Linh hồn và cõi âm
-Bài viết của bác sĩ Bùi Duy Tâm
BS Bùi duy Tâm là một người rất quen thuộc với giới trí thức , sinh viên
của Huế . Trước năm 1975 , ông có một thời gian làm khoa trưởng Đại Học
Y khoa Huế . Đó là một người rất đặc biêt và khác thường , thể hiện
bằng một số việc làm khác người ở trương ĐH Y khoa Huế như :
- thay hình tượng ông Tổ ngành Tây Y Hippocrate bằng Ông
Tổ ngành Y Việt nam Hải Thượng Lãn Ông - Lễ tốt nghiệp Bác
sĩ Y khoa Huế : thay vì sinh viên ra trường mặc toge
truyền thống , lại thay bằng áo dài xanh , khăn đóng
- Khuyến khích làm luận án Tiến sĩ Y khoa bằng đề taì Y học
Đông phương ( như Hà thúc Như Hỉ - em GS Hà như Chi - với luận án về hệ
thống huyệt đạo trên cơ thể con người .... - và một số vụ
việc trong nội bộ khác ... Sau một thời gian ngắn , chức khoa
trưởng ĐH Y Khoa Huế được trao cho BS Lê bá Vận cho đến năm 1975
) ( Bài " Linh hồn và cõi âm " được lấy từ nguồn : trang
Web www. saigonocean.com
( ở hải ngoại ) , số tháng 6 / 2011 ) Linh Hồn Và
Cõi Âm Bùi Duy Tâm Người ta đã sinh ra thì tất sẽ
chết. Nên mọi người đều rất quan tâm và đa số sợ chết. Do đó sinh ra các
triết nhân và triết thuyết về cái chết, các thánh nhân và tôn giáo về
thiên đàng, địa ngục, các mê tín dị đoan về ma quỷ. Chúng tôi cũng như
mọi người thường suy nghĩ về Cái chết, về Linh hồn, về Cõi đời sau khi
chết nhưng hơi nhiều hơn mọi người. Tôi, Bùi Duy Tâm, sinh ra trong một
gia đình ba đời theo Đạo Thiên Chúa, đã đọc Thánh Kinh (Cựu Ước và Tân
Ước) ba lần, đi nhà thờ rất đều mỗi sáng chủ nhật cho đến năm 30 tuổi.
Sau này làm bạn tâm giao với cố Linh mục Bửu Dưỡng và Hoà thượng Thích
Mãn
Giác, nên tôi có điều kiện đàm luận về Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo.
Tôi đã được hiểu cái tinh tuý của Lý Dịch và Đạo Nho với cố Bác sĩ
Nguyễn Văn Ba. Tôi đã đọc rất kỹ các cuốn Tử Thư của Ai Cập và Tây Tạng
cũng như nhiều sách khác cùng loại. Tôi đã sang Ai Cập, Ấn Độ, Tây Tạng…
để tìm hiểu thêm về Huyền Bí Học và Siêu Hình Học. Nhưng tất cả đều mù
mờ về “Linh hồn” và “Cõi đời sau khi chết”. Không có đủ chứng cứ cụ thể
có thể thuyết phục tôi. Tôi không chấp nhận các giáo điều của chính trị
và tôn giáo. Tôi không yên tâm với tín ngưỡng và chán ngấy các loại sách
viết huyên thuyên xích đế chẳng có gì cụ thể. Tôi trở thành một
người theo phái bất khả tri: “Con người nhận biết thế giới và
vũ trụ với khả năng rất giới hạn nên không thể biết được sự tuyệt đối
về Thượng Đế, Linh hồn và Cõi đời sau khi chết”.Và như vậy, việc nghiên
cứu tìm hiểu sự hiện hữu của Linh hồn và Cõi Âm của tôi chưa đi đến đâu
cả, chưa thấy một sự kiện gì đủ thực tế để bấu víu. Đầu thế kỷ 21, tình
cờ cầm tờ Y Tế Nguyệt San số 5, tháng 5, 2001 của Hội Y Sĩ Việt Nam tại
Hoa Kỳ và đọc bài viết “Thế giới vô hình và việc tìm kiếm mồ mả ở Việt
Nam” của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên (nguyên Phó thủ tướng đặc trách Văn hoá,
Giáo dục, Y tế, Xã hội thời Việt Nam Cộng Hoà). Trong bài báo, Bác sĩ
Viên tả lại việc tìm mộ gia đình của Kỹ sư Trần Lưu Cung (nguyên Tổng
giám đốc Giáo dục kỹ thuật và Thứ trưởng
Đại học thời Việt Nam Cộng Hoà) do hướng dẫn của các nhà ngoại cảm (ông
Ngà, cậu Liên, cậu Nguyện…). Các nhà ngoại cảm tìm mộ đều nói chính
vong linh của người quá cố đã chỉ cho họ những chi tiết để hướng dẫn gia
đình tìm mộ. Đặc biệt trong bài báo, Bác sĩ Viên còn đề cập đến bài tự
thuật “Tôi đi gặp người thân đã mất (vong) tại nhà cô Phương ở Bắc cầu
Hàm Rồng tỉnh Thanh Hoá. Ông Nguyễn Hùng Phong. Ông Phong đã tường thuật
lại việc ngày 16-12-1999 đến nhờ cô Phương giúp cho được gặp lại vong
linh của vợ là bà Vũ Thị Hạnh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục quận Hoàn
Kiếm, thành phố Hà Nội, đã mất đột ngột tại nơi làm việc tháng 3 năm
1999 do bệnh tim... Sau khi đọc xong bài báo, tôi mừng quá, liền gọi
điện
thoại ngay cho ông Trần Lưu Cung. Ông Cung xác nhận sự kỳ diệu của việc
tìm mộ và còn gửi cho tôi xấp tài liệu riêng của gia đình kèm theo rất
nhiều hình ảnh.Như vậy là đề tài “Linh hồn và Cõi âm” đã có cơ hội hé mở
sau bao thất vọng. Còn đợi gì nữa mà không về Việt Nam , đến cầu Hàm
Rồng để tìm gặp cô Phương cho ra nhẽ? *Tháng 10 năm 2003 tôi về Hà Nội
để làm lễ Cửu Tuần Đại Thọ cho mẹ tôi. Tới Hà Nội đêm hôm trước, thì
sáng sớm hôm sau tôi lên đường đi Thanh Hoá để gặp cô Phương. Tôi mời mẹ
tôi đi cùng, lấy cớ đưa mẹ đi Sầm Sơn để ôn lại các kỷ niệm xưa. Trước
khi rời Hà Nội, mẹ con tôi ghé lại tiệm may áo dài. Tôi mang từ Mỹ về
xấp vải nhung đỏ để may cho mẹ một áo dài mặc trong lễ
Cửu Tuần Đại Thọ sắp tới. Trên đường đi Thanh Hoá, tôi ghé vào em Bùi
Duy Tuấn nhằm cầu xin cha tôi (mất năm 1990 tại Sài Gòn) về điện cô
Phương, cầu Hàm Rồng để các con và mẹ được gặp cha. Chúng tôi không dám
nói với mẹ mục đích của chuyến đi vì mẹ tôi sùng Đạo Chúa (Tin Lành),
không chấp nhận những chuyện “ma quỷ” như vậy. Khi đến nơi, hai anh em
tôi thấy quang cảnh đúng như trong bài báo của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên:
Khoảng 30-40 người ngồi im lặng, nghiêm chỉnh, có vẻ lo âu chờ đợi trước
một cánh cửa đóng kín. Một người đàn bà (sau này tôi biết là chị chồng
cô Phương) dáng mập ngồi chắn trước cửa, thỉnh thoảng hô lên “Nhà ai có
vong tên… thì vào”. Thế là vài ba người hay dăm bảy người mừng rỡ hấp
tấp đi vào… Chúng tôi mời mẹ vào ăn sáng tại một nhà nghỉ khá lớn ở
ngay trước điện cô Phương (nhà nghỉ này của nhà chồng cô Phương tiếp các
khách ở xa đến phải chờ đợi vong nhà mình có khi tới ba ngày, cả tuần
lễ hay đôi khi thiếu may mắn không gặp được vong, đành phải ra về tay
không). Hai anh em tôi lén đi thắp nhang trước điện để cầu khẩn cha tôi
về theo thủ tục như mọi người. Thỉnh thoảng cửa hé mở để dăm ba người đi
ra. Người thì tỏ ra hớn hở. Người thì nước mắt sụt sùi. Tôi sốt ruột đi
hỏi xem có phải đăng ký hay làm thủ tục gì nữa không, thì mọi người đều
xác nhận không phải làm gì cả, mà cứ kiên nhẫn ngồi chờ. Khi vong nhà
mình về thì người ta gọi vào.Tôi thắc mắc là tôi chưa khai tên của
cha tôi thì ai biết mà gọi. Mọi người cười, chế nhạo tôi là hỏi thật
ngớ ngẩn! Chúng tôi chờ từ 10 giờ sáng đến ba giờ chiều thì người đàn bà
ngồi trước cửa đứng lên nói to: “Cô Phương nghỉ làm. Xin mời quý vị
ngày mai trở lại”. Thế là anh em tôi ngao ngán cùng với vài ba chục
người đứng dậy ra về. Chúng tôi đưa mẹ ra Sầm Sơn nghỉ ngơi và thăm lại
cảnh xưa chốn cũ. Thật cảm động khi trở về nơi mà tôi đã sống những ngày
thơ ấu cách đây hơn nửa thế kỷ (gần 60 năm).Sáng hôm sau chúng tôi trở
lại điện cô Phương. Lần này chúng tôi phải thú thật với mẹ chuyện hai
anh em đang làm. Mẹ tôi dẫy nảy lên: “Đến chỗ ma quỷ! Tao không vào
đâu!”. Chúng tôi lại phải đành mời mẹ ngồi ăn sáng ở nhà nghỉ như ngày
hôm trước.. Lần này tôi sốt ruột lắm rồi. Tôi đi ra đi vào, hỏi chuyện
người này người nọ. Tôi gặp bố mẹ chồng cô Phương. Ông Nghinh (bố chồng)
mời tôi uống nước, đang kể chuyện cô Phương thì bỗng nghe có tiếng gọi:
“Bà Tỉnh đâu, người nhà ông Tỉnh đâu?” (cha tôi tên là Bùi Văn Tĩnh,
nhưng vì nói giọng Thanh Hoá nên nghe gọi tên là Tỉnh). Phải gọi đến vài
ba lần thì anh em tôi mới biết là gọi mình. Tôi chạy tới cánh cửa. Em
Tuấn chạy ra hối hả gọi mẹ: “Mợ ơi, Cậu về gọi mợ đấy!”. Mẹ tôi hốt
hoảng đứng bật dậy chạy theo em tôi, quên mất lập trường chống ma quỷ
của mình. Qua cánh cửa, chúng tôi bước vào một căn phòng khá rộng rãi,
trống rỗng. Ngoài cái bệ trên tường để trái cây và các phong bì (chắc là
tiền thưởng), thì không có bàn thờ hay trang trí gì khác của một cái
am, cái điện. Cô Phương ăn mặc diêm dúa như các cô gái Hà Nội, mặt hoa
da phấn, đang ngồi tỉnh táo trên chiếu cùng với một gia đình đông trên
chục người. Cô cất tiếng: “Gọi mãi mà các bác không vào, nên vong nhà
khác tranh vào trước. Thôi, các bác vui lòng ngồi chờ nhé!” Thế cũng
tốt, chúng tôi có dịp được quan sát thêm. Cô Phương gọi tên hết người
này đến người nọ trong gia đình ngồi chung quanh cô. Khi gọi trúng tên
ai thì giơ tay thưa: “Dạ, con đây (hay em đây, cháu đây…)”. Và người đó
nói chuyện với vong (qua miệng cô Phương). Tôi nghe thấy đa số trả lời:
“Dạ, đúng vậy…” có vẻ cung kính lắm. Có một chuyện cười ra nước mắt.
Vong gọi: “Thằng Thanh
đâu?”. Một thanh niên chừng 25 tuổi đứng bật dậy: “Dạ, con đây!”. Vong
nói: “Mày không biết thương vợ con. Mày tằng tịu với con Mai ở cùng cơ
quan”. Chàng thanh niên sợ hãi líu ríu nhận tội. Người phụ nữ ngồi cạnh
(chắc là vợ) oà lên khóc nức nở. Sau gần một giờ, gia đình đó mới kéo
nhau ra. Bỗng cô Phương nhìn chằm chằm vào mẹ tôi rồi kêu to lên: “Mợ
ơi! Con của Mợ đây! Thắng đây! (Thắng là đứa em út của chúng tôi, mất
lúc chưa đầy một tuổi).Mẹ tôi vừa xúc động vừa ngạc nhiên: “Trời ơi! Con
tôi… Nhưng con mất từ hồi mới… tám tháng…” Vong nói qua miệng cô
Phương: “Bây giờ con lớn rồi. Hôm qua con biết Mợ và hai anh đến, nhưng
con phải đi mời Cậu. Cậu không chịu về. Con phải nói: Mợ già yếu, còn
anh
Tâm ở xa về nên Cậu mới chịu. Cậu và Ông Nội cũng về đây với con” Rồi
quay sang phía hai anh em tôi, cô Phương nói: “Hai anh chẳng nhớ gì đến
em. Hai anh chỉ khấn Cậu thôi!”.Đúng vậy! Chúng tôi đâu có nghĩ đến
thằng em út đã mất từ lúc tám tháng. Thật bất ngờ cho chúng tôi.Quay trở
lại mẹ tôi, cô Phương nói: “Con thích tên là Bùi Duy Thắng như các anh
con là Bùi Duy Tâm, Bùi Duy Tuấn. Sao Mợ lại đặt tên con là Bùi Tất
Thắng?”. Mẹ tôi luống cuống: “Tại bố con đấy! ”. (Hồi đó cả nhà trách bố
tôi vì đặt tên thằng út là Tất Thắng. Tất còn có nghĩa là hết, tức là
chết. Nên nó mới mất sớm. Nhân tiện tôi nói thêm là việc đặt tên rất
quan trọng, còn quan trọng như thế nào thì tôi không biết. Nhưng tôi có
biết
ông Đỗ Trí ở Sơn Tây có tài chỉ cần đọc tên là ông biết con người ấy
như thế nào, như xem chỉ tay hay số tử vi vậy.) Vong em tôi nói tiếp qua
cô Phương: “Thôi, Mợ đã khắc tên con trên bia mộ rồi!”Đúng thế. Tên em
tôi đã được khắc trên bia mộ, nằm cạnh ông bà ngoại tôi trong nghĩa
trang Bất Bạt.Đến lượt bố tôi vào. Vong bố tôi qua thân xác cô Phương
nắm tay mẹ tôi, rồi nói: “Hơn mười năm rồi mới gặp lại bà. Tôi nhớ bà
lắm…”. Mẹ tôi khóc nức nở. Chúng tôi cũng khóc. Bố tôi bỗng trách đùa mẹ
tôi: “Bà diện lắm! Mới đi may áo đỏ…” Trời ơi! Sao bố tôi biết nhanh
thế? Trong gia đình tôi đã có ai biết chuyện may áo đỏ của mẹ tôi đâu!
Tôi mới về Hà Nội tối hôm trước thì sáng hôm sau trên đường đi
Thanh Hoá ghé qua tiệm may, bỏ xấp vải nhung đỏ để may áo cho mẹ kịp
mặc vào Lễ Đại Thọ. Mẹ tôi đương líu ríu chống chế thì bố tôi bồi thêm
một câu đùa yêu tiếp: “Bà còn muốn tô son đánh phấn nữa!” Mẹ tôi rên rỉ:
“Cái gì ông cũng biết! Đúng rồi! Tôi vừa xin con cháu Trinh Hương, con
gái anh Minh, một chút son phấn để hôm Lễ Đại Thọ thoa một chút. Mặt mũi
răn reo quá, sợ thằng con trai cả của ông nó ngượng với bạn bè”.
(Chuyện này mẹ tôi giấu kín mọi người, trong khi anh em tôi không hay
biết gì, thế mà bố tôi cũng biết!)” Rồi cô Phương quay sang tôi: “Tâm
ơi! Cậu buồn quá vì chuyện con Hà nhà con. Nó lôi thôi với chồng nó thì
chỉ khổ cho ba đứa con thôi”. (Hà là con gái tôi. Chuyện của nó mới xảy
ra trước khi tôi
về Hà Nội. Vợ chồng tôi nghe phong phanh, nhưng chưa có dịp trao đổi
với nhau. Thế mà mọi chuyện người Âm đều biết, không giấu giếm được!)
Một lúc sau thì ông nội tôi về. Qua miệng cô Phương: “Tao là Bùi Văn
Khanh, ông nội đây. Cả bà nội Nguyễn Thị Ngọt cũng về đây!”Tôi vội thưa:
“Thưa Ông, con nghe anh Đại con cô Hai nói tên Ông là Khánh, nhưng lâu
ngày trên giấy khai sinh của Bố con mất dần dấu sắc, nên đọc là Khanh”
(cô Hai là chị ruột bố tôi.) Ông nội tôi gắt lên: “Tên tao là Khanh, chứ
không phải là Khánh”. Rồi quay sang mắng mẹ tôi: “Chị về làm dâu nhà
tôi mà không đoái hoài mồ mả tổ tiên nhà chồng. Từ ngày cưới chị, chị
chỉ về quê nội có một lần!”.Mẹ tôi sợ hãi chống chế: “Gia đình con ở Hà
Nội, Hải Phòng. Quê nội ở mãi Bái Đô, Lam Kinh – Thanh Hoá, nên đi lại
khó khăn. Và, con sinh con đẻ cái đều đều ba năm hai đứa nên không về
thăm quê được. Con xin nhận tội với ông bà”. Cứ như thế trong 90 phút
vui buồn, khóc lóc...Hai anh em tôi và mẹ hớn hở ra về. Có lẽ vì cao
hứng nên chúng tôi ghé thăm nhà thơ Hữu Loan, người bạn cũ ở Thanh Hoá.
Đáng nhẽ về thẳng Hà Nội, nhưng chắc còn luyến tiếc những giờ phút quý
báu xúc động buổi sáng đó nên chúng tôi quay trở ngược lại cầu Hàm Rồng
để chụp ảnh với cô Phương. Kỳ này mẹ tôi không phản đối nữa mà còn hăm
hở muốn gặp cô Phương. Cô Phương vui vẻ cho biết thêm: “Cụ ông lại vừa
về cho biết đã đăng ký chỗ dạy học cho bà rồi”Lại thêm một ngạc
nhiên: Mẹ tôi vốn là một giáo viên hồi hưu. Ngày xưa, mẹ tôi là người
đàn bà Tây học. Khi lấy chồng, sinh con thì ở nhà. Khi các con khôn lớn
thì bà mới đi dạy lại vì sự khuyến khích của bố tôi. Thôi, không còn
nghi ngờ gì nữa. Đúng là vong linh của bố tôi rồi! Lúc nào bố tôi cũng
muốn mẹ tôi sử dụng cái tri thức của mình. Ngày hôm đó là ngày trọng đại
của đời tôi. Tôi thấy cụ thể sự hiện hữu của Linh hồn và cõi âm. Dù cho
sau này cô Phương có nói bậy gì đi nữa, các cô gọi hồn khác, các nhà
ngoại cảm khác đôi khi có nói bậy vì mưu sinh thì kết quả của ngày hôm
đó vẫn không thể chối cãi được, nếu không nói là được tuyệt đối chấp
nhận. Khác nào như ta cố gắng gọi điện thoại cho người thân, đường dây
rất khó
khăn, rất xấu, nhưng chỉ một lần thôi ta nghe rõ tiếng người thân trò
chuyện với ta về những chuyện gia đình mà người ngoài không thể biết
được, thì cũng khá đủ cho ta biết rằng người thân của ta vẫn tồn tại.
Tuy ta không nhìn thấy được vì giới hạn của ngũ quan, nhưng người thân
quá cố của ta vẫn tồn tại với các ký ức, với các kỷ niệm dưới một dạng
nào đó mà ta không biết, ta tạm gọi là “Linh hồn”, trong một thế giới
nào đó mà ta cũng không biết, tạm gọi là “cõi âm” (để phân biệt với cõi
Dương mà ta đang sống) hay theo kiểu Tây Phương gọi là “Cuộc đời sau khi
chết” (“Life after death”) Sau này mỗi lần về thăm quê hương, tôi đều
đưa mẹ tới gặp cô Phương. Lần sau cùng mẹ tôi gặp cô ấy là cuối năm
2005. Khi
đó mẹ tôi vẫn còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Trước khi ra về, cô Phương nói
nhỏ với tôi: “Cụ ông nhớ bà lắm. Cụ ông sắp đưa bà về rồi.. Một cách
bình yên”. Ít lâu sau, mẹ tôi mất rất nhanh. Sau này tôi có gặp nhiều
nhà ngoại cảm khác ở Việt Nam, họ cũng có khả năng như cô Phương – cô
Bằng, cô Thao, cô Mến trên đường từ Hà Nội qua Hải Dương đến Hải Phòng.
Tôi cũng đã gặp các nhà ngoại cảm tìm mộ như Cậu Liên, anh Nguyễn Khắc
Bảy, cô Phan Thị Bích Hằng… Tôi cũng đã gặp các nhà khoa học nghiên cứu
về tâm linh như TS Nguyễn Chu Phác, GS Ngô Đạt Tam, GS Phi Phi, TS Ngô
Kiều Oanh… làm việc ở các cơ quan khác nhau. Tôi đã được đọc câu kết
luận của một tài liệu ở Việt Nam (không phổ biến công khai) như sau:
“Thế giới tâm
linh là có thật. Đó là một thực tế khách quan cần được các nhà khoa học
nghiên cứu nghiêm túc. Chúng ta hãy bình tĩnh, khách quan lắng nghe
những lời nhắn nhủ từ thế giới tâm linh để có cuộc sống nhân ái hơn,
lương thiện hơn”. Bùi Duy Tâm [ Nguồn : Trang Web :
Saigonocean.com ( ở hải ngoại ) , số tháng 6 / 2011 ] .
My blog is a gift for THANKSGIVING my parents/family, my teachers/collagues and my students/clients
Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013
Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013
2013 Lê Hiếu Đằng-
Sau hơn 45 năm chiến đấu trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, với 45 tuổi Đảng, những trải nghiệm cay đắng mà tôi cùng nhiều bạn bè nữa trong phong trào học sinh sinh viên trước 1975 đã chịu đựng, thôi thúc tôi phải “thanh toán”, “tính sổ” lại tất cả. Trong lúc nằm bịnh tôi đọc quyển Chuyện nghề của Thủy của đạo diễn Trần Văn Thủy, các truyện của các nhà văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Trần Dần và qua ti vi xem các chuyến đi thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Hàn Quốc, Myanmar (Miến Điện) lại càng giục giã tôi viết những dòng này. Các nhà văn đã cho tôi thấy thêm sự bi thảm của thân phận con người trong cái gọi là CNXH ở Miền Bắc, một xã hội không có bóng người. Chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không có những nghi thức cao nhất của một nguyên thủ quốc gia hay chuyến đi thăm Hàn Quốc, Myanmar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nếu đem so sánh các chuyến đi thăm Trung Quốc của các vị thì không khí hoàn toàn khác nhau. Một bên thì khô cứng, lạnh lùng của một nước lớn đầy tham vọng, một bên là không khí cởi mở, vui vẻ bình đẳng. Không biết các nhà lãnh đạo của ĐCS Việt Nam với lòng tự trọng dân tộc có “mở mắt” thấy điều đó không? Hẳn nhiên chúng ta không thể đòi hỏi Mỹ làm nhiều điều tích cực hơn bởi vì công bằng mà nói anh không thể “mở lòng” với một nước mà thái độ không rõ ràng, bất nhất.
Tất cả tình cảm của gia đình và bạn bè trong nước cũng như ở nước ngoài làm tôi suy nghĩ miên man trong lúc nằm bịnh càng khẳng định với tôi một điều: con đường mà tôi cùng nhiều bạn bè, đồng đội đã lựa chọn, con đường tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng thời trai trẻ và một xã hội công bằng tự do dân chủ. Ở đó con người sống với nhau một cách tử tế, thật sự được giải phóng từ người nô lệ thành người làm chủ của đất nước. Tôi ngày càng hiểu sâu sắc từ “GIẢI PHÓNG” không có nghĩa như ngày nay người ta thường dùng mà là sự thoát xác thật sự làm người tự do dù cho người cai trị là da trắng hay da vàng, thậm chí điều đau khổ, bi thảm nhất là hệ thống cai trị chính là người của dân tộc đó, là Việt Nam, là Trung Quốc, v.v. Nếu hiểu từ giải phóng theo ý thức sâu xa đó thì tôi cũng rất đồng tình với nhận xét của nhiều nhà báo, nhà văn, học giả ở Miền Bắc, trong đó có nhà báo Huy Đức trong cuốn Bên thắng cuộc mới đây. Thật sự là Miền Nam đã giái phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng… Vì những lẽ trên tôi xin “tính sổ” với ĐCS VN và với bản thân cuộc đời của tôi, tư cách một đảng viên, một công dân ở những điểm cơ bản sau: một cách minh bạch, sòng phẳng để từ đây thanh thản dấn thân vô cuộc chiến mới.
1. Vì sao tôi đi kháng chiến, vào ĐCS Việt Nam?
Vào thế kỉ trước, chủ nghĩa Marx, CNXH, CNCS đã làm say mê biết bao trí thức, văn nghệ sĩ ở các nước, nhất là ở nước Pháp, cái nôi của khuynh hướng xã hội, dân chủ mà cả thời kỳ ánh sáng với các tên tuổi như Montesquieu, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, v.v. với khát vọng xây dựng một xã hội bác ái, tự do, bình đẳng. Chủ nghĩa Marx, CNXH, CNCS chẳng những lôi cuốn, làm say mê nhiều thế hệ trí thức phương Tây mà ở Việt Nam cũng vậy. Những tri thức văn nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng như Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Thế Lữ, v.v. hay những trí thức tên tuổi ở nước ngoài như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường. Thật ra họ theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của HCM mà đi vào chiến khu chứ họ ít hoặc chưa biết chủ nghĩa Marx là gì, CNXH ra sao, nhưng họ hy vọng sau khi kháng chiến thành công sẽ xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ xã hội, tự do, hạnh phúc mà trong Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946 ông HCM đã trịnh trọng cam kết trước toàn dân giữa Ba Đình lịch sử. Lòng yêu nước, lòng tự trọng dân tộc đã thúc đẩy mọi người tham gia Cách mạng tháng 8 và sau đó đi kháng chiến. Bạn bè tôi và bản thân tôi cũng bị thôi thúc bởi những tình cảm đó: lòng yêu nước, ý chí chống xâm lược, giành độc lập tự do dân chủ cho Tổ quốc để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn các chế độ cũ ở đó công nhân, nông dân, người lao động, những người hi sinh nhiều trong chiến tranh có cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã thôi thúc chúng tôi lên đường. Tôi vào Đảng cũng rất đơn giản: năm 1966, anh Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết) phụ trách đơn tuyến tôi, hẹn tôi gặp nhau ở một chùa trên đường Trần Quốc Toản (nay là 3-2) để sinh hoạt. Anh Nguyễn Ngọc Phương nghiêm mặt tuyên bố: “Đ/c Bắc Sơn (bí danh của tôi lúc đó), đ/c từ nay là Đảng viên Đảng nhân dân cách mạng (thực chất là Đảng Lao động Việt Nam ở Miền Nam mà thôi). Lẽ ra tôi đưa điều lệ để đồng chí nghiên cứu nhưng đ/c là người hoạt động công khai trong Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn và ĐH Luật Khoa nên tôi bây giờ mới phổ biến một số điều trong điều lệ để đ/c biết”. Một buổi kết nạp chẳng có lời thề thốt, cờ quạt gì cả. Anh Nguyễn Ngọc Phương, người phụ trách tôi trong thời gian đầu, là người lớn lên trong một gia đình khá giả, có em gái lấy nghệ sĩ hài nổi tiếng Bảo Quốc. Thật ra qua một số người hoạt động ở Huế anh ấy đã biết tôi từng tham gia phong trào đấu tranh Sinh viên học sinh Huế lúc tôi còn học đệ nhị, đệ nhất Quốc học Huế và đã từng bị bắt giam ở lao Thừa Phủ Huế gần một năm với Lý Thiện Sanh (nay là Bác sĩ định cư ở Úc). Vì chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó nghĩ tôi là thành viên của Đoàn TN nhân dân Cách mạng Miền Nam. Nhắc đến đây tôi có một kỉ niệm khó quên: ba tôi và mẹ Lý Thiện Sanh nóng lòng vì đã đến kì thi Tú tài II nhưng chúng tôi vẫn bị nhốt trong tù. Vì vậy ông bà làm đơn hú họa xin cho hai chúng tôi được ra thi. Thế mà chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó lại giải quyết cho ra thi. Tôi theo ban C Triết học nên chỉ còn vài ngày nữa là thi, ba tôi gửi một số sách vào cho tôi. May mắn lúc đó tôi đã đọc nhiều sách triết học của các Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn và các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại của nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, v.v., kể cả quyển sách viết về Nietzschecủa Nguyễn Đình Thi thời còn trai trẻ trước 1945, nên gặp đề thi triết khá hay tôi tán đủ điều, đậu hạng thứ dễ dàng. Còn Lý Thiện Sanh học ban B vốn rất giỏi nên đậu hạng bình thứ. Những ngày ba tôi đến đón tôi ra thi ông đã đi qua cánh đồng An Cựu trong giá lạnh. Tôi không thể nào quên hình ảnh đó của ba tôi. Bây giờ Người đã mất nhưng tôi không bao giờ quên ông, biết ơn nuôi dạy tôi thành người trưởng thành pha một chút ân hận vì tôi mà ông phải khổ sở. Tôi không biết với chế độ gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra khỏi nhà tù để đi thi như chúng tôi hay không? Trong thời gian đó, lúc nhà tù cho tù nhân làm văn nghệ tôi thường hát bài “Tình quê hương” thơ Phan Lạc Tuyên, nhạc Đan Thọ, lúc đó là Đại úy Quân đội Sài Gòn. Gia đình của người phụ trách lao Thừa Phủ đứng trên bức tường có đường đi bao quanh nhà tù để xem. Đúng là cái máu lãng mạng của đám Sinh viên học sinh chúng tôi lúc đó ngay trong tù cũng nổi dậy đùng đùng và có cô con gái rất thích bài đó. Lý Thiện Sanh đùa “Nó khoái mày rồi đó”. Về anh Nguyễn Ngọc Phương người phụ trách tôi sau này bị địch bắt, đã hi sinh trong tù năm 1973. Năm ngoái, nhân ngày giỗ anh, tôi có kể lại việc mỗi lần sinh hoạt với tôi xong anh đề nghị tôi hát bài “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên. Hát xong tôi hỏi anh: “Anh là bí thư Đảng ủy sinh viên mà sao thích bài hát ướt át quá vậy?”. Anh cười buồn và nói: “Chúng ta chiến đấu xét đến cùng là vì con người. Nhưng bài hát đó viết rất hay về con người thì sao mình không thích được!”. Nghe anh tôi càng cảm phục người đ/c phụ trách tôi và hôm giỗ anh tôi hát lại bài “Trăng mờ bên suối” để cúng anh. Sau đó, chị Cao Thị Quế Hương có vẻ trách tôi vì cho rằng anh Phương không thể ủy mị như vậy. Tôi cười buồn và im lặng.
Tôi đã đi theo kháng chiến và vào Đảng như thế đó…
2. Vấn đề đa nguyên, đa đảng
Có thời gian từ 1975 đến 1983 tôi là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lê nin mà tôi hiểu được có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó. Sau một thời gian dài Đảng và nhà nước Việt Nam nhận chìm các tầng lớp nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam dưới chế độ quản lý kinh tế bao cấp, đi ngược lại tất cả qui luật tự nhiên, cop-pi mô hình kinh tế của Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản 100%. Dân chúng đói kém rên xiết. Các đợt cải tạo tư sản X1, X2 đã làm tan nát biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều và biết bao gia đình phải chết tức tưởi trên biển. Trong đó có gia đình nhà báo Trần Triệu Luật, người đã cùng tôi vào chiến khu và đã hi sinh vào ngày 11.10.1968 tại căn cứ Ban tuyên huấn T.Ư cục Miền Nam cùng với nhà thơ Thảo Nguyên Trần Quang Long sau trận bom ác liệt của F105 của Mỹ. Hoặc bị bọn cướp biển hãm hiếp làm nhục trước mặt chồng con. Có thể nói tất cả điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không thể nói khác được. Trước sự rên xiết của người dân, những nhà lãnh đạo còn có tấm lòng và suy nghĩ đã chủ trương phải đổi mới kinh tế bằng cách phải chấp nhận kinh tế có nhiều thành phần trong đó có kinh tế cá thể. Thế thì một khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Đó là qui luật tất yếu, vì vậy không thể không đa nguyên đa đảng được, và như vậy điều 4 Hiến Pháp hiện nay là vô nghĩa. Trước sau gì các vị lãnh đạo của ĐCS phải chấp nhận thách thức này: các Đảng, tổ chức đối lập sẽ đấu tranh bình đẳng với ĐCS trong các cuộc bầu cử hợp pháp có quan sát viên Quốc tế giám sát như hiện nay Campuchia đã làm. Tôi thách bất cứ ai trong Bộ chính trị, Ban bí thư, trong Ban Tuyên huấn của Đảng mà đứng đầu là ông Đinh Thế Huynh, vừa là Trưởng ban, vừa là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, trả lời luôn một cách công khai, minh bạch với chúng tôi trên các diễn đàn mà không chơi trò “bỏ bóng đá người” như đã từng thường sử dụng hiện nay. Thực tế hiện nay, trong Nam ngoài Bắc đã tập hợp được những khuynh hướng có chủ trương đấu tranh cho một thể chế dân chủ cộng hòa mà tiêu biểu là đề nghị 7 điểm và dự thảo Hiến pháp năm 2013 của nhân sĩ trí thức tiêu biểu ở trong Nam ngoài Bắc như nhà văn Nguyên Ngọc, các Giáo sư Hoàng Tụy, Chu Hảo, Tương Lai, Phạm Duy Hiển, những trợ lý Tổng bí thư, Thủ tướng hoặc Đại sứ nhiều thời kỳ như ông Trần Đức Nguyên, Việt Phương, Nguyễn Trung, v.v. Các nhà kinh tế có uy tín lớn như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, các nhà báo, nhân sĩ trí thức kỳ cựu như Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Đình Đầu, Lữ Phương, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Quốc Thái, và các “lãnh tụ” sinh viên trước đây đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975 như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Trần Văn Long (Năm Hiền), Huỳnh Kim Báu, Hạ Đình Nguyên, Cao Lập và biết bao con người tâm huyết mặc dầu đời sống kinh tế đã khá giả, có những người là giàu có, nhưng không thể yên tâm thụ hưởng tất cả những tiện nghi của đời sống đã vùng lên sau một giấc ngủ khá dài để chấp nhận mọi rủi ro, nguy hiểm cho bản thân cá nhân mình cũng như gia đình, quyết dấn thân vào cuộc chiến đấu mới để tiếp tục thực hiện lý tưởng thời trai trẻ mà hiện nay đã bị phản bội, chà đạp lên những lời hứa năm nào trong kháng chiến. Ngoài ra còn cả một lớp trẻ hăng hái, nhiệt tình bao gồm những bloger, những sinh viên đang có những hoạt động ở các trường Đại học hoặc nhiều tổ chức khác. Tình hình trên cộng với thực tế hiện nay tôi biết nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng (giấy sinh hoạt bỏ vào ngăn kéo). Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ xã hội, những Đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị ĐCS bức tử phải tự giải tán? Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này? Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta. Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa. Đây là một yếu tố sẽ làm cho xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh lên, không có thế lực nào ngăn cản được. Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay. Chẳng lẽ nhà nước này bắt bỏ tù tất cả chúng ta sao? Chúng ta phải đấu tranh với phương châm công khai, minh bạch, ôn hòa, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực khiêu khích gây chiến tranh. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết, đại khái: trong bất cứ cuộc chiến tranh nào người thất bại đều là nhân dân. Giờ hành động đã đến. Không chần chừ, do dự được nữa.
3. Vấn đề Độc lập dân chủ, tự do và hạnh phúc
- Việt Nam đã thống nhất mặc dầu còn nhiều điều chưa hòa hợp, đoàn kết thực sự. Nhưng còn độc lập thì sao? Sau khi hi sinh biết bao xương máu, nay Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn làm việc gì đều phải len lén nhìn ông bạn láng giềng Trung Quốc, những kẻ luôn chực nuốt chửng nước ta và vào năm 1979 họ đã xua quân tàn sát người dân Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc mà tên Đặng Tiểu Bình xấc xược gọi là dạy cho Việt Nam một bài học. Thật ra tổ tiên chúng ta, những tiền nhân thời xa xưa đã cho họ nhiều bài học Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, v.v. Không biết tập đoàn Tập Cận Bình có còn nhớ những bài học đó không? Riêng các vị lãnh đạo ĐCS và Nhà nước Việt Nam thì dường như chưa thấy hết sức mạnh của dân tộc Việt Nam nên quá “hiền lành” đối với một nước lớn nhưng rất “tiểu nhân” (chữ nghĩa của các truyện Tàu), miệng thì xoen xoét nói về “bốn tốt mười sáu chữ vàng” trong lúc hành động thực tế là uy hiếp, săn đuổi, bắt bớ một cách vô nhân đạo các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống của mình hoặc hèn hạ cắt đứt cáp các tàu thăm dò dầu khí của chúng ta. Thế mà phản ứng của lãnh đạo Việt Nam thì quá nhu nhược: chỉ là lời phản đối lặp đi lặp lại nghe quá nhàm tai và khó chịu của người phát ngôn viên bộ Ngoại giao. Đến nỗi có những vụ việc lớn mà lại không dám thực hiện hành động đáp trả theo quy tắc bình thường trong quan hệ quốc tế là triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm phản đối chứ không chỉ là đưa công hàm đến tòa Đại sứ. Vậy thì độc lập cái gì? Hẳn nhiên là chúng ta không dựa vào nước này chống các nước khác nhưng thực tế quốc tế hiện nay rất thuận lợi để chúng ta liên kết với các nước để đấu tranh với Trung Quốc về Biển Đông. Tôi rất mừng nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở hội nghị Shangri-La chống lại nền chính trị cường quyền và những đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam. Trả lời phỏng vấn một Thiếu tướng Trung Quốc, Thủ tướng đã khéo léo nói nước đó là nước nào ai cũng biết. Rõ ràng đây là cú đấm đích đáng bọn bành trướng Bắc Kinh trong một diễn đàn quốc tế. Tôi càng thấy vui hơn khi được biết đây là ý kiến của cá nhân Thủ tướng dám chịu trách nhiệm để tuyên bố như vậy chứ không có sự chỉ đạo nào của Bộ chính trị cả. Vì thế mà Hạ Đình Nguyên trong một bài viết về vấn đề này đã hoan hô Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến 5 lần.
4. Vấn đề Dân chủ, tự do và hạnh phúc
Thực chất đây là vấn đề dân sinh, dân chủ mà trước đây trong thời kì kháng chiến hoặc trước 1975 ĐCS VN đã phát động để đấu tranh giành quyền sống. Đây là vấn đề về con người.
+ Về dân chủ thì đã quá rõ. Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hiến pháp, tư pháp độc lập. Tư pháp độc lập thì mới có thể chống tham nhũng. Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới. Sau đó bầu Quốc hội lập pháp để ĐCS sẽ qua bầu cử bình đẳng mà trở thành người lãnh đạo. Tôi nghĩ trong một thời gian dài ĐCS vẫn sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được. Các nhà lãnh đạo ĐCS cần tự tin điều đó. Dần dần các Đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ như một kháng thể trong một cơ thể xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập sẽ trở thành một con bệnh SIDA khó trị, chờ chết mà thôi.
+ Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (theo ngôn ngữ của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu). Không có tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí… thật sự. Do đó Hiến Pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người. Đó là vấn đề quyền con người. Nhưng giờ đây chế độ toàn trị đã phản bội tước đoạt tất cả các quyền cơ bản đó, vất bỏ tuyên ngôn nhân quyền và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề nhân quyền riêng. Họ không biết rằng đó là quyền cơ bản và phổ quát mà loài người đã đấu tranh qua nhiều thế hệ. Đại tá nhà văn Nguyễn Khải đã nói: “khi đọc cuốn Bàn về tự do của Stuart Mil thì vỡ ra nhiều vấn đề”. Vì vậy anh Nguyễn Khải đã nhìn lại những gì mà anh đã trải nghiệm một cách sâu sắc với một giọng văn nhẹ nhàng không hàm hồ nên rất thuyết phục. Đây là quyển sách đã đi sâu vào tim óc của chế độ mà không thấy các vị “phê bình chỉ điểm” (cách gọi mới đây của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội đối với tên Nguyễn Văn Lưu cùng với một số người trong việc “bề hội đồng” bài viết của Thạc sĩ Nhã Thuyên về nhóm “Mở miệng”) nào dám phê phán, chửi rủa. Các vị lãnh đạo ĐCS tại sao không suy nghĩ trong chế độ thuộc Pháp lại có một thời báo chí, văn học nghệ thuật phát triển mà cho đến nay chưa có thời kì nào có thể so sánh được dù là chế độ gọi là “tự do gấp vạn lần” như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói một cách hàm hồ, thiếu suy nghĩ, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Báo chí thì nở rộ: Gia Định báo, Phụ nữ tân văn, Nam Phong, Phong hóa, Ngày nay… với những học giả Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi,… Văn học nghệ thuật thì có cả một trào lưu thơ mới với Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư và nhiều nhà thơ nổi tiếng khác với nhiều bài thơ bất hủ mà đến nay ai cũng thuộc nằm lòng. Về tiểu thuyết thì có nhóm Tự lực văn đoàn với Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo… Ngoài ra còn có hàng loạt nhà văn tài hoa khác như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Lan Khai, Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, v.v. Với Thanh Tịnh tôi vẫn nhớ bài “Tôi đi học” trong tập Quê mẹ của ông. “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Nhạc thì có một thời có nền tân nhạc rực rỡ với các tên tuổi như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Doãn Mẫn, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương… Thế mà Thanh Tịnh và những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nói trên dưới chế độ XHCN ở Miền Bắc chẳng có tác phẩm nào ra hồn.
Cũng may ra sau 1975, không khí vui vẻ, sum họp của những ngày đầu đã tạo nên trào lưu hứng khởi để nhạc sĩ VĂN CAO làm bài “Mùa xuân đầu tiên” với điệu valse dìu dặt. Nhưng tội nghiệp cho Văn Cao đã ngây thơ tin rằng “Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết quê người…” thế mà bài ca này cũng bị cấm hát hết mấy năm. Những năm sau khi vào chơi với Trịnh Công Sơn và các nhạc sĩ Miền Nam ông đã nói lên nỗi thất vọng của ông. Cảnh chia lìa, vượt biên, đày đọa, tù tội trong đó có người bạn văn chương của các ông đã làm ông buồn bực và tiếp tục uống rượu. Chỉ có một điều an ủi ông là vào Nam, vào Sài Gòn ông nghe mọi người từ trẻ đến già đều hát “Mùa xuân đầu tiên”, “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”, v.v. của ông. Vấn đề là ĐCS VN cần trả lại những gì của lịch sử, của tiền nhân để lại. Việc đổi tên đường từ Trần Quý Cáp thành Võ Văn Tần, từ Phan Đình Phùng thành Nguyễn Đình Chiểu, v.v. là việc làm thiếu suy nghĩ, nếu không nói là ngu xuẩn, chà đạp lên lịch sử, xúc phạm những chiến sĩ tuy không phải là Cộng sản nhưng đã đấu tranh bảo vệ đất nước trong các phong trào Cần Vương, Duy Tân. Ngay trong lĩnh vực báo chí tại sao lại lấy ngày ra đời báo Thanh niên, báo của tổ chức CS làm ngày báo chí VN. Quan điểm tôi là phải lấy ngày 15-4 là ngày số báo đầu tiên của Gia Định báo năm 1865 làm ngày báo chí VN. Năm sau, một số nhà báo cùng chúng tôi sẽ tổ chức ngày báo chí VN vào ngày 15-4. Còn ĐCS và các tổ chức của mình cứ lấy ngày 21-6 làm ngày báo chí Cách mạng cũng không sao. Việc ai nấy làm. Thế thôi.
Tại Miền Bắc gọi là XHCN khi hòa bình mới lập lại, các văn nghệ sĩ mà đặc biệt đi tiên phong là các nhà thơ, nhà văn quân đội, mà tiêu biểu là Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm,… đã gây chấn động trong vụ Nhân văn giai phẩm. Có lẽ là những người trực tiếp chiến đấu chứng kiến cảnh chết chóc của nhân dân trong chiến tranh nên họ quyết tâm tiếp tục chiến đấu để xây dựng một chế độ xã hội tự do dân chủ và tiến bộ xã hội. Họ đã quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ giàn trận đấu tranh quyết liệt với Đảng để đòi hỏi tự do sáng tác, đòi hỏi chính trị không được can thiệp vào sáng tác của văn nghệ sĩ. Nhà nước độc tài Đảng trị trong những năm đó thấy đây là nguy cơ đe dọa của chế độ nên đã ra tay đàn áp, bắt bớ, tù đày một cách không nương tay. Người bị tù với vụ án ngụy tạo như công thần Nguyễn Hữu Đang, người đã làm lễ đài Độc lập năm 1946. Hữu Loan với lòng tự trọng của một người văn nghệ sĩ cương quyết về quê thồ vác đá nuôi vợ con. Ba mẹ vợ anh trong cải cách ruộng đất đã bị chôn sống để trâu bò bừa lên đầu, lên cổ cho đến chết. Một Nguyên Hồng khảng khái bỏ về Yên Thế nuôi heo để kiếm sống. Trần Hữu Đang sau khi ra tù sống những ngày tủi nhục phải góp nhặt bao thuốc lá làm hàng “đối lưu” với ếch nhái, rắn rết của bọn trẻ chung quanh kiếm cho. Năm 1989, tôi gặp Thạc sĩ Luật Nguyễn Mạnh Tường ở Pháp, người đã theo Hồ Chí Minh về nước năm 1946. Ông kể lại hoàn cảnh của ông lúc đó, bị cô lập đến nỗi học trò cũng không dám nhìn mặt, phải bán tủ sách quí để sống qua ngày. Còn nhà triết học Trần Đức Thảo, khi tôi còn làm Phó chủ tịch thường trực MTTQ TP HCM đã mời ông đến nói chuyện. Bước xuống xe ông ngó lên liền xem có công an theo dõi ông không. Buổi nói chuyện làm mọi người thất vọng vô cùng về ông.
Tôi còn có những kỉ niệm đau đến xé lòng khi còn nằm trong hệ thống chính trị của nhà nước toàn trị. Lúc còn là phó CT/TT MTTQ TP HCM và là đại biểu HĐND TP khóa 4, khóa 5. Có mấy việc tôi còn nhớ mãi:
+ ĐCS VN ngày trở thành kiêu binh. Đâu đâu cũng vỗ ngực xưng tên là “ĐCS VN quang vinh muôn năm”. Ngay cả Hội trường của cơ quan dân cử như HĐND TP thế mà chẳng thấy đất nước, Tổ quốc đâu cả, chỉ thấy một khẩu hiệu to chần dần [to đùng] “ĐCS VN quang vinh muôn năm”. Một số đại biểu trong HĐND trong Đảng cũng như ngoài Đảng thấy chướng mắt nhưng không dám nói. Họ đến nói với tôi. Tôi thông cảm họ. Trong HĐND khóa 5, khi lên phát biểu ở Hội trường tôi trầm giọng nói: “Đây là cơ quan dân cử, đại diện cho nhân dân TP, nhưng tôi không thấy đất nước, Tổ quốc ở đâu mà chỉ có ĐCS muôn năm thôi là sao? Đảng chỉ là một bộ phận của nhân dân, không có Tổ quốc, nhân dân thì làm gì có Đảng. Đảng phải đặt Tổ quốc lên trên hết, vì vậy tôi đề nghị thay đổi khẩu hiệu này bằng câu CHXHCN Việt Nam. Cả hội trường im phăng phắc. Nhưng ngay kỳ họp sau thì khẩu hiệu Đảng đã thay đổi bằng tên nước.
+ Tôi là Trưởng ban VHXH HĐND TP khóa 5. Trong các kỳ họp HĐND TP, các ban có bài thẩm dịnh khá công phu. Phải đi thực tế, làm việc với các ngành và sau đó họp toàn ban để thông qua Trưởng ban là người quyết định cuối cùng. Tôi nhớ trong một kì họp, tôi thức suốt đêm sửa chữa, hoàn thiện văn bản để phát biểu trước HĐND. Khi lên phát biểu, nhìn xuống thì không thấy vị Phó CT nào dự, kể cả phó CT phụ trách VNXH. Thấy vậy tôi không đọc mà đề nghị ông Huỳnh Đảm, lúc đó là CT HĐND, cho các thư kí, trợ lý điện gấp cho các Phó CT, nhất là các Phó CT phụ trách VHXH về dự họp. Ban thẩm định chuẩn bị công phu để phân tích những vấn đề, nhất là những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, các vấn đề xã hội khác. Những vấn đề có liên quan thiết yếu đến đời sống nhân dân TP. Khi thầy các Phó CT lục tục về họp tôi mới phát biểu bản thẩm định của Ban. Đây là lần đầu tiên các phóng viên báo chí thấy việc này nên rất khoái. Từ đó, kì họp nào các PCT UBND cũng đều có mặt trừ một số PCT có lý do chính đáng. Cái bệnh chỉ coi trọng Đảng, Thành ủy, xem thường HĐND đã vào máu các vị quan chức của chúng ta.
+ Việc thứ ba là cuộc đấu tranh hay có thể nói là đấu khẩu của Chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh và tôi về việc có nên dẹp chợ hoa Nguyễn Huệ hay không? Cuộc đấu khẩu gay gắt đến nỗi CT Võ Viết Thanh nói đại ý nếu đ/c Đằng thấy Đảng chật hẹp quá thì xin ra khỏi Đảng. Tôi liền đốp chát lại: đó là chuyện mà tôi và anh sẽ nói trong Đảng, còn đây là HĐND. Giữa lúc có nhiều đại biểu đồng ý với tôi, trong đó có Trần Văn Tạo, Ủy viên TVTU, Phó giám đốc Công an TP, Phạm Phương Thảo, Ủy viên TVTU, Phó CT phụ trách VHXH UBND TP thì chủ tọa kỳ họp lại được tin ban Thường vụ Thành ủy họp và đã đồng ý dẹp chợ hoa TP. Tôi cương quyết đề nghị có Nghị quyết về vấn đề này nhưng chủ tọa làm ngơ và thông qua NQ ở HĐND TP. Tuy đấu tranh gay gắt như vậy nhưng đối với anh Võ Viết Thanh tôi vẫn tôn trọng tính trung thực, quyết đoán của anh. Lúc đó tôi với tư cách đại biểu HĐND TP có phối hợp với các vị hưu trí Q.6, với Ban quản lý thị trường TP để tố cáo những tiêu cực, sai trái của Giám đốc Đông lạnh Hùng Vương. Phối hợp với cuộc đấu tranh này có anh Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên TV Quận ủy Q.6, Trưởng ban Tuyên huấn Q.6. Thắng cũng là dân phong trào SV. Không hiểu sao sau đó có một văn bản có danh sách 12 người gọi là điệp báo của Cục tình báo TƯ trong đó Nguyễn Văn Thắng nằm ở số 7. Lúc ấy anh Nguyễn Minh Triết mới về làm Phó bí thư thường trực của TƯ. Tôi gặp anh Nguyễn Minh Triết và trình bày với anh về vấn đề thì anh đề nghị tôi không can thiệp nữa vì danh sách đã có dấu đỏ của đặc ủy tình báo TƯ của Mỹ. Trước đó có người biết chuyện ngụy tạo danh sách này và nói danh sách láo được đánh trên giấy Bãi Bằng là giấy chỉ do Cộng sản sau 1975 sản xuất. Anh Nguyễn Minh Triết ghi nhận nhưng Nguyễn Văn Thắng vẫn bị giam ở 4 Bạch Đằng. Lúc ấy Q.6 tính lấy lại nhà của Nguyễn Văn Thắng ở Bà Hom, Q.6. Tôi gặp Chủ tịch Võ Viết Thanh và đề nghị anh xem xét lại vấn đề này thì anh nói với tôi một cách cương quyết: “Chuyện chính trị của Thắng tôi không biết nhưng chuyện nhà của Thắng tôi bảo đảm không ai lấy được”. Anh giữ lời hứa khi Thắng được giải oan về lại Bà Hom, Q.6 như cũ. Tôi gặp anh Võ Viết Thanh cám ơn anh. Nhân đó tôi hỏi thăm tại sao anh không đi học Cử nhân, Tiến sĩ như những người khác. Anh cười nói rất Nam Bộ: “Tôi không chơi kiểu đó. Nếu tôi học tôi sẽ xin nghỉ làm để đi học thật sự, không như những vị học giả mà bằng thật như hiện nay”. Từ đó quan hệ giữa anh và tôi rất vui vẻ, không còn nhớ gì trận đấu khẩu nảy lửa ở HĐND về vụ chợ hoa Nguyễn Huệ. Sau này anh bị thất sủng vì vụ án Sáu Sứ mà trong quyển Bên thắng cuộc nhà báo Huy Đức có nêu.
Tôi nêu những trải nghiệm nói trên để chứng minh rằng trong chế độ này không có chỗ cho người trung thực mà chỉ dành cho những người nói láo, tránh né đấu tranh. Giờ đây chúng ta phải phá vỡ nỗi sợ hãi đó đi để thực hiện một chủ trương cực kỳ quan trọng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
Cuối cùng tôi xác định bài viết này chỉ có mục đích là thanh toán, tính sổ cuộc đời của mình, trang trải những món nợ còn lại để gửi các vị lãnh đạo Đảng CSVN, để mong các vị “mở mắt” ra mà có sự lựa chọn con đường sống cho dân tộc. Hiện nay xu hướng chạy theo CN Mác-Lênin CNXH đã lạc điệu, không còn phù hợp nữa và đã sụp đổ tan tành ở ngay quê hương Xô Viết. Hiện nay là cuộc đấu tranh trên thế giới về dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Nghĩa là đây là cuộc đấu tranh quyết liệt cho con người, vì con người chống lại các thế lực phản động đang âm mưu nô dịch nhân dân, phá hoại môi trường vì những lợi ích kinh tế ích kỷ của các tập đoàn, lũng đoạn nhà nước.
Tôi không tin lắm về sự tự giác của một số nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước sớm thấy tình hình và xu thế phát triển hiện nay để đặt lợi ích của Đất nước, Tổ quốc lên trên hết mà có một giải pháp hợp lý, không vì lợi ích và sự tồn tại của Đảng, của chế độ mà đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại hiện nay. Tôi quan niệm rằng làm nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là cương quyết đấu tranh cho một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ, tôn trọng thực hiện những lý tưởng của biết bao thế hệ cha anh chúng ta về một nước VN hòa bình, độc lập, tiến bộ xã hội, văn minh và giàu mạnh. Một khi xã hội dân sự, xã hội công dân mạnh lên, sẽ đủ sức kìm hãm, ức chế các khuynh hướng độc tài của một nhà nước toàn trị. Trước mắt là phải “chấn dân khí” để không còn sợ hãi các thế lực tàn bạo, không sợ bắt bớ, tù đày. Sau đó là “khai dân trí” và “hậu dân sinh”.
Bài viết này cũng là để trải lòng với bạn bè, đồng đội và những nhân sĩ trí thức, các văn nghệ sĩ, các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh mà tôi đã quen hoặc mới quen, để khẳng định một điều: với lòng tự trọng của một công dân một nước có lịch sử hào hùng chúng ta phải hành động. Không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia. Vì thật ra cả một bộ phận loài người trong đó có người VN luôn khát khao một xã hội tốt đẹp hơn, chống lại cái ác, cái xấu, nên đã có thời gian dài nuôi ảo tưởng về ĐCS VN và CNXH. Vấn đề là trước đây chúng ta chưa có đủ điều kiện, dữ liệu để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước, nhưng hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại một số vấn đề trước đây. Nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới. Đừng loay hoay những chuyện đã qua mà làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy để con cháu chúng ta làm nhiệm vụ đánh giá lịch sử. Còn chúng ta trước mắt là hành động, hành động và hành động. Điều này tôi nói một lần rồi thôi…
Viết trong những ngày nằm bịnh.
L.H.Đ.
- Nguyên phó TTK Ủy ban TƯ LM các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam
- Nguyên phó CT Ủy ban MTTQ VN TP.HCM (từ 1989-2009)
- Đại biểu HĐND TP khóa 4, khóa 5
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013
2013 Triết học Mác qua thời gian..
Triết học Mác qua thời gian..
Cần một nền tảng triết lý tốt cho Trung Cộng Và Việt Nam
Sau gần 100 năm áp
dụng lý thuyết Mác, hậu quả là cả trăm triệu người chết: chết không phải chỉ vì
chống đối lý thuyết này, chống đối đảng cộng sản, mà chết nhiều nhất lại là sự
thanh trừng trong nội bộ đảng, rồi mới tới số người chết ở ngoài đảng, ngoài quốc
gia cộng sản.
Cali Today News - Trung cộng và Việt Nam, trên bình diện quốc
nội, thì không thể nào có một sự phát triển đúng mức, có thể huy động tất cả
những tiềm năng nhân sự quốc gia và một sự hài hòa xã hội; trên bình diện quốc
tế, thì không thể nào có được một sự hòa bình, không những với những nước láng
giềng, mà còn với cả thế giới; nếu hai nước còn giữ nền tảng triết lý sai trái
Mác Lê. Vì vậy 2 nước này cần phải thay đổi triết lý này bằng một nền tảng
triết lý đúng, dựa trên sự tự nhiên, bình thường của con người, trên những giá
trị nhân bản, toàn cầu.
Lý thuyết triết học Mác sai trái
và lỗi thời
Sau gần 100 năm áp dụng lý thuyết Mác, hậu quả
là cả trăm triệu người chết: chết không phải chỉ vì chống đối lý thuyết này,
chống đối đảng cộng sản, mà chết nhiều nhất lại là sự thanh trừng trong nội bộ
đảng, rồi mới tới số người chết ở ngoài đảng, ngoài quốc gia cộng sản.
Chỉ riêng điều này đã minh chứng quá rõ,
quá đủ sự sai trái của triết lý Mác.
Triết lý, định nghĩa một cách đơn giản và
bình dân, là cách tự nhìn mình, nhìn người, nhìn xã hội, nhìn vạn vật, để sau
đó tìm ra một cách sống, một quan niệm sống tốt đẹp nhất, hài hòa nhất, với
chính minh, với người chung quanh. Điều này đúng với cá nhân và đúng với cả một
tập đoàn, quốc gia xã hội.
Từ đó, chúng ta đi đến một nhận xét là triết lý
Mác sai trái, không tốt, cho cá nhân và cho quốc gia xã hội. Nó có tính cách
bệnh hoạn, nhìn sai sự vật, không giúp cho con người phát triển, không những
không đúng mức, mà còn không hài hòa, tự mâu thuẫn với chính mình và mâu thuẫn
với người chung quanh.
Thật vậy, triết lý của Marx không những vô
cùng không tưởng, mà còn sai trái, phản con người, phản thiên nhiên, phản sự
thật, lấy cái bất bình thường làm cái bình thường, làm đảo lộn tất cả những gì
thuộc về con người, làm cho những người theo lý thuyết này không còn là con
người, mà là người đến từ hành tinh khác, chỉ mang trong đầu óc ý nghĩ “ Phải
đập phá tất cả những cái gì thuộc về hành tinh con người “, như nhà văn hào
đoạt giải Nobel Nga Soljennytsine đã nhận xét.
Triết lý, quan niệm về lịch sử, về xã hội của
Marx, có thể nói, đã được tóm gọn khá đầy đủ trong quyển sách Tuyên Ngôn Thư
Đảng Cộng sản. Tuy nhiên Marx viết quyển sách này lúc còn rất trẻ và trong một
thời gian rất ngắn, chỉ có mấy tuần.
Thật vậy, vào năm 1847, một số tổ chức, hội đoàn
đấu tranh cho xã hội, thợ thuyền đã nhóm họp Đại Hội ở Luân Đôn, mà người ta
cho đây là tiền thân của Quốc tế Cộng sản sau này.
Lúc này, Marx đã phải sống cuộc đời tỵ nạn ở Bỉ
( Bruxelles), vì hoàn cảnh tiền bạc, gia đình, không thể tham dự, người đại
diện cho Marx là Engels. Trong Đại hội, Engels được chỉ định làm thư ký, ghi
chép tất cả những phát biểu của những đại biểu, sau đó bản ghi chép được đưa
cho Marx, để viết bản tuyên ngôn. Marx cứ chần chờ không viết, mặc dầu có nhiều
lời thúc dục của ban thư ký Đại hội. Cuối cùng ban này đã cảnh cáo Marx, nếu
không viết thì hãy trao bản ghi chép lại, để người khác viết. Lúc Đó Marx mới
bắt đầu viết vào cuối năm 1847, trong ba tuần, sau đó được xuất bản ở Anh, vào
năm 1848.
Điều này chứng tỏ Marx rất thông minh. Đó là
điểm đáng khen. Nhưng điểm đáng trách đó là viết quá vội vã, ở vào một tuổi quá
trẻ, 29 tuổi, vì Marx sinh năm 1818, chưa đủ kinh nghiệm, suy nghĩ chín chắn,
viết có tính cách lãng mạng, không tưởng, hứng khởi, nhiệt tình, hơn là suy
nghĩ, kiểm chứng, có tính cách khoa học, mặc dầu Marx tự nghĩ và cho rằng những
điều mình viết ra là khoa học.
Không cần tìm đâu xa, chỉ cần xem câu mở
đầu của bản Tuyên Ngôn: “ Lịch sử của tất cả mọi xã hội từ xưa đến nay là lịch
sử của đấu tranh giai cấp. “ ( L’Histoire de toute socìété jusqu’à nos jours
est l’histoire de la lutte des classes) ( K. Mars – Le manifeste du Parti
communiste – trang 19 – Nhà xuất bản Union générales d’ Editions – Paris
-1962).
Ở vào tuổi chưa đầy 30, dù có thông minh
đến mấy chăng nữa, chắc chắn Marx cũng không thể nào đọc hết lịch sử của tất cả
những xã hội nhân loại. Đây là đơn giản hóa, tổng quát hóa lịch sử. Thêm vào
đó, Marx đưa ra định luật « Đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử «, chia xã hội
ra làm 2 giai cấp, giai cấp sở hữu phương tiện sản xuất và giai cấp không có
phương tiện sản xuất, biến xã hội thành một cuộc chiến không ngừng.
Quan niệm bạo động lịch sữ là quan niệm lấy cái
gì bất bình thường làm cái bình thường. Con người nói riêng và ngay một quốc
gia, xã hội nói chung, bình thường là họ sống hòa bình. Chỉ khi nào bất đắc dĩ,
bất bình thường, họ bị bắt buộc chấp nhận bạo động và muốn chiến tranh.
Tiếp đến là triết lý duy vật biện chứng
của Marx. Thực ra thì Marx lấy tòan phần tư tưởng biện chứng lịch sử (
Dialectique historique) của Hégel, chỉ khác ở chỗ là Hégel áp dụng cho tư
tưởng, còn Marx áp dụng cho kinh tế, xã hội.
Chữ biện chứng ( Dialectique) lấy nguồn từ chữ
Hy lạp ( Dialegein) có nghĩa lúc đầu là nói chuyện, lý luận, nghệ thuận nói
chuyện, nghệ thuật lý luận, gồm có Đề, Phản Đề và Tổng Đề ( Thèse, Anti these
et Synthèse), được Socrate dùng để nói chuyện với dân, nêu ra những mâu thuẫn
của người đối thoại, nhất là giới bình dân, để gợi ý cho họ, để làm cuộc đối
thoại trở nên phong phú, tiếp đó là được những người của trường phái hùng biện
và ngụy biện dùng để nói lên sự mâu thuẫn của đối phương, để tìm cách chiến
thắng họ.
Sau này được Hégel áp dụng cho tiến
trình tư tưởng, cho rằng tư tưởng đi từ Đề tới Phản Đề rồi tới Tổng Đề,
và Tổng Đề lại trở thành Đề, có một Phản Đề khác chống lại, để đi đến Tổng Đề.
Cứ như vậy, tư tưởng con người đi từ chỗ chủ quan đến chỗ khách quan.
Hégel còn mang áp dụng cho tiến trình lịch sử, nhưng vẫn trong lãnh vực
tư tưởng. Còn Marx thì lấy tất cả tiến trình lịch sử này của Hégel, nhưng áp
dụng cho vật chất, cho đấu tranh giai cấp, mà Marx gọi là Duy vật biện chứng.
Có thể nói triết học Tây phương đã từ bỏ vai trò
khiêm nhượng ( l’humilité ) của mình, mà tiêu biểu là Socrate ( 470 – 399 trước
Tây lịch ), với câu nói khiêm nhường: “ Cái điều tôi biết là tôi không biết gì
cả.” ( Ce que je sais, c’est que je ne sais rien ) để bước sang thời kỳ kiêu
hãnh ( l’arrogance), bắt đầu với Hégel ( 1770 – 1831 ) rồi K. Marx ( 1818 –
1883), học trò của Hégel, và Nietzsche ( 1844 – 1900).
Những người này không còn tính khiêm
nhường của triết học cổ điển Tây phương bắt đầu từ Socrate qua Saint Augustin
tới Kant, mà trở nên kiêu hãnh, không những cho rằng mình biết mình, mà còn
biết xã hội, lịch sử, tiến trình lịch sử, không những biết về quá khứ, hiện
tại, mà cả tương lai, qua quá trình biện chứng lịch sử của Hégel và quá trình
duy vật biện chứng lịch sử của Marx. Với Nietzsche, thì con người không còn là
con người bình thường mà là con người Siêu Nhân, qua quan niệm Surhomme của
ông.
Từ thời Hégel tới giờ, chúng ta thấy gì qua lịch
sử, nhất là lịch sử Âu châu.
Hégel đã mang quan niệm biện chứng lịch sử
của mình áp dụng cho lịch sử Âu châu, nhất là lịch sử Pháp, qua cuộc Cách mạng Pháp
1789 và tiến trình của nó. Ông cho rằng xã hội Pháp lúc đó là Đề, cuộc Cách
mạng 1789 là Phản Đề và Tổng Đề là Napoléon Bonaparte (1769 – 1821), với những
lời khen ngợi hết cỡ vị hoàng đế Pháp này của Hégel. Chính Hégel đã tìm cách
chứng kiến Napoléon, khi ông tiến quân vào Ìéna (Đức).
Kết quả Tổng hợp lịch sử của Hégel, chúng ta
thấy gì: Đó là Napoléon đã gieo rắc chiến tranh khắp Âu châu, rồi sau đó bị các
nước Âu châu hạ bệ.
Marx cũng mang quan niệm duy vật biện chứng sử
quan của mình áp dụng cho lịch sử. Ông cũng dùng lịch sử Âu châu và đặc biệt là
lịch sử Pháp như Hégel, nhưng ông cho rằng Tổng đề của lịch sử là Ba lê Công
xã. Nhưng hậu quả của quan niệm triết lý lịch sử này là ra sao?
Đó là 100 triệu người là nạn nhân của chế độ
cộng sản trong thế kỷ vừa qua, như những nhà sử gia, ông S. Courtois, N. Werth,
J. L. Panné, A. Pczkowski, B. Bartosek và J.L. Margolin, trong Quển Sách đen về
Chủ nghĩa Cộng sản ( Le livre noir du communisme – nhà xuất bản Robert Lăffont
– 1997), đã chứng minh. Cũng chính vì vậy mà gần đây Quốc Hội Âu châu đã biểu
quyết Quyết nghị 1841 kết án chế độ cộng sản là chế độ diệt chủng.
Còn quan niệm Siêu nhân của Nietzsche thì
như thế nào?
Quan niệm này đã được Hitler lấy lại, đổi
thành quan niệm Siêu Chủng tộc ( Super race) cho rằng chủng tộc Aryen là siêu
chủng tộc mà đại diện là dân tộc Đức. Kết quả : Hitler đã là một trong những
nguyên nhân chính của trận Thế Chiến thứ Hai, với 50 triệu nạn nhân, trong đó
có 6 triệu dân Do Thái bị giết từ lệnh của Hitler và các bộ hạ của ông.
Từ đó chúng ta mới nhìn rõ ra rằng quan
niệm triết học, triết lý chính trị giữ một vai trò rất quan trọng, không những
cho cá nhân, mà còn cho quốc gia xã hội, cho sự phát triển và hòa bình không
những ở nội địa, mà cả quốc tế.
Ngoài việc lấy cái gì bất bình thường làm
cái bình thường cho rằng lịch sử nhân loại là bạo động, đi theo chân Hégel,
thiếu tinh cách khiêm nhượng của những nhà triết học cổ điển trước kia, Marx
còn bị lầm lẫn là quá tin vào khoa học, không biết rằng “ Khoa học mà không có lương
tâm, chỉ là sự phá hoại của tâm hồn “ ( Science sans conscience n’est que ruine
de l’ ame ) ( Rabelais – Pantagruel), hơn nữa cho rằng những điều mình viết là
khoa học, đưa đến chỗ lừa dối những người đồ đệ và những người theo lý thuyết
của mình, khiến họ trở thành nạn nhân và đau đớn cho Marx, vì sau cùng ông cũng
là nạn nhân của chính ông.
Thật vậy, sau khi viết xong quyển Tuyên Ngôn Thư
Đảng Cộng sản, nhiều lần Marx viết và tuyên bố là sẽ tìm cho thợ thuyền một
phương tiện đấu tranh có khoa học. Marx muốn biến khoa học kinh tế, một khoa
học nhân văn, thành một khoa học chính xác. Nhưng Marx bị lâm vào ngõ cụt, làm
việc không tưởng. Đây là là một trong những nguyên nhân chính cắt nghĩa tại sao
Marx bỏ cả cuộc đời viết quyển Tư Bản luận ( le Capital), gồm 3 quyển, mà Marx
chỉ có thể hoàn thành quyển đầu nói về giá trị hàng hóa.
Nhiều người nịnh bợ Marx cho rằng ông không thể
hoàn thành quyển Tư Bản luận là vì ông thận trọng, so đo từng chữ viết một.
Không phải thế. Ông không thể hoàn thành vì ông tự đặt mình trong ngõ cụt, muốn
biến khoa học kinh tế, một khoa học nhân văn, thiếu chính xác, thành khoa học
chính xác, như toán học. Điều này còn được chứng minh them là cuối cuộc đời,
Marx đã bỏ công học hỏi và nghiên cứu toán học.
Nói đến duy vật biện chứng của Marx, mà
không nói đến qui luật tất yếu của lịch sử, thì cũng là một điều thiếu xót, vì
sự kình chống giữa giai cấp chủ và giai cấp thợ càng ngày càng trở nên
gay gắt, chỉ có thể vượt qua bằng một cuộc cách mạng bạo động, vì giai
cấp chủ càng ngày càng giàu có và càng ít, giai cấp thợ càng ngày càng nghèo và
càng đông, hố ngăn cách càng ngày càng lớn, sẽ dẫn đến cách mạng bạo động tất
yếu.
Marx viết: “ Vũ khí mà giai cấp tư sản
dùng để hạ bệ chế độ phong kiến, nay quay lại chống chính họ. Giai cấp tư sản
không những tạo ra những vũ khí chống họ, mà họ còn tạo ra những người xử dụng
vũ khí này: thợ thuyền hiện đại, giai cấp vô sản.” ( K. Marx – Sách đã dẫn –
trang 27).
Suốt cuộc đời Marx ngồi chờ đợi cách mạng
tất yếu, lúc đầu hy vọng nó sẽ xẩy ra ở Anh, sau đó quay sang hy vọng ở Đức,
rồi Marx chết vào năm 1883, lúc 65 tuổi. 34 năm sau, Lénine làm “ Cách mạng
cộng sản “, áp dụng lý thuyết của Marx. Thực ra đây là một cuộc đảo chánh thì
đúng hơn, mà người thực hiện cuộc đảo chánh này không phải là Lénine, mà là
Trotski.
Vào lúc đó, đang là thời kỳ cuối của Đệ
Nhất Thế Chiến, gồm 2 phe: Phe Trục gồm Đức, đế quốc Áo hung và Thổ Nhĩ Kỳ; bên
kia là Phe Đồng minh, gồm Pháp, Anh, Nga, sau đó có Hoa kỳ. Càng về sau, Đức
thấy là không thể một lúc đương đầu với 2 mặt trận: mặt trận đông bắc với Nga,
và mặt trận tây nam với Pháp, muốn dồn lực lượng xuống tây nam. Lợi dụng cơ
hội, lúc đó Lénine đang sống lưu vong ở Thụy sĩ, liền tuyên bố: “ Hòa bình bằng
bất cứ giá nào. Ngay dù phải nhượng đất để có quyền, chúng ta cũng sẽ làm”.
Chính vì vậy mà Bộ Tham mưu Đức đã giúp Lénine tiền bạc, đưa từ Thụy sĩ về Nga.
Với số tiền này, Lénine đã đưa cho Trotski mở khóa huấn luyện những đội cảm tử
làm cách mạng. Và Trotski đã làm cuộc đảo chính vào tháng 10/19717. Chữ mà
Trotski dùng lúc ban đầu. Ông viết: “ Sau một đêm ngủ, thức giấc dậy, dân Moscou
đã thấy bộ mặt của thành phố thay đổi. Cuộc đảo chính làm 7 người chết và 50
người bị thương.”
Cuộc đảo chính này chẳng có sự tham dự của nhân
dân và thợ thuyền như tuyên truyền cộng sản sau này rêu rao.
Vì đi theo triết lý bạo động lịch sử, đấu tranh
giai cấp, nên ngay từ đầu trong nội bộ đảng cộng sản do Lénine lập ra, đã có
những sự đấu đá, thanh trừng lẫn nhau khốc liệt, mà nạn nhân đầu tiên là
Lénine.
Vào cuối đời, Lénine bị bệnh giang mai, do nhiều
sử gia và bác sĩ nói. Tuy nhiên vào lúc đó chưa có thuốc trụ sinh để chữa trị,
người ta chỉ dùng độc dược để giảm con đau, mỗi khi lên cơn. Người lo chăm sóc
Lénie không ai hơn là Staline. Một khi biết Lénine không còn tin tưởng mình
nữa, Staline đã cho Lénine uống quá liều thuốc, đưa đến cái chết, như lời tố
cáo của vợ Lénine. Cuộc đấu đá to lớn thứ nhì đó là giữa Trotski và Staline.
Sau cùng Trotski đã thua, đổi họ, đổi tên, chạy trốn sang Mễ tây cơ. Tuy nhiên,
Staline vẫn cho người dò hỏi, sau đó giết Trotski.
Cộng sản Tàu và cộng sản Việt Nam cũng
vậy, thanh trừng nội bộ bằng cách này hay cách khác.
Một nền tảng triết lý tốt cho Trung
cộng và Việt Nam
Người bình dân Việt Nam có câu “
Nghĩ làm sao, chiêm bao làm vậy “.
Đức Đạt Lai Lạt ma, trong một cuộc đối thoại với
một nhà thần học người Brazil, Leonardo Boff, có nói:
“Hãy suy tư cẩn thận vì Tư Tưởng sẽ biến thành
Lời Nói.
Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành
Hành Động.
Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành
Thói quen.
Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng hình thành Nhân
Cách.
Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số
Mệnh,
và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh
Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự
Thật.”
Số mệnh là do chính anh tạo ra cho anh qua
cách suy nghĩ, lời nói và việc làm thường ngày của anh. Điều này không những
đúng với mỗi cá nhân, đối với giai tầng lãnh đạo, mà còn đúng với cả một quốc
gia, dân tộc.
Suy nghĩ, tư tưởng đây chính là khởi đầu của
triết lý. Suy nghĩ, tư tưởng, triết lý sai, thì hành động sẽ sai.
Suy nghĩ, tư tưởng, triết lý chủ trương
bạo động, thì hành động trở nên bạo động. Thêm vào đó, Marx chủ trương vứt bỏ
mọi đạo đức cổ truyền, ngay dù những giá trị cổ truyền còn có giá trị và hơn
thế nữa còn có tinh cách toàn cầu: “ Bởi lẽ đó, chủ nghĩa cộng sản loại bỏ tất
cả những chân lý muôn thuở; nó loại bỏ tôn giáo và đạo đức thay vì cải tạo nó,
nó đi ngược lại tất cả mọi sự phát triển lịch sử trước đó “ ( K. Marx Sách đã
dẫn – trang 44). Vì thế xã hội cộng sản, không còn đạo đức, kỷ cương bị đảo
lộn, con người tìm cách cấu xé lẫn nhau, những vụ chém giết nhau vì tiền, con
giết cha, giết mẹ, thầy hiếp dâm học trò, là chuyện bình thường, cũng là vì đi
theo lời dạy của Marx.
Bởi lẽ đó, quả là một điều cấp bách, đối
với những xã hội cộng sản còn lại, đặc biệt là Trung cộng và Việt nam, phải mau
chóng từ bỏ triết học Mác lê làm nền tảng cho chế độ, thay thế bằng một
nền tảng triết học khác.
Vậy đâu là nền tảng triết học mới cho 2
nước trên ?
Có người cho rằng để tạo ra một nền tảng triết
lý mới thật là khó khăn.
Không phải hoàn toàn như vậy. Chúng ta cứ xét sự
phát triển thành công, hài hòa của Nhật và những nước mới như Nam Hàn, Đài
Loan, Singapour, rồi chúng ta suy nghiệm và tìm ra triết lý nền tảng:
Kinh nghiệm của những nước phát triển Á
châu, hiện nay, bắt đầu bởi Nhật, người ta thấy rõ rằng để phát triển cần phải
có sự hài hòa giữa cũ và mới, giữa những cái tốt đẹp của truyền thống giáo dục,
đạo đức cổ truyền và sự du nhập gạn lọc những cái hay, cái đẹp của thế giới bên
ngoài. Nói một cách khác đi, chúng ta có thể ví đời sống văn hóa, văn minh của
một dân tộc như một cái cây: rễ cây là quá khứ, cần phải đi sâu vào lòng đất để
hút nhựa, thân cây là hiện tại cần phải to lớn để chuyển nhựa, cành lá là tương
lai, phải rườm rà để hút cái hay thập phương. Quan niệm vứt bỏ quá khứ như
triết lý của Marx chẳng khác nào chặt rễ cây, làm sao cây có thể sống, nói chi
đến lớn mạnh.
Ở điểm này, khi xét sự phát triển của Nhật từ
trước đến giờ, chúng ta thấy rõ nhất. Nếu nói đến quốc gia phát triển thứ nhì
thế giới, thì chính là nước Nhật, chứ không phải là Trung cộng, vì người ta chỉ
nói đến tổng sản lượng quốc gia, vì tổng sản lượng của Trung cộng là 6 988,5 tỷ
$, của Nhật là 5 855,4 tỷ, sau Hoa kỳ là 15 064,8 tỷ. Sở dĩ như vậy là vì dân
Tàu đông tới 1,353 tỷ người; trong khi dân Nhật là 128,1 triệu. Nếu tính theo
sản lượng bình quân đầu người hàng năm, thì Nhật gấp gần 9 lần Trung cộng, với
con số 45 773,8 $, trong khi Trung cộng là 5 163,9 $, Hoa kỳ là 48 147,2 $. (
Theo Le Monde – Le Bilan du Monde – Edition 2012). Hơn thế nữa, xã hội Nhật là
một xã hội phát triển về đủ mọi mặt, về vật chất và cả về tinh thần. Dân Nhật
được coi là một trong số dân có văn hóa, đạo đức nhất. Chỉ cần lấy hình ảnh của
một em bé trong trận động đất ở Fukushima vừa qua chúng ta cũng rõ. Em bé là
một trong những trăm ngàn nạn nhân, mất gia đình, mất cha mẹ, anh chị em. Em
đứng xếp hàng để được phát thức ăn, những người lớn đã thấy tội nghiệp, nhường
em. Nhưng em từ chối. Từ đó, nhìn vào Trung cộng và Việt nam hiện nay, theo
triết lý “ duy vật “ của Marx, con người coi con người như kẻ thù, cấu xé lẫn
nhau, tìm đủ mọi cách để có tiền, tham nhũng, hối lộ, làm hàng giả, đâm chém
nhau chỉ vì mấy trăm, mấy chục $, nói chi đến việc xắp hàng thứ tự.
Nhiều người, khi nói đến sự phát triển của Nhật,
chỉ nghĩ đến thời Minh trị Thiên Hoàng, lên ngôi năm 1848, và bắt đầu công cuộc
cải cách từ đây. Điều này không sai. Nhưng chưa đủ. Nước Nhật từ thế kỷ thứ 6,
với hoàng tử Shotoku ( 574 – 622), đã biết tổng hợp đạo giáo, gồm Thần giáo tức
đạo dân gian Nhật, Phật giáo và Nho giáo, trong tinh thần này là đã có sự phối
hợp hài hòa giữa cái gì của mình và cái của người đến từ những nước chung quanh
như Tàu và Ấn độ. Hơn thế nữa hoàng tử Shotoku còn cho ra đời một hiến pháp,
vào năm 604, trong đó có câu: “ Chúng ta không tất yếu là triết nhân quân tử,
và người khác cũng không tất yếu là kẻ ngu. Tất cả chúng ta là những người bình
thường. “ ( Nous ne sommes pas nécessairement des sages et les autres ne sont
pas nécessairement des sots. Nous sommes tous des hommes ordinaires). Khác hẳn
với những người tự cho mình là « Đỉnh cao trí tuệ của loài người tiến bộ «,
nhưng tụt hậu về mọi phương diện, từ vật chất đến tinh thần.
Nước phát triển thứ nhì ở châu Á phải nói
đến Nam Hàn, về cả vật chất lẫn tinh thần, vì cũng biết giữ lại những giá trị
tốt đẹp cổ truyền và đồng thời nhập cảng gạn lọc những cái gì hay của thế giới.
Tổng sản lượng của Nam Hàn là 1 163,8 tỷ$, với dân số là 49 triệu người, sản
lượng tính theo đầu người hàng năm là 23 749,2 $, gấp hơn 4 lần Trung cộng. Nam
Hàn hiện nay đứng đầu trong nhiều lãnh vực khoa học. Chỉ cần lấy lãnh vực điện
thoại cầm tay là lãnh vực khoa học cao cấp hiện giờ. Hãng Samsung đứng đầu về
con số sản xuất, sau mới là hãng Apple của Hoa kỳ, thứ ba mới là hãng Nokia của
một nước bắc Âu. Không những thế, về tinh thần, giới lãnh đạo Nam hàn được coi
là giới lãnh đạo có liêm sỉ, tự trọng và trong sạch nhất. Chỉ cần nói đến
trường hợp một vị cựu tổng thống nam Hàn, vì dính dáng tới tham nhũng, không
phải ông, mà là người nhà của ông, vói 50 000$, mà ông đã tự tử.
Từ đó nhìn sang Trung cộng và Việt Nam, giới
lãnh đạo cao cấp, có ai là không tham nhũng, không phải là 50 000 $ mà cả tiền
triệu $, tích lũy tài sản lên tới bạc tỷ $, thế mà miệng vẫn rêu rao
chống tham nhũng, chống hối lộ.
Liêm sỉ, nhân cách con người để ở đâu ?
Phải chăng vì « Triết lý duy vật « đã cướp mất ?
Chúng ta chỉ cần nhìn 2 nước Nam Hàn và
Bắc Hàn thì rõ. Một nước tôn trọng giá trị đạo đức cổ truyền, đồng thời thu
nhập những cái hay cái đẹp một cách gạn lọc của tây phương. Một nước nhập cảng
không suy nghĩ triết lý Marx, chối bỏ tất cả những tốt đẹp cổ truyền, năm nào
cũng bị đe dọa bởi đói kém, đưa một người miệng còn hơi sữa lên làm lãnh tụ,
rồi tìm đủ mọi cách để trét phấn, bôi son, nào là « Thiên tài về chiến
lược « , « Lãnh tụ tối cao của dân tộc « v.v...
Tấm gương đã quá rõ, thế mà ở Trung cộng
và ở Việt nam vẫn còn có người bám vào triết lý Mác Lê.
Không nói đâu xa, chúng ta cứ trở về 2 nền
Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trước năm 1975, thì chúng ta cũng thấy rõ. Trước
năm 1975, miền Nam Việt nam, với 2 nền Cộng hòa, phát triển hài hòa về cả 2 mặt
vật chất và tinh thần, hơn cả Nam hàn và Đài Loan, nước phát triển thứ 3 hiện
nay của châu Á, với tổng sản lượng là 504,6 tỷ $, dân số là 23,2 triệu dân, sản
lượng tính theo đầu người là 21 591,8$. Trước năm 75, chính Đài loan đã bắt
chước áp dụng luật Người cày có ruộng, của nền Đệ Nhị Cộng hòa miền Nam. Về thể
chế chính trị, miền Nam không thể sánh với những nước dân chủ tân tiến, nhưng
miền Nam có một thể chế tương đối dân chủ nhất trong vùng, chỉ sau Nhật
bản.
Chính những nhà kinh tế cộng sản, như Lê đăng
Doanh, trong một bài phỏng vấn trên đài BBC, phải công nhận rằng, sau 75, ông
vào miền quê miền Nam, ông đã nhận thấy một sự phát triển không ngờ của hạ tầng
cơ sở kinh tế miền nam. Thế rồi cộng sản vào, phá hủy tất, theo đúng như triết
lý của Marx, không những vật chất, qua những cuộc “Đánh tư bản, mại sản”, mà cả
tinh thần, đốt sách, vứt bỏ tất cả những cái hay cái đẹp của văn hóa cổ truyền,
làm cho xã hội Việt Nam ngày hôm nay không còn căn bản đạo đức, sống xô bồ,
chen chúc, đạp lên nhau để tồn tại, trên đủ mọi phương diện, mọi lãnh vực, từ
giới lãnh đạo, đến người dân đen. Tham nhũng hối lộ hoành hoành, bất công càng
ngày càng to lớn.
“ Nghĩ làm sao, chiêm bao làm vậy “, xin
nhắc lại câu châm ngôn Việt nam.”
Dựa trên nền tảng triết học nào, thì sự phát
tiển xã hội sẽ theo tinh thần triết lý đó.
Triết lý của Marx lấy sự bất bình thường làm sự
bình thường qua quan niệm đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử, thêm vào đó lại
có một số người cộng sản, nhất là giới lãnh đạo, hiểu chủ nghĩa “ Duy vật “ ở
nghĩa thấp nhất là tôn sùng vật chất, chạy theo vật chất, tiền bạc, làm cho xã
hội Trung cộng và Việt Nam đi đến tình trạng ngày hôm nay.
Bởi lẽ đó, để có một sự phát triển hài hòa, bớt
bất công tham nhũng, ở quốc nội, và có thể sống hòa bình với quốc ngoại, thì
hai nước này nên vứt bỏ triết lý Mác Lê, bắt chước những nước Nhật, Nam Hàn,
Đài loan, dựa trên một nền tảng triết học, tôn trọng những giá trị nhân bản,
toàn cầu cổ truyền, đồng thời thâu nhận một cách khôn ngoan, gạn lọc những cái
gì hay của thế giới. (1)
Paris ngày 17/08/2013
Chu chi Nam
(1) Xin
xem thêm những bài phê bình lý thuyết của Marx, trên:
http://perso.orange.fr/chuchinam/
Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013
2012 VN=Quản lý kinh tế kiểu mới..
Quản lý thị trường
vàng, những câu hỏi đang đợi trả lời
Lê Đăng Doanh
|
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy
định về quản lý vàng, đồng thời lại là cơ quan độc quyền nhập khẩu vàng, kinh
doanh vàng miếng SJC, đấu thầu vàng, mua-bán vàng để bình ổn thị trường vàng.
Trên thế giới chưa thấy có nền kinh tế thị trường nào lại áp dụng những biện
pháp quản lý như vậy và hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” là quá lộ liễu.
Trải qua những biến động
lịch sử (chiến tranh, thay đổi chính phủ, đổi tiền v.v.), người dân Việt Nam đã
có thói quen dùng vàng để giữ tài sản của mình. Không chỉ người giàu có, người
nghèo cũng giữ vàng, người mẹ nào cũng cố gắng cho con gái vài đồng cân vàng
khi đi lấy chồng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới từ năm 1993 đến 2010, Việt Nam đã
nhập tổng cộng 1.000 tấn vàng (trong đó có tỷ lệ khá lớn nhập lậu), trừ đi số
vàng đã xuất khẩu, trong dân còn khoảng 400-500 tấn vàng, một nguồn lực rất lớn
có thể và cần huy động để xây dựng đất nước.
Trong những năm 1990, giá vàng liên tục biến động, tình hình chỉ ổn định sau khi nhà nước chủ động áp dung cơ chế thị trường vàng, cân đối cung-cầu. Từ 1993, người dân được quyền sở hữu, cất giữ vàng không hạn chế.Từ 1999 Nghị định NĐ174/1999/NĐ-CP và NĐ 64/2003/NĐ-CP cấp phép cho 8 ngân hàng thương mại và một công ty sản xuất vàng miếng. Năm 2000, Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được huy động vốn bằng vàng và cho vay bằng vàng (Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN). Từ năm 2011, Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng cho tám ngân hàng thương mại và công ty SJC để “tham gia bình ổn thị trường vàng” trong nước.
Từ năm 2008, trước tình hình lạm phát tăng cao, xu hướng dùng vàng để thanh toán những phi vụ mua bán nhà, đất tăng lên. Tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế xuất hiện, vàng không chỉ còn là phương tiện cất giữ mà còn trở thành phương tiện thanh toán, tức là đồng tiền mạnh trong nền kinh tế, tác động tới tỷ giá, dự trữ ngoại tệ. Trên cả nước đã có khoảng 12.000 cửa hàng lớn nhỏ được cấp phép hoạt động, một số còn kiêm cả mua bán ngoại tệ, chủ yếu là USD. Cứ mỗi khi có biến động tỷ giá hay giá vàng biến động lại có hiện tượng đoàn người xếp hàng chen chúc nhau để mua vàng kiếm lợi.
Các hiệp hội đã kiến nghị tổ chức “sàn vàng” như một thị trường vàng có sự quản lý của nhà nước, từng bước liên thông với thị trường vàng thế giới, giảm bớt chênh lệch giá giữa giá vàng trong ước và giá vàng thế giới.
Trước tình hình đó, Nghị định 24/2012/ NĐ-CP đã quyết định bỏ quy định cấp quota nhập khẩu vàng, không liên thông giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, ấn định thời hạn tất toán dịch vụ nhận gửi tiết kiệm và cho vay bằng vàng tại các ngân hàng thương mại đến ngày 30/6/2013, tuyên bố vàng miếng SJC trở thành nhãn hiệu vàng độc quyền, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập vàng, độc quyền phát hành vàng SJC và là người độc quyền bán vàng để bình ổn thị trường, áp đặt những điều kiện ngặt nghèo cho các hộ kinh doanh vàng phải đăng ký lại v.v.
Những người dân giữ vàng miếng không phải SJC phải đổi với chênh lệch giá khá lớn, số cửa hàng kinh doanh vàng được cấp phép trơ lại giảm đáng kể. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng, cho đến nay đã hơn 40 phiên, bán ra 41,4 tấn vàng, phải sử dụng lương lớn ngoại tệ để nhập khẩu. Nếu như trước ngày 30.6, bình quân mỗi phiên chỉ bản 26.000 lượng vàng thì ngày 9/7/2013, sau thời hạn tất toán vàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu lượng vàng gần gấp đôi, lến đến 40.000 tấn vàng/ phiên. Chênh lệch giá vàng trước và giá vàng thế giới có lúc lên đến 7 triệu đồng/lượng, nay vẫn còn ở mức 5-6 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bình ổn thị trường vàng nhưng không bình ổn giá. (?!).
Ngân hàng Nhà nước tuyên bố chính sách quản lý thị trường vảng đã đạt thắng lợi quan trọng, không còn cảnh người mua vàng chen chúc, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên v.v. Báo chí đưa tin Ngân hàng Nhà nước đã lãi 5.000 tỷ đồng nhờ nhập khẩu vàng giá thấp, bán vàng giá cao và Ngân hàng Nhà nước quả quyết toàn bộ lợi nhuận thuộc về nhân dân và nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy vậy, chưa thấy Kho bạc Nhà nước có thông báo về số thu ngân sách này.
Song, sau thời hạn khóa sổ ngày 30/6/2013, tình hình không ổn định như Ngân hàng Nhà nước dự đoán. Một số ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản, chưa thể tất toán vàng. Dự báo nhu cầu của các ngân hàng này còn ít nhất 9 tấn vàng để tất toán. Trong những ngày nắng nóng lên đến 40 độ C cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy này ở Hà Nội, hiện tượng sắp hàng từ sáng đến tối để mua vàng của người dân lại xuất hiện trở lại. Tỷ giá đã phải điều chỉnh lên 1% ngày 28/6 và đã có lúc đạt mức 22.000 VND/USD trên thị trường tự do. Nhu cầu vàng chưa thấy đến giới hạn. Tình hình đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy định về quản lý vàng, đồng thời lại là cơ quan độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền kinh doanh vàng miếng SJC, độc quyền đấu thầu vàng, mua-bán vàng để bình ổn thị trường vàng. Trên thế giới chưa thấy có nền kinh tế thị trường nào lại áp dụng những biện pháp quản lý như vậy và hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” là quá lộ liễu. Thanh tra Nhà nước tháng 4/2013 đã thông báo sẽ thanh tra hoạt động kinh doang vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Số vàng trong dân chưa biết đến bao giờ mới huy động được và bằng phương án nào. Giá vàng trong nước tiếp tục nhảy múa, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn rất cao.
Muốn biết kết quả kinh doanh vàng thế nào phải đợi kết quả của Thanh tra Nhà nước, song cách vừa tự ban hành quy định lại độc quyền thực hiện như hiện nay là điều không giống bất kỳ nước nào
Trong những năm 1990, giá vàng liên tục biến động, tình hình chỉ ổn định sau khi nhà nước chủ động áp dung cơ chế thị trường vàng, cân đối cung-cầu. Từ 1993, người dân được quyền sở hữu, cất giữ vàng không hạn chế.Từ 1999 Nghị định NĐ174/1999/NĐ-CP và NĐ 64/2003/NĐ-CP cấp phép cho 8 ngân hàng thương mại và một công ty sản xuất vàng miếng. Năm 2000, Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được huy động vốn bằng vàng và cho vay bằng vàng (Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN). Từ năm 2011, Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng cho tám ngân hàng thương mại và công ty SJC để “tham gia bình ổn thị trường vàng” trong nước.
Từ năm 2008, trước tình hình lạm phát tăng cao, xu hướng dùng vàng để thanh toán những phi vụ mua bán nhà, đất tăng lên. Tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế xuất hiện, vàng không chỉ còn là phương tiện cất giữ mà còn trở thành phương tiện thanh toán, tức là đồng tiền mạnh trong nền kinh tế, tác động tới tỷ giá, dự trữ ngoại tệ. Trên cả nước đã có khoảng 12.000 cửa hàng lớn nhỏ được cấp phép hoạt động, một số còn kiêm cả mua bán ngoại tệ, chủ yếu là USD. Cứ mỗi khi có biến động tỷ giá hay giá vàng biến động lại có hiện tượng đoàn người xếp hàng chen chúc nhau để mua vàng kiếm lợi.
Các hiệp hội đã kiến nghị tổ chức “sàn vàng” như một thị trường vàng có sự quản lý của nhà nước, từng bước liên thông với thị trường vàng thế giới, giảm bớt chênh lệch giá giữa giá vàng trong ước và giá vàng thế giới.
Trước tình hình đó, Nghị định 24/2012/ NĐ-CP đã quyết định bỏ quy định cấp quota nhập khẩu vàng, không liên thông giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, ấn định thời hạn tất toán dịch vụ nhận gửi tiết kiệm và cho vay bằng vàng tại các ngân hàng thương mại đến ngày 30/6/2013, tuyên bố vàng miếng SJC trở thành nhãn hiệu vàng độc quyền, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập vàng, độc quyền phát hành vàng SJC và là người độc quyền bán vàng để bình ổn thị trường, áp đặt những điều kiện ngặt nghèo cho các hộ kinh doanh vàng phải đăng ký lại v.v.
Những người dân giữ vàng miếng không phải SJC phải đổi với chênh lệch giá khá lớn, số cửa hàng kinh doanh vàng được cấp phép trơ lại giảm đáng kể. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng, cho đến nay đã hơn 40 phiên, bán ra 41,4 tấn vàng, phải sử dụng lương lớn ngoại tệ để nhập khẩu. Nếu như trước ngày 30.6, bình quân mỗi phiên chỉ bản 26.000 lượng vàng thì ngày 9/7/2013, sau thời hạn tất toán vàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu lượng vàng gần gấp đôi, lến đến 40.000 tấn vàng/ phiên. Chênh lệch giá vàng trước và giá vàng thế giới có lúc lên đến 7 triệu đồng/lượng, nay vẫn còn ở mức 5-6 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bình ổn thị trường vàng nhưng không bình ổn giá. (?!).
Ngân hàng Nhà nước tuyên bố chính sách quản lý thị trường vảng đã đạt thắng lợi quan trọng, không còn cảnh người mua vàng chen chúc, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên v.v. Báo chí đưa tin Ngân hàng Nhà nước đã lãi 5.000 tỷ đồng nhờ nhập khẩu vàng giá thấp, bán vàng giá cao và Ngân hàng Nhà nước quả quyết toàn bộ lợi nhuận thuộc về nhân dân và nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy vậy, chưa thấy Kho bạc Nhà nước có thông báo về số thu ngân sách này.
Song, sau thời hạn khóa sổ ngày 30/6/2013, tình hình không ổn định như Ngân hàng Nhà nước dự đoán. Một số ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản, chưa thể tất toán vàng. Dự báo nhu cầu của các ngân hàng này còn ít nhất 9 tấn vàng để tất toán. Trong những ngày nắng nóng lên đến 40 độ C cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy này ở Hà Nội, hiện tượng sắp hàng từ sáng đến tối để mua vàng của người dân lại xuất hiện trở lại. Tỷ giá đã phải điều chỉnh lên 1% ngày 28/6 và đã có lúc đạt mức 22.000 VND/USD trên thị trường tự do. Nhu cầu vàng chưa thấy đến giới hạn. Tình hình đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy định về quản lý vàng, đồng thời lại là cơ quan độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền kinh doanh vàng miếng SJC, độc quyền đấu thầu vàng, mua-bán vàng để bình ổn thị trường vàng. Trên thế giới chưa thấy có nền kinh tế thị trường nào lại áp dụng những biện pháp quản lý như vậy và hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” là quá lộ liễu. Thanh tra Nhà nước tháng 4/2013 đã thông báo sẽ thanh tra hoạt động kinh doang vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Số vàng trong dân chưa biết đến bao giờ mới huy động được và bằng phương án nào. Giá vàng trong nước tiếp tục nhảy múa, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn rất cao.
Muốn biết kết quả kinh doanh vàng thế nào phải đợi kết quả của Thanh tra Nhà nước, song cách vừa tự ban hành quy định lại độc quyền thực hiện như hiện nay là điều không giống bất kỳ nước nào
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)