Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

2013 GS Lê Xuân Khoa=Dân chủ VN

 


VIỆT NAM: VIỄN TƯỢNG DÂN CHỦ HOÁ

Ông là nhà giáo chuyên nghiệp. Năm 1950, ông chính thức vào nghề dạy học ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Ðại Học Văn Khoa và Sư Phạm năm 1953, ông vào Sài Gòn dạy tại trường trung học Petrus Ký và viết sách giáo khoa cho Sở Tu thư, Bộ Giáo Dục.

Năm 1960, ông được học bổng của chính phủ Pháp theo học tại Ðại Học Sorbonne và ghi danh luận án Tiến sĩ Triết Học, đề tài: "Le Boudhisme dhyana au Vietnam".

Ông đã sang Ấn Ðộ nhiều lần để nghiên cứu Triết Học Ấn Ðộ.Ông giảng dạy Triết học Upanishad tại Ðại học Văn Khoa Sài Gòn và Văn Minh Việt Nam tại Ðại Học Ðà Lạt, Minh Ðức và Vạn Hạnh.
Chức vụ cuối cùng của ông ở Việt Nam là Phó Viện Trưởng Ðạihọc Sài Gòn.

Ông sang Hoa Kỳ năm 1975 và bắt đầu hoạt động ngay về tị nạn. Với tư cách chủ tịch Trung tâm Tác Vụ Ðông Nam Á (SEARAC), Ông vận động cho người tị nạn Ðông Dương với Chính Phủ và Quốc hội Mỹ, các chính phủ Hong Kong và Ðông Nam Á, Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc.

Ông được Phụ tá Ngoại trưởng Robert L. Funseth tuyên dương cùng với bà Khúc Minh Thơ và Mục sư Lý Công Thuận là đã có công đóng góp cho thỏa hiệp Việt Mỹ về vấn đề định cư cựu tù nhân chính trị. Ông cũng là người khởi xướng chương trình định cư người Việt hồi hương ở Hoa Kỳ (ROVR).

Năm 1993, ông được Bộ Ngoại Giao mời tham gia phái đoàn Mỹ dự Hội Nghị của Ủy Hội về An Ninh và Hợp tác ở Châu Âu (Commission on Security and Cooperation in Europe, CSCE) tại thủ đô Ba Lan để thuyết trình về vai trò của các tổ chức ngoài chính phủ trong công cuộc tái thiết và phát triển.

Năm 1996, ông được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học về Nghiên cứu Quốc tế (SAIS) thuộc Ðại học Johns Hopkins ở Washington, D.C. Năm 2001, ông được nhận làm học giả ngoại trú của Học viện về Chính Sách Quốc Tế (FPI) cũng thuộc Ðại học Johns Hopkins, và từ đó chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu và viết sách,
VIỆT NAM: VIỄN TƯỢNG DÂN CHỦ HOÁ

G.S LÊ XUÂN KHOA - đăng lúc 03:31:02 PM, Jul 09, 2005

Dưới đây là bản dịch bài mở đầu bằng Anh ngữ cho Nhóm thảo luận về “Triển vọng cho Xã hội Công dân” tại cuộc Hội luận về Việt Nam năm 2005: Tương lai Phát triển và Hội nhập Toàn cầu, tổ chức tại Ðại học St. Thomas, Houston, Texas, ngày 12-13 tháng Mười Một, 2004.

Dân chủ dưới hình thức chính quyền chưa bao giờ được nghĩ đến ở Việt Nam trước khi xứ sở hoàn toàn bị người Pháp đô hộ vào những năm đầu của thế kỷ 20. Trong vòng kiểm soát chặt chẽ của một đế quốc thực dân hùng mạnh, các sĩ phu Việt Nam yêu nước nhận thấy không thể nào giải phóng dân tộc bằng võ lực, nhất là trong khi đất nước còn bị cô lập và lạc hậu dưới một chính thể quân chủ đã lỗi thời. Họ bắt đầu thiết lập những chiến lược lâu dài nhằm đào tạo một thế hệ những người làm cách mạng hết lòng chiến đấu cho một nước Việt Nam không những tự do mà còn canh tân hóa. Mô hình của nền quân chủ sáng suốt ở Nhật bản do Phan Bội Châu cổ võ năm 1904 chẳng bao lâu bị thay thế bởi một loạt những khái niệm chính trị mới do ảnh hưởng của Tây phương. Trào lưu canh tân và dân chủ hóa mới mẻ này được Phan Chu Trinh khởi xướng khi ông cùng với Phan văn Trường, một luật sư ở Paris, thành lập “Hội Người Việt Nam Ái Quốc” vào khoảng năm 1913. Trong số những thành viên danh tiếng của hội này có Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc chọn đường đi riêng bằng cách gia nhập Ðảng Cộng sản Pháp. 

Mặc dù dân chủ như một định chế chính trị là một sản phẩm của Tây phương, yếu tố cốt lõi của nó, tức là “vì dân”, đã được giảng dạy ở Trung Hoa và Việt Nam thời cổ như một thiên chức của nhà vua. Theo Mạnh Tử, một triết gia chính trị nổi tiếng của Nho giáo, “vua” đứng hàng thứ ba sau “dân” và “nước” (dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh). Theo quan niệm này, một vị minh quân có lòng “thương dân như con đẻ” sẽ được nhân dân tôn kính và tuân lệnh; trái lại, một nhà vua độc tài tàn bạo không quan tâm đến trách nhiệm của mình và “coi dân như cỏ rác” sẽ bị nhân dân coi như kẻ thù cần phải lật đổ. Ở thôn quê Việt Nam, có những tập tục trong làng xã mà ngay cả luật lệ của vua chúa cũng không thể thay đổi được, do đó có câu “Phép vua thua lệ làng”.

Những Trở ngại của Dân chủ hoá 

Ðiểm tương đồng này “vì dân” giữa chính thể dân chủ thật sự và nền quân chủ lý tưởng đã bị chế độ Cộng sản gạt bỏ cho đến khi Ðảng bắt buộc phải chuyển hướng bốn mươi năm sau. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Ðảng vẫn luôn luôn tuyên dương nhãn hiệu dân chủ. Quốc hiệu “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà” được duy trì trong ba mươi năm cho đến khi được đổi thành “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” năm 1976 sau khi thống nhất đất nước. Sau đó, Ðảng nói nhiều hơn đến quyền lực của nhân dân, nhấn mạnh rằng dưới chế độ cộng sản, nhân dân làm chủ đất nước, ban hành và thực thi các chính sách. Ðây là định nghĩa của “dân chủ nhân dân” hay “dân chủ xã hội chủ nghĩa” vì nguyên tắc của xã hội chủ nghĩa là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trên thực tế, nhân dân không có quyền hành gì và tám chục triệu người dân Việt Nam đã bị một bộ máy của chưa đầy ba triệu đảng viên cộng sản quản lý và khai thác. Nhờ hào quang chiến thắng được “kẻ thù mạnh mẽ nhất, nguy hiểm nhất và tàn sát nhiều nhất” (tức là nước Mỹ) và sự kiểm soát toàn bộ đời sống của nhân dân, đảng Cộng sản đã duy trì được chế độ độc tài toàn trị cho đến khi Ðế quốc Sô-viết bị tan rã vào cuối thập kỷ 1980.

Theo gương Mikhail Gorbachev trong chính sách “mở cửa” (glasnost) và “tái cấu trúc” (perestroika), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “Ðổi mới hay là Chết” và bắt đầu một chương trình cải tổ gồm có những nỗ lực tiến đến một nền kinh tế thị trường và một chính sách cởi mở về tự do ngôn luận mệnh danh là “cởi trói văn nghệ sĩ”. Năm 1990, trước Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị, đã thẳng thắn nhìn nhận rằng “những thành quả ban đầu trong chính sách đổi mới của chúng tôi đã cho thấy rõ những sai lầm cơ bản. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một xã hội vì dân nhưng sai lầm là ở chỗ, trên thực tế, đây là một xã hội của nhà nước và bởi nhà nước.” Tiếp đó, ông Thạch long trọng tuyên bố rằng “việc xây dựng một xã hội của dân, bởi dân và vì dân đòi hỏi phải đổi mới không chỉ về kinh tế mà cả về mọi mặt bao gồm kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Song song với công cuộc đổi mới và tái cấu trúc kinh tế, Việt Nam đang thực hiện một tiến trình đổi mới từng bước vững chắc về chính trị.”1 

Thật chẳng đáng ngạc nhiên, khi trở về Hà Nội sau phiên họp ở Liên Hiệp Quốc và một chuyến ghé thăm ngắn thủ đô Washington D.C., ông Thạch đã bị các đồng nghiệp bảo thủ cực đoan thân (hay sợ) Trung Quốc chỉ trích kịch liệt và buộc phải từ chức vài tháng sau đó. 
Vì quá lo ngại sau khi khối Sô-viết hoàn toàn sụp đổ năm 1991, các nhà cầm quyền Việt Nam đã lập tức bãi bỏ tình trạng tự do ngôn luận có giới hạn và đưa ra những lời cảnh giác mạnh mẽ chống lại “âm mưu diễn biến hòa bình do các thế lực thù địch.” 

Việt Nam vội vàng nối lại các quan hệ bình thường với Trung Quốc và cố gắng theo sau nước đồng minh gần nhất và mạnh nhất này trong những toan tính thực hiện một nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng như những phương cách đối phó với áp lực của quốc tế về các vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, vốn là một nước nhỏ không có thế lực mặc cả như Trung Quốc, Việt Nam phải vất vả hơn nhiều trong những cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới để có thể được đối xử bình đẳng như những quốc gia không cộng sản. Trong tiến trình này, Việt Nam khó có thể cưỡng lại các biện pháp cải tổ về chính trị.

Những Biện pháp Nửa vời
Vấn đề đặt ra là các nhà lãnh đạo ở Việt Nam, muốn cho các nỗ lực hội nhập đất nước với cộng đồng thế giới được thành công, có ý định tiến đến một nền dân chủ thực sự hay không. Ta hãy xem xét phản ứng của nhà nước cộng sản Việt Nam đối với áp lực ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ, Cộng đồng Âu châu, Tổ chức Thương mại Quốc tế, các quốc gia và cơ quan viện trợ, và các tổ chức nhân quyền trên thế giới. 

Năm 2000, từ ngữ “dân chủ” lại nổi bật trong ngôn ngữ chính thức ở Việt Nam. Trong một chuyến viếng thăm Washington D.C. vào tháng Chín năm đó, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, lúc ấy còn là Chủ tịch Quốc hội, loan báo rằng “Chúng tôi vừa quyết định thêm “dân chủ” vào những mục tiêu nhà nước cần thực hiện là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.” 
Quyết định nhấn mạnh lại vào mục tiêu dân chủ có vẻ cho thấy ý muốn tiến hành đổi mới chính trị của đảng cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, bốn năm đã trôi qua và dân chủ vẫn chỉ là một lời hứa xuông. Giới lãnh đạo chính trị ở Việt Nam vẫn chú trọng vào việc “ổn định chính trị và xã hội” như điều kiện tất yếu trong bước quá độ đến “dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Vấn đề là ở chỗ không biết thời gian bao lâu mới có được sự ổn định về chính trị và xã hội để đạt tới “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, một mục tiêu đã bị Khối Sô-viết và các nước Ðông Âu loại bỏ từ lâu. Mặc dù đổi mới kinh tế đã làm cho đời sống của người dân được cải thiện, chẳng hạn việc bãi bỏ chính sách “hộ khẩu”, việc đi lại và du lịch và việc làm ăn của tư nhân được tự do hơn, những vi phạm trắng trợn về nhân quyền vẫn xảy ra khiến cho các quan sát viên quốc tế phải lên tiếng tố giác mạnh mẽ. Gần đây, theo khuyến nghị của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Thế giới, Bộ Ngoại giao Mỹ đã qui định Việt Nam là “một nước cần đặc biệt quan tâm”. 

Nhằm đáp lại áp lực của quốc tế, Việt Nam đã thả một số người chống đối và giảm án tù cho một số người khác như một hành động thiện chí. Pháp lệnh Tôn giáo ban hành ngày 18 tháng Sáu, 2004, xác nhận công dân có quyền theo bất cứ tôn giáo nào mà mình lựa chọn, nhưng trên thực tế quyền tự do này mới chỉ được giới hạn vào tự do thờ phụng chứ chưa phải là tự do tôn giáo. 

Mọi cố gắng của chính quyền nới lỏng sự kìm hãm các quyền tự do của công dân đều chỉ là những biện pháp nửa chừng để cho sự an toàn của chế độ vẫn được bảo vệ. Dù sao chăng nữa, tình hình chung đã được cải thiện và tiến trình dân chủ, dù khó khăn và chậm chạp, hiển nhiên là một tiến trình không thể đảo ngược.

Trong khi dò dẫm trên bước đường cải tổ chính trị, chính quyền Việt Nam đã chấp nhận những thay đổi mới trong xã hội do những cuộc tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua sự hợp tác và giúp đỡ của quốc tế và những phương tiện truyền thông điện tử tân kỳ. Những tác nhân làm thay đổi xã hội là những nguời làm kinh doanh, chuyên viên của các tổ chức quốc tế, văn nghệ sĩ trong các chương trình trao đổi văn hóa, sinh viên du học trở về nước sau khi tốt nghiệp, người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương, và nhất là hàng trăm tổ chức quốc tế phi chính phủ đang thực hiện những chương trình nhân đạo và phát triển ở khắp nơi trên toàn quốc. Qua những cuộc giao tiếp này, các điều kiện thuận lợi cho một xã hội công dân được nảy nở và mở đường cho sự thành lập một chính quyền dân chủ. (Ông Nông Duy Trường sẽ thuyết trình về vấn đề này và nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức phi chính phủ và công cuộc toàn cầu hóa.) Ngòai ra, cũng cần ghi nhận rằng đa số dân chúng Việt Nam ở trong nước, ước định khoảng 60 phần trăm, là những người sinh sau năm 1975. Chắc chắn là thế hệ trẻ và năng động này rất tha thiết với công cuộc hiện đại hóa và dân chủ hóa Việt Nam. (Bà /Ông Thụy Như Ngọc sẽ thảo luận kỹ vấn đề này trong một bài nghiên cứu công phu về những điểm khác biệt giữa các địa phương và các thế hệ người Việt đối với các giá trị về chính trị). 

Một Ðường lối Thực tế
Dân chủ là một mục tiêu mà Việt Nam đang phấn đấu để đạt tới. Tuy nhiên, tiến trình dân chủ không thể nào hoàn tất được chừng nào mà chính quyền hiện nay còn cảm thấy sự tồn tại của mình bị đe dọa. Cũng như ở Trung Quốc, sự giằng co giữa hai khuynh hướng bảo thủ và tiến bộ có thể biến tiến trình dân chủ hóa thành một vòng lẩn quẩn cho đến khi chính quyền và nhân dân đạt được sự đồng thuận. Vấn đề là làm thế nào để có được sự đồng thuận giữa đảng cầm quyền và dân chúng? Mao Vu Thức, chủ tịch Hội đồng Quản trị của Viện Nghiên cứu Kinh tế “Thiên Tắc”, một cơ quan tư duy độc lập về kinh tế và chính trị ở Bắc Kinh, dường như có câu giải đáp thích hợp cho Trung Quốc, và giải đáp này, trong một mức độ lớn, cũng có thể áp dụng vào tình trạng của Việt Nam. 

Trong một bài báo đăng trên nguyệt san China Review tháng Chín, 2003,2 Mao Vu Thức (không có quan hệ với Mao Trạch Ðông) thảo luận về tiến trình đổi mới kinh tế và chính trị ở Trung Quốc từ giữa thập kỷ 1980 và nhận xét rằng “mặc dù môi trường chính trị ngày nay tốt hơn nhiều so với 25 năm về trước, vẫn chưa có sự cải tổ thiết yếu trong hệ thống chính trị và không có điều gì có thể tiên đoán được. Không ai biết là cần phải đi và sẽ đi về đâu. Bước đi nào là khả thi và an toàn cho mọi phía?” Tiếp đó, họ Mao nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết cho nhân dân và chính phủ đạt được đồng thuận là sự nhìn nhận lẫn nhau và thái độ khoan dung đối với nhau. Nhân dân cần phải nhìn nhận tính cách chính đáng của chính phủ vì không thể có lãnh đạo hữu hiệu nếu không có thẩm quyền và ổn định xã hội. Ðể đổi lại, chính phủ phải chấp nhận sự tham gia của những công dân không phải là đảng viên, không chỉ trong những cuộc thảo luận xây dựng mà còn cả trong vấn đề điều hành việc nước, từ các hội đồng ở cấp xã lên đến cơ quan chính quyền trung ương. Mao phàn nàn rằng “Hiện nay, tỉ lệ những người ngoài đảng trong các chức vụ bộ trưởng và thứ trưởng còn ít hơn cả dưới thời Mao Trạch Ðông. Ðất nước được quản lý giống như đảng cộng sản. Ðó là điều bất bình thường. Nếu chúng ta không qua được trạm kiểm soát thì vấn đề dân chủ và pháp trị chỉ là những lời nói rỗng tuếch.” 

Về vấn đề khoan dung, Mao yêu cầu bộ tuyên truyền đình chỉ lề lối độc quyền việc nước để cho những ý kiến độc lập có thể được phát biểu. Ông nói: “Nếu những ý kiến dù hay hay dở đều bị cấm xuất bản, nếu mọi cuộc thảo luận đều bị chiếm độc quyền thì làm sao chúng ta có thể nhận diện đây (Trung Quốc) là một xã hội dân chủ?” Ông còn đề nghị rằng các tù nhân lương tâm phải được đối xử tử tế hơn vì “trên nguyên tắc, những tội phạm chính trị không thể bị trừng phạt.” Ông còn mạnh bạo hơn khi lý luận: “Nếu đảng Cộng sản tuyên bố ân xá các phạm nhân chính trị thì tính cách chính đáng của Ðảng sẽ lập tức được mở rộng và địa vị quốc tế sẽ được nâng cao. Ðặc biệt sẽ có một không khí khoan hoà cho những cuộc thảo luận về chính trị.” Mặt khác, theo Mao, những ý kiến khác biệt cần phải được phát biểu bằng lý trí chứ   không bằng cảm tính, bằng lịch sự chứ không bằng xúc phạm. Mao cảnh giác rằng: “Sự chỉ trích cần phải xuất phát từ những ý định tốt để được bên kia vui lòng chấp nhận. . . . Những điều chúng ta đọc thấy trên mạng thông tin hầu hết là than phiền và ngay cả xỉ vả. . . . Bày tỏ lòng bất mãn có thể chấp nhận được, nhưng nếu hầu hết mọi người đều thảo luận với thái độ (chỉ trích) như thế, cuộc thảo luận sẽ trở nên gay go và sẽ phải gián đoạn nửa chừng.” 

Từ ngày Ðặng Tiểu Bình lên cầm quyền, Trung Quốc đã tiến lên chậm chạp nhưng vững chãi trên con đường dân chủ hoá, dù cho mục tiêu chưa được xác định rõ và không biết chắc bao giờ mới đạt được. Theo ý kiến họ Mao, tiến trình này có thể lâu từ ba tới bốn chục năm, và ông yêu cầu mọi người chớ nên vội vã vì đa số dân Trung Quốc vốn nghèo và thất học. “(Họ) không coi dân chủ thời hiện đại là chính trị tốt, họ chỉ mong có được một chính phủ nhân đức do một vị minh quân cầm đầu.” Ông quả quyết rằng dân chủ hoá “không phải là một tiến trình thông suốt. . . . Ðây là một quá trình một bước lùi, hai bước tiến.”3 

Ðề nghị của Mao Vu Thức về sự nhìn nhận lẫn nhau và khoan dung đối với nhau có thể thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay còn lê bước ở đàng sau Trung Quốc về đổi mới cả kinh tế lẫn chính trị. Ðã đến lúc Việt Nam cần cho phép những nhà trí thức có tâm huyết thành lập một cơ quan nghiên cứu tư nhân tương tự như Viện Kinh tế “Thiên Tắc”4 ở Bắc Kinh. Viện này được thành lập năm 1993, lúc đầu chuyên nghiên cứu về kinh tếợ nhưng từ ngày cải tổ cơ cấu năm 1999 thì mở rộng sứ mệnh, từ “những cuộc nghiên cứu hàn lâm về kinh tế và các khoa học xã hội khác” đã trở thành một diễn đàn “tôn trọng ý kiến độc lập, tự do tìm tòi và thảo luận công khai. Qui chế mới của Viện với tư cách một tổ chức nghiên cứu vô vị lợi cũng làm cho Viện có thể mở rôỳng cho công chúng thực sự tham gia vào các hoạt động của Viện.”5 
Một thí dụ khác về tính công khai này là bản phúc trình về phiên hội luận thứ 234 (hai tuần một lần) của Viện. Bản phúc trình này dẫn lời Cai Decheng (Thái Ðắc Sanh ?), một tham luận viên chống đối mạnh mẽ tiến trình dân chủ hoá chậm chạp bằng việc nhắc đến trường hợp Ðài Loan. Ông nói: “Khi Tưởng Kinh Quốc bãi bỏ hai điều ngăn cấm thì dư luận chống đối ồn ào trong nội bộ Quốc Dân Ðảng. Họ cho rằng dân chúng Ðài Loan còn thấp kém không đủ trình độ dân chủ hoá. Nhưng các sự kiện sau đó đã chứng tỏ là họ sai lầm. Vì thế, chúng ta phải tin tưởng rằng người dân Trung Quốc cũng có đủ điều kiện dân chủ hóa.”6

Trong trường hợp Việt Nam, vấn đề nhìn nhận lẫn nhau và khoan dung với nhau không phải chỉ đặt ra giữa chính quyền và nhân dân trong nước. Nó còn là vấn đề giữa chính quyền trong nước và một cộng đồng hải ngoại ngày càng lớn mạnh về tiền bạc, trí tuệ và ảnh hưởng chính trị. Trong trường hợp này, chính quyền trong nước cần phải đi bước trước và chứng tỏ thiện chí một cách cụ thể hơn, nhất là những cử chỉ hòa giải với các nạn nhân của những chính sách học tập cải tạo và vùng kinh tế mới, để có được sự đáp ứng tích cực của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ðây là một vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp cần phải được thảo luận riêng biệt trong một dịp khác.

G.S LÊ XUÂN KHOA

Giáo sư Lê Xuân Khoa là cựu Chủ tịch Trung Tâm Tác Vụ Ðông Nam Á (SEARAC) và là giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Ðại học Johns Hopkins, Washington, D.C. Ông là tác giả của nhiều bài viết về vấn đề tị nạn và về quan hệ giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và Việt Nam. Cuốn sách của ông mới xuất bản gần đây “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử” đã gây được sự chú ý đặc biệt trong dư luận: : Ðịa chỉ email của G.S. Khoa là: khoa.le2@verizon.net

1 Diễn văn đọc tại phiên họp thứ 45 của Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, 4 tháng Mười, 1990.

2 Bài báo nhan đề “Con Ðường Dân chủ hóa ở Trung Quốc” (The Road of Democratization in China) được in trên ấn bản Anh ngữ của nguyệt san China Review, tháng Chín 2003, do Unirule Institute of Economics xuất bản ở Bắc Kinh. Tất cả những lời của Mao Vu Thức (Mao Yushi) trích dẫn trong bài này, trừ chú thích số 3 dưới đây, đều được dịch lại từ bản dịch tiếng Anh của Wang Hongchang. Xem http://www.china-review.com/english/eng-11.htm 

3 Riêng câu này của Mao Vu Thức là do Jim Yardley trích dẫn trong bài báo “Democracy: Chinese Style: Two Steps Forward, One Step Back” (New York Times, December 21, 2003). 

4 Viện này được đặt tên là ”Thiên Tắc” (qui luật thiên nhiên) để xác định rằng mọi sinh hoạt kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học và xã hội đều phải tuân theo qui luật của vũ trụ chứ không thể theo những qui luật hoàn toàn do ý muốn của con người. Vì ý nghĩa đó, Viện Kinh tế Thiên Tắc được dịch sang Anh văn là “Unirule Institute of Economics” (Unirule là cách gọi tắt Universal Rules). 
Xem http://www.unirule.org.cn/E_introduction/e_intro.html, tr. 1, đoạn thứ nhất. 

5 như trên, tr. 1, đoạn “Mission”. 

6 Bản phúc trình này nhan đề là “Mục tiêu của Hiện đại hoá Trung Quốc là Dân chủ” (The Goal of Chinese Modernization is Democracy), trong China Review, March 11, 2004. Xemhttp://www.china-review.com/english/eng-20.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét