Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

2012 VN=Quản lý kinh tế kiểu mới..

Quản lý thị trường vàng, những câu hỏi đang đợi trả lời
Lê Đăng Doanh
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy định về quản lý vàng, đồng thời lại là cơ quan độc quyền nhập khẩu vàng, kinh doanh vàng miếng SJC, đấu thầu vàng, mua-bán vàng để bình ổn thị trường vàng. Trên thế giới chưa thấy có nền kinh tế thị trường nào lại áp dụng những biện pháp quản lý như vậy và hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” là quá lộ liễu.
Trải qua những biến động lịch sử (chiến tranh, thay đổi chính phủ, đổi tiền v.v.), người dân Việt Nam đã có thói quen dùng vàng để giữ tài sản của mình. Không chỉ người giàu có, người nghèo cũng giữ vàng, người mẹ nào cũng cố gắng cho con gái vài đồng cân vàng khi đi lấy chồng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới từ năm 1993 đến 2010, Việt Nam đã nhập tổng cộng 1.000 tấn vàng (trong đó có tỷ lệ khá lớn nhập lậu), trừ đi số vàng đã xuất khẩu, trong dân còn khoảng 400-500 tấn vàng, một nguồn lực rất lớn có thể và cần huy động để xây dựng đất nước.
Trong những năm 1990, giá vàng liên tục biến động, tình hình chỉ ổn định sau khi nhà nước chủ động áp dung cơ chế thị trường vàng, cân đối cung-cầu. Từ 1993, người dân được quyền sở hữu, cất giữ vàng không hạn chế.Từ 1999 Nghị định NĐ174/1999/NĐ-CP và NĐ 64/2003/NĐ-CP cấp phép cho 8 ngân hàng thương mại và một công ty sản xuất vàng miếng. Năm 2000, Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được huy động vốn bằng vàng và cho vay bằng vàng (Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN). Từ năm 2011, Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng cho tám ngân hàng thương mại và công ty SJC để “tham gia bình ổn thị trường vàng” trong nước.
Từ năm 2008, trước tình hình lạm phát tăng cao, xu hướng dùng vàng để thanh toán những phi vụ mua bán nhà, đất tăng lên. Tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế xuất hiện, vàng không chỉ còn là phương tiện cất giữ mà còn trở thành phương tiện thanh toán, tức là đồng tiền mạnh trong nền kinh tế, tác động tới tỷ giá, dự trữ ngoại tệ. Trên cả nước đã có khoảng 12.000 cửa hàng lớn nhỏ được cấp phép hoạt động, một số còn kiêm cả mua bán ngoại tệ, chủ yếu là USD. Cứ mỗi khi có biến động tỷ giá hay giá vàng biến động lại có hiện tượng đoàn người xếp hàng chen chúc nhau để mua vàng kiếm lợi.
Các hiệp hội đã kiến nghị tổ chức “sàn vàng” như một thị trường vàng có sự quản lý của nhà nước, từng bước liên thông với thị trường vàng thế giới, giảm bớt chênh lệch giá giữa giá vàng trong ước và giá vàng thế giới.
Trước tình hình đó, Nghị định 24/2012/ NĐ-CP đã quyết định bỏ quy định cấp quota nhập khẩu vàng, không liên thông giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, ấn định thời hạn tất toán dịch vụ nhận gửi tiết kiệm và cho vay bằng vàng tại các ngân hàng thương mại đến ngày 30/6/2013, tuyên bố vàng miếng SJC trở thành nhãn hiệu vàng độc quyền, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập vàng, độc quyền phát hành vàng SJC và là người độc quyền bán vàng để bình ổn thị trường, áp đặt những điều kiện ngặt nghèo cho các hộ kinh doanh vàng phải đăng ký lại v.v.
Những người dân giữ vàng miếng không phải SJC phải đổi với chênh lệch giá khá lớn, số cửa hàng kinh doanh vàng được cấp phép trơ lại giảm đáng kể. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng, cho đến nay đã hơn 40 phiên, bán ra 41,4 tấn vàng, phải sử dụng lương lớn ngoại tệ để nhập khẩu. Nếu như trước ngày 30.6, bình quân mỗi phiên chỉ bản 26.000 lượng vàng thì ngày 9/7/2013, sau thời hạn tất toán vàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu lượng vàng gần gấp đôi, lến đến 40.000 tấn vàng/ phiên. Chênh lệch giá vàng trước và giá vàng thế giới có lúc lên đến 7 triệu đồng/lượng, nay vẫn còn ở mức 5-6 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bình ổn thị trường vàng nhưng không bình ổn giá. (?!).
 Ngân hàng Nhà nước tuyên bố chính sách quản lý thị trường vảng đã đạt thắng lợi quan trọng, không còn cảnh người mua vàng chen chúc, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên v.v. Báo chí đưa tin Ngân hàng Nhà nước đã lãi 5.000 tỷ đồng nhờ nhập khẩu vàng giá thấp, bán vàng giá cao và Ngân hàng Nhà nước quả quyết toàn bộ lợi nhuận thuộc về nhân dân và nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy vậy, chưa thấy Kho bạc Nhà nước có thông báo về số thu ngân sách này.
Song, sau thời hạn khóa sổ ngày 30/6/2013, tình hình không ổn định như Ngân hàng Nhà nước dự đoán. Một số ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản, chưa thể tất toán vàng. Dự báo nhu cầu của các ngân hàng này còn ít nhất 9 tấn vàng để tất toán. Trong những ngày nắng nóng lên đến 40 độ C cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy này ở Hà Nội, hiện tượng sắp hàng từ sáng đến tối để mua vàng của người dân lại xuất hiện trở lại. Tỷ giá đã phải điều chỉnh lên 1% ngày 28/6 và đã có lúc đạt mức 22.000 VND/USD trên thị trường tự do. Nhu cầu vàng chưa thấy đến giới hạn. Tình hình đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy định về quản lý vàng, đồng thời lại là cơ quan độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền kinh doanh vàng miếng SJC, độc quyền đấu thầu vàng, mua-bán vàng để bình ổn thị trường vàng. Trên thế giới chưa thấy có nền kinh tế thị trường nào lại áp dụng những biện pháp quản lý như vậy và hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” là quá lộ liễu. Thanh tra Nhà nước tháng 4/2013 đã thông báo sẽ thanh tra hoạt động kinh doang vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Số vàng trong dân chưa biết đến bao giờ mới huy động được và bằng phương án nào. Giá vàng trong nước tiếp tục nhảy múa, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn rất cao.
Muốn biết kết quả kinh doanh vàng thế nào phải đợi kết quả của Thanh tra Nhà nước, song cách vừa tự ban hành quy định lại độc quyền thực hiện như hiện nay là điều không giống bất kỳ nước nào


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét