền hành của bộ máy Kỳ suy yếu sau tháng 6/1968,
các phe nhóm của Thiệu điền chám thay thế vào. Trong cuộc thay đổi
chính trị này, Tướng Quang nắm lấy lực lượng đặc biệt, hải quân và quân
đội, nhưng một nhóm khác của Thiệu, cầm đầu bởi Tướng Trần Thiện Khiêm,
cũng nắm lấy đủ quyền lực để dần dần trồi lên như một phe nhóm độc lập.
Tuy nhiên, hầu hết các quyền lực và ảnh hưởng thừa hưởng được do sự thất
sủng của Kỳ hình như hoàn toàn lọt vào phe nhóm Thiệu dưới sự kiểm soát
của Tướng Quang.
Có
bằng cớ cho thấy một trong nhóm đầu tiên mới, bắt đầu du nhập á phiện
vào Nam Việt Nam là các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt hoạt động tại
Nam Lào. Vào tháng 8/1971 The New York Times báo cáo có nhiều máy
bay chở bạch phiến vào Nam Việt Nam "dính líu tới các lực lượng đặc
biệt mật của Nam Việt Nam hoạt động dọc theo mạng lưới Đường Mòn Hồ Chí
Minh tại Lào." "Lực lượng xung kích" thuộc lực lượng đặc biệt đặt căn cứ
tại Tỉnh Kontum, bắc Pleiku, có một đoàn trực thăng, vận tải cơ, và máy
bay hạng nhẹ thường xuyên bay qua Nam Lào để hoạt động phá hoại và thám
thính. Một vài sĩ quan lực lượng đặc biệt nói là tư lệnh của đơn vị này
bị thuyên chuyển tới một chức vụ khác giữa năm 1971 vì can dự sâu rộng
vào buôn lậu bạch phiên và sợ nội vụ bị phát giác.
Nhưng
các phi vụ bí mật như vậy không mấy hữu hiệu cho việc buôn lậu, và hình
như guồng máy của Tướng Quang chỉ can dự sâu đậm vào buôn lậu bạch
phiến với việc xâm chiếm Cam Bốt vào tháng 5/1970. Lần đầu tiên sau
nhiều năm quân đội Việt Nam hành quân bên trong Cam Bốt; các đơn vị Việt
Nam đóng chốt các trục lộ giao thông bên trong Cam Bốt, quân đội biệt
phái các sĩ quan liên lạc tại Phnom Penh, và các sĩ quan tình báo được
phép làm việc bên trong vương quốc trung lập cũ này. Quan trọng hơn, hải
quân Việt Nam bắt đầu tuần tiễu thường xuyên trên các nhánh sông Cửu
Long bên trong Cam Bốt và đặt căn cứ tại Phnom Penh.
Hải Quân Việt Nam: Ngược Lên Sông Lạch
Hải
Quân Việt Nam dùng cuộc xâm chiếm Cam Bốt để bành trướng vai trò của
mình trong vụ buôn lậu bạch phiến, mở thêm một đường giây mà trước nay
không đả thông tới được. Ngày 9 tháng 5, một đoàn tàu chiến gồm 110
chiếc Việt và 30 chiếc Mỹ dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Nguyễn Thành
Châu, vượt biên vào Cam Bốt, xông tiến lên sông Cửu Long theo đội hình
chữ V trông rất tráng lệ. Ngày hôm sau chỉ huy trưởng Lực Lượng Giang
Đoàn 211, Đại Tá Nguyễn Văn Thông đổ bộ vài trăm toán lính Việt Nam 20
miles phía thượng lưu tại Neak Luong, một bến phà tối hệ trọng nằm trên
trục lộ số 1 nối liền Phnom Penh với Sàigòn. Để lại đàng sau các cố vấn
Mỹ tại đó, toán lính Việt Nam tới Phnom Penh ngày 11/5, và ngày 12/5 họ
tới Kompong Cham, nằm cách thủ đô Cam Bốt 70 miles về phía bắc, và như
vậy là hoàn toàn đả thông sông ngạch để tùy nghi xử dụng. Được các quảng
cáo gia hải quân trưng lên như là một chiến tích và một "đoàn tàu quân
sự nhân đạo", đoàn tàu này, theo nguồn tin bên trong của hải quân Việt
Nam, còn có đặc điểm là chở lậu một số lượng lớn á phiện và bạch phiến
vào Nam Việt Nam.
Một
cộng sự viên của Tướng Quang, cựu tư lệnh hải quân Phó Đề Đốc Chung Tấn
Cang, nổi bật lên trong cuộc xâm chiếm Cam Bốt. Phó Đề Đốc Cang từng là
một bạn thân của Tổng Thống Thiệu từ ngày hai người cùng theo học
Trường Hàng Hải tại Sàigòn (khóa năm 1947). Khi Đề Đốc Cang bị cách chức
tư lệnh hải quân năm 1965, sau khi bị buộc tội bán các đồ viện trợ dành
cho các nạn nhân bão lụt cho bọn buôn chợ đen thay vì phân phát cho các
dân di cư đói khát, Thiệu đã can thiệp để tránh cho ông khỏi bị đưa ra
tòa và bổ nhiệm ông vào một chức vụ ăn không ngồi rồi.
Các
nguồn tin từ bên trong hải quân Việt Nam nói là mạng lưới buôn lậu bạch
phiến và á phiện từ Cam Bốt về Nam Việt Nam được giao phó cho giới sĩ
quan cao cấp hải quân ngay sau khi hải quân Việt Nam cập bến tại Phnom
Penh. Các kiện hàng được che chở chuyển từ tay này qua tay khác cho tới
khi xuống hàng tại Sàigòn: trạm giao liên đầu tiên là từ Phnom Penh đến
Neak Luong; tiếp đến, từ Neak Luong đến Tân Châu, ngay bên trong nội địa
Nam Việt Nam; kế tiếp, từ Tân Châu đến Bình Thủy. Từ đó bạch phiến được
chở tới Sàigòn trên nhiều loại tàu hải quân và dân sự.
Khi
cuộc hành quân Cam Bốt đến hồi kết thúc vào giữa năm 1970, tổ chức buôn
lậu của hải quân (từng đem vào một số lượng hạn định vàng, á phiện và
những mặt hàng mờ ám khác vào Việt Nam từ 1968) bành trướng mạnh thêm.
Đại
tá hải quân Lâm Ngươn Tánh được bổ nhiệm phó tư lệnh hành quân của hải
quân tháng 8/1970. Ông cũng đồng khóa với Thiệu tại Trường Hàng Hải
(khóa năm 1947). Ông thình lình bị cách chức tham mưu trưởng hải quân
năm 1966. Các nguồn tin bên trong hải quân nói là giới chức cao cấp sĩ
quan hải quân dùng ba căn cứ hải quân tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, đặt
dưới quyền chỉ huy của đại tá hải quân Lâm Ngươn Tánh - Rạch Sỏi, Long
Xuyên, và Tân Châu - như là những địa điểm xuống hàng bạch phiến đưa vào
Việt Nam từ các tàu đánh cá Thái và các thuyền tam bản Miên. Từ ba căn
cứ này, bạch phiến được chuyển lậu tới Sàigòn trên các vận tốc đỉnh PCF.
Khi bạch phiến được chở tới Sàigòn trên các tam bản dân sự hay tàu đánh
cá thông thường, thì các đơn vị hải quân bảo vệ cho các chuyến tàu bè
này.
Tuy
các sự đề phòng này phải nói là khá chu đáo, nhưng các biến cố và quyết
định ngoài sự kiểm soát của Tướng Quang đưa tới một phát giác ô nhục
được phô bày trước công chúng. Ngày 25/7/1971, toán cảnh sát chống bạch
phiến Việt, với sự trợ giúp của các nhân viên Thái và Mỹ, bẻ gẫy một tổ
hợp lớn người Tàu thuộc bang Triều Châu, bắt giam 60 tay buôn lậu bạch
phiến, và tịch thâu một số lượng bạch phiến lớn nhất trong lịch sử Việt
Nam - 51 kílô bạch phiến và 334 kílô á phiện. Được giới báo chí tuyên
dương như một thắng lợi lớn của chính phủ Thiệu trong nỗ lực chống bạch
phiến, các cuộc bố ráp này thật ra gây lúng túng cho Thiệu vì đã phát
giác phần nào tổ chức buôn lậu của hải quân.
Quân Đội Việt Nam: Buôn Á Phiện
Trong
khi hải quân Việt Nam nhập cảng á phiện, các thành viên thân Thiệu
trong quân đội Việt nam (QLVNCH) quản đốc phần phân phối và bán bạch
phiến cho các binh lính Mỹ trong nội địa Nam Việt Nam. Nhưng thay vì để
cho các sĩ quan của mình nắm các sắc diện lộ liễu của dịch vụ, các chóp
bu của QLVNCH khôn khéo làm việc với các tay buôn Tàu Chợ Lớn. Do đó,
một khi các kiện hàng bạch phiến nhập cảng lậu vào nước hoặc do chính
quân đội hoặc do các con buôn Tàu dưới sự bao che của quân đội--chúng
thường được giao cho các con buôn Chợ Lớn để được đóng thành gói và
chuyên chở. Từ Chợ Lớn, các tay lái buôn Tàu và Việt rải ra khắp cùng
nước, giao các lố hàng từng mấy kí lô bạch phiến cho các tư lệnh vùng từ
Cà Mâu đến Khu Phi Quân Sự. Tại ba trong bốn vùng quân sự, sự phân phối
tại địa phương được giám sát và bao che bởi các sĩ quan cao cấp. Trong
Đồng Bằng sông Cửu Long (Quân Đoàn IV) sự mua bán được kiểm soát bởi các
đại tá trung kiên của Tướng Quang; tại trung phần (Quân Đoàn II) sự
phân phối bạch phiến đã trở nên một đề tài tranh chấp giừa hai vị tướng
lãnh trung kiên của Tổng Thống Thiệu, cựu tư lệnh QĐ II Tướng Lữ lan và
đương kim tư lệnh Tướng Ngô Dzu; và tại phần cực bắc (Quân Đoàn I) việc
mua bán được điều khiển của các tư lệnh phó quân đoàn. Tháng 6 năm 1971,
cố vấn chỉ huy trưởng cảnh sát Mỹ nộp một văn thư về sự liên hệ của
Tướng Ngô Dzu trong việc mua bán bạch phiến mô tả sự liên hệ giữa các
con buôn lậu Tàu Chợ Lớn và các tướng lãnh Việt:
"Bản
Doanh Bộ Tư Lệnh Quân Sự Hoa Kỳ, Việt Nam KBC San Franscisco 96222 Văn
Phòng Phụ Tá Tham Mưu Trưởng, CORDS MACCORDS-PS ngầy 10 tháng 6 năm 1971
Văn Thư Lưu Trữ, Đề Tài: Tố Giác Vụ Buôn Bạch Phiến
1. Một nguồn tin kín đã báo cho Cơ Quan này là thân phụ của Tướng Dzu, Tư Lệnh QĐ2, đang buôn lậu bạch phiến với ông Chánh, một người gốc Tàu ở Chợ Lớn.
2.
Thân phụ của Tướng Dzu cư ngụ tại Qui Nhớn. Ông Chánh thường hay từ
Sàigòn tới Qui Nhơn bằng Air Việt Nam, nhưng thỉnh thoảng bằng máy bay
riêng của Tướng Dzu. Ông Chánh hoặc đi một mình, hoặc cùng với những
người gốc Tàu khác. Khi tới Phi Trường Qui Nhơn, thường có một toán hộ
tống gồm có An Ninh Quân Đội và/hay Quân Cảnh tới đón ông Chánh; rồi ông
được hộ tống đến nhà thân phụ Tướng Dzu, tại đó ông giao đổi từng kí lô
bạch phiến lấy tiền mặt đô la Mỹ. Ông Chánh thường ở lại Qui Nhơn đôi
ba ngày, và ông ngụ tại Khách Sạn Hòa Bình trên đường Gia Long, Qui
Nhơn. Khi ông Chánh trở về Sàigòn ông cũng được hộ tống từ Phi Trường
Tân Sơn Nhất.
3.
Cảnh Sát Quốc Gia tại Qui Nhơn, đặc biệt các nhân viên cảnh sát phục vụ
tại phi trường, đều hay biết các hành động giữa thân phụ Tướng Dzu và
ông Chánh, nhưng họ sợ hoặc báo cáo hay điều tra các vi phạm này e rằng
họ sẽ bị trở thành vật tế thần nếu họ làm như vậy.
4. Ông Chánh (tục gọi là Mũi Đỏ) là một người gốc Tàu ở Chợ Lớn trạc tuổi 40.
[ký tên] Michael G. McCann, Giám Đốc Public Safety Directorate CORDS
Sau
khi các kiện hàng bạch phiến được đưa tới các thành phố hay các căn cứ
QLVNCH cạnh bên các cơ sở Mỹ, bạch phiến được bán cho các binh lính Mỹ
qua trung gian một mạng lưới các tay lái dân sự (các cô người làm quét
dọn phòng ốc, các người bán hàng ngoài đường, các mụ tú bà, và các trẻ
nít bụi đời) hay bởi các sĩ quan cấp bậc thấp. Tại Sàigòn và quanh các
Quân Đoàn hầu hết thị trường bạch phiến được quản trị bởi các mạng lưới
dân sự, nhưng khi các binh lính Mỹ di chuyển xa khỏi thủ đô tới các căn
cứ hỏa lực hẻo lánh dọc theo biên giới Lào và vùng Phi Quân Sự, vai trò
của các tay buôn quân đội trở nên chính yếu hơn.
Guồng Máy của Khiêm: Tất Cả trong Gia Đình
Sau
bốn năm biệt xứ vì lý do chính trị tại đài Loan và Mỹ, Khiêm hồi hương
tháng năm 1968 và được chỉ định vào chức bộ trưởng nội vụ trong nội các
tổng thống Thiệu. Khiêm, có lẽ một lãnh tụ quân sự Việt Nam bất thường
nhất, khởi công xây dựng một thế lực cho riêng mình, trở nên thủ tướng
năm 1969. Tuy Khiêm có một quá trình phản bội các đồng minh của mình khi
phù hợp với mục tiêu riêng, tổng thống Thiệu đang kèn cựa tranh chấp
ngầm với phó tổng thống Kỳ, và có lẽ bổ nhiệm Khiêm vì ông cần đến tài
lèo lái chính trị vô song địch của Khiêm. Nhưng trước tiên với tư cách
bộ trưởng nội vụ rồi kế đó kiêm thủ tướng, Khiêm bổ nhiệm các anh em họ
hàng vào các văn phòng sinh lợi trong các cơ quan hành chánh dân sự và
bắt đầu xây dựng một tổ chức chính trị càng ngày càng biệt lập. Tháng 7
năm 1968 ông bổ nhiệm em vợ của ông vào chức vụ đô trưởng Sài Gòn. Ông
dùng ảnh hưởng lớn mạnh của ông để đặt để em trai, Trầng Thiện Khởi, vào
chức vụ trưởng phòng Phân Bộ Chống Gian Lận của nhà đoan, một em trai
khác vào chức vụ giám đốc thương cảng Sài Gòn và em họ vào chức vụ phó
tổng trấn Sài Gòn Sau khi lên nắm chức thủ tướng năm 1969, Khiêm đã có
thể bổ nhiệm một thân thuộc bên vợ vào chức vụ tổng giám đốc Cảnh Sát
Quốc Gia.
Một
trong những người quan trọng nhất trong guồng máy của Khiêm là em ông,
Trần Thiện Khởi, trưởng phòng Phân Bộ Chống Gian Lận của nhà đoan. Không
bao lâu sau khi các cố vấn nhà đoan Mỹ bắt đầu làm việc tại Phi Trường
Tân Sơn Nhất năm 1968, họ phúc trình các hồ sơ về tệ trạng trầm trọng và
khuyến cáo các viên chức Việt Nam ra tay chỉnh trang. Tuy nhiên, theo
như lời của một viên chức Mỹ phát biểu, "Họ vừa mới khởi sự dọn dẹp khi
em ông Khiêm tới, và sau đó mọi sự đều được thảy qua cửa sổ." Trưởng
phòng Chống Gian Lận Trần Thiện Khởi giao cho phó trưởng phòng của mình
làm công việc nhơ nhuốc, và hai người cùng nhau đình chỉ mọi công việc
chỉnh đốn có tính cách hữu hiệu. Viên phó trưởng phòng này đã được mô tả
cách sống động trong một bản báo cáo của cảnh sát trưởng Mỹ năm 1971:
Y
nghiện thuốc phiện tốn phí khoảng 10 ngàn đồng một ngày [$35] và lê lết
các động tiên ông địa phương theo một thời khóa biểu đều đặn. Y đã từng
bị truy tố về nhiều tội phạm nghiêm trọng khoảng hai năm trước nhưng vụ
đút lót và bề thế chính trị, đã được tha bổng. Khi y nắm chức vụ này y
nghèo rách mồng tơi, nhưng bây giờ đã trở nên giàu có và cấp dưỡng hai
ba bà vợ.
Bản
báo cáo mô tả trưởng phòng Khởi như "một vai chính trong vụ buôn á
phiện" đã phá hoại nỗ lực đặt đ một đội toán chống buôn thuốc phiện
trong Phân Bộ Chống Gian Lận. Dưới sự lãnh đạo của Khởi, các vụ nhập
cảng lậu vàng và á phiện đã trở nên lộ liễu đến đ vào tháng hai năm 1971
một cố vấn nhà đoan Mỹ đã báo cáo là "...sau ba năm họp hành kiểu này
và vô số chỉ thị ban bố từ mọi cấp, công việc của Nhà Đoan tại phi
trường đã tới mức độ các nhân viên Nhà Đoàn Việt Nam chỉ còn là tay sai
của các con buôn lậu..." Bản báo cáo tiếp tục mô tả sự liên kết giữa các
viên chức nhà đoan và một nhóm tay buôn lậu chuyên nghiệp coi như chúng
nắm phần điều hành phi trường:
Trong
thực tế, các viên chức nhà đoan coi bộ hết sức chiều lòng bọn buôn lậu
này và không những tháp tùng chúng qua các trạm kiểm soát mà còn đưa
rước chúng ra tận xe taxi. Lối xử này ban bố cho dịch vụ một vẻ hợp lệ
để tránh sự can thiệp có thể xảy ra do bởi một viên chức nhà đoan hay
một cảnh sát viên mới vào nghề không thông thạo lề lối làm việc ở đây.
Một con buôn lậu quan trọng nhất tại Tân Sơn Nhất là một mụ đàn bà với các liên hệ chính trị đáng nể:
"Một
trong những vấn đề lớn nhất tại phi trường từ khi các Cố Vấn thoạt tới
đây và đề tài của một trong những bản báo cáo đầu tiên là Bà Chín, hay
Chín Mập. Tên này hợp với bà ta vì bà to xác đủ để có thể dễ nhận diện
trong bất cứ nhóm người nào ... Mụ này chỉ huy một nhóm 10 hay 12 phụ nữ
luôn có mặt tƠi mọi chuyến bay tới từ Lào và Singapore và họ tiếp nhận
hầu hết các kiện hàng tới trong các chuyến bay này mà không ai đi theo
... Khi Bà Chín rời khỏi khu vực nhà đoan, bà như một con vịt mẹ dẫn đầu
một đàn vịt con có 8 đến 10 phu khuân vác theo sau để chất các kiện
hàng lên các xe taxi đang chờ đợi ...
Tôi
nhớ một lần ... vào tháng bảy năm 1968 khi một phi cơ từ Lào tới ...
tôi ngỏ ý muốn có cùng loại thuốc bắc Tàu mà bà này tiếp nhận và đã đem
đi. Một trong số viên chức nhà đoan mới mở một trong các gói hàng và tìm
thấy không phải là thuốc mà là các sấp vàng lá... Sự việc này được
trình lên ông tổng giám đốc nhưng trưởng phòng Khu 2... nói là tôi chỉ
phỏng đoán và tôi không nên cáo buộc Bà Chín làm bậy. Tôi nêu lên điều
này để cho thấy bà này được bao che bởi mọi cấp trong Nhà đoàn của Chính
Phủ Miền Nam."
Tuy
là hầu hết các viên chức nhà đoan đều nhận các tiền mua chuộc từ các
con buôn lậu, các cố vấn nhà đoan Mỹ tin là chức vụ của trưởng phòng
Khởi hưởng lợi tài chánh nhiều nhất. Trong khi các trưởng phòng phân bộ
chỉ nhận tiền mua chuộc của các thuộc viên, quyền lực thi hành luật pháp
cho phép ông nhận các chia chác từ mọi phân bộ trong ngành đoan. Vì
chưng một viên chức bé nhỏ như trưởng phòng thâu thuế tại nhà kho kiện
hàng Tân Sơn Nhất chia chác 22 ngàn đô một tháng cho cấp trên, lợi tức
của trưởng phòng Khởi phải là kếc xù.
Đầu
năm 1971, các cố vấn nhà đoan Mỹ vận dụng nỗ lực để thay viên phó
trưởng phòng, nhưng trưởng phòng Khởi rất khôn khéo trong việc bao che
cho viên phó trưởng phòng của mình. Vào tháng ba, các viên chức Mỹ tại
Vientiane biết được là Dân Biểu Phạm Chí Thiện sẽ đáp máy bay đi Sài Gòn
mang theo bốn kí lô bạch phiến và báo cáo tin này đến Sài Gòn. Khi các
cố vấn nhà đoan Mỹ yêu cầu Phân Bộ Chống Gian Lận chận bắt (các viên
chức Mỹ không có quyền bắt giam), trưởng phòng Khởi giao việc bắt bớ này
cho viên phụ tá nghiện á phiện. "Người Hùng" sau này được gắn huy
chương ân thưởng "thành quả" này của anh ta, và các cố vấn nhà đoan Mỹ,
đang khi họ vẫn tìm cách sa thải hay thuyên chuyển anh này, đã phải cắn
răng dự buổi tiếp tân mừng y.
Bực
dọc trong bao nhiêu tháng vì thái độ thờ ơ của sứ quán Mỹ và thái độ
gian dối của giới chức Việt, các thành viên của đội toán cố vấn Mỹ tại
nhà đoan lấy quyết định đưa sự vụ ra công luận Mỹ. Các bản sao của các
cố vấn nhà đoan Mỹ trích dẫn trong phần trên được tiết lộ cho giới báo
chí và trở nên nền tảng cho một bài viết xuất hiện trên trang đầu của
nhật báo the New York Times ngày 22 tháng 4 năm 1972, dưới hàng tít,
"Phi Trường Sài Gòn, Thiên Đường của Bọn Buôn Lậu."
Phản
ứng phiá Mỹ bộc phát tức thì. Washington phái thêm cố vấn nhà đoan làm
việc tại Tân Sơn Nhất, và Sứ Quán Mỹ cuối cùng đòi chế độ Thiệu phải
hành động. Tuy nhiên khởi đầu chính phủ Sài Gòn lạnh nhạt đối với đòi
hỏi của Sứ Quán Mỹ phải lành mƠnh hóa Phân Bộ Chống Gian Lận của nhà
đoan. Chỉ đến khi vấn đề nhập cảng lậu trở nên một trái banh giữa phe
Khiêm và phe Thiệu, giới chức Việt mới tỏ ra quan tâm giải quyết vấn đề
này.
The Politiques of Heroin in SEA
Alfred W. McCoy (1973)
Harper Colophon Books
Adam Sadowski chuyển tới
Alfred W. McCoy (1973)
Harper Colophon Books
Adam Sadowski chuyển tới
Thiệu và Đồng Bọn
Một Đảng Phái Lạ Đời
Một
đảng phái lạ đời khống chế sinh hoạt chính trị tại Sàigòn. Đó là đảng
quân đội, quen gọi là đảng Áo Kaki. Đảng này không có luật lệ, chương
trình, bản doanh hay phù hiệu, vậy mà là con cưng của mấy ông Mỹ. Các
thành viên là các tướng lãnh, đại tá và các sĩ quan khác, đã được thăng
chức tước không dựa trên thành quả cá nhân mà là do sự tiến cử của đại
sứ Bunker. Lẽ dĩ nhiên, đảng này nắm phần độc quyền trên tất cả mọi
thương vụ lợi lộc và đã gây nên nhiều hiềm khích và ganh tị.
Ông
Phan Huy Quát, Thủ Tướng thời Nguyễn Khánh, có lần than phiền: Công
việc của họ (các quân nhân) là đánh giặc, vậy mà họ xiá vào đủ chỗ. Họ
là tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, tỉnh trưởng, vân
vân... Bây giờ chỉ còn có một đảng chính trị duy nhất tại Nam Việt Nam:
Đảng Áo Kaki.
Đảng
này đã đẩy lui tất cả các đảng khác vào hậu trường. Ông Đặng Văn Sung,
một lãnh tụ Đại Việt và là một người được Tướng Taylor ưa chuộng đã phát
biểu cách cay cú trong một bữa tiệc tại nhà hàng Continental: Có ích
tước gì mà đi lập một đảng chính trị? Đảng quân đội thống trị tất cả
rồi.
Đi
tới đâu cũng chạm trán giới quân nhân. Các trung sĩ điều hành đường xá,
các trung úy điều hành quận xã, các thiếu tá điều hành tỉnh lỵ, ngay cả
thành phố thì lại do một đại tá thị trưởng cầm đầu. Tại Hạ Viện Văn Hóa
Quốc Gia, chính là những người mặc áo kaki phán quyết. Tướng Không Quân
Nguyễn Cao Kỳ, phó tổng thống, người chỉ quan tâm tới thú trọi gà như
là sở thích văn hóa độc nhất, ban bố chỉ thị và các sĩ quan tâm lý chiến
đề cao tận mây xanh các sáng tác văn chương của Đại Úy nhảy dù Nguyễn
Vũ...
Về
mặt kinh tế, bàn tay của quân đội còn lộ liễu hơn nữa. Họ nắm lấy tất
cả: kỹ nghệ hóa chất (Công ty Dosuki trên đại lộ Đồng Khánh là của các
cựu tướng lãnh Đôn, Xuân, Kim và Thuần); thương vụ xuất nhập cảng, với
số nhập cảng hàng năm trị giá 500 triệu mỹ kim; ngân hàng (Tướng Nguyễn
Hữu Có, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng, là chủ một ngân hàng quan trọng); độc
quyền trên mọi nguồn lợi lộc: gỗ và lâm sản trên Cao Nguyên, vỏ quế và
nhựa thông tại Quảng Nam và Lâm Đồng, cá và thủy sản tại Phan Thiết và
Phú Quốc, tôm đông lạnh tại Vũng Tàu, vân vân..., ngành địa ốc, với các
cao ốc, khách sạn sang trọng, biệt thự vương giả với sân quần vợt và hồ
tắm tư, vân vân...Tất cả đều nằm gọn trong tay các chóp bu quân đội.
Hạ
tầng cơ sở trong hệ thống quân giai thì làm chủ các quán ba, động mãi
dâm, nhà tắm hơi, tiệm giặt ủi cung phụng các lính Mỹ. Nhóm dân sự rất
phật ý đối với các thế chèn ép này của giới quân nhân, nhưng họ đâu kêu
ca gì được. Quân đội rêu rao là tự do buôn bán là luật của trò chơi và
bất cứ ai có tiền và ham muốn đều có thể nhập cuộc. Họ có thể nói như
vậy, vì họ có thể lấy xác đè người, họ có thể biết các bí mật quân sự và
kinh tế, nắm phần quyết định trên việc phân phối các trợ cấp Mỹ, và
quan trọng hơn cả, có súng trong tay! Nhiều thương gia giàu có người
miền Bắc, di cư vào Nam sau 1954, đã bại sản vì sự cạnh tranh của các
thương gia mặc áo kaki. Một chủ tiệm vàng lớn gốc Hànội đã tự vận bằng
cách nuốt các viên thuốc ngủ.
Cọp Biển và Ó Đen
Phương
pháp làm giàu mau của các tướng lãnh thật là đặc biệt, và thành quả của
họ thật chớp nhoáng. Vào khoảng 1970-71, họ đã trở nên rất giàu có,
ngay cả theo tiêu chuẩn quốc tế, tài sản cá nhân của họ lên đến cả triệu
mỹ kim. Đứng hàng đầu lẽ dĩ nhiên là hàng lãnh tụ tỉ như Tướng Nguyễn
Văn Thiệu và Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên.
Chúng
ta hãy xét vấn đề cách sát gần hơn, nhìn vào các thủ đoạn của Đô Đốc
Trần Văn Chơn, tư lệnh Hải Quân, chẳng hạn. Ông và vị tiền nhiệm, Đô Đốc
Chung Tấn Cang, hiện giờ là tổng trấn Sàigòn, cùng với giới đàn em
thuộc lực lượng hải quân, đều trở nên giàu có "với tốc độ của các thủy
lôi đỉnh" theo lời mô tả hoa mỹ của quân nhân Hải quân.
Mỗi
tam cá nguyệt, Đô Đốc Cang phái nhân viên sang Mỹ để tiếp thu các tàu
chiến do Mỹ giao lại cho đồng minh Sàigòn. Đây quả là nhừng cơ hội bằng
vàng đối với những người được giao phó trọng trách và các ông xếp của họ
ở quê nhà. Họ trú ngụ trong những khách sạn sang trọng nhất tại những
thành phố nóng hổi dọc theo bờ biển Thái Bình Dương và có đầy dãy cơ hội
làm quen với "văn hóa" Mỹ và tình huống thương trường. Các kiện hàng
bạch phiến, á phiện và cần sa của họ sang tay cách mau lẹ, đem lại lợi
lộc đến cả 500 phần trăm. Các chuyến đi Phi Luật Tân và Okinawa trong
nhiều "công vụ" cũng rất lợi lộc và đầy tiêu khiển. Chẳng vậy mà thường
xảy ra nhiều vụ đụng tàu bè được cố ý tạo nên để có dịp lái tàu sang
Ma-ní để gọi là "sửa chữa".
Các
vùng ven biển thuộc Nam Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Hải
Quân. Các chiến hạm hải quân có thể thả neo tại bất cứ bến cảng nào và
ngoài ra còn có các khu vực "an ninh đặc biệt" tùy nghi xử dụng. Hải
Quân cũng có vô số tàu bè khác tới lui trên các sông ngạch Nam Việt Nam.
Phó Đô Đốc Lâm Ngươn Tánh có nhiều bạn bè và họ hàng trong giới thương
gia Tàu Chợ Lớn. Thành thử thương vụ thủy sản lẽ dĩ nhiên nằm trong tay
quý vị sĩ quan của Hải Quân và đồng bọn: cá, tôm hùm, nước mắm hảo hạng,
yến bán với giá rất hậu tại thương trường Hồng Kông, vân vân...
Các
chiến hạm Hải Quân không những chở đầy ắp với các hàng hóa tỉ như vỏ
quế từ Trung Bộ hay trái cây và rau cỏ từ miền đồng bằng, mà còn với đủ
loại ma túy cho các lính Mỹ đồn trú tại Cam Ranh, Đà Nẵng, Cửa Việt, vân
vân... Còn phải cộng thêm các "chiến lợi phẩm" ăn cướp từ vùng dân cư
ven biển và các cuộc bố ráp dân thuyền chài: vàng bạc nữ trang, quần áo,
bàn ghế, đồng hồ, máy ra-điô, xe gắn máy, ngay cả thuyền đánh cá cùng
đồ trang bị. Phần chia chác lẽ dĩ nhiên tùy thuộc vào cấp bậc của đương
sự. Đám dân chúng đần độn, xanh mặt vì ganh tị, gọi các thủy thủ là "bọn
giặc cướp biển", không những cướp của dân chúng mà lẫn cả công quỹ.
Thật vậy, tại các chợ trời Sàigòn, bày bán đủ mọi thứ dụng cụ Hải Quân:
phao, đồ bàn, chăn mền, võng, máy phát điện, vân vân...
Mặt
khác, giới Không Quân có phương thức làm ăn riêng, với tốc độ và hiệu
năng xứng với thời đại phản lực, dưới sự lãnh đạo trước nhất của Tướng
Nguyễn Cao Kỳ, và tiếp sau của Tướng Trần Văn Minh. Họ buôn bán loại
hàng hóa nhẹ cân nhưng mắc tiền, vàng lá hay thẻ, kim cương, bạch
phiến...Các chuyến công vụ đi Phnom Penh, Vạn Tượng, Băng Kốc, Ma-ní hay
Đài Loan đều là những dịp làm giàu trong đó các chỉ huy trưởng căn cứ ,
không đoàn, và phi hành đoàn hợp tác chặt chẽ với các con buôn quốc tế
hoạt động tại vùng Đông Nam Á. Hàng hóa được chuyên chở dưới sự bao che
của cảnh sát không quân. Bọn này ngăn chận không cho phép các nhân viên
hải quan và cảnh sát kinh tế bén mảng đến gần. Một khi tới phi cảng, các
xe vận tải đặc biệt của Không Quân lại tiếp thu hàng hóa, hay ngay cả
trực thăng được xử dụng khi bị đe dọa. Các sĩ quan không quân tại phi
cảng lớn Tân Sơn Nhất còn có dịch vụ cho các con buôn nào muốn chuyên
chở các mặt hàng đắt giá với một tốc độ nhanh chóng và an ninh tối đa.
Lệ phí chuyên chở giá phải chăng: 200,000 đồng nếu chuyên chở một kílô
bạch phiến từ Sàigòn tới Nhatrang; 300,000 đồng tới Đà Nẵng; và 350,000
đồng tới Phú Bài xa hơn về phía bắc. Tiền được trả trước và không cần
biên lai. Người gửi cho biết địa chỉ, thường là một chỗ công cộng hay
một quán ăn sang trọng, dấu hiệu nhận diện người nhận mặt hàng.
Các
món tiền lớn cũng lọt vào tay các chỉ huy trưởng căn cứ từ việc bán các
vật dụng không quân do Mỹ trợ cấp: bu-gi (2.000 đồng một cái), đồng hồ
đặc biệt (40.000), đồ phế thải máy bay (50.000 một tấn)...
Việc
thờ cúng Thần Tài của Thủy Quân Lục Chiến không làm sao kín đáo được.
Giới báo chí Sàigòn đăng tải đầy dãy tin tức và phao đồn khiến cho Tư
Lệnh TQLC Lê Nguyên Khang, một tướng lãnh mũ nồi xanh mạ có bản doanh
tại số 15 Lê Thánh Tông ngó ra bến sông, phải tức giận đến xanh mặt. Các
sĩ quan mang phù hiệu ó đen vẫn còn vương vấn với thời vàng son của năm
1970: vụ xâm chiếm Cam Bốt trong vùng Neakluong. Nhóm người của họ vơ
vét kho thực phẩm và vải vóc của đồng minh Lon Nol và tước đoạt tài sản
của dân chúng địa phương: vàng, nữ trang, xe Vespa, xe gắn máy Honda ...
được chất đầy trên các quân xa và đổ hàng xuống bán tại các chợ trời
mọc lên như nấm dọc theo biên giới. Một trung đoàn trưởng TQLC, làm theo
ý kiến của xếp Lê Nguyên Khang, phái bà vợ đi Neakluong thiết lập cùng
với bà vợ của một đại tá Cam Bốt tên Tasavaat, một đường giây buôn á
phiện và kim cương nối liền Sàigòn và Phnom Penh qua ngã Neakluong. Như
vậy tình thân hữu giữa hai quốc gia và hai quân đội của Nguyễn Văn Thiệu
và Lon Non được thắt chặt. Ngẫm lại thì năm 1970 là chóp đỉnh cơ may
của Lê Nguyên Khang. Cuộc trình diễn tồi bại của các Ó Đen tại Hạ Lào
năm 1971 là do, theo tập đoàn tại Tổng Tham Mưu Sàigòn, sự vắng bóng
mãnh lực của vàng và á phiện khan hiếm tại chiến trường rừng rú này.
Tuy
nhiên, trong cuộc chạy đua làm giàu mau lẹ, nhóm người thuộc Quân Tiếp
Vụ (QTV) là chạy mau hơn cả. Cơ quan này trông coi việc tiếp vận cho
toàn thể quân đội miền Nam: tất cả viện trợ quân sự và kinh tế do Mỹ
cung cấp cho quân đội đều qua tay QTV. Nhóm người QTV học hỏi rất mau lẹ
một số mánh khoé của các đồng nghiệp làm việc tại các dịch vụ tiếp vận
PX Mỹ và quản đốc những sinh hoạt chợ đen.
Chúng
ta hãy thăm viếng chẳng hạn PX lớn nhất tại đường Nguyễn Tri Phương.
Mặc dù các thông cáo chính thức bắn tin là các đơn vị Mỹ "rút lui", PX
này vẫn chật ních khách hàng lính Mỹ. Những cô tiếp viên, son phấn loè
loẹt trong bộ váy ngắn, nhiệt thành phục dịch các lính Mỹ, nhìn họ với
con mắt mong mỏi được ban bố những món tiền típ rộng lượng. Các gian
hàng đầy ắp với đủ loại mặt hàng: xe gắn máy, tủ lạnh, máy truyền hình,
máy thu thanh, máy ảnh, vải vóc, những sản phẩm mới nhất từ Mỹ, Nhật,
Pháp, Gia Nã Đại,..- được bày bán với giá thật hạ.
Trên
nguyên tắc dân chúng Việt Nam không được phép vào PX. Nhưng đừng có lo.
Những anh lính Mỹ tốt bụng sẽ cung cấp cho bạn bất cứ món nào bạn muốn
nếu được trả bằng tiền mặt. Những con lái buôn chợ đen dình dập ngoài
cổng, với từng cọc tiền giấy 500 trong túi. Khi đem ra một máy truyền
hình cỡ 19 inch thì anh chàng lính Mỹ lời 15.000 đồng, một xe gắn máy
Honda thì lời 10.000 đồng. Mọi giao dịch chỉ đòi hỏi có 5 phút và 20
bước. Chẳng vậy mà mấy anh chàng lính Mỹ khen Sàigòn là một Eldorado
mới. Nhưng mà giới tiếp vận Hoa Kỳ thì nhìn những dịch vụ cỏn con này
với con mắt khinh bỉ. Dịch vụ của họ còn to lớn gấp trăm ngàn lần! Ta
hãy theo dõi đoàn xe công voa quân đội Mỹ (thường là từ 5 đến 20 chiếc
xe vận tải) chạy dọc theo các xa lộ chính từ Sàigòn chảy xuôi đi Vũng
Tàu, Tây Ninh, hay ngay cả Biên Hòa. Tại một địa điểm đã được ấn định
trước, đoàn công voa bất chợt ngừng lại và các mặt hàng được vội vã đổ
xuống và được cất dấu đi, và đoàn công voa lại tiếp tục lăn bánh. Tất cả
chỉ xảy ra trong khoảng khắc dăm ba phút. Không có bàn cãi, không có
mặc cả. Giá cả đã được ấn định trước và "tiền trao cháo múc": 10.000
đồng cho một kiện hàng lớn, 6.000 cho một kiện hàng nhỏ. Mặt hàng không
được biết trước, và điều này chính là điểm hứng thú cho các con buôn chợ
đen Việt Nam, dân sự hay lính QTV. Nó như trò chơi súng ru lét. Khi
kiện hàng được tháo gỡ, họ vui sướng khi mặt hàng là quần áo hay chăn
mền; sướng rên khi các hộp chứa đựng đồng hồ, khóa điện tử, hay bật đá
lửa. Đàng khác, kiện hàng chứa đựng sách vở dạy lính Mỹ, mũ sắt quân
cảnh, hay giấy đi cầu thì phải sa thải đi cách mau lẹ. Cũng có khi các
kiện hàng chứa đựng vài món hàng kim loại hay plát tíc đủ hình thù: bộ
phận của những máy móc huyền bí nào đó. Thật là xui xẻo cho bọn con
buôn, nhưng thua keo này thì bày keo khác.
Lối buôn bán độc đáo này cũng được các chóp bu QTV thực hiện trên các trục lộ Sàigòn-Bà Rịa, Sàigòn-Lai Khê và Đà Nẵng-Chu Lai.
Mới
đây một vụ xì căng đan bùng nổ tại Sàigòn liên quan đến vụ đánh cắp 420
tấn vật liệu đồng kẽm và dụng cụ điện tử từ căn cứ tiếp vận khổng lồ
Long Bình. Các mặt hàng đánh cắp này được chất lên tàu Đồng Nai để chở
đi Singapore, khi mà giá đồng kẽm tăng vọt trên thương trường quốc tế.
Vụ này liên hệ tới các tai to mặt lớn thuộc nhiều cơ quan, Việt và Mỹ:
Bộ Kinh Tế, QTV, giới chức thương cảng, hải quan, các sĩ quan cao cấp
Mỹ, vân vân... Tiền đút lót, sau này được tiết lộ, lên tới 30 triệu
đồng, nhưng vẫn không làm thỏa mãn mọi người và đó là lý do con mèo xổ
lồng. Mặt hàng - vỏ đạn và cụng cụ truyền tin mới toanh - được các xe
vận tải Mỹ chở tới bến cảng trong suốt 15 đêm, trong giờ giới nghiêm!
Nhân Vật Số Một và Lời Thề Thốt
Vào
cuối năm 1970, một số dân biểu họp tại Điện Diên Hồng để lên tiếng phản
đối tệ trạng tham nhũng trong chính quyền, tên Tướng Đỗ Cao Trí, cánh
tay mặt của Thiệu, được nhắc đến thường xuyên.
Đỗ
Cao Trí là ai vậy? Ông có tiếng tăm trong giới nhảy dù. Ông gia nhập
quân đội thực dân Pháp khi mới 17 tuổi, được phái sang Pháp huấn luyện
và nhảy dù lần đầu tiên lúc 18 tuổi, và được gắn lon trung úy. Đó là năm
1946. Sau này Trí thích nhắc nhở tới các cấp trên của ông vào thời đó,
các đại tá Pháp Gilles, Ducourneau, Konal và nhừng người khác, và tới sự
tham gia của ông vào các cuộc hành quân cùng với quân đội viễn chinh
Pháp dọc theo biên giới Tàu-Việt và trong vùng tây bắc. Ông không bao
giờ quên tự hào đã được ân thưởng Légion d'honneur vào năm 1951,
nhấn mạnh rằng ông mới 23 tuổi vào thời buổi đó. Đối với cấp dưới, ông
hãnh diện lập lại là ông đã nhảy dù lần đầu tiên "trước Tướng Nguyễn
Chánh Thi, và cả Tướng Cao Văn Viên!"
Ông
được gán cho biệt danh Vua Lính Nhảy Dù trong một buổi lễ nghi của Sư
Đoàn Dù năm 1966. Nhưng những bí danh quen thuộc hơn của ông là "Vua
Tham Nhũng", "Vua Cờ Bạc" hay "Vua Chơi Đĩ Điếm".
Chúng
ta hãy duyệt xét các cơ may ông gặp được trong đời binh nghiệp. Cơ may
lớn nhất đến với ông khi ông được cử giữ chức chỉ huy đội quân xâm chiếm
Cam Bốt. Khi đội quân của ông tiến vào khu rừng cao xu tại Chup và
Minot, ông ra lệnh tịch thu tất cả tài sản của các chủ đồn điền Pháp và
dân chúng địa phương Miên. Việc hôi của này được thực hiện bởi các đơn
vị đặc biệt ngay trong khi phần còn lại của lực lượng ông bị hao tổn
dưới tay quân giải phóng. Của hôi được chuyên chở qua biên giới Nam Việt
Nam bởi các đoàn công voa xe vận tải có Quân Cảnh hộ tống. Chẳng bao
lâu, các bành cao xu thô mang nhãn hiệu bằng tiếng Pháp: "Plantation
Chup" hay "Plantation Minot" được bày bán tại Sàigòn. Sau khi hơn 200
vận tải làm sạch láng các kho hàng, phi cơ được phái tới để triệt hủy
các kho hàng bằng bom na-pan. Khi các sĩ quan Miên kêu ca, Trí nhún vai
trả lời: "Nhựa cao xu dễ bắt cháy. Chỉ một vài đạn pháo của Việt Cộng đủ
biến tất cả ra tro. Tôi làm gì được. Còn các đoàn bò thì chúng chạy tán
loạn bởi tiếng động của giao tranh và chúng tôi thì quá bận để mà để ý
tới chúng."
Một
sĩ quan thuộc Sư Đoàn 18, trong một bữa nhậu nhẹt, cung cấp các chi
tiết của cuộc hành quân: "Mọi sự đều xảy ra như dự định. Các đoàn công
voa được tiếp đón tại biên giới bởi chính Tướng Lâm Quang Thơ, tư lệnh
SĐ 18. Dưới sự bảo vệ của quân lính ông, các mặt hàng được đưa tới những
địa điểm đã được đánh dấu trước trên bản đồ, và sau đó thì được đưa tới
những nhà kho chứa bí mật hoặc giao cho những trung gian đáng tin cậy.
Các nhân viên an ninh không làm gì được vì các chỉ huy trưởng hộ tống
đoàn công voa mang cấp bậc cao hơn họ vả lại họ có sự vụ lệnh ký bởi
chính Tướng Đỗ Cao Trí hay tham mưu trưởng của ông, Chuẩn Tướng Ân. Mỗi
tờ sự vụ lệnh đó đáng giá cả triệu đồng!"
Chưa
hết. Còn nhiều cái may mắn khác. Chẳng hạn hai va-li đầy cọc tiền bạc -
mỹ kim, đồng Việt Nam, riel Miên, kip Lào ...- tổng cộng tương đương
trên 4 tỉ đồng, rút tỉa từ các vườn cao xu Pháp và từ túi của dân chúng
địa phương. Đó là một xì căng đan lớn và nhóm dân biểu Sàigòn hô hoán ầm
ĩ lên. Nhưng Tướng Trí, sau đó ba ngày, phản ứng cách giận dữ: "Thật là
lời lẽ nhục mạ các tư lệnh chiến trường không thể tha thứ được, làm tổn
hại tới thể diện quốc gia!" Và ông thách thức dân biểu Phạm Nam Sách
đến tranh luận tại bản doanh tại Biên Hòa, và tiếp sau đó nếu cần sẽ là
một cuộc đấu súng tay đôi! Khỏi phải nói, ông dân biểu dại gì mà bén
mảng tới hang hùm.
Kể
ra thì Tướng Trí gặp rất nhiều dịp may trong đời binh nghiệp ông. Khởi
đầu là ông đã bỏ túi từng đống tiền trong các cuộc hành quân chống Bình
Xuyên do ông Ngô Đình Diệm ra lệnh vào năm 1955. Năm 1963, ông đang giữ
chức tư lệnh Quân Đoàn 1 khi ông Diệm và ông Nhu bị thủ tiêu. Ông nhận
được lệnh bắt ông Ngô Đình Cẩn hồi đó đang trị vì Huế và người mà ông
thường kính cẩn gọi là "Ông Cậu". Trong số tài sản tịch thu của ông Cẩn
có một hộp chứa đầy hạt kim cương (242 hạt cả thảy, trong số đó 30 hạt
thuộc loại nước hạng nhất) mà Tướng Trí đã nhanh nhảu vồ chụp lấy cho
riêng mình.
Sau
1965, khi chiến tranh lan rộng, cơ may Tướng Trí tăng vọt. Một người em
của ông được bổ nhiệm chỉ huy trưởng khu Biên Hòa, quê quán gia đình
ông. Một em khác được giao cho việc quản trị rừng gỗ trong khi đó người
em thứ ba làm việc trong ngành an ninh quân đội. Gia tộc này nhắm trở
thành lãnh chúa kiêm tài chánh gia hạng gộc.
Điều
không may xảy đến cho Tướng Trí khi ông bị giết vào tháng 2/1971 khi
trực thăng chở ông và các cố vấn Mỹ thân cận nhất bị các du kích quân
bắn hạ khi mới cất cánh khỏi phi đạo Trang Lon.
Ông
Thiệu rất buồn vì cái chết của Tướng Trí. Hai người liên kết nhau chặt
chẽ vì có những mối lợi chung về mặt tài chánh cũng như về các mặt khác.
Vợ ông Trí, bà Nguyễn Thị Kim Chi, con của ông Nguyễn Hữu Trí, từng là
Thủ Hiến Bắc Việt dưới thời Pháp thuộc, là bạn thân và đồng nghiệp buôn
bán với vợ ông Thiệu.
Không
lâu trước khi ông chết, Tướng Trí có thốt lên một lời coi như là lời
thề thốt của các quân nhân miền Nam Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn
với một phóng viên Pháp tên Jean Larteguy, sau khi hồi tưởng thời gian
ông phục vụ với quân đội Pháp và nhắc nhở tới các cấp trên, đại tá
Gilles và Vanuxem, Tướng Tri tâm sự: "Trong chiến tranh thường có hai
loại người: những người tạo nên chiến tranh và những người làm giàu trên
chiến tranh. Tôi thuộc cả hai loại!" Bốn ngày sau, quân du kích Tây
Ninh kết liễu đời ông.
Lãnh Chúa Vùng Cao Nguyên
Bí
danh này được tặng cho Ngô Dzu, một cánh tay mặt khác của Thiệu, Tư
Lệnh Quân Đoàn 2 từ năm 1968. Ông trị vì Cao Nguyên, một vùng rộng lớn
với nhiều tài nguyên, và nhiều sắc dân thiểu số. Giới báo chí Sàigòn
nhận xét: "Cánh tay mặt của Tổng Thống Thiệu, Tướng Đỗ Cao Trí, nắm
Sàigòn, trong khi đó cánh tay trái, Tướng Ngô Dzu, nắm Cao Nguyên."
Sao
ông lại thất sủng vậy? Câu chuyện được lưu truyền cách rộng rãi tại các
nhà hàng ăn sang trọng trong Chợ Lớn như sau: Tất cả bắt đầu với cơn
giận lôi đình của Tổng Thống Nixon vào tháng 5/1971. Nạn nghiện ngập đã
tăng trưởng đến mức đáng quan ngại trong quân đội viễn chinh Mỹ. Các dân
biểu Mỹ bấn loạn nghi ngờ địch đã xảo quyệt "đầu độc thanh niên chúng
ta bằng cách bán cho chúng thuốc bạch phiến với giá rẻ mạt qua đường
giây chằng chịt của bọn đồng lõa." Giới báo chí Sàigòn cũng gióng lên
tiếng chuông báo động: "Làn sóng bạch phiến đã dâng cao tại Việt Nam!"
Tuy
nhiên, không bao lâu sau, một tờ trình mật của CIA kết luận: bạch phiến
đã được cung cấp cho lính Mỹ không ai khác hơn là các tướng lãnh
Sàigòn. Một danh sách đính kèm liệt kê 24 tên, tất cả là rường cột của
chế độ Thiệu. Tên Ngô Dzu đội sổ danh sách.
Sau
buổi họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia bàn cãi mối đe dọa nguy hại đến
tánh mạng quân lính Mỹ tại Nam Việt Nam, Tổng Thống Nixon gửi một lá thư
riêng cho Thiệu trong đó ông quyết liệt đòi hỏi phải chấm dứt sự chuyển
vận trắng trợn này và phải trừng phạt những kẻ nhân danh quyền lợi cá
nhân dụ dỗ "đồng minh" Mỹ đi từ từ vào con đường tử.
Nội
dung lá thư thất thoát ra sao đó. Ngô Dzu vội vã xuống Sàigòn để phát
động một chiến dịch "tô điểm lại hình ảnh" trong đó ông đã không ngại
thách đấu súng với kẻ nào dám "kéo xuống bùn đen những tướng lãnh của
Cộng Hòa và làm bẩn thể diện quốc gia."
Nhưng
chẳng che mắt được ai. Ai cũng biết cách làm ăn của Tướng Dzu. Bất cứ
ai đặt chân tới Đàlạt, một nơi nghỉ mát thời trang tại Cao Nguyên, cũng
có thể nghe thiên hạ bàn tán cách làm ăn đó trong các khách sạn sanh
trọng. Tại Đàlạt người ta có thể dễ dàng tìm thấy những thứ thường khó
kiếm thấy ở Sàigòn: các viên thuốc LSD màu vàng với giá 19.000 đồng một
lọ; viên loại màu xanh lá cây với giá thấp hơn. Loại thuốc kém phẩm chất
hơn thì được bán với giá rẻ mạt: bạch phiến Red Rock trị giá 2 đô một
lọ (100 đô bên Mỹ); một bao thuốc lá cần sa, với đầu lọc, 30 cents. Các
ông giám đốc và con buôn dầu hỏa tới Đàlạt nghỉ ngơi giữa đám rừng thông
và suối nước đều phải lấy làm sửng sốt!
Vào
đầu năm 1971, khi mà cuộc xâm chiếm Lào của quân đội Sàigòn đang lâm
vào tình trạng nguy khốn, Ngô Dzu, theo lệnh từ Ngũ Giác Đài, hai lần
tới Pakse để thảo luận với Phasouk, tư lệnh vùng Lào. Họ đồng ý là một
cuộc hành quân hỗn hợp vào Saravan-Attopeu sẽ là một thảm họa khác, và
bác bỏ ý định đó. Nhưng Ngô Dzu đã không uổng phí thì giờ, vì ông đã
thương thảo với Phasouk một đường giây á-phiện và bạch phiến giữa Pakse
và Pleiku. Công việc làm ăn này sầm uất cho tới khi Đắc Tô và Tân Cảnh
thất thủ khiến Dzu mất chức.
Ngô
Dzu rất khéo léo trong việc làm giàu. Năm 1970, ông đã nghĩ ra một kế
rất ăn khớp với chương trình Việt Nam hóa chiến tranh. Nó khởi đầu với
việc chuyển giao căn cứ Mỹ tại Đức Cơ cho bộ tư lệnh Quân Đoàn 2 VN:
hằng trăm gian nhà gỗ lợp tôn thiếc trang bị với máy lạnh, máy phát
điện, ra-điô, tivi, quạt máy, tủ sắt, tủ văn phòng, bồn tắm, bàn ghế,
máy đánh chữ, máy rô-nê-ô, vân vân... Trong vòng hai tuần lễ, tất cả
được bán đấu giá sạch bách. Cho ai? Cho các tướng tá cùng họ hàng, thân
quyến và đàn em của họ, lẽ đương nhiên rồi. Với giá một phần mười của
giá thị trường. Phần lớn bự lẽ tự nhiên là vào tay Ngô Dzu; thế là
chương mục cả triệu mỹ kim trong ngân hàng của ông tại Hồng Kông càng
căng phì lên.
Việc
tháo gỡ các căn cứ Mỹ kế tiếp học lấy được kinh nghiệm của chuyến đầu.
Không còn mất hai tuần, mà chỉ cần có hai ngày để thanh toán một căn cứ:
Đắc Tô, Lê Thanh, Play Mo Rong, An Khê ... Hàng đoàn xe vận tải GMC sắp
hàng tại những địa điểm đã được ấn định trước để xuống hàng cho khách
hàng quen thuộc. Giới chức Mỹ than phiền với Tướng Cao Văn Viên và ngay
cả với Tổng Thống Thiệu, nhưng câu trả lời là: "Xin cám ơn, chúng tôi sẽ
cứu xét vấn đề." Lẽ dĩ nhiên ai nấy đều biết chuyện nhưng đều ngậm
miệng bởi những món tiền đút lót kếch xù. Colby, giám đốc USAID, yêu cầu
Thủ Tướng Khiêm chấm dứt tình trạng "lũng đoạn" này và được trả lời một
cách lễ phép nhưng cứng rắn rằng: "Một khi căn cứ đã được chuyển giao
cho phiá Việt Nam thì chúng trở nên sở hữu chủ của Việt Nam và chúng tôi
biết phải làm gì hơn các ông." Nói một cách khác: "Để cho chúng tôi yên
được không?" Colby chỉ còn nước phùng mang trợn má chửi các tướng tá
Sàigòn là những "tướng bất tài và độc địa". Đó là trường hợp duy nhất mà
giới chóp bu quân đội Sàigòn cả gan chống đối lệnh Hoa Kỳ mà họ thường
diu diú vâng theo.
Sau
vụ thảm bại tại Đắc Tô-Tân Cảnh vào tháng 4/1972, Ngô Dzu bị triệu hồi
về Sàigòn để chờ đợi điều tra. Người ta thường thấy ông cặp kè với Hoàng
Xuân Lãm, ông tướng bị cách chức sau vụ thất thủ Quảng Trị, tại câu lạc
bộ quần vợt đô thành. Họ hăng say đánh quần vợt một cách thích thú
trong bộ đồ thể thao trắng tinh.
Vì
các thảm họa quân sự đâu có đả động gì đến sự thanh nhàn cá nhân của
các tướng lãnh. Giờ đây họ có khối thì giờ rảnh rang để hưởng thụ số tài
sản mà họ đã cực nhọc tích tụ được. Họ biết là các cuộc điều tra chỉ có
mục đích làm lắng dịu công luận và mối lo âu và thắc mắc của quân đội.
Điều tệ nhất có thể xảy đến cho các tướng lãnh là họ sẽ được bổ nhiệm
vào một ghế đại sứ ở ngoài nước. Một luật sư Sàigòn nhận xét: "Tại xứ
này tòa án quân sự thật là dị hợm. Bản án thường khiến bị can nhảy lên
vì sung sướng. Thật vậy, chẳng phải hình phạt, nhưng lại là ân thưởng."
Như vậy Hoàng Xuân Lãm và Ngô Dzu, hai tướng bị thải hồi, có thể ung
dung đợi ngày ra tòa. Lãnh tụ của Đảng Kaki, Nguyễn Văn Thiệu, sẽ mưa
móc những ân huệ mới mẻ lên đầu họ.
Việc
thay thế Ngô Dzu được thực hiện một cách điển hình rất ư là kiểu
Sàigòn. Người được chỉ định thay thế là Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Toàn, một
tư lệnh của Sư Đoàn 2 tại Quảng Ngãi, đã bị bắt nhốt nhiều lần về tội
hiếp dâm một bé gái 12 tuổi, thanh thiên bạch nhật hôi của dân chúng,
nhận hối lộ cả triệu đồng để đổi trác lấy một lời hứa hẹn, sau này không
được chu toàn, thăng chức cho một đương sự, ăn cắp hàng tấn vỏ quế và
bán đi với sự đồng lõa của vợ Tướng Hoàng Xuân Lãm và chia lời với bà ta
... Như vậy ông được thăng thưởng thay thế Ngô Dzu chỉ vì có có khả
năng kinh tài cho Thiệu, Khiêm, Viên và đồng bọn.
Một Vài Con Hạm Khác
Càng
quyền cao chức lớn, càng thành hạm bự bấy nhiêu: đó là luật điều động
hành chánh Sàigòn. Quanh Thiệu và Viên, là bốn cột trụ của chế độ: Các
Tướng Đỗ Cao Trí, Đặng Văn Quang, Lữ Lan và Đàm Văn Quảng. Chúng ta đã
duyệt xét trường hợp Trí. Nay ta hãy ngó sang sự nghiệp mấy ông kia.
Đặng
Văn Quang vốn là tư lệnh Quân Đoàn 4 (Đồng Bằng Sông Cửu Long) nơi mà
ông có nhiều dịp biểu dương tài vơ vét thóc gạo. Hiện giờ ông là cố vấn
an ninh cho Tổng Thống Thiệu. Lữ Lan, từng là tỉnh trưởng Quảng Ngãi rồi
tư lệnh Quân Đoàn 2, cũng khét tiếng về việc ăn chẩn gạo viện trợ cho
các nạn nhân bão lụt. Hiện giờ ông là tổng thanh tra thuộc Bộ Quốc
Phòng. Đàm Văn Quảng, vốn là trung sĩ trong quân đội thực dân Pháp sau
được bổ nhiệm làm tùy viên quân sự cho Bảo Đại, rồi chỉ huy trưởng đội
ngự lâm pháo thủ. Trong chế độ tài trợ bởi Mỹ tại Sàigòn, ông là tư lệnh
Lực Lượng Đặc Biệt và nổi danh trong các vụ chuyển đôla và biển thủ các
hàng viện trợ Mỹ và thường lai vãng các sòng bạc. Hiện giờ ông là phụ
tá của Lữ Lan.
Dưới
chế độ Sàigòn, nơi mà "tham nhũng là dầu nhớt của guồng máy quốc gia,"
bốn tướng lãnh này đóng vai trò chính yếu. Họ duy trì liên lạc chặt chẽ
với các lãnh chúa của bốn Quân Khu, Phủ Tổng Thống và Tổng Tham Mưu. Vì
chính họ đã làm việc tại các quân khu, họ biết rõ nội tình - cơ hội biển
thủ và vơ vét.
Họ
giàu có bao nhiêu? Khó mà nói. Một điềm chỉ là Quang đã khoe trong một
lúc đánh chén là gia tài ông tăng trưởng lớn hơn gia tài Nguyễn Hữu Có,
cựu bộ trưởng quốc phòng, giờ này là chủ một ngân hàng lớn, và được cho
là có hơn 6 triệu đô trong túi. Mỗi tháng ông bà Có thu 2 triệu đồng từ
các căn phố cho mướn: một tòa nhà 3 tầng lầu trên Đàlạt, 60 căn nhà cho
Mỹ thuê tại bờ biển nghỉ mát Nhatrang, một biệt thự sang trọng tại Vũng
Tàu, 2 khách sạn tân thời tại Sàigòn... Địa ốc, mà ai cũng có thể thấy
và đánh giá, trị giá cả tỉ đồng. Nhưng các chương mục và tiền mặt thì
còn nằm trong vòng huyền bí. Chỉ có một vài dấu chỉ. Tỷ như câu chuyện
này về bà Có, mà mối đam mê là cờ bạc. Một lần nọ, sau khi thua mất
300.000 đồng trong một buổi tối, bà thản nhiên châm điếu thuốc và nhún
vai nói: "Chẳng hề hấn gì. Giá của ba thằng lính."
Có
điều chắc là tài sản của các tướng Sàigòn trội vượt tài sản của gia
đình Ngô Đình Diệm, mà họ đã sát nhập vào tài sản họ sau khi Diệm bị lật
đổ năm 1963. Cái gọi là "tịch thu tài sản gia đình họ Ngô xung vào công
quỹ quốc gia" chẳng qua là vứt tay này lượm tay kia.
Trong
thời nắm quyền trong tay, Diệm Nhu và vợ Nhu, Lệ Xuân, nhúng tay vào
hầu hết các thương nghiệp sinh lời trong nước. Họ độc quyền về gạo tại
miền Trung và về xuất cảng vỏ quế, cát trắng, sắt vụn, cao xu, tôm hùm,
lông ngỗng, vân vân..., đem lại cho họ cả tỉ bạc mỗi năm tiền lời. Giờ
này thì thương vụ này nằm gọn trong tay Ngô Dzu, Hoàng Xuân Lãm và Đặng
Văn Quang.
Thương
vụ Tân Mai tại Biên Hòa, từng nắm độc quyền khai thác lâm sản kỹ nghệ
gỗ, hiện giờ được phó thác cho một tướng lãnh về hưu, một bạn của Đặng
Văn Quang.
Diệm
có phần trong kỹ nghệ vải vóc. Anh ông, Giám Mục Ngô Đình Thục, quản
đốc nhà máy làm giấy Cogido, giờ này đặt dượi sự điều khiển của các
Tướng Cao Văn Viên và Lữ Lan. Trong kỹ nghệ thực phẩm, Bà Nhu bỏ vốn một
số tiền lớn vào Công Ty Intraco: một xưởng đóng thịt hộp tại Gia Định,
xưởng đóng hộp cá tại Phan Thiết, một thửa ruộng 200 dậm vuông nuôi tôm
hùm tại Vũng Tàu, một kho đông lạnh tôm và tôm hùm tại Văn Đồn (Sàigòn).
Các cổ phần viên của các thương vụ này hiện giờ là các tướng lãnh
Sàigòn.
Hồi
còn sống Diệm bao quanh mình với các quần thần trung kiên tỉ như người
cháu tên Nguyễn Văn Bửu và tôi tớ Nguyễn Hữu Khải. Đoàn tùy tùng của các
tướng lãnh còn xôm tụ hơn nhiều: anh em, cháu, anh em họ và lẽ dĩ nhiên
bố mẹ và các bà vợ họ. Đó là chưa kể đến các cấp dưới.
Với
tư cách cố vấn an ninh của Tổng Thống, Đặng Văn Quang thực ra là làm
việc hầu hết với vợ Tổng Thống trông coi quản trị đường giây á phiện và
các chương mục ngân hàng tại La Mã và Berne. "Một Kissinger chính cống",
một nhà báo nói vậy với một dân biểu; ông này nhanh nhảu đáp lại:
"Kissinger không xứng cầm đuốc cho Quang về tài quản trị tài chánh cho
chủ mình."
Phu
nhân các tướng lãnh cũng không vừa gì. Các bà bảo trợ cho các tổ chức
bác ái được dùng như những bình phong cho những sinh hoạt không mấy
trong trắng. Chẳng vậy mà bà Thiệu là Chủ Tịch của hội Phụ Nữ Phục Vụ Xã
Hội, trong khi các bà Quang, Lan và Quảng là thành viên của ủy ban
trung ương. Họ có khối trợ giúp viên lo liệu mặt tài chánh của họ và do
đó họ rảnh rang để mà du hí kiểu Mỹ.
Con
số khá lớn khiến họ thành một tầng lớp biệt đãi riêng biệt. Tuy chỉ có
137 tướng lãnh (cấp chuẩn tướng trở lên) con số vợ lớn vợ bé cao hơn
nhiều. Một lần nọ một chuẩn tướng bị chết tại mặt trận: có những 8 bà
góa đến dự đám tang ông, đến từ các nơi xa xôi như Đà Nẵng, Huế, Đàlạt,
Cần Thơ, và mỗi bà từ mỗi quận tại Sàigòn. Mỗi bà đều cố gắng biểu lộ
nỗi thống khổ thấm thiết hơn bà khác để mong chiếm phần hơn trong số di
sản 600 triệu đồng để lại!
Như
đã nói ở trên, bác ái là sinh họat ưa thích nhất của vợ các tướng lãnh.
Họ quan tâm đến các nạn nhân của thiên tai, các dân di cư chạy loạn
chiến tranh, các cô nhi quả phụ. Họ để mắt đến mọi trận bão lăm le chút
lên đầu của người đồng hương. Chẳng phải vì quan ngại đến số mạng họ.
Nhưng thật ra vì quan tâm đến mối lợi riêng tư, sợ không chiếm được phần
chia từ các công quỹ cứu trợ: một phần chia thường không dưới 60 phần
trăm
Vietnam Courier #4 (tháng 9/1972)
Adam Sadowski chuyển tới
Adam Sadowski chuyển tới
Các Đô Đốc và Các Tỉnh Trưởng
Các Đô Đốc
Tại Trung Tâm Trại Cải Tạo nhốt các Tướng Lãnh ngụy,
có một tù nhân tròn trĩnh, nước da hồng hào, tuổi trạc 55, trông vẻ còn
trẻ trung. Nhân vật đó là Trần Văn Chơn, cựu tư lệnh Hải Quân tại
Sàigòn. Ông sống tách biệt khỏi các tù nhân khác, ăn uống một mình, làm
bộ tịch cần kiêng cữ trong năm năm theo học thuyết đạo Phật. Ông nói ông
rất ham đọc sách Kinh Phật và các sách đạo Phật khác ngõ hầu "hướng
lòng trí lên trời", "để tìm thấy niết bàn trong tâm hồn". Tuy nhiên, các
sĩ quan ngụy thuộc các binh chủng khác kháo nhau: "Mẹ kiếp, cả một đời
sống trong chùa cũng không tẩy rửa được những hành động xấu xa trong Hải
Quân."
Hải
Quân Sàigòn đã tạo ra vô số cơ hội làm giàu trong một thời gian kỷ lục.
Các Đô Đốc và các Phó Đề Đốc tỷ như Trần Văn Chơn, Chung Tấn Cang, Lâm
Ngươn Tánh, vân vân - Bộ Tư Lệnh Hải Quân đếm được cả thảy chín vị - đều
là các nhà triệu phú, tính theo tiền đô la Mỹ. Họ đã làm giàu "với tốc
độ của các thủy lôi Mỹ", dùng theo lời hoa mỹ của họ.
Khi
Trần Văn Chơn khởi sự đời binh nghiệp của ông, Hải Quân ngụy đặt dưới
quyền chỉ huy của Pháp và chỉ có vỏn vẹn tám chiếc tàu nhỏ. Hai mươi ba
năm sau, Hải Quân ngụy bao gồm 1.500 chiếc tàu, trong số đó 100 chiếc đi
được biển. Sự bành chướng của Hải Quân Sàigòn tạo dịp làm giàu cho các
sĩ quan hải quân. Không như các tướng tá lục quân bị giới hạn trong một
vùng nhỏ hẹp, họ có thể nới rộng tầm hoạt động tới tất cả các bờ biển
của miền Nam và ngay cả của các nước ngoại quốc.
Tài
sản của họ tăng vọt khi Hải Quân Mỹ bắt đầu chuyển giao các chiến hạm
trong khuôn khổ của công cuộc Việt Nam hóa chiến tranh. Các chuyến đi
Guam, Phi Luật Tân, Okinawa, Hồng Kông, ngay cả Hoa Thịnh Đốn hay Nữu
Ước để tiếp nhận tàu bè, thời gian huấn luyện trên các tàu chiến Mỹ hay
tại các công xưởng Hải Quân Mỹ, có thể kéo dài một hay hai ngày, một
tháng, đôi khi cả ba tháng, hay ngay cả nửa năm. Đây là những dịp tốt
cho các sĩ quan cao cấp tha hồ mua xắm hay đầu cơ ngoại tệ, vàng và bạch
phiến. Họ thường trở về túi đầy ắp đô la sau những chuyến đi này. Chính
Tướng Chơn thú nhận, những chiến hạm do Mỹ chuyển giao gồm có những
chiếc cũ từ thời Đệ Nhị Thế Chiến cũng đã được đem ra xài từ hơn 30 năm
rồi. Chúng cần được sửa chữa thường xuyên; sự kiện này lẽ dĩ nhiên đem
lại thương vụ cho các sĩ quan hải quân.
Vụ
buôn lậu bạch phiến khiến công luận Mỹ xôn xao. Chúng được đưa lậu vào
Mỹ qua trung gian những công cán chính thức này của Hải Quân Việt Nam.
Bạch
phiến được bọn buôn lậu Thái bốc từ các ghe thuyền đưa lên các chiến
hạm của Hải Quân, hay được cung cấp từ Hạ Lào cho các tàu chiến trên
sông Cửu Long trong phần đất Cam Bốt. Bạch phiến này phát xuất từ vùng
Tam Giác Vàng (Miến Điện-Thái Lan-Lào) và âm thầm chuyển du tới
Marseilles, Hồng Kông hay Nữu Ước sau khi qua ngã Bangkok, Vạn Tượng,
Phnom Penh, Pakse, Savannakhet, Rạch Sỏi, vân vân. Con đường danh tiếng
này do Thiệu và cố vấn an ninh Đặng Văn Quang tổ chức và bảo trợ và đem
lại mối lời lớn lao hơn đường buôn lậu hàng không của Nguyễn Cao Kỳ. Số
lời hàng năm lên tới cả trăm triệu mỹ kim. Thiệu đã khôn ngoan giao
thương vụ quan trọng này cho các đề đốc của ông: Chung Tấn Cang, người
đã trục lợi trong vụ cứu trợ nạn nhân lụt năm 1965; Lâm Ngươn Tánh, bạn
đồng khóa tại trường Hàng Hải, người từng buôn lậu từ hồi còn chỉ huy
các căn cứ Rạch Sỏi-Tân Châu-Long Xuyên; và Trần Văn Chơn, người từng
che chở cho Thiệu khi ông du hí tại Vũng Tàu.
Sự
kiện những kẻ buôn lậu bạch phiến lại là những kẻ có bổn phận bắt bọn
buôn lậu bạch phiến cho thấy chế độ Thiệu bỉ ổi tới mức nào. Thật vậy,
Chung Tấn Cang, khi còn là Đô Đốc, được bổ nhiệm vào chức vụ chủ tịch œy
Ban Quốc Gia Chống Bạch Phiến, và Phó Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh trở nên chủ
tịch của phân bộ Hải Quân trong ủy ban này. Cả hai là bộ hạ của Nguyễn
Văn Thiệu. Không lạ gì mà đường giây buôn lậu bạch phiến ngang nhiên
tung hoành.
Các
tướng lãnh ngụy khác tiết lộ Hải Quân dùng nhiều thì giờ cho những sứ
vụ ngoài lãnh vực quân sự đại loại như vậy hơn là cho những chiến trận
thật sự. Các tàu chiến luôn di động, chuyên chở các mặt hàng cho các phu
nhân của các đô đốc, hay chở hàng thuê cho các con buôn từ vùng này qua
vùng kia. Duy vụ chuyên chở gạo cho các con buôn Chợ Lớn mà thôi, đã
đem về cho họ cả chục triệu đồng mỗi năm.
Lẽ
dĩ nhiên là lợi điểm này khiến cho các binh chủng khác ghen tị. Các
tướng tá Hải Quân "sống thọ hơn", và công việc ít nặng nhọc hơn trong
khi họ làm giàu không trơ trẽn. Biển là vùng đi săn an toàn và các vùng
sông rạch đem lại nhiều lợi lộc. Nếu họ thấy một làng trù phú đang khi
tuần tiễu, họ chỉ việc hú còi báo động, giả bộ thấy địch, bắn mấy phát
vu vơ, rồi xông vào làng hôi của - bò, heo, gà, xe gắn máy, vàng bạc, nữ
trang, tiền của, vân vân. Các vùng này có thể được chọn lựa trước và
ghi sẵn trên bản đồ mặc dù họ biết chắc là vùng không có bóng Việt Cộng.
Còn đối với những vùng do quân Giải Phóng kiểm soát, bọn hải tặc này sẽ
bắn bừa bãi không cần nhắm bắn và cũng chẳng thèm bước chân lên bờ.
Mỗi
khu vực, mỗi bến cảng quân sự là một vùng dành riêng cho một tướng tá:
viện lẽ "an ninh quốc gia", hay "bảo mật quân sự", dân chúng không được
bén mảng tới các khu tàu đậu. Trên thực tế, đó là những địa điểm gỡ hàng
nhập cảng lậu. Hàng hóa càng thuộc loại quốc cấm bao nhiêu, thì lại
càng đầy dẫy tại những khu vực này bấy nhiêu. Thông thường, mỗi khi đồng
bọn Thiệu hay Khiêm cần rượu quí để đãi khách, họ đều chạy chọt qua ngã
Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
Các
Đô Đốc và Phó Đề Đốc, liên hợp với các con buôn, để chiếm độc quyền
thương trường cá mắm tại một vài vùng, để cung ứng cho nội địa hay ngoại
quốc. Những anh lính hải quân ngoan ngoãn nhất được bổ nhiệm làm tại
các cơ quan này. Nếu họ không ngoan đủ, họ liền lập tức bị thuyên chuyển
ra tiền tuyến để tác chiến trong một thời gian ngắn hay dài tùy theo
trường hợp. Vì Hải Quân ít can dự vào tác chiến, những đứa cứng đầu cứng
cổ bị tống qua dù, biệt kích hay thủy quân lục chiến. Trong mọi thứ
hình phạt, các thủy thủ sợ loại này nhất.
Những
điểm lợi này của Hải Quân khiến Trần Văn Chơn đưa cả ba đứa con vào
binh chủng này và trở thành sĩ quan hải quân, trong đó một anh là thiếu
tá chỉ huy một tuần dương hạm.
Tuy
nhiên các tướng tá hải quân không hoàn toàn hài lòng với tình trạng số
lượng tàu bè có trong tay, mặc dù các cố vấn Mỹ đánh giá đứng hàng thứ
tư trên toàn cầu. Họ cố gắng xin xỏ thêm những tàu có trọng tải lớn để
dễ làm giàu hơn. Việc tan vỡ của chế độ Sàigòn đã cáo chung mộng làm
giàu kiểu này.
Các Tỉnh Trưởng - Móng Vuốt Nhọn Trong Bao Tay Nhung
Nhớ lại những ngày tháng ông là tỉnh trưởng tỉnh Phước Vinh, Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu thuật lại:
"Tôi
được bổ nhiệm tới Phước Vinh ngày 18/9/1961, khi chính sách "ấp chiến
lược" đang thịnh hành. Không biết do ai khởi xướng, nhưng thôn làng
Thượng Long, Tân Tích và Đạt Quốc bị Trung Đoàn 8 thuộc Sư Đoàn 5 san
bình địa, và tất cả dân cư khoảng 2.000 đàn bà con nít và người già cả
được xe vận tải chở tới Phước Vinh. Tôi đưa họ vào ấp chiến lược Vinh
Hoa vừa mới xây cất xong. Nhưng họ bỏ trốn. Tôi phải ruồng bắt họ lại và
phải dùng tới những biện pháp mạnh để giữ họ khỏi bỏ trốn.
"Phận
sự của tôi là bảo vệ khu định cư vùng nông thôn và khai triển thêm
những khu vực mới. Các túp nhà lẻ tẻ được dời tới quanh Phước Vinh. Để
bảo vệ tỉnh lỵ, tôi ra lệnh san bằng các rừng cây kế cận và thiết lập
một sân bay phía bắc tỉnh lỵ. Sư Đoàn 5 càn quét khu vực này, nhưng
không mấy kết quả. Do đó chúng tôi phải liên miên thực hiện các cuộc
hành quân.
"Một
số lợi khả quan bù đắp cho công việc nặng nhọc trong chức vụ của một
tỉnh trưởng. Do đó người ta phải trả tiền để đổi lấy chức vụ này, từ 500
ngàn tới một triệu, hay ngay cả hai triệu đồng, tùy thuộc tình trạng và
bề thế của một tỉnh."
Lê
Văn Tư, một Chuẩn Tướng khác, từng là tỉnh trưởng các tỉnh Phong Dinh,
Hậu Nghĩa, Gò Công và Long An. Theo ông, "Cái lợi của một tỉnh trưởng
vượt xa cái lợi của một trung đoàn trưởng hay sư đoàn trưởng, vì nắm cả
một vùng trong tay."
Ông
giải thích: "Tỉnh trưởng bao gồm tất cả các chức vụ của một chỉ huy
trưởng khu quân sự. Ông nắm tất cả các vấn đề hành chánh và quân sự. Ông
quả thực là một lãnh chúa, có cả quyền ban hành chiếu dụ áp dụng trong
tỉnh dưới quyền. Ông dùng tình trạng này để trói buộc dân chúng trong
tỉnh.
"Ông
lấy quyết định liên quan đến ngân sách tỉnh; và đề nghị số lượng viện
trợ dân sự và quân sự Mỹ cho tỉnh. Ông tiếp nhận các vật liệu xây cất ấp
chiến lược và các căn cứ quân sự. Ông có thể biển thủ để xây cất biệt
thự riêng, hay bán cho các nhà thầu xây cất. Chẳng có ai kiểm soát được
vì là tình trạng chiến tranh.
"Không
như một chỉ huy trưởng của một đơn vị quân sự, ông sống an cư lạc
nghiệp. Hầu hết các tỉnh trưởng đều sống trong các dinh thự cổ kính của
thực dân Pháp để lại, được tân trang với các vật liệu và máy móc tân kỳ
do Mỹ cung cấp. Một số dinh thự có hồ tắm và vườn nai. Khi Vĩnh Lộc còn
cai quản Cao Nguyên, ông sắp xếp văn phòng và tư dinh theo kiểu hoàng
cung. Thỉnh thoảng ông cỡi voi đi kiệu.
"Lẽ
dĩ nhiên các chỉ huy trưởng một đơn vị không thể làm tiền bằng cách
khai man về quân số: ghi tên lính thương vong và đào ngũ vào sổ phát
lương sau khi chúng đã mất dạng. Nhưng các đơn vị phải thay thế những
tổn thất mỗi lần hành quân xong trở về và phải kiểm kê quân số, do đó
khai man không thể tiếp diễn mãi được. Mặt khác, tỉnh trưởng có trăm
cách ngàn kế để che dấu sự thật về quân số. Trước hết, những người chết
riêng rẽ trong một cuộc bố ráp không bao giờ được liệt kê vào danh sách
thương vong. Càng báo cáo còn sống bao lâu, càng lợi cho các nhân viên
hành chánh và cho sĩ quan cao cấp bấy nhiêu. Tiếp đến, tỉnh trưởng ra ân
cho các lính tráng con nhà giàu, cho phép họ sống tại gia và chỉ phải
trình diện khi được kêu lên mà thôi. Ngoài số tiền đút lót khá lớn, tỉnh
trưởng còn bỏ túi tiền lương của lính tráng vắng mặt. Sau cùng, mỗi lần
lính tráng địa phương quân được phái đi bổ sung cho các đơn vị chủ lực,
con cái nhà giàu thường được tuyển chọn. Bọn này vì sợ phải ra trận sẽ
hiến một số tiền lớn cho tỉnh trưởng để được miễn.
"Ngoài
ra, tỉnh trưởng ký giấy phép buôn bán, giấy chiếu khán xuất hay nhập
hàng họ, thẻ môn bài mở tiệm, nhà hàng, động mãi dâm, sòng bài và các
thương vụ khác. Tiền đút lót được cộng thêm với tiền đóng góp cho số lời
thu được. Nếu tiền đóng xét ra không đầy đủ, tỉnh trưởng có thể đóng
cửa tiệm và giao cho một ai khác biết điều hơn. Trên hết, tỉnh trưởng
dành phần béo bổ nhất cho vợ mình.
"Tỉnh
trưởng có thể bắt giam, đánh đập và tra tấn bất cứ ai tùy ý. Chỉ việc
nghi một người là Việt Cộng, là đủ mọi tai ương giáng xuống gia đình
người đó. Người đó chỉ còn cách đút lót cho tỉnh trưởng nếu muốn thoát
nạn."
"Sau
cùng các tướng lãnh ngụy đi đến kết luận sau: cấp quận quá bé nhỏ để có
thể làm ăn lớn; các vùng quân sự, tuy khá khấm, nhưng lại chỉ có bốn
vùng mà thôi, vả lại có quá nhiều cạnh tranh. Tỉnh tuy là cấp trung,
nhưng lại béo bổ nhất. Nhiều tướng lãnh đã làm giàu khi giữ chức tỉnh
trưởng. Chỉ có một vấn đề là quyền lực tỷ lệ với số tiền đút lót hàng
tháng cho tướng vùng và cho chính Thiệu.
Tuy
Tướng Lê Văn Tư đã tỏ ra sốt sắng trong tất cả bốn tỉnh ông cai quản,
bằng những vụ bố ráp, bằng xây đắp các ấp chiến lược, bằng tập trung dân
chúng, bằng đích thân hiện diện tại chiến trường, bằng những nỗ lực
bình định dài hạn và ngắn hạn, ông cũng vẫn bị thất sủng vì không đút
lót đầy đủ cho thượng cấp. Năm 1962, ông bị mất chức tỉnh trưởng Phong
Dinh khi ông ngự trị tại Cần Thơ. Năm 1965, ông lại bị cách chức tỉnh
trưởng Hậu Nghĩa. Sau đó ông được thăng cấp bậc chuẩn tướng để rồi bị bỏ
tù vì tội "tham nhũng, thông gian, biển thủ xăng nhớt, và mạo giấy lính
ma."
Vietnam Courier #51 (Tháng 8/1976)
Adam Sadowski chuyển tới
Adam Sadowski chuyển tới
Đặng Văn Quang, Cáanh Tay Mặt Của Thiệu
Dưới
chế độ thực dân, Đặng Văn Quang từng là một sĩ quan Phòng Nhì và năm
1954 ông được Pháp giao cho trọng trách giám sát việc tập kết của các
đơn vị Việt Minh từ Nam Việt Nam ra Bắc. Rồi Pháp rút đi để nhường chỗ
lại cho Mỹ, và Đặng Văn Quang nhanh nhảu tình nguyện phục vụ cho chế độ
Mỹ-Diệm. Vào thời đó CIA theo dõi rất kỹ các sinh hoạt của các điệp viên
tình báo do Pháp để lại tại Nam Việt Nam. Trong số đó, một số vẫn trung
thành với Pháp và tiếp tục làm việc cho họ, một số khác là điệp viên
hàng hai vẫn tiếp tục phục vụ cho Pháp nhưng đồng thời bí mật bán tài
liệu cho Mỹ, trong khi đó một nhóm người sẵn sàng cắt đứt liên hệ với
Pháp và cộng tác với Mỹ.
Đặng
Văn Quang, ý thức được Mỹ giàu mạnh, nhanh chân chạy theo nhóm chủ mới.
Ông là một trong số sĩ quan ngụy gắng sức làm đẹp lòng Mỹ, tỉ như Đại
Tá Lansdale, cố vấn chính trị đặc biệt của Diệm, Trung Tá Conein, chuyên
viên quân sự, Smith, chỉ huy cơ quan thông tin... Những người này toàn
là điệp viên tình báo chiến lược Mỹ thượng thặng đều nói trôi chảy tiếng
Pháp. Đặng Văn Quang rêu rao với mọi người là ông thích công việc
nghiên cứu, rằng ông thán phục và ham muốn học hỏi ngành tình báo Mỹ.
Ông bán tài liệu mật của Pháp cho Mỹ, và tố giác những sĩ quan ngụy còn
cộng tác với Phòng Nhì Pháp cho Mỹ.
Ngành
tình báo Mỹ thử thách Quang qua nhiều trắc nghiệm, và dần dần nắm được
lấy ông. Tài liệu Mỹ để lại nói là "cơ quan quân sự Mỹ tại Sàigòn rất
hài lòng tìm thấy nơi Trung Tá Đặng Văn Quang một cộng tác viên thân cận
biết nói tiếng Pháp trôi chảy, rất ham muốn học tiếng Anh và có một
kiến thức khá về các vấn đề quân sự và chính trị tại xứ này."
Cho
đến 1956, Đặng Văn Quang vẫn mang cấp bậc trung tá, tuy ông đã phục vụ
đắc lực cho Pháp. Nhưng Quang đã tìm thấy con đường đưa tới quyền thế
với chính sách Mỹ, và đặc biệt ông hăng say phục dịch cho nhóm chủ mới
này. Do sự tiến cử của Đại Tá Lansdale, cố vấn chính trị đặc biệt, Ngô
Đình Diệm gửi Quang đi Đài Loan để thụ huấn thêm về ngành tình báo, rồi
đi Hoa Kỳ thăm viếng các cơ sở quân sự và học hỏi thêm về chiến thuật
phản du kích.
Trong
những năm Mỹ tham chiến ở Nam Việt Nam, Quang là tư lệnh Sư Đoàn 21 Bộ
Binh VN đồn trú tại vùng đồng bằng Nam Bộ. Sau khi Dương Văn Minh bị
Nguyễn Khánh hạ bệ, Maxwell Taylor khuyến cáo Tướng Khánh thăng chức lên
hàng tướng cho một số tướng trẻ, và Quang được thăng lên chuẩn tướng và
tổng tham mưu phó. Rồi đến lượt Khánh bị hạ bệ. Quang lên chức thiếu
tướng và tư lệnh Quân Đoàn 4, khiến ông trở nên lãnh chúa vùng đồng bằng
phì nhiêu của sông Cửu Long. Tháng 11/1965, ông được thăng lên trung
tướng.
Các
tướng ngụy nói là Đặng Văn Quang thăng cấp bậc từ chuẩn tướng lên tới
trung tướng trong thời gian kỷ lục: 15 tháng. Nội tình chính trị tại Nam
Việt Nam đang trải qua một thơi kỳ hỗn độn: Dương Văn Minh lật đổ Ngô
Đình Diệm để rồi bị Nguyễn Khánh lật đổ không bao lâu sau đó; rồi Nguyễn
Khánh bị thay thế bởi nhóm Phan Quang Đán-Phan Khắc Sửu, nhóm này chẳng
bao lâu sau lại bị tập đoàn Thiệu-Kỳ đá văng. Trong những ngày tháng
đó, nhiều sĩ quan thuộc về nhóm này hay nhóm nọ bị thải hồi, ngay cả bị
bắt hay thủ tiêu. Nhưng Đặng Văn Quang, một điệp viên CIA hữu hiệu thì
không gặp khó khăn và tiếp tục thăng chức tước.
Cố Vấn cho Tổng Thống
Thất
bại trong "chiến tranh đặc biệt", Mỹ đổi qua "chiến tranh địa phương",
với sự du nhập đông đảo các đơn vị chiến đấu Mỹ vào Nam Việt Nam, để
tham dự trực tiếp vào công cuộc đánh lại các lực lượng cách mạng. Đầu
năm 1965, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, rồi đóng chiếm các
vùng ven biển thuộc Quân Khu I và II. "Kỵ binh" Mỹ đồn trú trên Cao
Nguyên. Giữa năm 1966, Mỹ chuẩn bị gửi quân tới đồng bằng Nam Bộ.
Westmoreland,
Tổng Tư Lệnh đội quân viễn chinh Mỹ, có Nguyễn Cao Kỳ thời đó là "chủ
tịch ủy ban hành pháp" - tức là thủ tướng chính phủ Sàigòn - tháp tùng
theo, đánh một chuyến thị sát vùng đồng bằng sông Cửu Long, "để điều
nghiên tại chỗ tình hình và hoạch định chương trình sắp đặt lực lượng Mỹ
trong vùng". Nguyễn Cao Kỳ đưa Westmoreland xuống Cần Thơ nơi đặt bản
doanh bộ tư lệnh Quân Khu 4. Tại đó, Đặng Văn Quang với tư cách tư lệnh
địa phương là người hướng dẫn cấp trên đi thị sát. Các tướng ngụy từng
là sĩ quan dưới quyền Quang tại Vùng 4 Chiến Thuật hồi đó kể lại rằng
ông cựu tư lệnh của họ "với cái bụng phệ", đi đứng một cách khó khăn,
nhưng lại rất ghét ngồi trên xe, vì ông sợ "tai nạn". Chẳng may cho
Quang, Westmoreland và Nguyễn Cao Kỳ, thừa dịp tình hình tương đối yên
tịnh, từ Sàigòn tới Cần Thơ bằng trực thăng, và cả hai đồng ý kiến dùng
xe jíp để thị sát một sư đoàn đóng không cách xa mấy bản doanh của
Quang. Lẽ đương nhiên, Quang phải tháp tùng họ. Trong chuyến đi, Quang
cảm thấy bất ổn và không tìm ra những câu trả lời thích ứng cho một loạt
câu hỏi của Westmoreland khiến Westmoreland bày tỏ sự không mấy hài
lòng của ông về thành quả chuyến thị sát này.
Westmoreland
cũng nói với Kỳ là dựa vào tin tức của cơ quan Tình Báo Quân Đội (DIA),
Đặng Văn Quang, với tư cách tư lệnh Vùng 4 Chiến Thuật, đã chứng tỏ là
một sĩ quan tham nhũng lớn nhất (một tài liệu để lại tại sứ quán Mỹ liệt
kê các hành vi tham nhũng của Quang tại đồng bằng sông Cửu Long). Và vị
tướng Mỹ nhấn mạnh thêm: "Theo ý kiên tôi, Tướng Quang là một người chỉ
thích ăn uống, một tên biếng nhác chẳng hiểu biết gì về vùng mình phụ
trách..." Do đó Westmoreland đề nghị Nguyễn Cao Kỳ "hành động ngay lập
tức và phái tới Vùng 4 Chiến Thuật một tư lệnh tháo vát hơn và để tâm
hơn đến việc đưa lực lượng Mỹ vào vùng đồng bằng sông Cửu Long và có khả
năng cộng tác cách hữu hiệu với Hoa Kỳ trong nỗ lực chận đứng sự bành
trướng của cộng sản trong vùng này."
Vào
thời kỳ đó, DIA và CIA kình nhau liên miên, DIA tố giác CIA "mơ hồ,
đánh giá thấp địch quân và đánh giá cao QLVNCH, do đó khiến cho chiến
trận đặc biệt thối lui." Quang là một trong số tướng ngụy mà DIA khinh
bỉ và coi như là "đã được hỗ trợ quá mức và được giao cho trọng trách
quá cao."
Kỳ
cũng không ưa gì Quang là người mà ông còn mang hận từ những năm
1958-1959. Quang, hồi đó là trung tá trong Vùng II Quân Sự, đã nịnh hót
Ngô Đình Diệm bằng cách theo đạo Công giáo và sau này gia nhập đảng Cần lao nhân vị;
ông cũng tiết lộ cho Diệm-Nhu biết là Nguyễn Cao Kỳ, với tư cách phi
công, đã du nhập á phiện từ Lào, và những khi chuyên chở đồ lậu, Kỳ
thường tránh né các cuộc kiểm soát hải quan tại phi trường Sàigòn, và,
lấy cớ phi cơ bị trục trặc, phải đáp khẩn cấp phi cơ tại phi trường quân
sự Tân Cảnh nơi đó ông giao hàng lậu cho các chiến sĩ và đồng lõa tại
đó.
Nguyễn
Cao Kỳ sung sướng vì lời đề nghị của Westmoreland, nghĩ rằng ông có dịp
trả thù Quang. Khi từ Cần Thơ trở về, ông liền mời Nguyễn Hữu Có, hồi
đó là bộ trưởng quốc phòng, tới hội họp tại tư dinh của Nguyễn Văn
Thiệu, hồi đó là chủ tịch œy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Sàigòn; trong buổi
họp đó Kỳ đề nghị sa thải Quang, theo lời yêu cầu của Tổng Tư Lệnh Mỹ
William Westmoreland. Cả Nguyễn Văn Thiệu lẫn Nguyễn Hữu Có đều sửng sốt
và ngượng ngùng trước lời đề nghị của Kỳ. Thiệu, Có và Quang là bạn nối
khố, cả ba từng học khóa hạ sĩ quan của Pháp năm 1948 tại Huế, và tiếp
sau đó vào năm 1952 cả ba được phái tới Phà Đen (Hànội) để tiếp tục học
quân sự tại khóa sĩ quan tham mưu cũng do Pháp tổ chức. Nếu Thiệu và Có,
sau khi đã leo lên tới địa vị tột đỉnh, lại đá văng Quang đi bây giờ,
"dân chúng sẽ xầm xì". Hơn nữa, khi tình hình chính trị tại Nam Việt Nam
còn hỗn độn với những phe nhóm đang kình nhau, Thiệu và Có cần duy trì
mối liên hệ thân hữu với Quang hầu củng cố địa vị và chuẩn bị cho mọi
tình huống.
Vì
vậy Thiệu và Có giải thích cho Kỳ là cách duy nhất thải hồi Quang là tố
giác Quang tham nhũng. Nhưng như vậy sẽ khiến cả ba biến thành trò cười
thiên hạ, khi mà họ mới leo lên tới chóp đỉnh. Hai ông nói thêm là nếu
Kỳ khiêu khích Quang thì sẽ nguy hiểm cho mình vì Quang sẽ không ngại tố
giác các hoạt động buôn lậu của Kỳ. Sau cùng, Kỳ đồng ý với Thiệu là
thành lập một cơ quan mới gọi là Cơ Quan Tổng Kế Hoạch và giao cho Quang
điều hành. Họ sẽ nói với Westmoreland là chức vụ này chỉ có tiếng mà
không có miếng, và vị Tổng Tư Lệnh Mỹ sẽ hài lòng vì Quang bị rút ra
khỏi Quân Khu 4.
Các
tài liệu Mỹ để lại tại Nam Việt Nam nói đại sứ Maxwell Taylor "đã để ý
tới Nguyễn Cao Kỳ" và đại sứ Mỹ muốn "khiến Kỳ trở nên người hùng" để
chế ngự nhóm tướng ngụy đang cắn xé nhau. Nhưng rồi Kỳ tỏ ra là một tay
anh chị ăn nói hồ đồ. Cabot Lodge, Ellsworth Bunker và các viên chức Mỹ
khác ưa thích Nguyễn Văn Thiệu hơn vì ông này tỏ vẻ "cẩn trọng và khôn
khéo" hơn Kỳ. Vì vậy sau vài năm tranh giành với Thiệu, Kỳ đã bị loại vì
sứ quán Mỹ đã chọn Thiệu. Khi Kỳ nắm chức chủ tịch œy Ban Hành Pháp
Trung Ương, ông đã đặt để người của ông vào các cơ quan cảnh sát, quân
cảnh, mật vụ và luôn kiện toàn nhóm không quân mà ông sử dụng như khí cụ
để đảo chánh hay chống đảo chánh khi hữu sự. Trong tình huống này, điều
tối hệ trọng đối với Thiệu là thành công trong việc loại trừ tay chân
của Kỳ trong chính phủ và trong quân đội, và đặt để người của mình vào
các chức vụ then chốt.
Đặng
Văn Quang là bạn chí thân của Thiệu và từng đóng vai trò cố vấn cho
ông. Các tướng ngụy kể lại Quang thường khoe khoang là sau khi ông bị
triệu hồi khỏi Quân Khu 4, ông được mời tới nhà Thiệu dùng cơm, và ông
đã trò chuyện với Thiệu suốt buổi tối. Thiệu nói cho Quang biết ý đồ Kỳ
muốn hất cẳng Quang, và giải thích là trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, có
nhiều kẻ ghét Quang và chỉ có ông, Thiệu, là bảo vệ Quang. Thiệu cũng
tiết lộ là Kỳ đã soạn thảo một sự vụ lệnh cho Quang giải ngũ, và ông đã
từ chối ký vào.
Thiệu
ra chiều là ân nhân của Quang và tuyên bố: "Anh và tôi là bạn với nhau
từ thủa còn hàn vi. Tôi biết tài chiến lược của anh và tin là anh cần
nắm một chức vụ cao hơn là tư lệnh một quân đoàn. Nhưng người ta bắt bẻ
anh và sự thật là danh giá anh đã bị hủy hoại khi anh còn ở vùng đồng
bằng. Tốt hơn tôi không nên giao cho anh một chức vụ quan trọng trong
lúc này, dân chúng sẽ cho là tôi thiên vị người của mình. Do đó anh hãy
cứ ở Cơ Quan Tổng Kế Hoạch trong một thời gian và khi giờ thuận tiện
đến, tôi sẽ giao anh một chức vụ tương xứng với khả năng anh."
Thật
vậy, vào tháng 9/1968, Quang được bổ nhiệm cố vấn đặc biệt của tổng
thống về vấn đề quân sự, và vào tháng 8/1969, ông có thêm chức vụ cố vấn
đặc biệt về anh ninh quốc gia và kiêm chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc
Gia. Như vậy ông nắm quân cảnh, cảnh sát, mật vụ, tình báo trong và
ngoài nước. Những chức vụ này cho ông nắm rất nhiều quyền thế trong tay
và phù hợp với sở thích của ông trong lãnh vực gián điệp mà ông đã được
các ông thày Pháp và Mỹ đào tạo.
Chỉ Biết Có Đôla
Hầu
hết các bạn hữu của Quang đều nói sau khi được bổ nhiệm vào chức vụ cố
vấn đặc biệt của Thiệu về các vấn đề quân sự và anh ninh, Quang tỏ vẻ
lạnh nhạt và có thái độ khinh khỉnh mọi người, ngoại trừ Mỹ và ông bà
Thiệu. Tướng ngụy Trần Quang Khôi kể lại ông là bạn cũ của Quang và hai
người sống chung phòng một vài năm khi Quang còn mang lon trung úy và
ông thiếu úy. Khi Quang trở nên cố vấn tổng thống, Khôi đến viếng thăm
Quang nhưng Quang tiếp đón tẻ nhạt như hai người không hề quen biết
nhau.
Tướng
ngụy Nguyễn Hữu Có cũng than phiền là sau khi ông bị Thiệu và Kỳ cho ra
rìa, ông phải lưu vong tại Đài Loan và Hồng Kông vài năm. Khi trở về
Sàigon, ông sống luôn bị theo dõi. Trước cổng nhà ông các nhân viên lính
kín luôn túc trực, theo lệnh của Quang. Thỉnh thoảng, Quang triệu Có
vào hỏi xem ông có "toa rập với ai để mưu toan đảo chánh không". Thực ra
thì Quang thừa biết Có đã chán ngấy theo đuổi quyền chức, và chỉ lo làm
ăn buôn bán. Nhưng chính vì công ăn việc làm của Có khấm khá nên thỉng
thoảng Quang dọa nạt Có sơ sơ để kiếm trác ít tiền còm. Một lần, khi Có
vừa ra khỏi nhà bằng xe, hai nhân viên lính kín bắm theo sát đít xe ông
một cách lộ liễu đến khi ông trở về nhà. Lẽ dĩ nhiên, đó đâu phải cách
theo dõi bất cứ ai. Nhưng Quang chỉ muốn dằn mặt Có, và nhất là để vợ
Quang có thể moi tiền vợ Có!
Nhiều
tướng ngụy nhận xét là vợ Quang là một người đàn bà rất qủy quyệt và ác
độc. Bà thường đánh bài với các con buôn tại Chợ Lớn và với các vợ của
các sĩ quan làm việc dưới quyền chồng bà. Bà xưng hô với các sĩ quan cấp
bậc thấp hơn chồng bà là "em" tuy nhiều người trong họ lớn tuổi hơn bà.
"Gọi thế cho thân mật," bà trơ trẽn giải thích. Và trong câu chuyện
"thân mật" với vợ của các trung tá, đại tá hay tỉnh trưởng, bà có thể
tâm sự: "Anh Quang nói với chị về có gì không ổn liên quan đến chồng em.
Ông em chị có lo ngại điều chi không?" hay: "Hình như ông em chị bị
thuyên chuyển ra tiền tuyến. Nó có nhận sự vụ lệnh chưa? Chị chúc nó
nhiều may mắn!" Các bà vợ chết đứng khi nghe hung tin như vậy, và do đó
lạy lục bà Quang hối thúc chồng xin Tổng Thống Thiệu giữ chồng mình
"khỏi nguy hiểm", hay "khoan hồng" đối với họ nếu họ có tội tình gì. Nỗ
lực Thiệu tìm cách "trong sạch hoá và kiện toàn tổ chức" là dịp tốt cho
Quang và vợ thu góp bội tiền theo phương thức này vì lẽ những ai bị
thuyên chuyển hay nhận được lệnh phải thuyên chuyển phải đút lót bàn tay
ông cố vấn nếu họ muốn được buông tha. Theo luật lệ, mọi thay đổi trong
chức vụ tư lệnh quân đoàn là kéo theo sự thay đổi các tư lệnh quân đoàn
hay tỉnh trưởng trong vùng tác chiến liên hệ, để bảo toàn sự phối hợp
tốt đẹp giữa các lãnh vực khác nhau", như được ghi trong các tài liệu để
lại tại bộ tổng tham mưu ngụy. Nhưng điều này không áp dụng trong
trường hợp của Quang. Tuy ông trông coi một cơ quan thuộc chính phủ
trung ương, nhưng ông vẫn còn có nhiều bộ hạ tay chân tại vùng đồng bằng
sông Cửu Long, và với tư cách cố vấn Thiệu về mặt anh ninh quốc gia,
ông có thể đề nghị việc bổ nhiệm các tỉnh trưởng và tư lệnh sư đoàn.
Các
tài liệu Mỹ tiết lộ là khi Quang còn giữ chức tư lệnh Vùng 4 Chiến
Thuật, ông đã tung ra khẩu hiệu "không để một hạt gạo rơi vào tay Việt
Cộng", và đến mùa gặt hái lúa gạo, ông phái các đơn vị đi tảo thanh vùng
đồng ruộng. Nối gót các đơn vị này là những lái buôn vô tâm từ Sàigòn
đem xe vận tải thu góp lúa gạo chở lên các vựa lúa trên Sàigòn. Họ làm
giàu cả triệu bạc sau khi đút lót cho vợ chồng Quang vài trăm ngàn đồng.
Đặng
Văn Quang còn có những mánh khóe làm tiền khác. Với tư cách là cố vấn
của Thiệu về vấn đề quân sự và anh ninh quốc gia, ông thường được phái
tới sứ quán Mỹ để thảo luận các vấn đề mật. Do đó Quang có nhiều cơ hội
tỏ ra nhiệt tình với Mỹ, chống đối cách mạng, đàn áp dân chúng và chèn
ép thuộc cấp, và làm tiền. Vài tướng ngụy trong trại cải tạo nói là sau
khi Quang trở nên cố vấn đặc biệt của Thiệu, ông và vợ ông tiếp tục buôn
thuốc Tây tại Vùng 4 Chiến Thuật đem vào Sàigòn, và độc quyền thị
trường thuốc men tại các thành thị và bành trướng thương vụ sang các địa
hạt khác. Vì Quang nắm dưới quyền hải quân và quân cảnh (lãnh vực an
ninh), các hàng lậu của Quang dễ dàng lọt qua các trạm kiểm soát, trong
khi các mặt hàng (kể cả hợp pháp) của các nhóm khác gặp khó khăn trong
khi di chuyển: rau cỏ và trái cây từ miền đồng bằng sông Cửu Long lên
Sàigòn phải xuống hàng và để mặc cho ung thối để "truy lùng các tờ
truyền đơn Việt Cộng". Do đó, không ai muốn buôn rau cỏ và trái cây, và
các đàn em của Quang chiếm độc quyền thương vụ thực phẩm này, bán với
giá cắt cổ tại Sàigòn, khi giá cả ở vùng quê rẻ mạt.
Các
con buôn tại Sàigòn đã khéo xử dụng sự bao che của Quang để làm lợi to
lớn, trong khi vợ chồng tướng ngụy Quang đổi trác lấy được một số tiền
khá lớn. Mỗi khi mách nước cho họ hay xin hộ họ một giấy phép, vợ Quang
thường trắng trợn nói với họ: "Tôi muốn góp phần vào việc đầu tư này.
Nhưng... tôi không kiếm ra được tiền bây giờ, làm sao mà thình lình kiếm
cho ra cả triệu bạc cơ chứ? Thôi thì ta làm như vậy đi: cho tôi đóng
góp 25% vào vốn (quí vị có thể cho tôi vay số tiền đó) và tôi sẽ được
lời một phần tư hay chịu mất một phần tư nếu có lỗ!" Nghe ra thì thật là
công bằng, và sòng phẳng! Nhưng mà dưới sự bao che của cố vấn an ninh
Đặng Văn Quang, làm sao mà có thể lỗ lã được! Và như vậy, không phải giơ
một ngón tay nào lên, bà Quang, chỉ tốn vài giọt nước miếng, cũng kiếm
ra cả triệu bạc.
Một
lần nọ Quang tâm sự với một sĩ quan cấp lớn làm dưới quyền ông: "Trong
những thời buổi khó khăn đó, cơ xưởng và ruộng vườn không mấy lợi, và
các ngân hàng địa phương không an toàn. Chỉ còn lại có đôla, hãy kiếm
thật nhiều đôla và để chúng vào một ngân hàng của Thụy Sĩ trung lập. Đó
là thượng sách!" Có lần vợ Quang nói với vợ trung tá Kiến, khi bà này
tìm kiếm một áp phe cung cấp hàng hóa quân đội: "nếu em muốn làm ăn với
chị, chị chỉ muốn vài ngàn đôla. Tiền của Thiệu chỉ là giấy lộn!"
Chống Đối Cách Mạng Cho Đến Cùng
Vì
nằm trong cơ quan mật vụ và nắm trong tay những tin mật, Đặng Văn Quang
biết rõ hơn ai hết về tính chất mong manh và không thể tránh bị đổ vỡ
của chế độ ngụy tại Sàigòn. Do đó Quang lợi dụng tối đa địa vị của mình
để làm giàu, thật giàu, không gì dơ bẩn đến mấy mà Quang bỏ qua, theo sự
nhận xét của nhóm tướng ngụy.
Quang,
vốn từng là điệp viên, rất khôn khéo trong mọi đường đi nước bước. Sau
khi thuyên chuyển từ Vùng 4 Chiến Thuật lên Sàigòn, ông khoe khoang là
"vì đã chống đối du nhập quân đội Mỹ vào vùng đồng bằng sông Cửu Long mà
ông làm phật ý Westmoreland, để chứng tỏ ông là một con người cứng rắn
và bài Mỹ!
Khi
Quang là cố vấn đặc biệt của Thiệu, ông tung tin đồn là gạo Mỹ viện trợ
trộn lẫn hạt plát tích "rất độc hại". Dân chúng Sàigòn sợ hãi không dám
mua gạo Mỹ, và phải mua gạo nội địa với giá cắt cổ. Các tướng ngụy kể
giai thoại này nhận xét: "Giá sản xuất hạt plát tich cao hơn gạo thật.
Người ta có thể pha trộn gạo với cát hay sạn đá, nhưng không ai dại gì
mà đi pha trộn hạt plát tích!"
Thiệu,
khi địa vị ông bị yếu đi vì nhiều vố thất bại, khai trừ khỏi nội bộ một
số người không còn đáng tin cậy nữa. Trong số đó có cố vấn chính trị
Nguyễn Văn Ngân. Nhưng Quang vẫn tại vị. Có tin đồn trong giới tướng
ngụy Quang là nhân viên CIA do sứ quán Mỹ đặt để bên cạnh Thiệu để ngó
chừng nhà độc tài. Cơ quan tình báo quân đội của Thiệu bắt được một tờ
trình mật của đại sứ Mỹ Martin gửi Washington, về "tâm trạng của các sĩ
quan QLVNCH sau khi Hiệp Định Ba Lê được ký kết". Tờ trình chứa đựng chi
tiết "khá chính xác" chỉ có những người như chính Nguyễn Văn Thiệu, Cao
Văn Viên hay Đặng Văn Quang có dự các buổi họp "tối mật" mới biết. Có
nhiều người nghi ngờ Quang đã bán đứng các tài liệu mật cho Mỹ. Mối ngờ
vực càng gia tăng khi người ta thấy là Martin tin cậy Quang hơn là
Thiệu, và các tờ trình của cơ quan tình báo Mỹ về Việt Cộng, có đóng dấu
"tối mật", được gửi thẳng tới Quang, mà không qua tay Thiệu.
Đôi
lần, Quang tâm sự với một vài tướng lãnh: "Ông Martin mới nói với tôi
..." Lẽ dĩ nhiên, một người như Quang mà làm sao có thể bật mí các tin
tức mật một cách vô trách nhiệm như vậy được. Chẳng qua Quang muốn nhắc
nhở cho các đồng nghiệp là ông "thân" với Martin, và ông muốn hù họ, kể
cả Cao Văn Viên. Tại văn phòng tổng tham mưu trưởng, người ta tìm thấy
một lá thư mang chữ ký của Quang, đề ngày 19/4/1975, bắt đầu với hàng
chữ này: "Tôi mới nhận được từ ông Martin ba tài liệu này, và tôi xin
gửi đại tướng một bản để tùy nghi."
[...]
Cho
đến giờ phút chót của chế độ tên phản động Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Văn
Quang vẫn ngoan cố chống cách mạng. Giờ đây ông đã "di tản" qua Mỹ và
hiện làm việc tại bản doanh CIA tại Langley.
Vietnam Courier #49 (Tháng 6/1976)
Adam Sadowski chuyển tới
Adam Sadowski chuyển tới
Ghi chú: Đặng Văn Quang hiện sinh sống tại Atlanta, Georgia.
Một Vụ Tham Nhũng Tại Việt Nam
Một Người Từng Chống Tham Nhũng Bị Kẹt Ở Giữa
Một Người Từng Chống Tham Nhũng Bị Kẹt Ở Giữa
SAIGON - Tướng Nguyễn Văn Vỹ
là một quân nhân chừng mực, hút thuốc bằng ống điếu và có tiếng là làm
nên việc. Nhưng danh thơm của đời binh nghiệp ông có nguy cơ bị phá đổ
vì ông can dự vào một vụ tham nhũng dính líu tới quỹ tiết kiệm quân đội
lên đến cả mấy chục triệu đô-la; trong vụ này ông coi ra có vẻ bị kẹt
vào giữa tuy cá nhân ông trong trắng. Tướng Vỹ tốt nghiệp trường luật
tại Hà Nội và sau này trường võ bị St. Cyr của Pháp. Ông là sản phẩm của
giới quan liêu Việt Nam, một thời là chỉ huy trưởng của lính phòng vệ
dinh thự Hoàng Đế Bảo Đại. Ông cũng từng là một lính dù với một thành
tích chiến đấu khả quan, một phật tử cưới một tín đồ Công giáo, và một
quân nhân phi chính trị. Ông trốn tránh sang Pháp sau khi va chạm với cố
Tổng Thống Ngô Đình Diệm và trở về nước và gia nhập lại quân đội sau
cái chết của ông Diệm. Một lần trong đời binh nghiệp ông đã được phê
trong một bản công văn Mỹ, "một người chống tham nhũng kịch liệt."
Một Lựa Chọn Đương Nhiên
Nói
tóm lại, ông là một quân nhân 54 tuổi với những tài năng ít tướng lãnh
Nam Việt Nam sánh bì. Khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thành lập chính
phủ hợp hiến bốn năm trước, Tướng Vỹ là một lựa chọn đương nhiên vào
chức vụ tổng trưởng quốc phòng. Ông đã chu toàn chức vụ một cách nghiêm
túc - tuy không tránh khỏi vài đụng chạm và đôi ba lần kèn cựa với Tổng
Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên, một tướng lãnh bốn sao thứ hai của quốc
gia rất được trọng vọng. Tuy nhiên con đường chức nghiệp ngăn nắp của
Tướng Vỹ đã bị đảo lộn bởi vụ tham nhũng có mòi khỏa lấp những tin dật
gân xảy ra hằng ngày trên mặt báo Sài Gòn. Vụ này liên quan đến việc
quản trị một quỹ quân đội khoảng 10 triệu đô tạo nên bởi sự đóng góp ép
đặt của khoảng 800 ngàn người trong quân đội và địa phương quân.
Tuy
nhiên, mặt khác vụ này đe dọa thế cân bằng mong manh mà Tổng Thống
Thiệu cố duy trì trong giới tướng lãnh tuy không còn là một hội đồng
quân lực chính thức nhưng vẫn còn là điểm tựa cho chế độ. Và một số
thành viên của Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện càng làm cho tình thế
rối răm thêm bằng cách phao tin là Mỹ đang lèo lái trong hậu trường để
ức chế nền kinh tế Nam Việt Nam (mà Mỹ nâng đỡ với một ngân sách hàng
năm lên tới 500 triệu đô).
Đã
có bốn viên chức cao cấp trong Bộ Quốc Phòng bị ngưng chức. Chính Tướng
Vỹ cũng có thể buộc phải từ chức, tuy chưa có ai có thể trưng bằng cớ
ngoại trừ ông là một người xấu số bị kẹt ở giữa. Sự từ chức hay sự
thuyên chuyển của Tướng Vỹ tới một chức vụ khác có thể gây sóng gió
trong hàng ngũ quân đội - một điều mà ông Thiệu rất ngại làm. Hơn nữa,
còn có vấn đề nan giải của 150 sĩ quan - số đông là đại tá và tướng lãnh
- đã được biệt phái qua điều hành bảy công ty tài trợ toàn phần hay bán
phần bởi quỹ mang tên Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội (QTKQĐ).
Không Hội Đủ Bằng Cớ
Cho
tới ngày hôm nay, vẫn không tìm thấy bằng cớ là có tham nhũng trong ban
quản trị của QTKQĐ. Thật vậy, một số cơ nguồn tài chánh cảm thấy rằng
một cuộc điều tra chắc chỉ có thể cho thấy là quỹ này đang phồn thịnh.
Đó là một trong mối khó khăn. Quỹ này đã trở nên một thương vụ hết sức
mạnh mẽ đến độ các thương gia khác bắt đầu đặt nghi vấn là có nên cạnh
tranh với quân đội hay không. Chẳng hạn, quân đội đang tài trợ cho một
công ty xây cất và đồng thời quân đội cũng sẽ là khách hàng. Điều này đã
khiến một số dân biểu và nghị sĩ tố giác rằng đang tìm cách ngăn chận
QTKQĐ và bóp chết các kỹ nghệ tài trợ bởi QTKQĐ.
Một
viên chức Mỹ phải cười về lời cáo buộc này. Tuy nhiên ông này thêm là
giới chức Mỹ đặt nghi vấn về sự khôn ngoan để quân đội can dự vào thương
vụ to lớn như vậy. Và người Mỹ cũng ý thức được rằng chỉ duy tầm mức to
tát của QTKQĐ cũng đã là một cám dỗ đầy hấp lực trong một nước mà không
mấy ai chống cự lại cám dỗ. Thật vậy, QTKQĐ trông vẻ lực lượng và hấp
dẫn khiến quân lực Nam Việt Nam đã chuẩn bị khởi công một công vụ buôn
bán tương tựa. Đó là trước khi vụ xì căng đan này bùng nổ do kết quả của
những lời tố giác của quốc hội và giới báo chí địa phương về một lối
quản trị cẩu thả. Thật là mỉa mai khi mà một số nhật báo trước đây đặt
nghi vấn về quỹ này nay lại quay sang đặt nghi vấn có nên phá đổ nó
không.
Tướng
Vỹ, người đã mơ sáng kiến này từ năm 1968 như một phương thức để tạo
cho cá nhân quân sĩ có được một số vốn nhỏ khi xuất ngũ, bảo vệ ý kiến
này cách mạnh mẽ trong nội các. Đang khi đó, chính phủ đình chỉ việc
khấu trừ lương bổng xung vào quỹ và chuyển giao tài sản và sổ sách của
quỹ này cho một ngân hàng do chính phủ nắm và một ủy ban điều tra dưới
sự lãnh đạo của ông già gân Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Ủy ban điều
tra này là một bình phong hội tụ một số tướng lãnh, thẩm phán và giới
chức ngân hàng, và tiến hành với một diễn trình chỉ cho thấy rõ mối căng
thẳng của mọi phe phái liên hệ. Tuy nhiên, ông Hương có tiếng là liêm
chính và đồng thời cũng rất bốc đồng. Và tuy ông là bạn thân của Tổng
Trưởng Quốc Phòng Vỹ, phó tổng thống 69 tuổi cũng có tiếng từng va chạm
với giới chóp bu quân đội và dân chúng có thể tin tưởng ông sẽ kháng cự
lại bất cứ nỗ lực mưu đồ lật lọng nào.
George McArthur
Times Staff Writer
Los Angeles Times
Thứ ba, 4 tháng 4 năm 1972
Times Staff Writer
Los Angeles Times
Thứ ba, 4 tháng 4 năm 1972
Tường Trình Kết Quả Điều Tra QTKQĐ
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu
Phụ Tá Đặc Biệt Phó Tổng Thống
và Tổng Thư Ký Ủy Ban Điều Tra Đặc Biệt
Trên Truyền Hình Ngày 14 Tháng 7 Năm 1972
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu
Phụ Tá Đặc Biệt Phó Tổng Thống
và Tổng Thư Ký Ủy Ban Điều Tra Đặc Biệt
Trên Truyền Hình Ngày 14 Tháng 7 Năm 1972
Thưa
đồng bào toàn quốc, các tướng lãnh, và các chiến hữu. Ngày 4 tháng 4,
tôi đã có dịp tường trình về một ít kết quả sơ khởi của cuộc điều tra vụ
QTKQĐ.
Hôm
nay, như đã được loan báo, trong tư cách Tổng Thư Ký của Ủy Ban Điều
Tra Đặc Biệt và thừa lệnh Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, Chủ Tịch của
Ủy Ban này, tôi sẽ tiếp tục tường trình một số khám phá mới mà Ủy Ban
Đặc Biệt đã thu hoạch sau hơn ba tháng làm việc
Vì
bản chất tế nhị của chúng và vì Ủy Ban đang tiếp tục tiến hành các bổn
phận của mình, có một số vấn đề, tuy quan trọng, chưa tiện công bố ra
đây.
Trước khi đề cập tới bản tường trình mới, tôi xin phép trở lại hai vấn đề mà chúng ta đã đả động tới lần trước. Đó là:
= Sự sai biệt trong sổ sách thu và chi của Quỹ;
= Khiếm khuyết pháp lý của tổ chức liên quan tới sự dấn thân vào các tổ hợp thương mại.
I. Vấn Đề Giữ Sổ Sách
Như
quý vị biết, việc khấu trừ tiền tiết kiệm khởi sự vào tháng giêng năm
1968. Mọi quân nhân thuộc chủ lực quân và địa phương quân mỗi tháng phải
đóng góp 100 đồng. Với một lực lượng của khoảng một triệu người, lẽ
đương nhiên, với thời gian, số vốn thuộc về hiệp hội tăng trưởng trở
thành một tài sản to tát mà không một tổ chức hay hiệp hội thương mại
hay kỹ nghệ trong nước, hiện tại hay tương lai, có thể sánh bì.
Được
giao phó một tài sản to tát như vậy, với số vốn tăng lên cả mấy tỉ đồng
mỗi năm, những người có trách nhiệm phải tối thiểu để tâm giữa sổ sách
chi thu cách cẩn thận, bảo tồn cơ cấu, từ khi các khấu trừ bắt đầu.
Rất tiếc, công việc này đã không được thực hiện một cách phải phép. Đây là một số bằng chứng cụ thể.
Các
đơn vị nhận được lệnh khấu trừ tiền bắt đầu từ tháng giêng năm 1968;
nhưng những chỉ thị cần yếu liên quan đến cách giữ sổ sách không được
ban bố vào lúc đó.
Và,
chỉ mãi đến ngày 9/5/1969 - 17 tháng sau đó - Bộ Quốc Phòng mới ra chỉ
thị ấn định những điều lệ thu nhận các đóng góp tiền tiết kiệm từ các
đơn vị và các điều lệ ghi các đóng góp này vào sổ sách tại cấp trung
ương.
Sự trễ nải này, lẽ dĩ nhiên, có những hậu quả sau đây:
= Thiếu hụt liên miên;
= Lúc ban đầu, mỗi nơi khởi sự giữ sổ sách kế toán theo kiểu cách riêng của mình;
=
Trong hai năm đầu, trong các đơn vị (có hơn 400 đơn vị trên toàn quốc)
và kể cả tại trung ương, các sổ sách kế toán chi tiêu không minh bạch,
không ghi ngày tháng, và cũng không theo bất cứ một luật lệ cố định nào.
Tình
trạng này khiến không tài nào kiểm tra toàn bộ được tới giờ phút này -
từ khi chúng tôi bắt đầu cho tới hiện tại. Kết quả là chúng tôi buộc
phải chấp nhận các con số đã được ghi chép trong các sổ sách trương mục
của hai năm kế tiếp.
Như
ai nấy đều có thể suy đoán, một khi các trương mục của QTKQĐ được gộp
lại cách đều đặn, kể từ thời điểm này, với thủ tục và liên tục, không để
bất cứ một chi tiết nào thất thoát, một khi tất cả các sổ sách liên hệ
được xem xét một cách cẩn trọng, minh bạch và liên tục, được giới hữu
trách kiểm tra và theo dõi thật là kỹ lưỡng, và được ghi chép đầy đủ từ
đầu đến cuối, khi đó cho dù có muốn gian trá thì cũng khó mà thực hiện
được ý đồ; hay, nếu mất mát có xảy ra, thì các mất mát đó mà Hiệp Hội
phải hứng chịu cũng không đạt tới mức độ nghiêm trọng.
Mặt
khác, nếu lơ là các hành động trên, vì lý do này hay lý do khác, không
tránh khỏi các lạm dụng và mất mát, đặc biệt khi các chi thu hằng ngày
quá nhiều như vậy.
Trong khi xem xét kế toán của các chi thu cho các đơn vị, mục đích của Ủy Ban Điều Tra là xác định hai con số sau đây:
= Trước nhất, tổng cộng vốn trong các đóng góp tiết kiệm mà các đơn vị trong toàn quốc thật sự thu góp, từ tháng Giêng năm 1968 tới giờ.
=
Thứ đến, tổng cộng số tiền Quỹ hoàn trả, từ năm 1968, cho các thành
viên giải ngũ hay trợ giúp cho các thừa kế viên của các tử sĩ hay các
thành viên mất tích.
Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng báo cáo:
= Tổng cộng của vốn nhận được: 3.267.631.583 đồng cho tới ngày 31/12/1971.
= Tổng cộng của số tiền hoàn trả và trợ giúp nêu trên: 307.774.719 đồng cho tới ngày 31/12/1971.
= Hai năm 1968-1969: 14.487.672 đồng.
= Hai năm 1970-1971: 293.287.047 đồng.
Các con số trên cho thấy một sai biệt lớn giữa hai năm đầu và hai năm cuối: Phần chi cho 1970-1971, gấp 20 lần hai năm đầu.
Để
có thể chắc chắn có sự mất mát nào trong hai con số trên không, cần
phải kiểm với các đơn vị. Nhưng một việc như thế không đơn giản như ta
tưởng. Đây là các lý do:
Theo chỉ thị số 9.238 ngày 9/5/1969 của Bộ Quốc Phòng, các tài liệu căn bản xác nhận vốn nhận được là:
= Số tiền hàng tháng các đơn vị trả cho quân nhân có chữ ký của đương sự.
= Và các giấy chứng nhận hành chánh cho các đóng góp tiết kiệm khấu trừ trong các tháng liên hệ.
Ủy
Ban Điều Tra đã công tác kiểm tra tại một số đơn vị. Hầu hết các đơn vị
không còn có hai loại tài liệu trên trong hồ sơ của họ, đặc biệt là cho
các năm 1968 và 1969. Các lý do nêu lên: Tình hình chiến tranh, bốn năm
rồi, các đơn vị đã di chuyển, v.v., và trên hết, họ không nhận được chỉ
thị từ Bộ Quốc Phòng như tường trình ở trên.
Các toán điều tra cũng gặp những khó khăn tương tự khi kiểm các con số liên quan đến số tiền hoàn trả và trợ giúp.
Vì
vậy, chỉ còn có một giải pháp: Tìm ra thực trạng kế toán tại cấp trung
ương. Nhưng công cuộc điều tra cũng gặp khó khăn vì thiếu sổ sách kế
toán cho hai năm đầu.
Đây là bằng chứng:
Trong mọi kiểu kế toán, tư hay công, thương mại hay hiệp hội, các tài liệu kế toán căn bản luôn là cuốn sổ Nhật Ký Chi Thu.
Phân
bộ kế toán Trung Ương của QTKQĐ là công ty hành chánh số 6. Công ty này
thuộc Sở Hành Chánh và Tài Chánh số 6, Sài Gòn. Trưởng sở cũng là Thủ
Quỹ của Hiệp Hội.
Phân bộ kế toán trung ương trình cho Ủy Ban Điều Tra hai cuốn sổ Nhật Ký Chi Thu của Quỹ:
= Cuốn thứ nhất, cho các năm 1968 và 1969.
= Cuốn thứ hai, cho các năm 1970 và 1971 và tiếp sau đó.
Cuốn
thứ nhất hoàn toàn sái nguyên tắc và có thể coi là vô giá trị. Đây là
các điểm sái nguyên tắc trong cuốn sổ Nhật Ký Chi Thu cho các năm
1968-69:
=
Cuốn sổ Nhật Ký không có số trang và chữ ký của Chủ Tịch hay Tổng Thư
Ký của Quỹ trên trang đầu và trang cuối. Do đó, có thể bị thay đổi hay
sửa chữa bất cứ lúc nào;
=
Chỉ có 12 trong 150 trang dùng cho hai năm đầu của chi thu. Số trang
còn lại để trống; sự kiện này chứng minh là không có ghi chép hàng ngày
và liên tục cho các chi thu.
=
Chỉ có bốn (4) bảng bi-lăng (quyết toán) cho hai năm đó, bảng thứ nhất
vào tháng 12/1968 và ba bảng kia vào cuối tháng 10, 11, và 12 năm 1969,
thay vì một bảng bi-lăng cho mỗi tháng và cho mỗi năm cho hai năm liên
hệ.
=
Các con tính được thực hiện bởi một Hạ Sĩ Quan của Đại Đội Hành Chánh
và duyệt xét bởi chỉ huy trưởng của đơn vị này. Thường thì công việc
phải giao cho Thủ Quỹ của Hiệp Hội và duyệt xét bởi Chủ Tịch hay Tổng
Thư Ký của QTKQĐ.
Chúng ta hãy tiếp sang đề cập tới cuốn sổ nhật ký thứ hai.
Cuốn
sổ Nhật ký thứ hai này cho thấy một ít tiến bộ. Nó được đánh số trang
và ký bởi Tổng Thư Ký; có một bảng bi-lăng cho mỗi tháng.
Nhưng cũng giống như cuốn sổ nhật ký thứ nhất, các con tính và kiểm chứng bởi hai người nêu trên cũng như trong hai năm đầu.
Khi được hỏi về tình trạng kế toán như vậy, các giới hữu trách liên hệ đưa ra những lời giải thích như sau:
= Thiếu nhân viên tại Phân Bộ Kế Toán Trung Ương;
= Không có chỉ thị từ quyền hành cao cấp lúc ban đầu;
= Thêm vào đó, không hề xảy ra bất cứ một kiểm tra hay xem xét bởi Hội Đồng Quản Trị.
Khi
xét tới "Hoàn Trả" và "Trợ Giúp Hiện Kim", Phân Bộ Kế Toán Trung Ương
trình cho Ủy Ban Điều Tra các sổ ghi theo thứ tự mẫu tự và hai cuốn tập
học trò.
Nhưng các sổ ghi theo thứ tự mẫu tự cũng không hợp lệ vì các con số bị thêm bớt và tẩy xóa.
Trong
hai cuốn tập học trò, có ghi những số tiền Quỹ đã gửi cho các đơn vị
với mục đích hoàn trả và trợ giúp trong bốn năm qua. Và phần kế toán dựa
trên hai cuốn tập đó, tường trình cho Bộ Quốc Phòng rồi trình cho Ủy
Ban Điều Tra.
Chúng ta hãy xem xét các cuốn sổ "Hoàn Trả" và "Trợ Giúp Hiện Kim".
Lẽ
dĩ nhiên, một loại sổ kế toán như vậy không thể trung thực và thật
lòng. Thành thử, ủy ban chúng tôi khó lòng định được tính chất trung
thực hay sai lầm của chúng.
Rốt cuộc chỉ còn lại một cách: chấp nhận các con số đưa ra và bản bi-lăng chung kết.
Trước
tình trạng khiếm khuyết này, phải nhìn nhận là Hội Đồng Quản Trị QTKQĐ
đã thực sự không chu toàn sứ mạng mình trong bốn năm trước.
Mặc dù chúng tôi tìm cách giải thích và tỏ ra dễ dãi, khó mà giải thích và bào chữa cho những hành động đó.
II. Các Khiếm Khuyết Pháp Lý
Chúng
ta hãy bước sang phần thứ hai, các khiếm khuyết về mặt pháp lý của tổ
chức, khi dấn thân mạo hiểm vào thế giới của thương trường.
Nếu
Hội Đồng Quản Trị QTKQĐ chỉ lo việc thu nhận các đóng góp và bỏ vào các
trương mục ký thác cố định, sự mất mát và lạm dụng tiền tiết kiệm đã
không thể xảy ra tại cấp trung ương; mọi mất mát hay lạm tiêu chỉ có thể
xảy ra tại cấp đơn vị mà thôi.
Lý
do: Tất các chi thu được ghi vào sổ tại Ngân Khố và các ngân hàng, và
có thể kiểm chứng bất cứ lúc nào, kể cả sau một thời gian lâu dài.
Mất
mát, lạm tiêu hay biển thủ đều chỉ có thể xảy ra tại cấp trung ương khi
Hội Đồng Quản Trị được phép dùng tiền vào xây cất, mãi dịch, và thành
lập một ngân hàng và các công ty.
Đây là một thẩm định khách quan mà ai cũng đều phải chấp nhận.
Khách quan mà nói, QTKQĐ bước vào một pha gọi là "thương mại" mới với các mục tiêu sau đây:
= Tăng tỷ lệ lãi xuất ngõ hầu có thể mở rộng trợ giúp hỗ tương cho các thành viên.
= Đóng góp cách công hiệu hơn vào việc phát triển của kinh tế hậu chiến tranh.
= Và, để tránh các tác dụng của sự sụt giá đồng tiền,
không phải là một chương trình không có ý nghĩa.
Chúng
ta phải nhìn nhận đây là một kế hoạch đáng đem ra thực hiện nếu được
thi hành với các bảo đảm và thành tâm và nếu chỉ nhắm vào quyền lợi của
quân nhân, những chủ nhân của vốn.
Rất tiếc, điều xảy ra hoàn toàn khác hẳn.
Yếu
tố căn bản là vấn đề "pháp lý" vì lẽ khi một tổ chức thiếu một nền tảng
pháp lý, nó không thể tiếp tục thực thi một công trình vững chắc và lâu
bền.
Nếu
phải dùng tới né tránh và các phương pháp ngụy trang để tránh điều gì
luật lệ cấm cản, thiệt hại trở nên lớn hơn và dễ gây tổn thương hơn, đặc
biệt khi món tiền lên tới một con số khổng lồ như trong trường hợp của
QTKQĐ.
Liên
quan đến quyết định đi vào thương mại của Hội Đồng Quản Trị QTKQĐ, Ủy
Ban Điều Tra Đặc Biệt nhận thấy là Hội Đồng đã phạm ba lỗi, như sau:
Lỗi thứ nhất:
Quỹ
mua cổ phần trong hai công ty chính phủ làm chủ, COGIVINA và SICOVINA,
và thành lập Kỹ Thương Ngân Hàng và bốn công ty mới: VICCO, VINAVATCO,
ICICO, và FOPROCO, với số tiền tổng cộng 1.232.753.000 đồng là trái luật
và đi ngược lại những điều luật của các hiệp hội.
Cựu
Bộ Trưởng Quốc Phòng giải thích các quyết định "thương mại" trên là
hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, chúng tôi xin phép quí vị trưng ra những
sự kiện sau đây làm bằng chứng xác định là trái luật hiện hành.
Bằng chứng thứ nhất: Sắc luật duy nhất hiện hành ban bố các điều lệ thành lập hiệp hội trong nước là chiếu dụ số 10 ngày 6/8/1950.
Điều 1, chiếu dụ cấm tiệt các hiệp hội có những sinh hoạt với mục đích "chia hưởng lợi tức."
Dùng
vốn Hiệp Hội khoảng chừng 1.3 tỷ đồng để mua cổ phần, thành lập ngân
hàng và lập công ty, chẳng phải là một sinh hoạt với mục đích cho phép
hưởng phần lời và "chia nhau lợi tức" sao?
Bằng chứng thứ hai:
Tuy
Hiệp Hội là một thực thể pháp lý, và tuy các cổ phần mang giá trị
khoảng 1.3 tỷ đồng thuộc về Hiệp Hội, trên tất cả các chứng chỉ lập tại
văn phòng của Chưởng Ấn Sài Gòn là người đăng ký vào sổ các cổ phần nói
trên không phải Hiệp Hội hành động như thể một chủ thể công ty mà là
Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ cùng một số người khác đăng ký những cổ phần
với tư cách cá nhân của họ.
Lý
do duy nhất: Vì lẽ chưởng ấn không được phép cấp một chứng chỉ đi ngược
chiếu dụ số 10, mà nếu chưởng ấn cho phép Hiệp Hội đăng ký các cổ phần
thì rơi vào trường hợp này, nên một phương pháp "ngụy trang" đã được
dùng tới.
Tuy
sau đó các người liên hệ ký giấy chuyển nhượng các cổ phần của họ cho
Hiệp Hội với lời cam kết, đó là "những chứng chỉ riêng tư", trong khi
tại văn phòng của Chưởng Ấn các chứng chỉ nguyên bản vẫn còn được lưu
giữ trong tình trạng y nguyên vì chưởng ấn không được phép chuyển nhượng
chúng cho hiệp hội vì lẽ sẽ trái luật.
Bằng chứng thứ ba:
Nhưng trong văn thư số 2960 ngày 27/8/1970, Thủ Tướng lưu ý Bộ Quốc Phòng hai điểm sau đây:
= Việc thành lập Quỹ với mục đích kiếm lời không phù hợp với các luật lệ hiện hành.
= Vì vậy, Bộ phải xét lại khía cạnh pháp lý của vấn đề.
Lỗi thứ hai:
Lỗi
thứ hai Bộ Trưởng Quốc Phòng và Hội Đồng Quản Trị QTKQĐ vấp phải khi
lấy quyết định đi vào thương mại là không đếm xỉa tới khuyến cáo trên
của Thủ Tướng.
Sau
khi tiếp nhận một khuyến cáo như vậy, đáng lẽ ra Bộ Trưởng Quốc Phòng
và Hội Đồng Quản Trị phải chuyển sang các sinh hoạt mới. Trái lại, sau
đó, trong một khoảng thời gian trên bảy tháng, Bộ Quốc Phòng và Hội Đồng
Quản Trị tiêu xài gần 900 triệu đồng của quỹ Hiệp Hội để mua cổ phần
trong Công Ty Dệt Việt Nam và gián tiếp thiết lập bốn công ty mới. Các
công ty đó là:
= Công ty Xây Cất Kỹ Nghệ Việt Nam (VICCO)
= Công Ty Vận Tải Việt Nam (VINAVATCO)
= Công Ty Bảo Hiểm Kỹ Nghệ và Thương Mại (ICICO)
= Công Ty Sản Xuất Thực Phẩm (FOPROCO)
Phải
nhìn nhận đây là một cuộc phiêu lưu nhằm kiếm lời bất tuân quyền hành
cấp trên và có thể gây mất mát cho các quân nhân, những chủ nhân của
vốn.
*****************************
Bây giờ tôi muốn đi tới đề tài chính, đó là, sự khám phá về lạm dụng, mất mát, và biển thủ của quỹ tiết kiệm.
Vì thời gian hạn định dành cho buổi tường trình hôm nay, tôi không thể đi vào tất cả các chi tiết và đề cập tới toàn bộ vấn đề.
Ủy
Ban Điều Tra đã chỉ có thể xét một số trường hợp mất mát và lạm dụng
xảy ra trong các dự án xây cất và một ít của các công ty và tại Kỹ
Thương Ngân Hàng.
Công việc đã thực hiện với nhiều khó khăn và phiền muộn, vì những lý do sau đây:
= Những kẻ bất lương luôn tìm cách tỏ ra vẻ lương thiện, đặc biệt là những kẻ chuyên môn trong vấn đề.
=
Sự thật khám phá được trở lui mãi tận tháng tám năm ngoái; do đó, hầu
hết các tài liệu và sự kiện đã được hợp thức hóa và hợp lý hóa.
=
Ngoài ra, có nhiều chuẩn bị để che đậy thực trạng, kể cả các tường
trình của các buổi họp, các điều lệ và thủ tục thiết lập trước đây, một
cách tài tình.
Tuy
nhiên dù cẩn thận và có tài tình đến đâu, không thể nào che dấu những ý
đồ bất lương và ngu xuẩn. Tôi sẽ tường trình cho quí vị từng điểm một.
III. Xây Cất Tòa Nhà
Đây là một trong nhiều ví dụ biển thủ và lạm tiêu tiền tiết kiệm của lính tráng và bất tín.
Sự
mất mát mười hay một trăm triệu đồng sẽ không mấy quan trọng nếu tiền
được đóng góp bởi một nhóm thương gia hay kỹ nghệ gia nhằm mục đích làm
ăn buôn bán, có thể lời có thể lỗ. Nhưng, trong trường hợp ở đây, tiền
thuộc về các thành viên của các chủ lực quân và địa phương quân đang
sống chết ngoài mặt trận. Đó là tiền dành dụm của những quân nhân nghèo
túng và kiếm được bằng "máu và mồ hồi".
Vì
lý do đó, những nguời nắm quyền xử dụng tài sản đó và những người có
bổn phận đối với tài sản đó phải biết quan tâm và hết sức chú tâm.
Tòa
nhà văn phòng ở số 8 đường Nguyễn Huệ được định là văn phòng của Kỹ
Thương Ngân Hàng và của bốn công ty mới được thành lập với vốn của
QTKQĐ.
Công
trình xây cất khởi sự tháng 6 năm 1969, và Nha Công Binh của QLVNCH
được lệnh của cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng xây cất nền móng cho tòa nhà.
Trước
khi xét tới các trường hợp mất mát và biển thủ phát hiện được, tôi xin
phép được nêu lên một số hành động sái phép và bất hợp pháp ghi nhận
được trong khi xây cất tòa nhà to lớn này.
Thứ Nhất:
Quyết
định tiên khởi liên quan đến việc xây cất tòa nhà này không phải là từ
Hội Đồng Quản Trị của QTKQĐ mà là từ chính Bộ Trưởng Quốc Phòng.
Ít
lâu sau Hội Đồng mới họp để hợp thức hóa quyết định này: Điều này trái
nghịch với luật của Hiệp Hội ấn định Chủ Tịch Danh Dự, nghĩa là Bộ
Trưởng Quốc Phòng, không có bất luận quyền thế gì liên quan đến việc
quản trị tài sản của Hiệp Hội.
Như
vậy chúng ta thấy là trên thực tế chính Bộ Trưởng Quốc Phòng nắm mọi
quyền hành và Hội Đồng Quản Trị không có quyền hành gì ngoại trừ vâng
theo lệnh ông Bộ Trưởng.
Thứ Hai:
Bộ
Trưởng Quốc Phòng chỉ thị Nha Công Binh phá hủy tòa nhà cũ và đặt nền
móng; công trình khởi sự ngày 5 tháng 10 năm 1969, và hoàn bị khoảng tám
tháng sau.
Công
việc được thực hiện cách hết sức hấp tấp, vì chỉ có vỏn vẹn một tháng
trôi qua giữa ngày cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng ban khẩu lệnh cho Nha Công
Binh điều nghiên dự án và ngày công trình xây cất thật sự bắt đầu.
Vì hấp tấp như vậy, các kế hoạch và định giá không hoàn bị.
Thứ Ba:
Xử dụng tài lực quân đội cho dự án là điều bất hợp pháp; không được coi công quỹ và tài sản tư như là một và như nhau.
Hậu
quả là phần đóng góp lớn của phí tổn xây nền móng, gồm có nhân lực,
chuyên chở, máy móc, xăng nhớt và vật liệu cho không, phát xuất từ ngân
sách của bộ quốc phòng.
Thứ Tư
Chỉ
sau một năm Hội Đồng Quản Trị QTKQĐ mới chuẩn y công trình xây cất tòa
nhà và hợp thức hóa quyết định của cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng. Nhưng, tuy
là chuẩn y dự án, Hội Đồng không trưng bày một bản định giá cả và không
được thông báo mức độ tiêu xài cho dự án. Điều này chứng tỏ rằng Hội
Đồng chỉ đóng một vai trò "bình phong".
Thứ Năm:
Thật
khó hiểu tại sao một dự án rộng lớn vậy lại không có một điều nghiên về
lượng định và định giá. Như vậy các nhà thầu có thể đề nghị những giá
cả có thể được chấp thuận cách dễ dàng.
Định
giá càng chi tiết bao nhiêu thì càng khó thất thoát hay biển thủ ngân
quỹ bấy nhiêu; ngược lại, nếu không lượng giá và định giá, quỹ tiết kiệm
của Hiệp Hội có thể bị thất thoát.
Thứ sáu:
Ngày
14 tháng 8 năm 1969, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng ban bố Nghị Quyết số
1815-QP/TCTT/QD, quy định sự thành lập của ba ủy ban mang tên Ủy Ban
Hành Sự, Ủy Ban Mãi Dịch, và Ủy Ban Kiểm Soát, có trách nhiệm đối với
công trình xây cất tòa nhà.
Sắc
thái đặc biệt của quyết định này là cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng được ban
cho mọi quyền hành liên quan đến những lãnh vực sau đây:
= cung cấp mọi vật liệu cần thiết cho công trình xây cất và thiết kế (điều 2)
= cứu xét và chuẩn y mọi phí tổn của các dịch vụ mua sắm và thiết kế (điều 3)
= phê chuẩn các báo cáo biên lai vật liệu và công việc xây cất (điều 4)
= cứu xét các hồ sơ trả tiền, ký trả ngân phiếu để trả tiền các nhà thầu (điều 5)
Thật rất khó hiểu một sự tập trung quyền hành như vậy, và điều này đi ngược lại với các điều lệ của Hiệp Hội.
Thứ bảy:
Thể
theo các điều lệ nội bộ, các chi tiêu lớn phải được phê chuẩn bởi Hội
Đồng Quản Trị, là cơ quan ký trả ngân phiếu có mang chữ ký của Phát Ngân
Viên, Tổng Thư Ký, và Chủ Tịch của Hội Đồng Quản Trị, cựu Bộ Trưởng
Quốc Phòng không được là một trong họ.
Mặt khác, quỹ của Hiệp Hội không được xung vào trương mục cá nhân được phép cất giữ và rút ra bất cứ lúc nào.
Một hành vi như vậy ắt là phải đáng nghi ngờ, ngay cả nếu Tướng Vỹ ngay thật và có ý tốt.
Liên
quan đến tiếp liệu và trang bị, ngoài sự đóng góp của Nha Công Binh như
đã đề cập ở phần trên, Ủy Ban Tiếp Liệu đề xuất cả thảy trên 60 hợp
đồng và phiếu mua hàng.
Chúng tôi đã chỉ cứu xét hai trong số hợp đồng này và khám phá nhiều số tiền đã bị thất thoát và biển thủ một cách trắng trợn.
Những
tài liệu và bản thảo cần thiết đã được thu góp để được đưa vào hồ sơ
điều tra nhưng vì thời giờ giới hạn, chúng tôi không thể duyệt qua từng
văn kiện một.
A. Mua sắm và thiết kế bốn thang máy.
Trước hết, tôi muốn đề cập tới việc mua sắm và thiết kế bốn thang máy cho tòa nhà.
Một nữ thương gia đã hiến giá thành công, và đấu giá như sau:
= mua sắm bốn thang máy: 56.000.000 đồng
= thiết kế: 23.000.000 đồng
= hay tổng cộng là: 79.000.000 đồng
Hợp đồng được ký kết trong tháng giêng năm 1970.
Sau đây là các điểm sái nguyên tắc và mất mát:
Điểm 1:
Những
điểm quy định của một loại rất đặc biệt đã được các viên chức hữu trách
bày vẽ với dụng ý cho nhà thầu nhiều đặc quyền. Chúng cho phép nhà thầu
ra giá cho hợp đồng của công trình mà không phải cung cấp một bản khai
chi tiết phí tổn của mua sắm và thiết kế bốn thang máy. Do đó, nhà thầu
có thể hiến bất cứ giá nào và giá đó có thể được viên chức hữu trách dễ
dàng chấp thuận. Các điểm quy định cũng ứng trước cho nhà thầu 40 phần
trăm khi nhận được phép nhập cảng bốn thang máy.
Điểm 2:
Điều
quan trọng hơn là không có lấy tiêu chuẩn và chi tiết thiết kế bốn
thang máy không được minh định, và nhà thầu cũng không bị buộc phải thảo
ra một kế hoạch về thiết kế khi đấu thầu hợp đồng.
Vì
những lý do đó, số tiền 23 triệu đồng được hiến giá cho hợp đồng thiết
kế bốn thang máy. Và hậu quả của điều này, sẽ dựa vào những yếu tố kỹ
thuật nào để làm nền tảng cho sự phê chuẩn sau khi hợp đồng đã được ký
kết?
Có thể là trong quá trình đấu thầu ở Việt Nam, chưa khi nào có những điểm qui định lạ lùng vậy.
Điểm 3:
Có
nguồn tin cho biết là cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng đã can thiệp với Bộ Kinh
Tế để nhập cảng bốn thang máy Hitachi từ Nhật với hối xuất song hành là
275 đồng cho một mỹ kim. Bộ Kinh Tế bác bỏ đề nghị của Bộ Trưởng Quốc
Phòng và khuyến cáo Bộ Quốc Phòng yêu cầu công ty ENGINECO nộp đơn xin
nhập cảng thang máy Otis từ Hoa Kỳ với một hối xuất thấp hơn, 118 đồng
cho một mỹ kim, như vậy lợi cho Hiệp Hội hơn nhiều.
Thang máy Otis tốt hơn Hitachi được ghi nhận trong một bản tường trình kỹ thuật sau đây:
= Thang máy Otis rẻ tiền hơn vì hối xuất thấp hơn: đồng thời cũng được ghi nhận là tốt hơn thang máy Hitachi.
=
Bảo trì dễ dàng và tốt hơn khi dùng thang máy Otis vì loại này thông
dụng trong khi đó thang máy Hitachi được nhập cảng lần đầu tiên vào Việt
Nam.
Nhưng
không màng tới các lợi điểm nếu xử dụng thang máy Otis, cựu Bộ Trưởng
Quốc Phòng can thiệp lần nữa với Bộ Kinh Tế để cấp giấy phép nhập cảng
cho một nữ thương gia, cho phép y thị sau này nhập cảng bốn thang máy
Hitachi và miễn cho y thị khỏi đặt tiền cọc cho dịch vụ nhập cảng này.
Rốt cuộc, Bộ Kinh Tế đã chiều theo lời yêu cầu của Bộ Trưởng Quốc Phòng.
Nhưng có một điều kỳ lạ trong vấn đề này, vì tên của một hãng nhập cảng được ghi vào hai giấy phép nhập cảng cho bốn thang máy.
Công ty này nhập cảng thang máy và rồi bán cho nữ thương gia đã trúng thầu.
Hậu
quả của sự kiện này là QTKQĐ phung phí khoảng 18.000.000 đồng. Kết quả
này là do bởi sự sai biệt giữa hai hối xuất và cộng thêm tiền huê hồng
trả cho hãng nhập cảng kia.
Phải kết luận là sự phung phí của một số tiền to lớn như vậy không ngoài mục đích khác là ra tay giúp đỡ cho kẻ trúng thầu.
QTKQĐ phát sinh từ mồ hôi của quân sĩ. Vì vậy không thể hiểu được người khác có thể đang tâm phung phí tiền dành dụm của họ.
Điểm 4:
Nếu
Bộ Quốc Phòng tự đứng ra nộp đơn xin giấy phép nhập cảng, hoặc yêu cầu
Cơ Quan Tiếp Vận Trung Ương nhập cảng bốn thang máy thì có thể "tiết
kiệm" một món tiền lớn cho các quân nhân.
Cơ
Quan Tiếp Vận Trung Ương là một cơ quan chính phủ. Không có lý do coi
cơ quan này kém xứng đáng hơn hay ít đáng tin cậy hơn là một nhà thầu.
Thật là khó hiểu khiếm khuyết này.
Điểm 5:
Kết
quả tối chung của vụ này là bán bốn thang máy cho chủ nhân của tòa nhà
với, theo sự điều tra các hồ sơ, một món lời ít nhất là 17.000.000 đồng
cho nữ thương gia. Món tiền này không bao gồm tiền huê hồng trả cho hãng
nhập cảng các thang máy.
Tuy
y thị không phải đặt một xu cắc tiền đặt cọc cho việc nhập cảng thang
máy, và đồng thời y thị cũng không phải là nhà nhập cảng trực tiếp, nữ
thương gia được ứng trước số tiền 23.000.000 đồng tám tháng trước khi
giao các thang máy. Tuy y thị chỉ là một người trung gian, vậy mà y thị
ăn ngon lành 17.000.000 đồng tiền lời. Không thể chấp nhận được điều
này.
Đó là hậu quả của một hợp đồng không có điều khoản chi tiết.
Điểm 6:
Liên
quan tới chi phí thiết kế bốn thang máy, Ủy Ban Điều Tra vẫn còn chưa
có thể ấn định số tiền mất mát, vì hai lý do sau đây:
= Không có lấy một dự án thiết kế với những chi tiết kỹ thuật khiến không tài nào biết được số tiền lãng phí.
= Chỉ với sự giúp đỡ của các chuyên viên mới cứu xét được các chi tiết kỹ thuật.
Dù
sao đi nữa, sự kiện đã thiết lập được là hiến giá quá cao so với giá
thị trường vào thời buổi đó; hơn nữa, khi lạm tiêu quỹ quá rõ ràng ở
phần tạo mãi thì những hành vi sái nguyên tắc tương tự không thể tránh
khỏi ở phần chi tiêu cho giai đoạn thiết kế.
Những
ai chia phần trong món tiền kếc xù đó? Công cuộc điều tra chưa xác định
được điều này; nhưng cho dù có đạt được kết quả, thì vẫn chưa tiện
tuyên bố ra lúc này.
B. Cung cấp và thiết kế mười ba máy lạnh cho tòa nhà
Người trúng thầu hợp đồng này cũng là một nữ thương gia. Số tiền đấu giá là 106.000.000 đồng, các chi tết như sau:
= 50.000.000 đồng để cung cấp 13 máy lạnh;
= 56.000.000 đồng để thiết kế.
Điểm 1:
Liên
quan đến quy định, cũng như trong vụ cung cấp và thiết bốn thang máy,
nhà thầu được ứng trước 40 phần trăm tổng số tiền của hợp đồng sau khi
được cấp phát một giấy phép nhập cảng. Không có một dự án thiết kế và
cũng chẳng có bản chi tiết phí tổn vì tất cả được tính cách bổ đồng.
Điểm 2:
Cuộc
điều tra phát hiện QTKQĐ phải thiệt thòi mất mát khoảng 19 triệu đồng
trong vụ hợp đồng cung cấp 13 máy lạnh. Sự mất mát được xác định bởi các
tài liệu và văn kiện tìm thấy trong khi điều tra. Con số kếc xù 19
triệu đồng được coi như là đã bị "lạm tiêu" hay "mất mát" do bởi bất
tín.
Điểm 3:
Liên
quan đến thiết kế 13 máy lạnh và bốn thang máy, Ủy Ban Điều Tra vẫn
chưa có thể xác định con số chắc chắn của sự mất mát. Tuy nhiên, dấu chỉ
bất thường có thể ghi nhận được ngay lập tức chỉ bằng cách ngó sơ qua
các mất mát ghi nhận trong việc cung cấp và số tiền tổng cộng to lớn như
vậy cho hợp đồng.
Khó
có thể chấp nhận phí tổn 56 triệu đồng tiêu pha trong việc thiết kế của
13 máy lạnh với giá cả năm 1970, đặc biệt khi không có dự án thiết kế
khả dĩ dùng như một tiêu chuẩn làm nền tảng cho sự theo dõi công việc.
IV. Các điểm sái phép ghi nhận trong vụ VICCO
Bây
giờ, chúng ta đề cập tới VICCO, Công Ty Xây Cất Kỹ Nghệ Việt Nam. Theo
điều tra của chúng tôi, công ty này có thể phải sạt nghiệp nếu phân bộ
phụ trách hợp thức hóa các trương mục QTKQĐ không can thiệp để chấn
chỉnh tình hình. Sau đây là một trường hợp điển hình về mất mát và trái
nguyên tắc đã xảy ra trong việc quản trị VICCO. Vì thời gian hạn hẹp,
chúng tôi không thể trình bày hết mọi vấn đề liên quan đến Công Ty;
chúng tôi sẽ chỉ nêu lên một số trường hợp chính ở đây mà thôi.
Trường hợp 1: Mua sắm một kiện hàng tích trữ cánh cửa nhôm tuy biết là hàng ăn cắp và vi phạm luật lệ nhà đoan.
Sau
đầy là kết quả của điều tra liên quan đến VICCO trong việc mua sắm
2.069 cánh cửa nhôm với giá 17.240.500 đồng, mà bây giờ được coi như một
mất mát QTKQĐ phải hứng chịu.
Điểm 1: Xuất xứ của kiện hàng tích trữ cánh cửa.
Công
cuộc điều tra phát hiện là 2.069 cánh cửa bằng nhôm đã bị đánh cắp từ
Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tại Nha Trang. Một binh sĩ nhất và một địa
phương quân, cả hai người Việt gốc Hoa, thú nhận là họ đã mua kiện hàng
tích trữ cánh cửa với giá 6.700.000 đồng, kể cả chi phí chuyên chở. Các
cánh cửa được chuyển vận bằng tàu tới Sài Gòn và, theo lời khai của một
người tên Trịnh Trương Bình, chúng được bán cho y với giá 14.950.000
đồng. Những con số này được khai báo bởi các đương sự, nhưng trên thực
tế một kiện hàng tích trữ đồ ăn cắp và vi phạm luật nhà đoan không thể
mua và bán với những giá đó. Mặt hàng cánh cửa này không có tài liệu hợp
pháp.
Điểm 2: Mối giây liên hệ giữa ông Trịnh Trương Bình và cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Tướng Nguyên Văn Vỹ.
Ông Bình là em rể của Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ. Bà Bình, tên riêng Nguyễn Thị Chuyên, là em gái của Trung Tướng Vỹ,
Điểm 3: Cách nào VICCO đã xuất trên 17 triệu để mua sắm kiện hàng tích trữ cánh cửa bất hợp pháp.
Theo
viên phụ tá của Tổng Giám Đốc Công Ty, việc mua sắm kiện hàng tích trữ
cánh cửa là một hành vi không hợp lý, như sẽ thấy sau đây:
=
Mục đích mua sắm không phải để đáp ứng nhu cầu thật sự của Công Ty;
kiện hàng tích trữ cánh cửa được mua vào tháng 5 năm 1971, và từ giờ
phút đó được cất giữ trong kho, không xài tới.
= Vì lý do này, kiện hàng tích trữ bị hư hại.
=
Thủ tục đấu thầu thông thường không được tuân theo. Giá cả lên tới
17.240.500 đồng đã được ấn định trước và chấp thuận mau chóng, không một
lời giải thích.
=
Không ai tìm hiểu gốc gác của kiện hàng tích trữ cánh cửa, hay đòi hỏi
giấy tờ liên quan đến mặt hàng trước khi quyết định mua hàng.
= Công Ty chấp nhận biên lai do Trịnh Trương Bình đưa, mặc dầu biên lai không chỉnh và không có giá trị thương mại.
Kiện hàng tích trữ cánh cửa được ông Bình bán cho Công Ty với giá 17.240.500 đồng .
Viên
phụ tá Tổng Giám Đống VICCO quả quyết trước Ủy Ban Điều Tra là theo văn
kiện và theo hiểu biết của y, chính cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung
Tướng Nguyễn Văn Vỹ là người ra lệnh cho Trung Tướng (hồi hưu) Lê Văn
Kim, Tổng Giám Đốc của công ty mua xắm kiện hàng tích trữ cánh cửa ăn
cắp này với giá nói trên.
Điểm 4: Tiền lời từ mua sắm và bán kiện hàng tích trữ cánh cửa bằng nhôm.
Theo lời khai của các đương sự và các con số nêu trên:
=
Hai quân nhân Việt nêu trên đã lời 8.250.000 đồng, và hiển nhiên là họ
không thể giữ riêng cho họ món tiền lời to lớn như vậy.
=
Còn phần ông Bình, ông nhìn nhận là đã lời 2.290.000 đồng, nhưng trên
thực tế món lời này có thể to lớn hơn. Món lời của ông Bình cũng là món
lời của Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ vì mối giây liên hệ họ hàng nêu trên.
Điểm 5:
Mất mát nặng nề VICCO phải hứng chịu cũng là mất mát của QTKQĐ kể cả
180 triệu đồng chi phí cho việc thành lập VICCO ngày 11/3/1971. Theo một
bản báo cáo của công ty ngày 22/3/1972, chỉ có 336.308 đồng trong số
tiền 180 triệu vốn tiên khởi còn lại trong trương mục hiện thời. Phần
lớn những gì còn lại của vốn công ty gồm những hàng hóa cất giữ trong
các nhà kho, trong số đó là kiện hàng tích trữ cánh cửa ăn cắp.
Tình trạng tại QTKQĐ có thể coi là thật sự yếm thế.
Hậu
quả của tình trạng này, ai là nạn nhân của sự mất mát, nếu không phải
là nhân sự của quân đội chủ lực và lực lượng địa phương quân là những cổ
đông viên của 180.000.000 đồng vốn của VICCO?
B. Trường hợp 2: Mua 650 tấn thép của Công Ty Hưng Nam.
Sau đây là trường hợp điển hình lạm tiêu quỹ vi phạm vởi Công Ty VICCO do Trung Tướng Lê Văn Kim quản lý:
Ngày
13/5/1971, ông Kim ký hợp đồng với Công Ty Hưng Nam để mua 650 tấn
thép. Kết quả là mất mát cho VICCO, và nói cách khác, mất mát cho QTKQĐ.
Điểm 1:Nhu cầu thép của VICCO.
Theo lời một đại tá, một phụ tá Tổng Giám Đốc VICCO, Công Ty dùng khoảng 10 tấn thép mỗi tháng.
Trước
khi hợp đồng 650 tấn thép được ký kết với Công Ty Hưng Nam, VICCO vẫn
còn trong kho 300 tấn thép đủ để trang trải nhu cầu của công ty cho ít
nhất là ba năm. Vì lẽ đó, một tiếp liệu mới với 650 tấn thép có thể đáp
ứng nhu cầu của Công Ty từ sáu đến chín năm. Vì vậy, hiển nhiên là tiếp
liệu mới này thật là vô lý. Đó là lời khai của viên phụ tá Tổng Giám Đốc
VICCO.
Điểm 2: VICCO khô cạn ngân khoản hoạt động, vì tích trữ thái quá.
Tích
trữ thái quá, kể cả tích trữ các cánh cửa nhôm, khiến Công Ty lâm vào
một món nợ 50 triệu đồng, mà Công Ty phải vay Ngân Hàng để tiếp tục hoạt
động.
Vì vậy, Công Ty mất số tiền này và còn phải trả thêm tiền lời cho Ngân Hàng.
Điểm 3: Lãi xuất quá cao.
Nếu
VICCO tiếp xúc trực tiếp với Công Ty LUCIA để tiếp nhận hàng 650 tấn
thép, thì đã không phải trả trên ba triệu đồng tiền huê hồng cho Công Ty
Hưng Nam.
Viên phụ tá Tổng Giám Đốc VICCO xác nhận sự mất mát này.
Điểm 4: Giá của thép kiến trúc khoảng mười đồng một ký cao hơn là giá thị trưng.
Công
Ty Hưng Nam, ngoài một số tiền huê hồng trên 3.000.000 đồng, còn có dịp
hưởng một món tiền lớn nhờ bán giá cao cho Công Ty.
Dựa vào số lượng thép bán, Công Ty Hưng Nam đã lời thêm 6.000.000 đồng.
Tóm lược, khoảng 9.000.000 đồng; số tiền này bị mất vì sự sắp đặt giữa Tổng Giám Đốc Công Ty và chính ông Giám Đốc.
Điểm 5: Mối liên hệ gia đình giữa hai chủ thể ký hợp đồng mua bán thép kiến trúc.
Giám Đốc của Công Ty Hưng Nam là bà Lê Thị Thương, em gái của Trung Tướng hồi hưu Lê Văn Kim, Tổng Giám Đốc VICCO.
Văn phòng chính và số điện thoại của Công Ty Hưng Nam là nhà tư và số điện thoại riêng của ông Lê Văn Kim.
Vì lẽ đó, người mua và bán hàng cùng là một người.
Với
một kiểu sắp xếp như vậy, còn đâu mà dư vốn thuộc về các quân nhân? Làm
sao mà QTKQĐ có thể bảo đảm một mức lời cao hơn là lãi xuất thu hoạch
được khi ký thác vào một ngân hàng?
Xin nhường lại câu trả lời cho những người đã có sáng kiến đầu tư món tiền vào thương vụ này.
C. Trường hợp 3: VICCO dùng các cơ sở quân đội để đánh bại dân sự khi đấu thầu.
Điều
tra phát hiện là soạn thảo một hợp đồng thiết kế sáu đầu máy Diesel tại
Biên Hòa, Công Ty VICCO đã dùng nhiều cơ sở thuộc về Công Binh QLVNCH.
Lạm dụng này khai mở nhiều tiêu pha cho ngân sách Bộ Quốc Phòng. Nhưng, có điều chắc chắn là không sinh lợi gì cho QTKQĐ gì cả.
Lẽ
đương nhiên, tân Bộ Trưởng Quốc Phòng phải đình chỉ thương vụ này, vì
trái nghịch các điều lệ và thâm thủng ngân sách quốc gia.
V. Mất mát trong việc mua 35.000 cổ phần trong Công Ty COGIVINA
Chúng
tôi xin mạn phép nêu lên một mất mát quan trọng khác, kết quả do bởi
QTKQĐ mua 35.000 cổ phần của Công Ty Giấy Việt Nam (COGIVINA) vào cuối
năm 1969, với giá 142.561.540 đồng.
Thương vụ này phát triển như sau:
Ngày
26/12/1969, tu chính của nội quy QTKQĐ cho phép QTKQĐ mua cổ phần công
ty, vừa được chuẩn y. Chỉ ba ngày sau, QTKQĐ đã tiêu 142.561.540 đồng
mua 35.000 cổ phần của chứng khoán COGIVINA do một công ty Mỹ là chủ
nhân.
Vụ này cho chúng ta thấy sự quá hấp tấp và thiếu chuẩn bị.
Mặc
dù công việc được thực hiện cách khéo léo trong mọi thủ tục, khi chúng
ta xét đến nguyên tắc để bảo vệ quỹ "tiết kiệm" của QTKQĐ chúng ta không
thể coi đây là một hành động đầy đủ quan tâm đòi hỏi nơi những người có
trách nhiệm quản trị tài sản của các quân nhân.
Điểm 1: Chấp thuận mua với một số tiền gần ba lần hơn giá thị trường.
Giá
mỗi cổ phần lúc đó chỉ có 1.400 đồng. Nhưng tân Bộ Trưởng Quốc Phòng
chấp thuận mua 35.000 cổ phần trong COGIVINA với giá 4,000 đồng một cổ
phần.
Nếu
muốn diễn dịch cho vấn đề này, phải dựa vào các nguyên tắc của những
người đã hi sinh biết bao nhiêu để dành dụm số tiền này; chứ không thể
dựa vào lập trường của chính phủ hay của Bộ Kinh Tế.
Hành động trên khiến cho Công Ty mất 91 triệu đồng vì sự sai biệt giữa hai giá cả.
Cần
bao nhiêu quân nhân dành dụm trong bao nhiêu năm tháng để tiết kiệm 91
triệu đồng này? Chúng ta phải đặt câu hỏi này trước khi quyết định và
chấp thuận một cuộc phiêu lưu thương mại như vậy.
Điểm 2: Trả thêm tiền huê hồng cho những người bán chứng khoán.
Sau
khi chấp thuận trả thêm 91 triệu đồng, họ còn đồng ý trả thêm 1.561.540
đồng cho những người bán chứng khoán để trang trải cho phí tổn chuyên
chở và bưu phí.
Trước
lối hành động như vậy, bất luận có giải thích hay phân trần thế nào đi
nữa, thật khó biểu tỏ ý tưởng thật sự muốn bảo vệ quyền lợi của những
người thật sự là sở hữu chủ của món tiền.
Điểm 3: Vào lúc này, làm sao có thể còn đủ vốn?
Trên lý thuyết, giá trị của chứng khoán đã tăng tới 4.000 đồng một cổ phần.
Nhưng
đó chỉ là một món tiền trên lý thuyết. Và Ủy Ban Thanh Toán vừa mới
được khai sinh có bảo đảm nào để sẽ có thể bán lại một số cổ phần với
món tiền mà Công Ty đã tiêu khoảng gần ba năm nay (142,561,540 đồng)? Ai
sẽ mua chúng?
Điểm 4: Thấu hiểu giá trị hiện tại thật sự của mỗi cổ phần chứng khoán.
Theo cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng, QTKQĐ lời to khi mua cổ phần trong COGIVINA, nhờ giá trị của mỗi cổ phần tăng tới 4.000 đồng.
Để
kiểm chứng số cổ đông viên có cổ phần trị giá 4.000 đồng của COGIVINA,
Ủy Ban Điều Tra nhìn vào danh sách cổ đông viên của công ty ngày
26/4/1972.
Điều tra phát hiện là ngày 26/4/1972, có cả thảy 63 cổ đông viên trong danh sách tại QTKQĐ.
Điều này có nghĩa là vào ngày nói trên, không có ai mua thêm cổ phần 4.000 đồng.
Vì lẽ đó, việc mua cổ phần chứng khoán 4.000 đồng vẫn ở trong giai đoạn lý thuyết.
Điểm 5: Đại Tá Đỗ Tùng ghi danh mua cổ phần bất hợp pháp.
Đại
Tá Đỗ Tùng cũng được bổ nhiệm vào ban quản trị của COGIVINA. Sự bổ
nhiệm này không hợp lệ vì ông không phải là một thành viên của ban quản
trị của QTKQĐ. Theo thông lệ, một thành viên của ban quản trị của một
Công Ty phải xuất phát từ chính Công Ty.
Giờ đây, chúng tôi đề cập đến vấn đề lạm dụng quỹ tiết kiệm quân đội trong hai lãnh vực:
= Biệt phái nhân sự quân đội cho Kỹ Thương Ngân Hàng và cho sáu công ty thương mại do quân đội quản trị.
= Lạm dụng đại quy mô vốn của Kỹ Thương Ngân Hàng.
VI. Biệt Phái Đặc Biệt Nhân Sự Quân Đội.
Việc
biệt phái đặc biệt một số lớn nhân sự quân đội cho Kỹ Thương Ngân Hàng
và sáu công ty thương mại do quân đội quản lý (COGIVINA, SICOVINA,
VICCO, VINAVATCO, ICICO, và FOPROCO) kéo theo nhiều lạm dụng quỹ trong
nhiều lãnh vực. Nó tạo nên nhiều bất công, và phát sinh nhiều lạm tiêu
quỹ và mất mát cho QTKQĐ.
Điểm 1: Quân nhân biệt phái.
Tổng số quân nhân biệt phái tại bảy công ty là 385 ngưi tính đến ngày 28/4/1972, chia ra như sau:
= Kỹ Thương Ngân Hàng: 164 quân nhân (94 sĩ quan, 17 hạ sĩ quan, và 50 binh nhì).
= Công Ty Xây Cất Kỹ Nghệ: 77 quân nhân (41 sĩ quan, 16 hạ sĩ quan, và 20 binh nhì).
= Công Ty Vận Tải Việt Nam: 85 quân nhân (25 sĩ quan, 36 hạ sĩ quan, và 24 binh nhì).
= Công Ty Bảo Hiểm Kỹ Nghệ và Thương Mại: 12 quân nhân (4 sĩ quan, 3 hạ sĩ quan, và 2 binh nhì).
= Công Ty Sản Xuất Thực Phẩm: 15 quân nhân (7 sĩ quan, 6 hạ sĩ quan, và 2 binh nhì).
= COGIVINA: 12 quân nhân (10 sĩ quan và 6 hạ sĩ quan).
= SICOVINA: 23 quân nhân (17 sĩ quan và 6 hạ sĩ quan).
Điểm 2: Có một số tình trạng không hợp lệ.
Cuộc điều tra phát hiện các lạm dụng sau đây:
=
Có những trường hợp quân nhân biệt phái lãnh lương từ công ty, nhưng
không bao giờ hiện diện tại đó; ngay cả quân sĩ thuộc lực lượng địa
phương quân cũng được biệt phái, và điều này đi ngược điều lệ của Quân
Lực.
= Một số lớn trong họ không có khả năng tương xứng với địa vị họ hay dịch vụ đặc biệt của các công ty đó.
Cách chung, có nhiều lạm dụng và công việc tay dưới.
Để
có thể nắm chắc mức độ của các lạm dụng này, cần kiểm các hồ sơ của mỗi
cá nhân biệt phái; một công việc mà Ủy Ban Thanh Toán vẫn chưa làm
được.
Điểm 3: Lương lậu và tiền cấp dưỡng đủ loại đều quá cao đối với thủ lao quân sự.
Phần đông nhận lãnh tiền lương và tiền cấp dưỡng rất cao đặc biệt là tại Kỹ Thương Ngân Hàng.
Cộng thêm vào lương căn bản tương đương với lương lính, họ còn hưởng mọi thứ cấp dưỡng, kể cả lương tháng 13 và 14.
Chẳng
hạn, tại Kỹ Thương Ngân Hàng, lương thấp nhất là 15.000 đồng (cho một
nhân viên độc thân) và cao nhất là 75.500 đồng (cho đại úy hành sử chức
vụ Giám Đốc). Tại các công ty còn lại, mức độ thù lao, kể cả tiền lương
và tiền cấp dưỡng, đều tương tự.
Ngoài ra, có thêm lương tháng 13, và ngay cả lương tháng 14, như trong trường hợp của Kỹ Thương Ngân Hàng.
Điểm 4: Một phần của tiền lương được tài trợ bởi ngân sách quốc phòng, vậy mà tới nay số tiền đó chưa được hoàn lại.
Sự trả lương tại các công ty được thực hiện qua hai giai đoạn:
= trong giai đoạn thứ nhất, khi chưa kiếm được lời, tiền lương do Bộ Quốc Phòng trả; tiền cấp dưỡng do các công ty trả.
= trong giai đoạn thứ hai, khi kiếm được một ít lời, tiền lương do các công ty trả.
Hiện giờ, các công ty còn nợ Bộ Quốc Phòng một món tiền khá lớn.
Điểm 5: Vì quá nhiều ân huệ, các thành viên của Hiệp Hội mất một số tiền lời đáng kể.
Cách chung, tổng số các sai biệt và cấp dưỡng đủ loại coi là ân huệ cho các quân nhân biệt phái lên tới trên 60 triệu đồng.
Món
tiền này là tiền lời thu hoạch được, và đáng lẽ phải dành cho các quân
nhân là những người đã vào sinh ra tử ngoài chiến trường thay vì cấp
dưỡng một đời sống phè phỡn thanh bình cho những người tại các công ty.
Bây
giờ chúng tôi muốn bước sang vấn đề mất mát và lạm dụng quyền hành mà
công cuộc điều tra phát hiện trong Kỹ Thương Ngân Hàng.
VII. Các Viên Chức Tham Nhũng Đã Lạm Dụng Quyền Hành Ra Sao Trong Khi Quản Trị Kỹ Thương Ngân Hàng (KTNH)
Việc thành lập của KTNH hợp pháp.
Qua
các con số tiền ký thác và vay mượn bởi Ngân Hàng, chúng ta có thể thấy
sinh hoạt bận rộn của Ngân Hàng nếu chúng ta xét duy khía cạnh thương
mại. Nếu chúng ta xét khía cạnh đem lại lời lãi thích hợp và đầy đủ cho
các quân nhân là những người đã đóng góp cho vốn tiên khởi của Ngân
Hàng, và nếu chúng ta thực hiện một cuộc điều tra lề lối quản trị của
Ngân Hàng, chúng ta sẽ dễ dàng chứng kiến những mưu mẹo lươn lẹo và tinh
xảo của một tập đoàn viên chức quyền thế đã dùng số vốn của người khác
cho lợi riêng tư.
A. Vốn và phần lời
QTKQĐ trả 249.300.000 đồng (99.72 phần trăm của vốn) khi Kỹ Thương Ngân Hàng được thành lập vào tháng 3 năm 1970.
Nói
theo pháp lý, QTKQĐ là một tổ chức tư nhân. Chiếu theo Điều 1 của Sắc
Luật số 10 ngày 6/8/1950, mọi hoạt động nhắm chia phần lời của tổ chức
bị cấm đoán.
Vì
lẽ này, dùng vốn của QTKQĐ để thành lập một Ngân Hàng trá hình bất luận
dưới danh xưng nào, là một lạm dụng quyền hành trắng trợn bất kể những
cá nhân điều hành Ngân Hàng là ai. Nếu các giám đốc Ngân Hàng thành công
kiếm được lời đầy đủ cho những người đóng góp thì là điều tốt rồi.
Nhưng trái lại, chúng ta có thể nói là quân nhân chỉ lãnh được một đồng
tiền lời trong khi bọn thủ lợi lãnh 10 đồng!
Bây
giờ, chúng tôi nói đến phần lời. Sau đây là Bản Tường Trình số
004-QP/TCTT/NCKH ngày 28/4/1972 (bản tường trình sau chót) do Thiếu Tá
Phạm Văn Chánh, Trưởng Ban 6 của Bộ Quốc Phòng về vấn đề phần lời cổ
phần.
Phần Lời
"Từ
khi QTKQĐ bỏ vốn vào các công ty, Quỹ chỉ thu nhận 14.958.000 đồng phần
lời cổ phần cho tài khóa 1970 từ KTNH. Quỹ cũng được biết là sắp sửa
nhận lãnh được phần lời cho tài khóa 1971."
Từ
số tiền vốn 1.232.753.051 đồng đầu tư, KTNH chỉ tạo được phần lời nhỏ
nhoi. Tiền vốn bỏ riêng ra để thành lập Ngân Hàng này, lên tới khoảng
250 triệu đồng, chỉ đem về 15 triệu đồng cho các quân nhân. Điều này
chắc chắn là không đáp ứng mong chờ của các người đóng góp.
B. Phí tổn nhân viên và điều hành
Lạm dụng về nhân lực và tài chánh tại KTNH là một trong những đề tài đáng được đặc biệt chú tâm vào.
Bản tường trình năm 1971 của Kỹ Thương Ngân Hàng tiết lộ các con số sau đây:
= Chi phí cho nhân viên 38.119.000 đồng
= Chi phí cho các giao dịch đối ngoại 19.431.000 đồng
= Chi phí chung
(mua xắm, dụng cụ, vv,) 25.744.000 đồng
Tổng cộng 83.285.000 đồng
Như
nêu trên, nhiều hành vi và lạm dụng bất công đã xảy ra liên quan đến
tình trạng của các quân nhân biệt phái. Những quân nhân đóng góp đã hứng
chịu một mất mát to lớn vì những lạm dụng này: Một bên đã "đầu tư" tất
cả số tiền dành dụm và bên kia chỉ việc hưởng thụ và lãng phí kết quả
của "đầu tư".
Để
lấy một ví dụ, theo bản tường trình của KTNH, lệ phí trả cho Ủy Ban
Quản Trị (các Giám Đốc) lên tới 16.149.398 đồng cho năm 1971. Số tiền
này còn trội hơn phần lời năm 1970 trả cho QTKQĐ (14.958.000 đồng).
Tiền
vốn của các quân nhân hoàn toàn khác biệt các ký thác ngân hàng bình
thường, và Ủy Ban Quản Trị đáng lẽ không nên đặt chung trên một bàn tọa,
nếu Ủy Ban có tí trí khôn bình thường hay thật sự quan tâm tới các quân
nhân.
Câu
hỏi là phải bao lâu để hàng ngàn quân nhân "dành dụm" 249.300.000 đồng
tiêu xài trong những thương vụ cuối cùng do bởi quyết định của một nhóm
nhỏ lãnh hưởng lời to lớn.
Nếu
Ủy Ban Quản Trị và Ban Giám Đốc của KTNH biết tiết kiệm (giống như các
người đóng góp vào quỹ), phần lời cổ phần Quỹ thu hoạch được phải là
nhiều hơn.
Điều này tạo nên một thâm thủng trầm trọng cho ngân sách Quỹ.
C. Ký thác và vay mượn
Theo bản tường trình, đến ngày 15/3/1972, tình trạng của ký thác và vay mượn tại KTNH như sau:
= Ký thác: 6.885 tỷ đồng.
= Vay mượn: 4.548 tỷ đồng.
Thoạt
trông, con số ký thác cho có cảm tưởng Ngân Hàng đã thu hoạch một số
lớn khách hàng, tuy nhiên nếu số tiền ký thác bởi QTKQĐ, Công Ty Dịch Vụ
Quân Đội và Hành Chánh số 6, và Tiếp Vụ QLVNCH được trừ khỏi con số
này, tỷ lệ còn lại của ký thác trên cá nhân sẽ chỉ là 3/5.
Vì thế, tổng số tiền các cá nhân ký thác là: 3.964 tỷ đồng;
và tổng số tiền các cơ quan quân đội ký thác là: 2.921 tỷ đồng.
Liên quan đến vay mượn, tổng số tiền vay mượn không bảo chứng được báo cáo ngày 15/3/1972 là 1.375 tỷ đồng.
Tuy
tiền vay mượn ngân hàng có thể mất mát là đúng, hành động tùy thuộc vào
quyết định của ban giám đốc và liên quan đến quyền lực của họ, và tuy
không bị cấm đoán bởi luật lệ, nội quy, và điều lệ của một ngân hàng,
phải tránh lẫn lộn giữa hai loại thương mại sau đây:
=
Trong trường hợp chung, áp dụng cho tất cả các ngân hàng, một nhóm
thương gia đóng góp vào quỹ để thành lập một ngân hàng. Vốn là của họ;
họ là những người soạn thảo nội quy, bầu ủy ban quản trị và ban giám
đốc. Chính họ quyết định cho vay và chấp nhận mất mát, thừa hưởng lợi
tức và hứng chịu thua lỗ;
=
Nhưng trường hợp này khác hẳn. Vốn không thuộc về Ủy Ban Quản Trị hay
Ban Giám Đốc. Thay vào đó, 99.72 phần trăm vốn là do sự đóng góp của các
quân nhân. Xét qua quan điểm của quyền lợi, lãi xuất, trách nhiệm, và
có thể thua lỗ, hai trường hợp không thể cho là ngang nhau.
Đây là ngân hàng của các quân nhân.
Trong
trường hợp có lời, các quân nhân chỉ hưởng được một phần nhỏ của tiền
lời đó, ngay cả ít hơn là tiền lời từ 250 triệu đồng ký thác hàng năm.
Số tiền còn lại gồm chi phí cho nhân viên, tốn phí chung, thù lao cho các quản lý, vv., và đó mới là phần lời to lớn!
Nếu
có một tiền huê hồng cho món tiền vay mượn (ai cũng biết là có mối lời
này), Ban Quản Trị, những người trung gian, vv., hưởng lãnh tất cả trong
khi quân nhân không nhận lãnh một đồng xu.
Nếu
số tiền vay mượn không được hoàn trả vì một lý do hay biến cố nào đó,
không ai phải chịu đau khổ ngoài quân nhân là người mất cả vốn lẫn lời.
Nói
tóm lại, hai trường hợp hoàn toàn khác biệt nhau vì những lý do nêu
trên. Ai cũng biết là trong thị trường thương mại hiện nay, bất cứ một
vay mượn không bảo chứng nào đều đưa tới một món tiền huê hồng:
= Một món tiền huê hồng cho người đứng ra bảo đảm;
= Một món tiền huê hồng cho Ban Quản Trị hay người giới thiệu;
= Điều kiện càng dễ dàng và số tiền càng to lớn bao nhiêu thì tiền huê hồng càng lớn bấy nhiêu.
Trong
món tiền huê hồng không chính thức lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi
năm, quân nhân chủ của số vốn, nhận lãnh được bao nhiêu sau hai năm
thành lập KTNH?
Mã
Hí, Giám Đốc Phân Bộ Huê Hồng tại KTNH, xác định là ông đã giới thiệu
hay đứng ra bảo đảm cho thương vụ vay mượn lên đến 1.2 tỷ đồng. Với
cương vị Giám Đốc Phân Bộ Huê Hồng, ông nhận tiền huê hồng khi giới
thiệu người vay nợ. Tiền huê hồng chính thức ông nhận được là 15 phần
trăm của tổng số lãi xuất con nợ phải trả cho Ngân Hàng. Mặt khác, vì lẽ
ông đứng ra bảo đảm cho con nợ nếu vì một lý do nào đó, con nợ không
hoàn trả được Ngân Hàng, ông phải trả bồi thường số tiền 20 phần trăm
của tổng số tiền vay nợ. Mỗi năm ông trung bình kiếm được từ 15 đến 30
triệu đồng tiền huê hồng chính thức.
Ông
còn khai thêm là trong tổng số vay mượn ông chỉ phụ trách khoảng 30
phần trăm của các khách hàng người Việt gốc Hoa. Bảy mươi phần trăm còn
lại là do Ban Quản Trị (các ông Nguyễn Chánh Lý và Huỳnh Văn Đào) trực
tiếp phụ trách. Chính cá nhân ông Lý xin Bộ Quốc Phòng biệt phái một
quân nhân Việt gốc Hoa tên Huỳnh Siêu phục dịch thông dịch cho Ban Quản
Trị.
Ông xác nhận là Ủy Ban Quản Tri đương nhiên nhận lãnh một món tiền huê hồng cho các thương vụ trực tiếp này.
Để kết luận, trong hai năm sinh hoạt, KTNH đã thu hoạch "phần lời" cho QTKQĐ.
Nhưng
món tiền lời không nghĩa lý gì, và không có gì khả dĩ gọi là "thành
quả" thấy rõ. Trong khi đó, xảy ra nhiều trường hợp lạm dụng "như đã
được báo cáo" hay có thể xảy ra, nhưng, khó mà có thể khám phá ra tất cả
các lạm dụng này, theo lời Mã Hỉ, vì mọi giấy tờ đều hợp lệ.
Dù
sao đi nữa, không được phép coi các món vay mượn lớn lao như vậy như là
một hành động nên khuyến khích và tuyệt đối nhằm bảo vệ "quyền lợi và
lãi xuất' và "vốn" của các quân nhân.
May thay, mọi sự đều êm đẹp; nếu quỹ bị lạm dụng vì một biến cố nào đó hay một lý do nào đó thì ai là người lãnh chịu lỗ lã?
Một
Ủy Ban Quản Trị và một Ban Giám Đốc như vậy không thể được coi như là
"lý tưởng" cho quyền lợi của các quân nhân đã đóng góp vào quỹ.
Hồ
sơ điều tra của giai đoạn một với các đề nghị trừng trị cần thiết do
Toán Điều Tra Đặc Biệt thực hiện sẽ được trình lên cho Tổng Thống Việt
Nam có quyết định tối hậu.
(xin lưu ý: đây không phải là bản nguyên văn bằng tiếng Việt, mà là bản dịch từ bản tiếng Anh của Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn)
Đặc Trách Chống Tham Nhũng
Khi
Phó Tổng Thống Trần Văn Hương tiếp xúc Tướng Hiếu để mời giữ chức Phụ
Tá Phó Tổng Thống Đặc Trách Bài Trừ Tham Nhũng với hàng Thứ Trưởng,
Tướng Hiếu đang ngồi chơi xơi nước ở Đà Nẵng với chức vụ Tư Lệnh Phó
Hành Quân Quân Đoàn 1. Phó Tổng Thống Hương chọn Tướng Hiếu vì Tướng
Hiếu là quân nhân thanh liêm nhất trong hàng tướng lãnh, đồng thời là
người công chính, thẳng thắn và can đảm dám nói dám làm, không ngán sợ
bất cứ quyền lực nào.
Tướng
Hiếu nhận lời mời của Phó Tổng Thống, phần vì nhận thấy tài năng quân
sự của mình đang bị lãng phí từ khi bị đặt vào chức vụ "ăn không ngồi
rồi" từ tháng 6/1971, phần vì nhận thức được nạn tham nhũng là yếu tố
chính làm suy yếu quân đội và nghĩ mình có thể kiện toàn khả năng chiến
đấu của quân đội bằng cách bài trừ tham nhũng.
Cá
nhân Tướng Hiếu đã từng nếm đủ mùi vị của nạn tham nhũng, từ vụ nhỏ tới
vụ lớn. Tướng Hiếu đã bắt viên tài xế trả lại thùng hộp sữa đặc cho
Quân Tiếp Vụ, khi khám phá ra là vợ mình đã dùng địa vị tư lệnh sư đoàn
22 để mua hơn số 6 hộp sữa đặc một gia đình quân nhân được phép mua hàng
tháng. Tướng Hiếu đã buộc một trung uý thuộc cấp lấy lại một tủ lạnh và
một máy truyền hình đã được chở tới tư dinh dưới hình thức biếu xén.
Tướng Hiếu biết mình bị hất cẳng khỏi Sư Đoàn 5, vì không thuộc băng tham nhũng miền Tây
của Tướng Nguyễn Văn Minh. Khi làm việc với các tướng lãnh mang tiếng
tham nhũng khác, Tướng Hiếu vững vàng duy trì lập trường thanh liêm của
mình. Tướng Trần Văn Nhựt có khoe trong bài Tôi Làm Tỉnh Trưởng đăng trong tạp chí KBC số 17
là khi ông về làm Tỉnh Trưởng Bình Long, không như các tỉnh trưởng ở
các tỉnh khác đã phải mua chức từ 2 đến 8 triệu đồng, ông đã không phải
đóng một xu cắc nào cho Tướng Đỗ Cao Trí. Có điều ông quên không giải
thích rõ: lý do là vì lúc đó Tỉnh Bình Long nằm trong khu vực thuộc
quyền Tướng Hiếu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5, mà Tướng Trí thì lại nể Tướng Hiếu.
Khi
về làm việc tại Phủ Phó Tổng Thống, Tướng Hiếu liền đem áp dụng chiến
thuật Tướng Hiếu quen dùng ngoài chiến trường là đánh nhanh và đánh
thẳng vào trọng tâm địch quân. Về làm việc tháng 2/1972, tháng 7 Tướng Hiếu đã hoàn tất điều tra vụ lạm dụng Qũy Tiết Kiệm Quân Đội.
Để che đậy vai trò của Phủ Thủ Tướng (Trần Thiện Khiêm) và của Phủ Tổng
Thống (Đặng Văn Quang), Tổng Thống Thiệu vội vàng quy lỗi và cách chức Bộ Trưởng Quốc Phòng,
Tướng Nguyễn Văn Vỹ. Tiếp sau vụ này, Tướng Hiếu đồng loạt lập hồ sơ
điều tra tham nhũng của Tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng), Tướng
Trần Thiện Khiêm (Thủ Tướng), Tướng Đặng Văn Quang (Cố Vấn Tổng Thống),
và kể cả Tổng Thống Thiệu! Để tránh hậu nạn, Tổng Thống Thiệu vội vàng
rút Tướng Hiếu khỏi chức vụ Thứ Trưởng Bài Trừ Tham Nhũng và đưa về chức
vụ Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn 3 vào tháng 10/1973.
Tướng Hiếu Nói Về Vụ
Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội
Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội
Ngày 15/7/1972, Đại Sứ Bunker gửi bức điện tín
sau đây cho Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếp sau ngày Tướng Hiếu lên
đài truyền hình trình bày cho đồng bào toàn quốc kết quả của cuộc điều
tra về vụ Quỹ Tiết Kiêm Quân Đội.
Đề Tài: Báo cáo cùng quốc dân đồng bào về cuộc điều tra vụ Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội (QTKQĐ).
1.
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Phụ Tá Đặc Biệt Phó Tổng Thống Hương và
Tổng Thư Ký Ủy Ban Điều Tra Đặc Biệt, xuất hiện trên truyền hình Nam
Việt Nam tối ngày 14/07 để tuyên đọc bản tường trình của cuộc điều tra
về các hành vi của QTKQĐ. Bản báo cáo gửi đến "đồng bào toàn quốc, các
tướng lãnh, và các chiến sĩ thuộc các quân binh chủng" và phải mất một
tiếng đồng hồ mới đọc xong. Bản tường trình nêu tên Trung Tướng Nguyễn
Văn Vỹ, hiện giờ tạm thời nghỉ dài hạn trong chức vụ Bộ Trưởng Quốc
Phòng, Lê Văn Kim, một tướng lãnh QLVNCH đã hưu trí, Đại Tá Đỗ Tùng
nguyên Phó Giám Đốc Văn Phòng của Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, và Huỳnh Văn
Đào, nguyên viên chức dân sự của Bộ Quốc Phòng là những nhân vật đã
không phải phép trong việc điều hành QTKQĐ.
2.
Tướng Hiếu nói với một viên chức của sứ quán Mỹ ngày 15/07 rằng Phó
Tổng Thống Hương có thể khuyến cáo Tổng Thống Thiệu trừng trị kỷ luật
các sĩ quan QLVNCH liên hệ, kể cả Tướng Vỹ.
3.
Tướng Hiếu nói là vụ này cũng có thể chuyển giao qua tòa án dân sự và
các luật sư thuộc văn phòng Phó Tổng Thống đang soạn thảo các hồ sơ để
kiện các cá nhân liên hệ. Các cáo trạng sẽ chỉ được yêu cầu khi các hồ
sơ chứa đựng đủ bằng chứng cụ thể dùng làm nền tảng cho một tranh biện
vững chắc.
4.
Tướng Hiếu nói là một số áp lực xuất phát từ nhiều phía chống lại các
điều tra viên vụ QTKQĐ. Một số sĩ quan thuộc Sở An Ninh Quân Đội làm
việc trong vụ này được các nhân vật của Bộ Quốc Phòng nhắc khéo là sau
cuộc điều tra kết thúc họ vẫn nằm trong phạm vi kỷ luật của Bộ Quốc
Phòng. Các sĩ quan thuộc Sở An Ninh Quân Đội liên hệ cho đây là một sự
hăm dọa. Tướng Hiếu nói các lời hăm dọa này không cản trở công cuộc điều
tra.
5.
Tướng Hiếu nói là chủ thể lớn kế tiếp của cuộc điều tra có thể là Công
Ty Điện Lực Việt Nam, mà theo Tướng Hiếu là một ổ tham nhũng. Tướng Hiếu
nói là Hàng Không Việt Nam cũng có thể là một mục tiêu tốt trong công
cuộc điều tra nhưng lưu ý là với vụ đám cưới sắp tới của con trai ông
giám đốc AVN với con gái của Tổng Thống Thiệu, ông giám đốc có thể đã
được giới chức cao cấp bao che. Tướng Hiếu cũng nói là bất luận cuộc
điều tra tham nhũng nào về Tướng Đặng Văn Quang, cố vấn đặc biệt về quân
đội và anh ninh của Tổng Thống đều không thực hiện được một khi Tướng
Quang còn nắm chức vụ cao. Tướng Hiếu giải thích là người Việt Nam rất
ái ngại tố giác một cá nhân một khi cá nhân đó ở tại một vị thế quyền
hành.
6.
Tướng Hiếu nói là tiếp sau màn trình diễn trên đài truyền hình ông được
một số sĩ quan QLVNCH khen ngợi ông về bản tường trình. Một tướng lãnh
bạn chú thích là cảm tưởng thoạt tiên cho là Phó Tổng Thống Hương chỉ là
một "Con Cọp Giấy" trong vấn đề tham nhũng nay đã biến cải sau khi bản
tường trình được công bố.
7. Tướng Hiếu nói là vấn đề xử lý tài sản của quỹ cực kỳ phức tạp và sẽ phải mất ít nhất hai năm mới hoàn tất.
8.
Chú thích: Phản ứng của người Việt Nam đối với việc công bố bản tường
trình là một thái độ lạc quan hạn chế. Phần đông cho các cuộc điều tra
dễ dàng thi hành hơn nhiều là áp đặt được các hình phạt đối với bọn đê
tiện.
Bunker
(Tác giả của bản tường trình 50 trang và một trong số ít người có khả năng và can đảm cáng đáng việc khó khăn bài trừ tham nhũng - đề cập tới trong bức công điện này - là chính Tướng Hiếu. Nguyễn Văn Tín )
Công Ðiện của Ðại Sứ Ellsworth Bunker Về Sự Tham Nhũng Tại Nam Việt Nam
Ngày 19/7/1972
Ngày 19/7/1972
Nơi gửi Sứ Quán Hoa Kỳ Sàigòn
Nơi nhận Bộ Trưởng Ngoại Giao, Washington, D.C. 0756
Thông tri CINCPAC
Nơi nhận Bộ Trưởng Ngoại Giao, Washington, D.C. 0756
Thông tri CINCPAC
1.
Trong buổi thăm viếng Phó Tổng Thống Hương với White House ngày hôm
qua, tôi có dịp thảo luận lâu dài về nỗ lực bài trừ tham nhũng của ông.
2.
Phó Tổng Thống xác định ông tiếp tục tin vấn đề tham nhũng là mối hiểm
họa lớn lao tại Nam Việt Nam ngày hôm nay . Trong buổi nói chuyện mới
đây với Tổng Thống Thiệu, Phó Tổng Thống nói là ông đã điềm chỉ nguyên
do Trung Quốc rơi vào tay Cộng Sản là tình trạng tham nhũng lan tràn của
chế độ Tưởng Giới Thạch. Ông tin là ngoại trừ áp dụng những biện pháp
mạnh mẽ và khẩn cấp tại Nam Việt Nam, Nam Việt Nam cũng sẽ hứng chịu
cùng số phận đó.
3.
Phó Tổng Thống tỏ vẻ hài lòng với công cuộc điều tra đang tiến hành về
QTKQÐ (Quỹ Tiết Kiệm Quân Ðội). Trả lời câu hỏi liên quan tới hành động
sẽ được thực thi đối với các sĩ quan phạm pháp, Phó Tổng Thống xác định
là ông sẽ đệ trình một hồ sơ phân tách dày 50 trang lên Tổng Thống Thiệu
trong vài ngày tới, trong đó ông dề nghị những hành động về mặt luật
pháp và kỷ luật để nghiêm trị các người dính liú tới vụ QTKQÐ.
4.
Phó Tổng Thống nhấn mạnh nhiều lần tới sự khó khăn của nhiệm vụ ông
được giao phó. Tuy là ông nhận được một ít tài trợ từ ngân sách mật của
Tổng Thống Thiệu, ông bị trói tay trầm trọng về sự thiếu hụt về nhân sự
và ngân khoản. Ông nêu lên sự khó khăn tìm ra sĩ quan thanh liêm và mạnh
dạn để làm việc trong lãnh vực này và tình trạng quan tòa thối nát
khiến khó mà đạt được thành quả kết tội.
5.
Tôi lưu ý Phó Tổng Thống đến sự kiện sự hỗ trợ về phiá Mỹ cho một "chế
độ Thiệu thối nát" sẽ là một vấn đề trong việc tranh cử và do đó Chính
Quyền Việt Nam cần dùng tới những biện pháp mạnh mẽ chống tham nhũng
ngay tức khắc. Tôi cũng đưa ý kiến là khi tình hình căng thẳng địch quân
tấn công giảm bớt thì Chính Quyền Việt Nam nên khởi động một chiến dịch
mạnh mẽ trong lãnh vực này. Phó Tổng Thống đồng ý về một chiến dịch
mạnh mẽ nhưng lưu ý là hiện thời Tổng Thống Thiệu phải dùng tới những sĩ
quan tài giỏi và can trường mặc dù họ không hoàn toàn trong sạch. Khi
tình hình quân sự cho phép, những sĩ quan đó sẽ bị cách chức. Về điểm
này, Phó Tổng Thống xác định là nhờ vào nỗ lực của ông mà Tướng Lãm và
Dzu đã bị thay thế. Ông cũng lưu ý tới sự cách chức của Tỉnh Trưởng Vĩnh
Long về tội tham nhũng.
6.
Phó Tổng Thống coi bộ khỏe mạnh, nhưng tôi nghĩ ông khó có thể làm gì
hơn trong lãnh vực này, vì thiếu nhân sự và ngân khoản, ngoại trừ tình
trạng này được cải tiến. Ðiều này chỉ có thể xảy ra với sự hỗ trợ tận
lực của Tổng Thống Thiệu.
7.
Tôi có dịp nêu vấn đề này với Thiệu một lần nữa khi gặp ông hôm nay và
chỉ cho ông thấy cần phải hỗ trợ đầy đủ cho Phó Tổng Thống. Tôi thưa là
đương nhiên điều ưu tiên là đánh bại địch và nhất thiết phải dùng tới
các sĩ quan tài giỏi và can đảm mặc dù một số mang tiếng là tham nhũng.
Chẳng hạn việc bổ nhiệm Tướng Toàn vào chức Tư Lệnh Quân Ðoàn II và Ðại
Tá Thọ, vào chức Tỉnh Trưởng Bình Ðịnh, thay thế cho Ðại Tá Chức, một sĩ
quan được quân lính kính nể và thường dân trong tỉnh khâm phục. Không
có vấn đề phủ nhận khả năng, hiệu năng của Tướng Toàn và Ðại Tá Thọ. Tuy
nhiên, khi tình hình quân sự cho phép, các sĩ quan từng mang tiếng tham
nhũng phải bị cách chức. Ðiều hiển nhiên là các chỉ huy trưởng vừa tài
giỏi, hiệu lực và đồng thời có tiếng thanh liêm sẽ khiến các binh sĩ
trung kiên hơn và được nể vì hơn và do đó sẽ là những người hữu hiệu
nhất. Những người như Tướng Trưởng - và có nhiều người như vậy trong
quân lực Việt Nam. Nhưng không phải chỉ riêng quân đội, nhưng kể cả
trong những nơi khác vấn đề tham nhũng cần được đối phó cách thẳng thắn
và mạnh mẽ. Khi mà mùa tranh cử gần kề, điều này phải được thực hiện
ngay lập tức.
8.
Thiệu đồng ý là vấn đề này quan trọng và ông có ý định tiếp tục hỗ trợ
hành động của Phó Tổng Thống. Một khi nắm vững được tình hình quân sự,
vấn đề tham nhũng sẽ được đối phó một cách rộng rãi.
Bunker
Bản Dịch Anh Văn của Bài Diễn Văn Tướng Hiếu Đọc ngày 14/07/72
Ngày 01/09/1972, Phó Đại Sứ Whitehouse gửi điện tín sau đây cho Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ. (Các thông dịch viên tòa Đại Sứ Mỹ tại Sàigòn đã phải mất một tháng rưỡi mới dịch xong bản Việt ngữ sang Anh ngữ.)
1.
Đính kèm là bản dịch do Sứ Quán thực hiện của bài diễn văn Thiếu Tướng
Nguyễn Văn Hiếu đọc trên đài truyền hình toàn quốc ngày 14 tháng 07 năm
1972. Trong bài diễn văn, Tướng Hiếu tường trình về các kết quả của công
cuộc điều tra do Văn Phòng Phó Tổng Thống thực hiện cứu xét các sinh
hoạt tài chánh của Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội (QTKQĐ) nay đã cáo chung.
Tướng Hiếu là Tổng Thư Ký của Ủy Ban Điều Tra Đặc Biệt do Phủ Phó Tổng
Thống thiết lập để cứu xét các tố giác quản trị sai quấy và tham nhũng
trong việc điều hành QTKQĐ và các công ty phụ thuộc.
2.
Lời bàn: Các lời cáo buộc chi tiết về tham nhũng và quản trị sai quấy
của QTKQĐ trình bày trên đài truyền hình của Tướng Hiếu chưa từng thấy
từ trước tới giờ tại Việt Nam. Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Bộ Trưởng Quốc
Phòng, và Trung Tướng (hồi hưu) Lê Văn Kim là hai nhân vật trong số
người Tướng Hiếu cáo buộc cho phép và can dự vào các hành vi tài chánh
sai quấy. Tiếp theo tường trình của Tướng Hiếu và hành động theo lời
khuyến cáo của Phó Tổng Thống Hương, Tổng Thống Thiệu đã cách chức Tướng
Vỹ và áp đặt các biện pháp kỷ luật đối với mốt số viên chức chính trong
vụ QTKQĐ. Tướng Vỹ đã tự bào chữa trong một lá thư ngỏ dài gửi lên Tổng
Thống Thiệu ngày 21 tháng 07 và trong một buổi điều trần trước Ủy Ban
Tư Pháp Thượng Nghị Viện ngày 25 tháng 08. Chấm dứt lời bàn.
Whitehouse
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét