Ở Bến Tre có ông cụ 85 tuổi hàng ngày chăm sóc mẹ già 113 tuổi từng miếng ăn giấc ngủ.
Cụ Trần Thị Nguy ở xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre năm nay đã tròn 113 tuổi (sinh năm 1901). Người chăm sóc cho cụ Nguy từng miếng ăn, giấc ngủ mấy chục năm nay là con út Nguyễn Văn Đức 85 tuổi và con dâu Phạm Thị Trừ cũng đã bước sang tuổi 75.
Sau khi cho mẹ ăn trưa, vợ chồng ông Đức dìu cụ Nguy nghỉ ở chiếc võng trước nhà
Lúc thấy khỏe trong người, cụ Nguy bảo con cõng đi một vòng quanh xóm thăm hỏi người quen.
Vui đùa với con cháu
|
Chăm Sóc Cha Mẹ Già Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Nhân ngày "Từ Phụ", Lang tôi xin cùng quý thân hữu đi vào một vấn đề có tính cách gia đình. Vì nhìn gần xa, thấy các vị đàn anh và một số bạn đồng tuế đang từ từ vướng mắc. Và con cháu cũng rất ưu tư suy nghĩ.
Đang ngồi họp, Vân được cho hay có điện thoại khẩn cấp. Chị vội đứng lên, về phòng. Bà hàng xóm nơi mẹ Vân ở, cho hay bà cụ vừa được đưa vào nhà thương. Bà cụ té ngã. Vân vào cáo lỗi với ông chủ rồi xuống lấy xe lái vào bệnh viện.
Trên đường đi, nàng dùng điện thoại di động báo cho Huân, chồng nàng hay. Huân hiện đang đi công tác ở miền Trung, tuần sau mới về. Rồi suốt mười lăm phút lái xe, nàng suy nghĩ mung lung, với nhiều lo âu, bối rối. Việc mà nàng nghĩ trước sau gì cũng xẩy ra thì bây giờ nó đã đến, hơi sớm một chút.
Sau khi ba Vân mất cách đây dăm năm, mẹ Vân dọn về ở với vợ chồng nàng. Qua một thời kỳ thích nghi với hoàn cảnh mới, nếp sống mới của người góa phụ, bà cụ dọn ra ở riêng.
Cụ tới khu người già trong khuôn viên chùa Linh Sơn. Cụ nói lên đây ở đi lễ bái cho gần, lại có mấy cụ già luẩn quẩn với nhau cho vui. Nhất là có hai người bạn học từ thuở xưa ở Kiến An, mà họ thường hay liên lạc chuyện trò.
Khu người già được lập ra từ hơn mười năm, có 40 phòng, dành cho các cụ độc thân, còn đủ sức khỏe, đi lại được, còn tự chăm sóc ăn uống, giặt giũ. Các cụ sống hợp quần với nhau rất vui. Ngày ngày các cụ lên chùa lễ bái, tụng kinh rồi làm công quả. Lâu lâu nhà chùa tổ chức đi thăm viếng đây đó hoặc đi lễ hội chùa tỉnh khác. Đôi khi trời mưa, các cụ ở nhà rủ nhau làm vài hội chắn để tiêu khiển, giải trí..
Nhưng từ trong thâm tâm thì cụ không muốn phiền con cháu quá lâu. Từ trước tới nay cụ là người rất hoạt động, phải nói là đảm đang nữa. Cùng chồng, cụ đã nuôi nấng, gây dựng cho sáu mặt con từ khi còn ở trong nước tới khi sang đây. Cháu nội ngoai các cụ có hơn một tá.
Mọi việc xuôi sẻ cho đến ngày hôm nay.
Thực ra thì từ năm ngoái, cụ đã không được khỏe lắm. Huyết áp lên cao, các khớp xương thì mỗi khi trái gió, trở trời là đau nhức, khiến cụ mất ngủ. Có đêm, cụ chỉ ngủ được có vài ba giờ, nên ban ngày mệt và hay kêu chóng mặt.
Cách đây ba tuần cụ phải nằm bệnh viện mất mươi ngày vì sưng phổi. Sau khi xuất viện, vợ chồng Vân muốn mời cụ về ở chung một thời gian cho khỏe nhưng cụ một mực từ chối, nói không sao. Vân đã cho anh chị em biết về tình trạng của cụ và mọi người định là tháng tới sẽ về để cùng thảo luận coi nên làm gì.
Tơi nhà thương, Vân được cô y tá cho hay tự sự. Số là sáng nay, mấy ông bà hàng xóm sang rủ cụ lên chùa tụng niệm, như lệ thường. Gõ cửa không ai có tiếng trả lời, một lão ông bèn đẩy cửa bước vào. thấy mẹ Vân nằm phục dưới đất, cạnh bàn điện thoại, nét mặt nhăn nhó. Cụ sửa soạn lên chùa thì bị một cơn chóng mặt, xỉu đi và ngã xuống nền nhà. Cụ cố với tới điện thoai để kêu cứu, nhưng đau quá, không lết thêm được.
Bác sĩ đã khám, chụp hình thì thấy cụ bị gẫy xương hông. Cụ hiện đang nằm trong phòng cấp cứu. Bác sĩ chờ thân nhân tới để thảo luận vì cụ cần được giải phẫu ngay.
Vân vào phòng, thấy mẹ nằm thiu thiu mà nước mắt trào ra. Da mặt bà cụ xanh nhợt, vẫn còn phảng phất nét đau đớn. Vân nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, để mẹ tiếp tục ngủ. Nhìn mẹ mà lòng vân bối rối. Cả trăm vấn đề hiện lên trong đầu Vân. Sau giải phẫu, mẹ sẽ ra sao? Liệu có đi lại được không? Huyết áp cao, bệnh phong thấp hoành hành, lại mất ngủ thì sức khỏe chắc là phải sa sút.
Mấy tháng trước, khi vợ chồng Vân đến thăm, thấy cụ cứ than là ăn không ngon miệng, nên đôi khi chẳng thèm nấu cơm, mà chỉ uống ly sữa cho khỏi đói bụng. Coi tủ lạnh, Vân thấy mấy món ăn thiu đã lên men. Vào buồng tắm thấy nước vặn bỏ quên không khóa. Vợ chồng Vân đã lo ngại...
Rồi Vân nghĩ tới hoàn cảnh của mình.
Trong sáu người con, Vân là người duy nhất ở gần mẹ. Mà bà cụ vẫn có cảm tình đặc biệt với Vân, nên trước sau cụ vẫn nói là mai mốt nếu cần "tao chỉ ở với vợ chồng con Vân thôi. Nó bướng bỉnh nhưng có lòng".
Vợ chồng Vân được hai trai một gái đã vào đại học nên cũng nhẹ gánh. Vân mới được lên chức và trong tương lai gần, sở sẽ cho nàng đi học thêm để lấy bằng chuyên môn. Vân đã sắp xếp như vậy cho mình. Chồng nàng thì cứ vài tháng phải đi công tác xa mươi ngày.
Bây giờ, cơ sự sẩy ra như thế này, mọi dự tính của Vân đều phải xét lại. Để chờ cụ giải phẫu xong rồi tuần sau anh chị em về sẽ tính. Nhưng Vân có linh tính rằng nàng sẽ là người đứng mũi chịu sào. Mẹ mình vẫn muốn vậy, nàng tự nhủ...
Bà cụ chợt tỉnh giấc, mở mắt. Nhìn thấy Vân, Cụ gượng cười. Và trong đôi mắt của mẹ, Vân đọc thấy những nét thất vọng, sợ hãi, chịu thua...
Trường hợp của chị Vân là một trong cả trăm ngàn trường hợp tương tự.
Tuổi thọ con người kéo dài lâu hơn. Số những người cao tuổi mỗi ngày mỗi gia tăng. Sức khỏe người già có khá hơn nhờ các cụ biết giữ gìn nếp sống cũng như được cung cấp dịch vụ y tế, thuốc men đầy đủ.
Nhưng một cơ thể lâu đời vẫn có những thay đổi tự nhiên theo chiều đi xuống cộng thêm những bệnh kinh niên, những tai nạn bất ngờ, với hồi phục chậm chạp. Biết bao nhiêu mất mát đã chồng chất lên niên kỷ, những xói mòn làm mong manh thân xác.
Dù vậy nhiều người già vẫn gắng gượng tự lo, chưa muốn phụ thuộc vào các con. Họ cũng có những kiêu hãnh riêng tư, những niềm tự trọng, đôi khi cũng chỉ e ngại "cảnh cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày ". Nhưng sức gắng gượng chỉ có hạn, rồi một ngày nào đó cũng yếu đi. Như căn nhà tranh trước gió bão, cần được chống đỡ.
Và cũng là lúc con cái phải suy nghĩ, xem ai sẽ là người lãnh trách nhiệm. Chắc phải là người có thiện chí, có điều kiện, khả năng và hoàn cảnh thuận tiện.
Phục vụ thân nhân cao tuổi là một vinh dự cho con cái đồng thời cũng là vấn đề quan trọng của nhiều xã hội hiện nay, khi mà người đàn bà phải xông pha kiếm cơm toàn thời gian. Nó ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều lãnh vực khác. Sẽ có nhiều người vắng mặt ở sở hoặc đi làm trễ; sẽ có dùng nhiều điên thoại để lấy hẹn bác sĩ, gọi mua thuốc. Nhiều nhân viên tới sở than phiền mỏi mệt mất ngủ. Tai nạn tại chỗ dễ sẩy ra. Thay đổi việc làm nhiều hơn. Và số người bị trầm cảm, đau ốm sẽ gia tăng.
Trong thực tế thì có rất ít gia đình đã sửa soạn sẵn để giải quyết việc chăm sóc cha mẹ khi về già. Nhiều việc xẩy đến bất thường, đòi hỏi có quyết định ngay.
Ông bố đang có sức khỏe tốt, đột nhiên bị tai biến não, liệt nửa thân, nằm bất động cần giúp đỡ với nhu cầu căn bản, thiết yếu hàng ngày: ăn uống, tắm rửa, đại tiểu tiện, cho uống thuốc... Con dâu đang vừa đi làm vừa trông nom bà mẹ chồng, giờ đây con dâu cũng thường đau ốm. Ai là người sẽ lãnh trách nhiệm săn sóc ông bố ? Ai sẽ tiếp tay với mình trông nom mẹ chồng?
Theo kinh nghiệm thì dù có nhiều anh chị em, nhưng trách nhiệm chăm sóc không đồng đều chia sẻ khi bố mẹ cần. Có thể là người con gái lớn với cả một bầy con hoặc cô út chưa đi ở riêng, hoặc nàng dâu nhà ở gần bố mẹ. Đôi khi là cậu con trai cưng, Nhưng thường ra thì chỉ có một người đóng vai chính, thường xuyên.
Nói như vậy không có nghĩa lã không có chia sẻ về tài chánh, về công việc chăm sóc mà qua người này mọi việc được giáo phó, phối hợp và thông báo cho người khác khi cần. Một tiểu gia đình cộng thêm hai cụ thân sinh. Thế hệ người chăm nuôi được ví như thế hệ của một chiếc " bánh mì kẹp chả" , với trách nhiệm làm cha mẹ, bổn phận làm con và đời sống riêng tư của mình.
Nói đến người săn sóc thường thường là ta nghĩ đến vai trò của người phụ nữ: con gái, con dâu, chị em, cháu. Cũng chẳng ai hiểu tại sao. Có lẽ đó là thiên chức của họ sinh ra với những nét dịu dàng, nhậy cảm, những quan tâm, linh động, nhất là đức tính hy sinh, thông cảm để chăm sóc chồng con, bố mẹ. Điều đó cũng đúng vì việc tề gia nội trợ, việc chăm sóc nâng niu thì làm mà sao qua khỏi tay các bà được.
Cho nên khi một bà cụ khoe "tôi ở với con trai " thì thực ra phải hiểu là bà cụ đang ở với con dâu mới công bằng, chính xác. Đàn ông cũng làm được công việc đó nhưng tổng quát hơn, sắp đặt nhiều hơn là đi vào chi tiết. Mà những chi tiết mới là điều mà người phụ thuộc cần và quan trọng đối với họ.
Người đàn bà có chín tháng mười ngày sửa soạn để đón chào đứa con ra đời, nhưng họ không có một phần mười thời gian đó để sẵn sàng cho trách nhiệm nuôi cha nuôi mẹ .Vì sự việc xẩy ra không lường trước.
Vả lại, nuôi con là thấy mỗi ngày nó vươn ra khỏi vòng phụ thuộc, còn nuôi bố mẹ già thì nhu cầu giúp đỡ mỗi ngày mỗi tăng, mỗi đi sâu vào sự lệ thuộc. Nhiều người như bơi lội quay cuồng trong vai trò mới của mình. Kinh nghiệm chưa có, làm sao học được cách thức điều dưỡng trong vài ngày. Tài chánh giới hạn. Sức khỏe kém. Công việc trở ngại. Ngoài việc làm kiếm gạo, mỗi ngày cũng phải dành ra vài giờ cho việc săn sóc. Họ cảm thấy cô đơn, buồn chán, nhiều khi bực bội, bất mãn, tuyệt vọng. Không còn riêng tư cho mình. Tương lai như ngưng lại. Họ mủi lòng cho người thân, người mà bạn đường đã sớm bỏ ra đi, sức khỏe đang hao mòn và biết rằng đang là gánh nặng cho con cháu.
Tình nghĩa gia đình, lòng hiếu thảo, mặc cảm chịu ơn là những hỗ trợ để người chăm sóc tiếp tục. Họ nghĩ là có bổn phận phải chăm sóc cha mẹ như cha mẹ đã nuôi nấng, trìu mến họ.
Nhưng dù có cứng nhưng cũng có ngày ngả nghiêng trước gió táp. Những chia xẻ trách nhiệm, những giúp đỡ từ anh chị em, thân nhân đã tới lúc cần có vì việc chăm sóc là trách nhiệm chung của cả gia đình.
Thường thì một người tình nguyện chăm sóc thường xuyên. Còn người khác phụ giúp khi được yêu cầu hay khi có cơ hội thuận tiện. Sắp xếp sao để tránh khỏi một người bị kiệt sức. Hoặc đưa tới bất hòa giữa anh chị em. Một người mẹ có thể chăm sóc cả bầy con mười đứa, nhưng khi mẹ già thì mười đứa con không chăm sóc được một mẹ. Kể cũng éo le, tội nghiệp.
Sau một thời gian cố gắng, người chăm nom bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn. Đôi khi họ cố tình gạt bỏ những nhu cầu riêng, quên những đau ốm cá nhân để lo cho người thân yêu. Có người từ chối sự tiếp tay của anh chị em hoặc bạn bè, nhóm hội. Họ cứ nghĩ có đủ sức làm mọi việc và nếu nhận sự tiếp tay là thú nhận thất bại, kém khả năng. Có người cho là chỉ có mình mới chăm sóc chu đáo, không tin ở người khác.
Để rồi kiệt sức, ngã bệnh. Thử tưởng tượng một người không có sức khỏe dồi dào, săn sóc một người không khỏe lắm, thì chắc kết quả cũng chẳng được mấy hoàn hảo, như ý muốn của đôi bên.
Theo mấy ông bà thống kê thì người cống hiến chăm sóc bị ba lần trầm cảm, bốn lần bực bội, cau có hơn người nhận. Họ bất mãn vì đã cố gắng hết mình mà tình trạng người thân mỗi ngày mỗi suy kém, nên họ phải cố gắng hơn trong việc chăm sóc. Họ có cảm tưởng như mình là người duy nhất có thể trông nom chu đáo được cho người thân, luôn luôn e ngại rằng sự săn sóc của anh chị em sẽ làm cha mẹ già suy yếu hơn.
Đôi khi họ thấy không có được một thì giờ dành cho mình, một chút riêng tư với chồng con. Rồi tính tình thay đổi, hay cau có, bực tức, giận dỗi vu vơ; cảm thấy khó chịu với người mình đang trông nom, đã chẳng chịu hợp tác lại còn bướng bỉnh, đòi hỏi.
Lâu lâu họ thấy trong người mệt mỏi, ngủ không được. Nhiều sáng họ sợ không dám thức dậy, sợ phải đương đầu với những thường lệ mỗi ngày lại diễn ra.
Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc cũng gây trở ngại cho công việc làm ăn, cho đời sống giao tế hàng ngày. Và đôi khi họ không còn thấy vui vẻ kiêu hãnh về trách nhiệm của mình, hoặc cảm thấy tội lỗi về những ý nghĩ không tốt của mình đối với người thân.
Rồi một lúc nào đó ngã bệnh, buông xuôi...
...Để tiếp tục chăm lo cho mẹ, Vân đã dành cho bản thân chị một vài chăm sóc, nhân nhượng. Vân đã như nghe thấy từng thớ thịt kêu gào với Vân, cho tôi nghỉ chút xíu chứ, bạn đã sử dụng quá sức lao động của tôi để phục vụ bà cụ rồi đó!
Vân đã sẵn sàng, dễ dãi tiếp nhận sự giúp đỡ của anh chị em.
Cô Lan ơi, tuần sau lên đón mẹ về với em, đỡ hộ chị mươi ngày nhé, anh chị định đi xả hơi ngoài biển. Anh Hoan ơi, bác sĩ nói mẹ cần uống thêm sữa đậu nành, hay là anh nói với chị làm hộ em mỗi tuần vài lít nhé.
Chị đã xen kẽ xả hơi và chăm sóc để duy trì sinh lực, lấy lại nhiệt tâm.
Dạo này Vân để ý đến ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn. Ngày nào chị cũng dành 15 phút để vận động cơ thể.
Nàng lo nhất là bị rối loạn giấc ngủ. Ban đêm nhiều khi Vân phải thức dậy giúp đưa mẹ vào phòng tắm, lấy miếng nước, viên thuốc cho mẹ. Vân biết là mất ngủ sẽ mau đưa tới mọi tiêu hao tinh thần thể xác.
Chị cũng đã nghĩ đến một ngày nào đó phải cần đến sự giúp đỡ của vài tổ chức trong cộng đồng tôn giáo, xã hội, những nhóm hỗ trợ tư nhân.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là nói chuyện với anh chị em. Để phân chia công việc săn sóc, phụng dưỡng người mẹ cô đơn được chu đáo trong những năm tháng còn lại của Mẹ...
Vì " Mẹ già như chuối chín cây". Rụng lúc nào, không biết.
Cũng như Cha đã về nguồn cách đây mấy năm.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
'Để viện dưỡng lão không thành nơi giam cầm tuổi già'
CM 2021-04-27
Thay vì hy
sinh chất lượng sống tuổi già để xây dựng một môi trường 'an toàn tuyệt đối',
viện dưỡng lão cần thay đổi để giống 'nhà' hơn.
Ông ngoại
tôi vừa qua đời. Thực ra, ông đã chậm rãi rời cõi sống từ khoảng chục năm nay.
Căn bệnh Parkinsons khiến ông không thể mở mắt hay nói chuyện được. Đã lâu rồi,
con cháu chúng tôi không còn biết ông đang nghĩ gì, hay thậm chí ông còn tỉnh
táo hay không?
Từ khi ông mất,
tôi đã nghĩ nhiều về cách chúng ta đối xử với người già vào những năm tháng cuối
đời của họ. Dù ai trong chúng ta cũng từng nghe chuyện một bà cụ 97 tuổi vẫn
còn khỏe mạnh và minh mẫn, sự thật thì những người này chỉ là trường hợp hiếm
hoi. Nhà văn Phillip Roth từng viết: "Tuổi già không phải là một cuộc chiến.
Tuổi già là một cuộc thảm sát".
Từ tuổi 40,
bạn sẽ mất dần cơ bắp. Năm 80 tuổi, bạn sẽ mất khoảng 1/4 đến một nửa lượng cơ
bắp trong cơ thể. Đây là chuyện bình thường. Ăn uống điều độ và rèn luyện có thể
trì hoãn nhưng không ngăn cản được quá trình lão hóa. Phổi sẽ mất dần dung
tích. Ruột và dạ dày sẽ chậm lại. Não sẽ teo dần. Khả năng xử lý thông tin sẽ mất
dần từ trước tuổi 40 (đây là lý do tại sao mà các nhà Toán học và Vật lý học
thường cho ra đời những công trình xuất sắc nhất khi họ còn trẻ).
40% dân số ở
độ tuổi 85 mắc bệnh đãng trí. Không có người già nào có thể sống hoàn toàn độc
lập. Xác xuất để một người già được sống cùng con cháu tỷ lệ thuận với số lượng
con cái mà người này có, đặc biệt là việc họ có con gái hay không, và con gái
út thường là người phải chăm sóc bố mẹ nhiều nhất (tôi nghĩ "trọng nam
khinh nữ" là tư duy khá hài hước trong một xã hội mà ai ai cũng muốn được
sống cùng con cháu).
Những người
chỉ có một con hay "chẳng may" sinh ra toàn con trai thì có
"nguy cơ" cao là bị đưa vào viện dưỡng lão. Khi số con cái trung bình
của mỗi gia đình giảm xuống, và phụ nữ được tự do lựa chọn hơn, số lượng người
sống trong viện dưỡng lão sẽ tăng.
Vậy tại sao
người Việt sợ viện dưỡng lão đến vậy? Tôi nghĩ rằng không phải người Việt sợ viện
dưỡng lão hơn phương Tây, mà vì nhiều viện dưỡng lão ở ta giống một nơi trông
giữ người già hơn là một căn nhà bình thường, nơi bạn có thể vui vẻ dành những
năm tháng cuối đời của mình. Tôi đã thăm cả viện dưỡng lão ở Anh và Việt Nam và
thấy sự khác biệt rõ ràng này.
Đên một viện
dưỡng lão ở trong nước, giá thành một giường ở viện này vào khoảng 7,5 triệu đồng/
tháng. Tôi thấy ở đây, họ đặt an toàn của người già lên trên hết và được thiết
kế rất giống nhà trẻ, tức cổng có bảo vệ, ở xa khu dân cư; tất cả các hoạt động
(khi nào thức dậy, ăn uống, đi toilet, xem phim, chơi trò chơi, ngủ...) đều
theo thời khóa biểu. Một phòng có thể có bốn cụ, mỗi giường chỉ được ngăn cách
bởi một tấm màn mỏng. Không cụ nào tự nấu ăn.
Có thể nói,
đây là một trong những nơi ảm đạm nhất mà tôi từng thấy. Tôi nhận ra rằng, những
viện dưỡng lão như thế này được xây dựng để thành nơi con cháu có thể yên tâm gửi
gắm ông bà (làm sao ông bà có thể ngã hay gặp tai nạn được khi mọi hoạt động bị
kiểm soát 24/7?), chứ không phải nơi người già có thể được sống vui vẻ. Người
già sẽ được vui hơn nếu được ra thám thính phố phường, nhưng viện phải giải
thích thế nào khi người già ngã ngoài đường và con cháu đến làm ầm lên?
Trong khi
đó, tôi đi hoạt động tình nguyện trong một viện dưỡng lão ở Anh, và thấy có nhiều
sự khác biệt đáng kể. Viện này thường xuyên khuyến khích người ngoài vào nói
chuyện, chơi trò chơi và kết bạn với các cụ. Chúng tôi cùng ăn uống, chơi
Domino và cá ngựa với các cụ hưu trí (các cụ rất kiên quyết muốn được tự lắc
xúc xắc và tự di chuyển cá ngựa của mình).
Họ cũng khuyến
khích các cụ được tự túc càng nhiều càng tốt, thậm chí người già được vào bếp nấu
ăn. Trách nhiệm của người làm trong viện phần lớn là nấu ăn, lau dọn và báo giờ
uống thuốc. Còn lại, các cụ thích đi ngủ lúc nào thì đi, thích ra rạp chiếu
phim thì ra, thích đi chơi tỉnh khác cũng được. Rất ít hoạt động theo thời khóa
biểu.
Gia đình và
người nhà cũng được giải thích về những rủi ro có thể xảy ra với người thân của
họ, và họ chấp nhận những rủi ro này để người già được vui vẻ hơn. Nếu đổi theo
tỷ giá PPP (tức đã chỉnh theo mức sống mỗi nước), giá thành một phòng ở đây vào
khoảng 10 triệu đồng/ tháng, không quá cao so với những viện dưỡng lão Việt Nam
hiện nay, mà các cụ vui hơn hẳn. Bảo hiểm xã hội ở Anh cũng chi trả cho những
viện như thế này.
Bác sĩ Atul
Gawande đã viết cuốn sách rất hay về tuổi già là "Ai rồi cũng chết".
Ông viết rất trung thực về thực tế cuối đời của phần lớn người già và những người
mang bệnh không còn chữa trị được, và về những thứ họ thực sự muốn. Ông mô tả
những viện dưỡng lão nhỏ chỉ khoảng tối đa 12 người, giống khu tập thể hơn là
viện, nơi các cụ có phòng riêng và khóa cửa riêng.
Thay vì đặt
an toàn lên trên hết, những viện này đặt chất lượng sống lên trên hết (thống kê
cho thấy là người già trong những viện này lại sống lâu hơn và vui hơn). Có cụ
hay ngã, viện vẫn cho cụ được tự đi lại, không ép cụ ngồi xe lăn. Có cụ đường
máu cao vẫn được thỉnh thoảng ăn bánh kẹo. Sinh viên và con em nhân viên y tá
được mời vào để trò chuyện và kết bạn với các cụ. Có viện có nuôi cả chó mèo và
vẹt.
Giám đốc viện
này kể rằng có cụ già trầm cảm, không nói chuyện và không động đậy gì hàng
tháng trời. Khi viện cho ông nuôi một con vẹt, ông bắt đầu thích thú chăm nom, tưới
tắm cho con vẹt của mình. Thay vì cảm thấy như mình vô dụng, ông được giao
trách nhiệm nuôi sống một sinh vật khác. Ông vui vẻ hơn, ăn nhiều hơn, bắt đầu
tự mặc quần áo, tự đi lại. Ba tháng sau, ông rời viện về nhà.
Người già rất
cần có lý do để sống, và ta hoàn toàn có thể giao cho họ một mục đích để sống
thay vì cứ đối xử với họ như trẻ con. Nhiều người già cũng muốn được tự do càng
nhiều càng tốt đến cuối đời (giống ông bà tôi, dù đã sống chung với con cháu
nhiều năm, nhưng cuối đời họ vẫn chuyển ra ở riêng cùng với một người chăm
sóc). Họ muốn có được cảm giác như mình vẫn có ích và không bị thành gánh nặng
của người khác. Viện dưỡng lão cần được cải tiến để chuyển từ "viện"
thành giống những "ngôi nhà" hơn.
Tôi nghĩ với
dân số đang già hóa nhanh, nhà nước và xã hội ta rồi sẽ phải nghĩ nhiều hơn về
cách chăm sóc người già một cách nhân đạo. Nếu viện dưỡng lão được thay đổi để
giống một "ngôi nhà riêng với người ở gần chăm sóc" hơn thay vì giống
"bệnh viện kiêm nhà trẻ" như hiện nay, tôi nghĩ tư duy về viện dưỡng
lão sẽ thay đổi nhanh chóng.
Người già sợ
chết ít hơn là họ sự những năm tháng trước khi chết: lãng tai, đãng trí, mắt mờ,
chân chậm, cuộc sống thưa dần những người bạn, mất sự tự do của bản thân, bị
coi là gánh nặng cho gia đình. Y học hiện đại đã kéo dài tuổi thọ và kéo rất
dài quãng thời gian mỗi người sống với sức khỏe yếu. Y tế hiện đại đến mức bác
sĩ thậm chí không còn có thể trả lời chắc chắn câu hỏi "bệnh nhân này có
đang chết không?".
Phần lớn mọi
người nghĩ mình sẽ chết ở nhà, nhưng phần lớn chúng ta sẽ chết trong bệnh viện.
Phần lớn mọi người sẽ cố gắng can thiệp y tế đến giây phút cuối cùng. Những lời
trăng trối như "đừng lo", "bố mẹ yêu con", hay "xin lỗi..."
càng ngày càng hiếm, vì người cận kề cái chết giờ đây đã "bị" can thiệp
y tế đến mức ít người còn đủ sức để nói.
Tóm lại,
thay vì hy sinh chất lượng sống để xây dựng một môi trường "phi rủi
ro" như hiện nay, viện dưỡng lão hoàn toàn có thể được thay đổi để giống
"nhà" hơn, gần cộng đồng hơn, và cho phép người già được tự do hơn.
Tôi hy vọng có doanh nhân nào đủ tài chính và tài năng để xây dựng những ngôi
nhà như thế này khắp đất nước, vì đây là dịch vụ mà trong tương lai đảm bảo sẽ
có nhu cầu rất cao.
https://www.thisiscm.com/article/1426821008628.html?fbclid=IwAR2CPr0UK6gcFglzK9xteW8uefsJ8b68i6c3kjsVpbzRquwpLNQVdema6jA
Chuyện Ở Mỹ: Chuyến Taxi Cuối Cùng Của 1 Đời Người
https://www.youtube.com/watch?v=MWGyWYBl9RI
2020
2021