Berlin, Praha, Warszawa: Những ngày kỷ niệm 20 năm không còn chế độ cộng sản!
Wed, 11/09/2011 - 00:24 — songchi
Song Chi.
Nhân
kỷ niệm 22 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ (9.11.1989-9.11.2011), tôi
post lại bài viết này đã được đăng trên Diễn đàn Talawas trước đây, khi
tôi may mắn có mặt tại Berlin, Praha, Warszawa vào đúng dịp kỷ niệm 20
năm sự kiện lịch sử này.
Berlin – 20 năm bức tường Berlin sụp đổ!
Đến
Berlin ngày 8.11.2009, vào buổi tối 9.11 tôi đã hoà cùng dòng người
đông đảo tiến về phía Cổng Brandenburger Tor. để chứng kiến Lễ kỷ niệm
20 năm bức tường Berlin sụp đổ.
Trời
mưa và lạnh nhưng dòng người vẫn đổ ra đường, háo hức chờ đón buổi lễ.
Càng gần đến giờ khai mạc thì dòng người càng đông, có thể nhìn thấy rất
nhiều người từ các nước khác đến bên cạnh những người dân Đức. Cuối
cùng thì tôi chẳng thể nào chen nổi về phía Cổng Bradenburger Tor, đành
phải đi qua phía con đường gần đó, nơi có “bức tường” tượng trưng bởi
những tấm domino bằng xốp được trang trí thành các tác phẩm nghệ thuật
dựng dọc theo nơi có bức tường chia cắt Đông Tây trước kia và theo dõi
buổi lễ… qua những màn hình lớn ngoài trời.
Bên
cạnh hàng loạt nguyên thủ của các quốc gia châu Âu, Mỹ, những con người
quan trọng gắn liền với sự kiện này 20 năm trước, như Cựu Thủ tướng
Hungary Miklos Nemeth, Cựu Tổng thống Nga Mikhail Gorbachev, Cựu thủ
lĩnh phong trào Công đoàn Đoàn kết và Cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa…
đều có mặt trên khán đài. Mặc trời mưa, mọi người chăm chú lắng nghe
các vị nguyên thủ quốc gia từ Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng
Anh Gordon Brown, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Đức Merkel,
Ngọai trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton… đọc những bài diễn văn đầy xúc
động về ý nghĩa của việc bức tường Berlin sụp đổ, sự kết thúc của chủ
nghĩa cộng sản tại châu Âu và cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới, giá
trị của tự do quý giá giành được từ sự tranh đấu đầy dũng cảm của nhân
dân Đức và nhân dân các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ tại Nga và
Đông Âu… Những từ “tự do”, “dân chủ”, “hạnh phúc”… bằng đủ thứ tiếng
khác nhau được thường xuyên nhắc đến.
Rồi
cũng đến giây phút mọi người chờ đợi: ông Lech Walesa được vinh dự là
người xô đổ tấm domino đầu tiên kéo theo hàng loạt những tấm domino
khác… Chắc không phải là sự ngẫu nhiên khi một tấm domino có những dòng
chữ tiếng Hoa tượng trưng cho đất nước Trung Quốc – và cũng là một trong
vài “bức tường” của chủ nghĩa độc tài toàn trị còn lại trên thế giới –
đã không chịu đổ!
Đứng
bên cạnh mọi người, hoà cùng niềm vui và nỗi xúc động của người Đức và
những người khách từ khắp nơiđến, trong đầu tôi chỉ trở đi trở lại một ý
nghĩ: Bao giờ thì Việt Nam sẽ có được một ngày mà cả dân tộc được sống
trong một xã hội tự do, dân chủ thật sự? Như lời Thủ tướng Đức Merkel:
tự do là điều mà con người phải tranh đấu để giành lấy, để lại một phần
làm chứng tích trên đó các họa sĩ đã biến nó thành những bức tranh với
đủ các phong cách khác nhau; khu kỷ niệm những người dân Đông Đức đã
vượt qua bức tường và bị bắn chết – tại đây người ta chỉ trưng bày tượng
trưng một số bức ảnh của những người đã biết rõ danh tính trong số hàng
trăm con người đã chết vì khát vọng tự do; khu phi quân sự cũ giữa hai
vùng Đông và Tây Berlin… Đông Berlin bây giờ xây dựng nhiều, mới và đẹp
còn hơn cả khu vực phía Tây.
Tôi
cũng đến Viện Bảo tàng của người Do Thái. Người Đức không ngần ngại
trưng bày cho các thế hệ sau và cho cả thế giới những gì họ đã hành xử
với người Do Thái trong quá khứ, cả cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ
hai dưới tham vọng điên cuồng của Hitler. Trong bảo tàng có cả một chỗ
dành cho khách đến tham quan đứng tưởng niệm về những người đã chết – đó
là một cánh cửa mở vào một căn phòng hẹp, tối om, lạnh lẽo, nhìn hun
hút lên cao có một khoảng ánh sáng mờ mờ rọi xuống, có cảm giác như đang
đứng dưới đáy giếng sâu, hay như trong ngục tối! Vâng, một dân tộc dám
thẳng thắn nhìn lại quá khứ, không che giấu sự thật, dám thừa nhận những
sai lầm, dân tộc ấy mới có thể tiến về phía trước một cách thanh thản
và mạnh mẽ! Dân tộc Đức và nhiều dân tộc khác đã làm được như vậy nên
ngày hôm nay khi đến Berlin, Praha, Warszawa… người ta có thể cảm nhận
được họ đã vượt qua quá khứ như thế nào!
Praha – Ký ức của dân tộc!
Nếu
như Berlin rộng lớn với những khối nhà vuông vức, kiến trúc hiện đại,
đơn giản, tạo một cảm giác nghiêm trang, ngay hàng thẳng lối như tính
cách của người Đức thì Prahacổ kính với những toà lâu đài, biệt thự kiến
trúc cầu kỳ và duyên dáng soi mình bên dòng sông, những cây cầu cổ,
những con đường lát đá và những cỗ xe ngựa dành cho khách du lịch. Tôi
thích Praha ngay như đã từng thích Paris khi lần đầu tiên đặt chân đến
Paris mùa hè vừa rồi. Tất nhiên Paris rộng lớn hơn, nhiều di tích lịch
sử, nhiều nơi để đi để xem hơn nhưng cũng xô bồ hơn. Praha không rộng
lắm, các kiến trúc cổ nhất tập trung hết ở khu thành cô,̉ còn nếu muốn
mua sắm thì đến khu trung tâm với những cửa hàng vào ban đêm lộng lẫy
ánh đèn.
Praha
có lịch sử cả ngàn năm và sở dĩ thành phố này còn giữ nguyên vẹn tất cả
những kiến trúc, di tích từ thời cha ông để lại trong khi nhiều thành
phố khác bị tàn phá khá nhiều trong Thế chiến thứ Hai là vì chính phủ
Tiệp khi đó đã không chống cự gì mà để yên cho quân Đức vào Praha, có lẽ
vì họ biết rằng có chống cự lại cũng thua nên thà như vậy mà giữ được
thành phố vẹn nguyên chăng?
Khi
tôi đến, Praha và nước Tiệp Khắc cũng sắp đến ngày kỷ niệm 20 năm kết
thúc chế độ cộng sản – đó là ngày 17.11. Vào ngày này 20 năm trước tại
Praha và một số thành phố lớn của Tiệp Khắc đã nổ ra hàng loạt cuộc biểu
tình lớn đòi tự do dân chủ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Tại Praha cuộc
biểu tình đã diễn ra tại quảng trường Václav với sự tham gia của cả
trăm ngàn người. Nếu như tại Ba Lan, phong trào công nhân dưới sự lãnh
đạo của Công đoàn Đoàn kết đóng vai trò quyết định dẫn đến sự sụp đổ của
chế độ cộng sản thì tại Tiệp Khắc, tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ đóng
vai trò tiên phong trong các cuộc biểu tình.
Bây
giờ tại quảng trường này tôi đi qua hàng loạt tấm panô lớn trưng bày
hình ảnh của những cuộc biểu tình, hình ảnh của những kẻ thù của nhân
dân – các nhân vật trong bộ máy lãnh đạo, công an, mật vụ của chế độ
cộng sản thời đó. Trên nhiều tấm bảng có dòng chữ “Paměť národa” có nghĩa là “Ký ức của dân tộc!”. Và cũng trên quảng trường, là tấm bia kỷ niệm hai sinh viên đã tự thiêu chết trong một cuộc biểu tình đòi tự do.
Praha
còn có quảng trường Staromestske nằm gần Lâu đài Praha, nếu người Việt
quen gọi quảng trường Václav là Quảng trường Con ngựa vì có bức tượng
thánh Václav cưỡi ngựa thì người Việt cũng gọi quảng trường này là Quảng
trường Con gà. Quảng trường Staromestske được bao bọc bởi những đền
đài, nhà thờ, khách sạn, là những công trình từ thế kỷ 11 và 12 theo
kiến trúc Roman. Trên quảng trường là tháp đồng hồ thiên văn độc đáo
được chế tạo ròng rã trong suốt 80 năm, từ 1410 tới 1490. Trên nóc đồng
hồ có một chú gà trống bằng vàng, cứ vào những giờ chẵn lại thò đầu ra
ngoài cửa sổ để cất lên những tiếng gáy. Buổi tối tại đây khách du lịch
chen chân bên người bản xứ, hoặc dạo quanh thành phố trên những cỗ xe
ngựa với những người xà ích ăn mặc như thời xa xưa, hoặc thưởng thức các
món ăn ngon trong các nhà hàng hay đơn giản ngồi ngay trên những chiếc
ghế dài ngoài trời ăn vội ổ bánh mì kẹp xúc xích chiên nóng hổi.
Tôi
cũng ghé qua Plzen, nằm cách Praha chừng nửa tiếng đi xe hơi. Đó là một
thành phố nhỏ nhưng những ngồi nhà cũng có tuổi thọ cả năm bảy trăm
năm. Nếu như bia Tiệp nổi tiếng trên thế giới thì bia sản xuất ở Plzen
nổi tiếng nhất nước Tiệp. Tôi là người không sành về bia và cũng không
uống được bao nhiêu nhưng loại bia có tên là Pilsner Urquell thì quả là
ngon thật. Đến Plzen thì phải uống bia này và mua về làm kỷ niệm những
chiếc ly uống bia bằng sứ có khắc tên bia Pilsner Urquell cùng những hoa
văn hoặc tranh cổ của Tiệp. Người Tiệp có vẻ thích hài hước, trong
những cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch tôi nhìn thấy những cái
ly uống bia có hình đôi vú dành cho đàn ông và hình sinh thực khí của
đàn ông dành cho phụ nữ hoặc có khắc những câu rất là hóm hỉnh về đàn
ông, đàn bà. Plzen cũng đang tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày chủ nghĩa cộng
sản kết thúc. Trong một khu đât rộng người ta triển lãm những tấm áp
phích về những cuộc biểu tình dưới chế độ cộng sản, có cả phiên bản cuối
cùng của tờ báo Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Tiệp khắc ra vào
ngày 17.11.1989.
Warszawa – Lại một lần nữa hồi sinh
Dân
tộc Ba Lan là một dân tộc có nhiều nét đặc biệt, trước hết là sự anh
hùng. Tại Warsaw, vào năm 1920, đại binh của Hồng quân Liên Xô do chính
nhà độc tài Stalin và các tướng lĩnh Xô-viết nổi tiếng chỉ huy, tưởng
chừng đã dễ dàng nuốt chửng Warsazwa, để rồi phải đại bại dưới tay Thống
chế Józep Pilsudski, tổng tư lệnh quân đội, đồng thời là người đứng đầu
nước Ba Lan độc lập.
Trong
Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cũng đất nước nhỏ bé này đã dám đương đầu
với quân đội phát xít Đức hùng mạnh và là đất nước bị tàn phá nặng nề
cũng như đã gánh chịu nhiều đau thương nhất, cùng một lúc bị Liên Xô và
Đức Quốc xã bội ước tấn công, với mưu đồ xóa tên Ba Lan khỏi bản đồ thế
giới.
Trong
cuộc khởi nghĩa Warszawa 1944, chỉ nội trong vòng ít ngày, thành phố bị
Đức thả bom rải thảm, phá hủy hơn 85%. Warszawa vốn là một thành phố cổ
với nhiều kiến trúc văn hoá, lịch sử cổ kính có từ thế kỷ 13 và trở
thành thủ đô của Ba Lan từ thế kỷ 17. Toàn bộ cư dân gốc Do Thái của thủ
đô, chiếm 30% tổng dân số Warszawa, bị đưa vào các ghetto để đưa đi các
trại tập trung, lò thiêu người.
Khủng
khiếp hơn, gần đây người ta đã bạch hóa tài liệu thời Stalin cho thấy
Stalin đã ký hiệp ước Ribbentrop-Lomotov với Hitler, bán rẻ Ba Lan như
thế nào. Cũng chính Stalin đã ra lệnh giết hàng chục ngàn sĩ quan, cảnh
sát, tinh hoa của lực lượng quốc phòng Ba Lan lúc bấy giờ trong khu rừng
Katyn vào cuối năm 1944.
Điều
mà những người nước ngoài trong đó có tôi khi đến Warszawa cảm thấy ấn
tượng nhất có lẽ đó là khu Thành Cổ gồm các nhà thờ, những công trình
kiến trúc di tích lịch sử, thành lũy từ thế kỷ 17 bị tàn phá hoàn toàn
trong Đệ nhị Thế chiến, đã được phục chế lại hầu như nguyên vẹn vào
những năm 50, 60, 70. Trước những công trình phục chế này người ta để
bức hình hoặc tranh chụp công trình cổ có từ xưa và công trình được xây
dựng lại, phục chế lại sau này – giống hệt nguyên bản, cho thấy tài năng
của người Ba Lan trong lĩnh vực phục chế công trình cổ thật đáng kinh
ngạc! Và cũng ngạc nhiên không kém là khu Thành Cổ này đã được phục chế
lại dưới chế độ cộng sản, tất nhiên với sự huy động tiền bạc đóng góp từ
người dân Ba Lan trong và ngoài nước. Chế độ cộng sản gây nhiều tội ác
với nhân dân, nhưng ở một số nước châu Âu cụ thể ở đây là Ba Lan, những
người cầm quyền của chế độ cộng sản dù sao cũng có tầm hiểu biết văn
hóa, biết quý trọng những di sản của cha ông.
Trong
khi đó một công trình đồ sộ khác ở Warszawa xây dựng trong thời cộng
sản, là món quà của Stalin dành tặng cho nhân dân Warszawa nói riêng và
Ba Lan nói chung là Cung Văn hóa và Khoa học mang tên Stalin, bây giờ
đổi tên thành Cung Văn hóa và Khoa học với 42 tầng (230,68 mét) thì lại
đang gây ra nhiều tranh cãi trong người dân Ba Lan rằng có nên để hay
phá đi. Công trình này được xây dựng trong 3 năm từ năm 1953-1955 với
toàn bộ nhân công, vật liệu từ Nga chở sang. Trong những ý kiến bảo nên
phá đi có lẽ cũng không hẳn vì người dân Ba Lan không thích nhớ lại
Stalin, nhân vật đã có nhiều tội ác đối với dân tộc và đất nước Ba Lan,
nhưng còn vì kiến trúc của công trình đồ sộ này giữa thủ đô Warszawa rất
khó hòa hợp với các quần thể kiến trúc khác xung quanh.
Không
chỉ quý trọng di sản của cha ông, nhân dân Ba Lan cũng rất quý trọng
giới văn nghệ sĩ, nhất là những tài năng lớn. Như Fryderyk Chopin – có
thể thấy cho đến tận bây giờ người dân Ba Lan vẫn rất tự hào về người
nhạc sĩ thiên tài Chopin của họ – trái tim của ông thì được cất giữ
trong Nhà thờ Thánh giá ở thủ đô Warszawa, còn trong Công viên Hoàng gia
Lazienki, công viên rộng lớn nhất, đẹp và nổi tiếng nhất – đã có hơn
300 năm tuổi – của thủ đô Warszawa, có bức tượng Chopin lớn bằng đồng.
Vào mùa hè người ta phun nước đầy hồ nhỏ dưới chân bức tượng, hoa hồng
nở đỏ rực trong những luống đất và người dân Ba Lan đến khu vực này,
ngổi trên những chiếc ghế xếp chung quanh bức tượng, nghe những người
nghệ sĩ đánh lại những bản nhạc của Chopin trong không gian êm ả tuyệt
đẹp của những buổi chiều mùa hạ. Còn đạo diễn Roman Polanski, vào những
ngày này khi ông đang phải ngồi tù tại Thụy Sĩ và sắp sửa bị dẫn độ về
Mỹ vì tội cưỡng ép quan hệ tình dục với người chưa đủ tuồi vị thành niên
từ nhiều năm trước, thì tại Warszaw angười ta đang chiếu một bộ phim
tài liệu về Roman Polanski mà quan điểm chủ yếu là bênh vực vị đạo diễn
tài năng này.
Ở
giữa Warszawa còn có cả một khu rộng lớn trước đây của người Do Thái,
khi quân Đức đến họ đã bao quanh khu vực này để dễ kiểm soát người Do
Thái và sau đó đưa họ đi đến các nhà tù để giam hoặc giết hại. Vẫn còn
lại một phần khu nhà tù rộng lớn giam giữ người Do Thái trước kia bây
giờ là một di tích của lịch sử.
20
năm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, cũng như Nga và các nước Đông Âu
khác, đất nước Ba Lan đang khắc phục những hậu quả nặng nề của chủ nghĩa
cộng sản để lại và đang phát triển đi lên bền vững từng ngày, nhưng
cũng bộn bề bao nhiêu điều phải giải quyết, lại thêm cuộc khủng hoảng
kinh tế thế giới hiện tại đang gây ảnh hưởng đến hầu hết các nước trên
thế giới. Tình cờ chúng tôi gặp một đoàn có đến hàng ngàn công nhân tổ
chức biều tình cũng là vì lý do kinh tế, thất nghiệp… Nhưng ngay cả việc
người dân được quyền biểu tình cũng nói lên đất nước đó có tự do dân
chủ.
Và
người dân Ba Lan vẫn không quên chăm chút cho cái hồn, sự lãng mạn của
thành phố. Đến Warszawa, ngồi trong một quán ăn vừa nghe những người
nghệ sĩ lang thang thổi kèn và đánh phong cầm hoặc đi dạo qua khu Thành
Cổ, đến Quảng trường Rynek, ngồi nhấm nháp ly cà phê, thả hồn ngắm dòng
khách du lịch tấp nập bên những tiệm ăn, những phòng tranh nghệ sĩ, hoặc
đang tíu tít chụp hình ngay giữa quảng trường bên bức tượng Nàng Tiên
cá, biểu tượng của Warszawa, chúng ta có thể cảm nhận được cái hồn của
thủ đô một đất nước nghệ sĩ đã trải qua bao cơn binh biến và nay lại một
lần nữa đang hồi sinh!
Vài nét về cộng đồng người Việt tại Berlin, Praha, Warszawa
Tại
Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan cũng như ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa
cũ, người Việt Nam đến làm ăn, sinh sống khá nhiều, là một cộng đồng
người nước ngoài lớn không thứ nhì thì cũng thứ ba, thứ tư tại mỗi nước,
và có mặt tại các nơi này từ những năm 50, 60. Điều này có nguyên nhân
do người Việt Nam đã được đưa đi du học, học nghề hoặc đi xuất khẩu lao
động ngay từ thời đó, sau này khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Đông Âu,
nhiều người Việt tìm cách ở lại, sang đến những năm 80, 90 và sau này
thì lại có thêm những đợt người mới qua bằng nhiều con đường khác nhau
như đi đoàn tụ, kinh doanh, xuất khẩu lao động… Người Việt nhìn chung là
một cộng đồng chăm chỉ, chịu khó, nếu không đi theo diện xuất khẩu lao
động, vào làm việc tại các nhà máy thì ra chợ kinh doanh buôn bán lẻ, mở
nhà hàng, làm dịch vụ các loại…
Ở
Berlin, Praha hay Warszawa đều có những khu chợ của người Việt lên đến
hàng ngàn gian hàng đủ chủng loại, những quán ăn với đủ món ăn Việt từ
phở, bún, miến, tiết canh ngan…, những cửa hàng dịch vụ đủ loại phục vụ
người Việt. Có thể thấy tại sao rất nhiều người Việt không cần biết
tiếng Đức, tiếng Tiệp, tiếng Ba Lan… vẫn sống khỏe giữa cộng đồng và vẫn
có cảm giác như đang ở Việt Nam là vì muốn ăn thức gì cũng có, hàng
ngày vẫn trao đổi tiếng Việt là chính.
Nhưng
đó cũng là cái dở của người Việt nhìn chung tại những nước này và có lẽ
tại nhiều nơi khác nữa, đó là khả năng hội nhập vào đời sống văn hóa xã
hội của nước người kém, chỉ sống co cụm với nhau và chỉ quan tâm đến
việc kiếm sống, ít chịu khó tìm tòi học hỏi thêm cái gì khác. Từ người
lao động nghèo đi bán hàng quà dạo, người kéo xe ở chợ cho đến những
người kiếm khá hơn nhờ có quầy hàng ngoài chợ và những người giàu có mở
nhà hàng, kinh doanh địa ốc hoặc chủ cho thuê các gian hàng… hầu hết chỉ
quan tâm đến việc mưu sinh, ngày làm việc tối về xem VTV4, đọc báo An
ninh Thế giới của Việt Nam nên rất nhiều người dù đã sống nhiều năm ở
nước người mà cũng chẳng hiểu biết gì về nước người ta, tư tưởng, quan
điểm về chính trị xã hội cũng chẳng khác gì người đang sống trong môi
trường bị bưng bít thông tin trong nước. Được cái người Việt rất chăm
làm và hầu hết dành dụm để lo đầu tư cho tương lai của con cái với hy
vọng đời chúng sẽ khá hơn đời bố mẹ. Thế hệ thứ hai thứ ba này được hấp
thụ nền giáo dục và lối sống của nước người ngay từ bé, lại được sự
khuyến khích học hành của bố mẹ, có lẽ sẽ hội nhập tốt hơn nhiều và có
được sự thành công nào đó về mặt vị trí xã hội trên nước người.
Trong
những ngày ngắn ngủi ở Berlin, Praha, Warszawa, tôi đã gặp gỡ và hỏi
chuyện khá nhiều người, từ một chị bán xôi, những người kéo xe ở chợ, vợ
chồng một người nông dân trồng rau, một nhóm công nhân, chủ một tiệm
ăn… cho đến những người tương đối thành đạt như giám đốc một công ty
phần mềm máy tính, chủ một khách sạn sắp mở…Dù hoàn cảnh khác nhau, con
đường ra đi khác nhau, nhưng họ đều phải lao vào cuộc mưu sinh đầy vất
vả trên xứ người, chấp nhận hy sinh đời mình vì tương lai con cái và đều
có những nỗi niềm ưu tư khi nghĩ đến quê nhà không biết bao giờ mới
được như nước người ta để họ có thể an tâm trở về làm ăn sinh sống tại
quê hương, không phải trôi dạt khắp nơi để mưu sinh như thế này.
Cũng
như họ, tôi cứ ngậm ngùi với ý nghĩ chưa bao giờ trong lịch sử Việt
Nam, người Việt Nam rời nước ra đi với đủ mọi lý do lại nhiều như vậy
suốt 34 năm qua. Dù biết rằng đời sống ở nước người có tốt hơn thoải mái
hơn về nhiều mặt, để mọi người lại trở về cùng nhau xây dựng lại quê
hương… Nhưng càng đi xa, càng hiểu về tính cách người Việt thì niềm hy
vọng vào sự thay đổi ấy trớ trêu thay lại dường như mong manh hơn.
Tôi
đã từng viết trong blog cũ của mình trước đây rằng nếu mỗi con người có
một số phận khác nhau và tính cách của mỗi người sẽ góp phẩn làm nên số
phận của người đó thì mỗi dân tộc cũng vậy. Tính cách của một dân tộc
sẽ góp phần tạo nên số phận của dân tộc đó. Dân tộc tôi, dù sống ở trong
hay ở ngoài nước đểu có những điểm giống nhau làm nên bi kịch của đất
nước, đó là hay nghi kỵ, thiếu đoàn kết, ít quan tâm dến chính trị, chủ
yếu vẫn tập trung vào cuộc sống của bản thân và gia đình. Với một dân
tộc như dân tộc tôi, thì niềm hy vọng vào một sự thay đổi cho số phận
của đất nước quả thật là rất khó!
Khu chợ Đồng Xuân của người Việt ở Berlin
Bên trong khu thương mại ASG ở Warsaw này là hàng trăm gian hàng của người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét