Tổng kết
Ngày khám sức khoẻ và chữa
bệnhcho trẻ mồ côi, khuyết tật, sinh viên và
người nghèo
26/3/2023 tại Đại học Cửu Long, Vĩnh LongT
P. Hồ Chí Minh, ngày 29/3/2023
Kính gửi:
Ban Giám hiệu trường Đại học Cửu
Long
Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM
Quý anh chị điều hành các cơ sở từ thiện xã hội,
Các người khuyết tật, các em mồ côi, các em sinh viên và người nghèo,
Quý anh chị bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế,
Quý ân nhân và các nhà hảo tâm.
Quý vị và anh chị em thân mến,
Ngày 26/3/2023, Ban Y tế-Xã Hội
thuộc Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM đã tổ chức khám sức khoẻ
và chữa bệnh cho khoảng hơn 2.500 người tại Đại học Cửu
Long, Vĩnh Long. Sau đây là nội dung chi tiết.
1. Ban Tổ chức: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội, Trưởng ban; Bs. Lương Văn
Tô My, Phó Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TP.HCM, Phó ban; Bs Nguyễn Thị Hồng Nga,
Chuyên khoa Phục hồi Chức năng, Phó ban; PGS-TS Lương Minh Cừ,
Hiệu trưởng trường Đại học Cửu Long, Bà Lương Ngọc Bích, Giảng viên của Trường,
phối hợp
cùng Đoàn Thanh niên của Trường Đại học và Đoàn Thanh niên Công An của tỉnh
Vĩnh Long điều hành chương trình này.
2.
Đối tượng: Lần khám này dành cho các
em mồ côi, người khuyết tật, người nghèo trong các cơ sở và cộng đồng ở TP.
Vĩnh Long, các thầy cô giáo, sinh viên nghèo, sinh viên Lào và Campuchia thuộc Đại
học Cửu
Long và một số người nghèo trong các tỉnh lân cận của Đồng
bằng sông Cửu Long. Nhiều người khác đến từ Cần Thơ, Sóc Trăng. Một vài người ở
xa như Bạc Liêu, Cà Mau cũng đến khám. Đối tượng được khám trên 2.500 người.
3.
Thời gian và địa điểm: dự định từ 7g30 đến 15g30, ngày Chủ Nhật, 26/3/2023,
tại Khu F Đại học Cửu Long, địa chỉ: Quốc lộ 1A, Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh
Vĩnh Long. Nhưng từ 7g00 sáng, nhiều bệnh nhân đã tụ tập trong khuôn viên Đại
học nên những bác sĩ đến sớm từ chiều thứ Bảy hôm trước cũng bắt tay làm việc
luôn. Do số người đông nên khoảng 16g mới xong việc ở các khâu.
4.
Số người tham gia: Dự
trù số bệnh nhân đông, Ban Y tế Xã hội của Hội Bảo Trợ đã
tăng cường số người tham gia và máy móc thiết bị. 54 bác sĩ chuyên khoa từ các
bệnh viện và Trường Đại học, 32 nha sĩ của Hội Răng Hàm Mặt TP.HCM, 19 dược sĩ,
32 điều dưỡng, 18 chuyên viên Cơ Xương Khớp, 7 kỹ thuật viên đo khúc xạ, 4
chuyên viên X-quang, 40 tình nguyện viên lo ẩm thực, nước uống, âm thanh, thu
hình, giúp đưa bệnh nhân bằng xe lăn, 5 người thuộc Ban Tổ chức, 4 người thuộc
Hội Bảo Trợ để phát quà. Tổng cộng là 215 người. Ngoài ra, Khoa Sức Khoẻ của
Đại học Cửu Long gồm khoảng 150 sinh viên phụ trách các khâu giúp các bác sĩ và
bệnh nhân ở các nơi khám như đo huyết áp, hướng dẫn bệnh nhân, khoảng 150 thầy
cô và sinh viên, các cán bộ, công nhân viên của Đại học Cửu Long giữ nhiệm vụ
tổ chức, đón rước, phát quà, và khoảng 50 công nhân viên phục vụ xe điện đưa
đón, vệ sinh, trật tự cho ngày khám. Tổng cộng khoảng hơn 3.100 người tham gia
ngày khám chữa bệnh này.
5.
Số máy móc thiết bị hàng hoá: Đoàn Y tế từ TP.HCM đã mang theo 6 máy siêu âm, 4
máy điện tim, 1 xe X-quang, 1 xe vận tải chở thuốc và các trang thiết bị y tế,
1 xe hàng chở đồ uống của Công ty Trà Tân Nam Bắc. 163 thùng trái cây sấy khô,
30 thùng quần áo mới của Hội Bảo Trợ. Đoàn Nha cũng có thêm 1 xe chở ghế và các
thiết bị nha.
6.
Chương trình khám bệnh
6.1. Các mục khám chung cho mọi người
6.1.1. Ghi danh, làm sổ khám bệnh, đo huyết áp,
nhịp tim, chiều cao, trọng lượng.
Số Sổ khám bệnh phát ra là 2.475, sổ được phát trước ngày khám để các
bệnh nhân điền trước thông tin. Những người mới đến được các TNV giúp làm sổ. Các
sinh siên trong trường Đại học đo sẵn trọng lượng, chiều cao, ghi tiền sử bệnh…
nên việc khám rất thuận lợi và nhanh chóng hơn các lần khác. Các bệnh nhân được
tiếp đón trong giảng đường lớn của Đại học rộng rãi, thoáng mát, được các TNV
sinh viên tiếp đón ân cần, những người già yếu được chở bằng xe điện đến chỗ
khám.
Chúng
tôi cần lưu ý là các TNV phải ghi nhịp tim (mạch) để bác sĩ khám tổng quát định
bệnh tốt hơn vì nếu mạch nhanh quá, bệnh nhân thường thiếu oxy trong máu do 90%
người Việt Nam thở không đủ khí. Chúng tôi hy vọng sẽ đo thêm cho bệnh nhân
dung lượng khí trong mỗi lần thở để xác định tốt hơn việc máu có lên não đủ hay
không. Do tiêm vaccine, hay bị các virus tấn công, hệ bạch huyết và hệ miễn
dịch của bệnh nhân bị tổn thương, các hạch bạch huyết phải nở to để sản xuất
thật nhiều bạch cầu nhằm bao vây virus, vi trùng, vi khuẩn nên các mạch máu bị
chặn lại khiến thiếu máu não và các cơ quan khác. Từ đó gây nên nhiều triệu
chứng hậu covid như suy yếu sức khoẻ, trầm cảm, giảm trí nhớ, khó ngủ,…
6.1.2. Khám tổng quát. Các bác sĩ chia làm 2 phòng, mỗi phòng khoảng 22
bác sĩ để khám tổng quát cho 2.500 người và ký nhận từng mục. Các bác sĩ thấy
bệnh nhân nào cần phục hồi sức khoẻ là cho ngay hộp sữa non để sẵn trên bàn và
ghi nhiều thuốc bổ cho phòng dược cấp thuốc.
Các
bác sĩ khám tổng quát nhận định: Bệnh cao huyết áp, tiểu đường ở Vĩnh Long ít
hơn so với các tỉnh khác ở miền Tây. Bệnh về cơ xương khớp khá nhiều so với các
nơi khác do nhiều người làm nặng trong nghề nghiệp. Hội chứng dạ dày cấp nhiều
hơn các nơi khác. Bệnh tim mạch cũng khá nhiều do các bệnh nhân ăn mặn, ít
kiêng đồ béo. Nhóm thử đường huyết đã thử cho 150 người theo yêu cầu của bác
sĩ.
6.1.3. Khám mắt, đo thị lực. 6 bác sĩ khám mắt chia thành 2 phòng. Trong
phòng có 5 bàn đo thị lực, đo khúc xạ. Có 350 bệnh nhân được khám mắt. Nhiều
người bị đục thuỷ tinh thể. Trong đó có 12 người bị đục thuỷ tinh thể nặng và 2
người bị mộng thịt độ III được chỉ định giải phẫu. Đoàn đã ghi tên các bệnh
nhân này để giúp cho họ được mổ mắt miễn phí trong đợt sắp tới ở TP.HCM. Đoàn
cũng phát miễn phí 170 kính lão cho người cần. Làm 116 kính độ theo số đo khúc
xạ cho bệnh nhân và gửi về Đại học để giao tặng cho bệnh nhân. Số kính khúc xạ
này do Tiệm kính Việt Thuận ở 43 Nguyễn Trãi quận I TP.HCM làm và gửi tặng.
6.1.4. Khám chữa răng.
Đoàn Nha gồm 13 bác sĩ là các thầy cô dạy tại Khoa Nha trường Đại học Y Dược
TP.HCM, 4 phụ tá, 15 sinh viên được tuyển chọn. Đoàn Nha khám 529 người. Chữa răng 299 người, chữa tuỷ (lấy tuỷ, Nội Nha), 5 người. Nhổ
răng 101 người. Hướng dẫn vệ sinh
Răng 123 người. Nhiều bệnh nhân còn được tặng kem và bàn chải đánh
răng. Đoàn tiếp đón ân cần mọi bệnh nhân theo đúng tinh thần “TPC” ghi trên áo
là “Tận tình Phục vụ Cộng đồng”.
6.1.5. Khám chữa cơ xương khớp.
Đây là khâu vất vả nhất trong Đoàn vì các bệnh nhân rất đông, ngồi chờ thành
từng hàng dài trước cửa phòng. Các y sĩ chuyên viên làm việc trong một phòng
không có máy lạnh, trong không khí nóng bức. Tuy nhiên các bệnh nhân luôn được
tiếp đón ân cần với nụ cười. Tổng cộng khoảng 360 bệnh nhân được phục vụ.
6.2.
Các mục theo chỉ định của bác sĩ và theo yêu cầu của bệnh nhân
6.2.1. Khám X-quang phổi và tim. Có khoảng 250 bệnh nhân được chụp X-quang. X-quang, điện tim, siêu âm
đã cho kết quả nhanh chóng nên hỗ trợ tốt cho việc khám chữa bệnh của các bác
sĩ.
6.2.2. Siêu âm và Đo điện tim: được chia thành 2 phòng, mỗi phòng 3 máy siêu âm và 2 máy điện tim cho
từng giới nam và nữ. Vì số bệnh nhân khá đông, nên chúng tôi chỉ làm tạm các
vách ngăn bằng các khăn vải tạm thời cho các bệnh nhân nữ. Tổng cộng 616 người
được siêu âm và 650 người được đo điện tim. Có 7 bác sĩ siêu âm lần này, nhưng
vì bệnh nhân quá đông, khiến bác sĩ không dám nghỉ ngơi và thay ca 2 người một
máy như các lần khác.
6.2.3. Khám sản phụ khoa. Các em sinh viên của Đại học đã tận tình giúp các bác sĩ trong các
khâu này. Lần này có 2 bác sĩ Sản Phụ khoa nên việc khám và tư vấn cũng được
nhanh chóng hơn, cả hai bác sĩ đã khám và cho thuốc 111 người.
6.3.
Các mục khác
6.3.1. Nhận thuốc. Sau
khi khám xong, bệnh nhân nhận thuốc chữa bệnh theo toa bác sĩ và thuốc chống
giun sán, thuốc bổ. Các dược sĩ đã phát ra trên 2.000 đơn vị thuốc theo đơn
thuốc được các bác sĩ đề nghị. Không kể các thuốc về mắt, thuốc chữa các bệnh
về sản phụ khoa được các bác sĩ chuyên khoa phát trực tiếp cho bệnh nhân, khoảng
gần 500 người. Ngoài ra, tổ Dược cũng chia sẻ 400 phần thuốc đủ các loại cho bà
con nghèo ở Huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long, sẽ được đoàn y tế của Công An phối
hợp với Trường Đại học tổ chức khám chữa bệnh vào ngày Chủ Nhật 2/4/2023 sắp
tới.
6.3.2. Sổ khám bệnh đã được các bác sĩ ký nhận
sẽ được trường Đại học thu lại xác nhận và đóng đấu cho các sinh viên của
Trường ở phần Người kết luận. Các cơ sở từ thiện, xã hội trong tỉnh Vĩnh Long
hay các cơ sở khác cũng có thể đến trường Đại học để xin ký xác nhận ở phần kết
luận.
6.3.3. Nhận quà của Hội Bảo trợ và các nhà
hảo tâm tặng. Hội Bảo trợ đã chuyển các phần quà gồm trái cây sấy khô, kẹo, sữa
non của Công ty Fruitsco Việt Nam gồm
chuối và thanh long xấy khô (khoảng 6.520 gói), kẹo cho trẻ em, 60 hộp sữa non
cho người cần phục hồi sức khoẻ của Công Ty Fruitco VietNam, 2400 phần quà gồm
áo thun, áo sơmi, quần Jean của Quỹ Phúc Lợi Xã hội Eden Đài Loan gửi tặng
người nghèo.
7.
Khâu di chuyển đi-về
- Trường Đại học Cửu Long đã điều một số xe đưa đón các em mồ côi, người
khuyết tật, người già… đến nơi khám.
- Đoàn y tế và tình nguyện viên của Hội chia thành 2 đoàn, một số đi từ trưa
ngày thứ Bảy, 25/3/2023, phần còn lại đi lúc 4g30 sáng Chủ Nhật 26/3 và đến nơi
lúc 7g30. Đoàn rời Trường lúc 17g00 và về tới thành phố HCM lúc 20g30.
8.
Khâu ăn uống
- Đại học Cửu Long đã tặng bữa
cơm tối cho hơn 100 người của Đoàn đến từ thứ Bảy, phần ăn sáng, ăn trưa, ăn
chiều ngày Chủ Nhật 26/3/2023 cho toàn Đoàn. Trường Đại học đã tặng phần ăn sáng cho khoảng 3000 người đến khám. Đoàn
đi ngày Chủ Nhật từ nhà thờ Chợ Đũi đã ăn
sáng trên xe khi di chuyển để tiết kiệm thời gian. Bữa điểm tâm này do tiệm Xôi
Chè Bùi Thị Xuân khoản đãi.
- Nước uống: Trường Đại học chuẩn bị sẵn các bình nước uống ở các khu
vực trong sảnh để mọi người có thể sử dụng. Công ty Trà Tân Nam Bắc, ở 861 Quốc
lộ 1A, Phường Thạnh Xuân, Q.12 TP.HCM, đã tặng hơn 3000 phần nước trà chanh cho
mọi người đến khám. Nhóm ẩm thực, do chị Thuý đóng góp, cũng đã lo nước giải
khát, cà phê cho Đoàn trong thời gian khám bệnh. Vì trời nóng, nên sự trợ giúp
này thật cần thiết.
9. Cảm tạ, tri ân
Đoàn Y tế chúng tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, cán bộ, công
nhân viên và anh chị em sinh viên của Đại học Cửu Long, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long,
Đoàn Thanh niên Công An tỉnh Vĩnh Long, Ban Y tế xã Phú Quới, các doanh nghiệp,
các nhà hảo tâm trong nước cũng như ngoài nước đã đóng góp cho hoạt động từ
thiện này.
Ngoài việc khám chữa bệnh cho những người nghèo, chúng tôi cũng muốn
đóng góp chút ít vào công cuộc giáo dục và đào tạo của Trường Đại học để các em
sinh viên nhận ra rằng rất nhiều người trong Đoàn Y tế lần này là các vị tiến
sĩ, chuyên viên, các nhà khoa học đang dạy trong và ngoài nước cùng hoạt động
với các em. Chúng ta không chỉ học để biết, để làm nhưng còn để sống chung với
mọi người và nhất là để tự khẳng định mình là một người có nhân cách, biết phục
vụ đồng bào với tất cả tấm lòng yêu thương.
Cầu chúc quý vị và mọi người luôn an lành, hạnh phúc và tràn đầy niềm
vui. Hẹn gặp lại nhau trong những lần tới như Thầy Hiệu trưởng và thầy Phó hiệu
trưởng mong mỏi mỗi năm Đoàn Y tế trở lại để làm cầu nối yêu thương cho các
tỉnh miền Tây này.
Trân
trọng,
TM. Ban Tổ chức Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Trưởng Ban Y tế Xã hội