Chính sách Đối
ngoại Viêt Nam Giai đoạn Mới-Nguyễn Quang Dy
Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017 | 2.2.17
Trước cơn địa
chấn chính trị với hệ quả khôn lường đang diễn ra tại Mỹ và toàn cầu, trước đám
mây đen và sóng dữ tại Biển Đông, con tàu Việt Nam phải làm thế nào để thoát hiểm
và vượt ra biển lớn? Đây là thách thức to lớn và cơ hội mong manh đối với Việt
Nam, tại bước ngoặt lịch sử khi thế giới đang bước sang một giai đoạn mới.
Bước ngoặt lịch
sử
Tuy đã hơn bẩy
thập kỷ sau ngày độc lập (2/9/1945) và hơn bốn thập kỷ sau ngày kết thúc chiến
tranh Việt Nam (30/4/1975), nhưng đất nước dường như vẫn còn luẩn quẩn tại ngã
ba đường của lịch sử. Việt Nam có quyết tâm đổi mới thể chế toàn diện hay
không? Có thực sự đi theo con đường kinh tế thị trường và dân chủ hóa hay
không? Liệu tranh luận về “hai con đường” đã đến lúc ngã ngũ, hay Việt Nam vẫn
tiếp tục “đu dây”?
Một yếu tố mới
xuất hiện, như một cơn địa chấn chính trị đang xô đẩy Việt Nam phải chọn một
con đường. Ngày 8/11/2016 là “ngày định mệnh” đối với nước Mỹ (cũng như nhiều
nước khác), khi Donald Trump bất ngờ thắng cử, trở thành tổng thống thứ 45 của
Mỹ. Đó là một chính biến làm thay đổi cuộc chơi (game changer), khiến nước Mỹ
(và phần lớn thế giới) ngỡ ngàng, bối rối và lo sợ. Đó không phải chỉ là sự kiện
thay đổi tổng thống Mỹ như “đến hẹn lại lên”, mà là một bước ngoặt lịch sử, mở
ra một giai đoạn mới bất định. Khủng hoảng chính trị Mỹ có thể làm đảo lộn trật
tự thế giới, “như khi Liên Xô sụp đổ” (năm 1991). (“America: the Failed State”,
Francis Fukuyama, Prospect, December 13, 2016)
Cơn địa chấn
chính trị bất ngờ và bất định này đang làm nước Mỹ chia rẽ sâu sắc, đe dọa trật
tự thế giới cũ và quan hệ quốc tế. Trong cuốn sách mới xuất bản, Richard Haass
(Chủ tịch Council on Foreign Relations) nhận xét rằng từ đầu năm 2017, chúng ta
đang chứng kiến “sự đảo lộn có tính hệ thống” (systemic disorder) và “mất
phương hướng chiến lược” (strategic disorientation). (“A World in Disarray:
American foreign Policy and the Crisis of the Old Order”, Richard Haass,
Penguin Press, January 2017).
Nếu Donald
Trump chơi lá bài Nga để chống Tàu (khác với Nixon-Kissinger chơi lá bài Tàu để
chống Nga trước đây) thì ông ta có thể làm đảo lộn bàn cờ chiến lược Biển Đông,
cũng như chính sách đối ngoại của các nước Đông Á và ASEAN (trong đó có Việt
Nam). Học thuyết Kissinger về tam giác chiến lược Mỹ-Nga-Trung có thể bị đảo ngược
(“Reverse Kissinger”, Blake Franko, American Conservative, January 10, 2017).
Nghịch lý
Donald Trump là một hiện tượng lạ, nhưng đã có tiền lệ trong lịch sử. Thời xưa
tại Trung Quốc, Lã Bất Vi ngộ ra rằng “buôn vua” lãi hơn tất cả, nên đã bỏ kinh
doanh đi “buôn vua” và dựng lên Tần Thủy Hoàng. Lã Bất Vi còn đúc kết kinh nghiệm
viết “Lã Thị Xuân Thu”. Nay tại Mỹ, Donald Trump cũng bỏ kinh doanh bất động sản,
nhưng không “buôn vua” mà làm vua luôn. Donald Trump là Lã Bất Vi của nước Mỹ!
Trump vốn là
con người thất thường, nên chính sách của Trump cũng bất thường. Đặc điểm chính
sách của Trump là hành động ngay (không cần nghĩ trước), vì vậy mọi chính sách
của chính quyền Trump có thể là “lâm thời” (adhoc). Chính vì Trump thiếu nhất
quán nên làm thiên hạ khó đoán. Lệnh cấm nhập cảnh (travel ban) đối với 7 nước
Hồi giáo là một ví dụ, đang gây tranh cãi và phản ứng làm náo loạn cả nước Mỹ.
Trong khi
Trump quyết định rút khỏi TPP (bỏ ngỏ khu vực này cho Trung Quốc thao túng) thì
ông ấy lại bổ nhiệm những nhân vật “diều hâu” chống Trung Quốc (như Peter
Navarro và Rex Tillerson) vào những vị trí then chốt. Trước đây,
Nixon-Kissinger đã “vô tình” tạo ra con quái vật Frankenstein và dung dưỡng nó
lớn mạnh bằng kế sách “Constructive Engagement”, nay Trump lại “vô ý” rút khỏi
TPP vì “America First”, mà hệ quả là bỏ rơi khu vực này để nó tha hồ lũng đoạn.
Trung Quốc có thể thay thế TPP (do Mỹ đứng đầu) bằng RCEP (do TQ cầm cái), phân
hóa và làm đảo lộn trật tự của Mỹ tại khu vực này.
Sắp xếp nhân
sự
Sắp xếp nhân
sự chủ chốt của Trump chính là dấu hiệu về đường lối chính sách (đối nội cũng
như đối ngoại). Không chờ nhậm chức (20/1/2017) Trump đã bất ngờ ra tay trước bằng
mấy nước cờ táo bạo, làm đảo lộn bàn cờ quốc gia lẫn quốc tế, đe dọa xóa sổ di
sản của Tổng thống Obama và các đời tổng thống trước đó. Theo Newt Gingrich,
“khoảng 60 hoặc 70% sắc lệnh của Obama sẽ bị Trump hủy bỏ” (Fox News,
26/12/2016).
Thứ nhất,
Trump không đợi Trung Quốc nắn gân mà đã phá lệ, thách thức Trung Quốc trước bằng
cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (2/12/2016). Sự kiện đó
không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả chuẩn bị nhiều tuần trước đó, giữa các
quan chức hàng đầu hai bên (Bob Dole, Reince Priebus, Edwin Feulner). Bằng 10
phút điện đàm, Trump đe dọa làm sụp đổ chính sách “Một Trung Quốc” đã tồn tại
hơn 4 thập kỷ. Tiếp theo điện đàm, Trump còn khẳng định, “Tôi quá hiểu chính
sách 'Một Trung Quốc', nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta bị ràng buộc bởi
chính sách đó” (Fox News, 11/12/2016).
Thứ hai,
Trump bổ nhiệm Peter Navarro đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia, có văn
phòng ngay trong Nhà Trắng, có nhiệm vụ phối hợp chính sách kinh tế để đối phó
với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Navarro là nhân vật chống Tàu, tác giả cuốn
sách (và bộ phim) “Chết Bởi Trung Quốc”, nay trở thành nhà kinh tế quyền lực nhất.
Bắc Kinh bị sốc trước quyết định bổ nhiệm Peter Navarro, cũng như Wilbur Ross
(Bộ trưởng Thương mại), Robert Lighthier (Đại diện Thương mại). Sau cuộc điện
đàm với Thái Anh Văn, việc bổ nhiệm ba nhân vật “diều hâu” chống Tàu là tín hiệu
rõ ràng về ưu tiên của Trump. Chiến tranh thương mại và chạy đua vũ trang với
Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian. Có nhiều lý do để Trung quốc lo ngại vì
kinh tế đang xuống dốc và chính trị bất ổn. (“Peter Navarro is about to become
one of the world's most powerful economists”, Economist, Jan 21, 2017).
Thứ ba,
Trump bổ nhiệm Rex Tillerson làm Ngoại Trưởng, một quyết định gây tranh cãi,
không phải chỉ vì Tillerson là CEO của Exxon-Mobil, mà còn là nhân vật thân với
Putin. Phát biểu của Tillerson trong buổi điều trần tại Thượng Viện (12/1/2017)
càng làm lãnh đạo Trung Quốc bị sốc. Tillerson đã nói thẳng thừng rằng chiến dịch
Trung Quốc xây đảo nhân tạo trị giá hàng tỷ đô-la tại Biển Đông (với tài nguyên
dầu khí) là “bất hợp pháp và giống Nga chiếm Crimea…” và “Chúng ta sẽ nói rõ với
Trung Quốc rằng trước hết, họ phải chấm dứt xây dựng đảo và thứ hai, chúng ta sẽ
không cho phép họ tiếp cận các đảo này…”
Đó là một
tín hiệu thay đổi lớn trong quan điểm của Mỹ về Biển Đông, với hàm ý là Mỹ sẽ
dùng sức mạnh quân sự để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng. Phát biểu của
Tillerson đã làm chính giới và dư luận Trung Quốc bất ngờ và tức giận. Thực ra,
Tillerson từ lâu đã lo ngại về Trung Quốc và thấy phải chống lại ý đồ quân sự
hóa và bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, sau vụ Exxon-Mobil (và các
công ty khác) bị Trung Quốc ngăn cấm hợp tác dầu khí với Việt Nam. (“Rex
Tillerson's South China Sea Remarks Foreshadow Possible Foreign Policy Crisis”,
Michael Forsythe, New York Times, Jan 12, 2017).
Stephen
Bannon (chiến lược gia của Trump tại Nhà Trắng) cũng quan tâm đến chiến lược
Châu Á và cho rằng chủ trương “xoay trục” sang Châu Á của Obama thất bại vì thiếu
ngân sách quốc phòng nên yếu thế. Trump cũng bổ nhiệm nhiều tướng “diều hâu” và
chuyên gia về Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt như Bộ trưởng Quốc phòng
(James Mattis), Cố vấn An ninh Quốc gia (Michael Flynn), Bộ trưởng Hải Quân
(Randy Forbes), Giám đốc Châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia (Matt Pottinger),
Trợ lý Bộ trưởng về Châu Á tại Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng (Randall Schiver
và Victor Cha). Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là Terry Branstad, tại Nhật là William
Hagerty, tại Ấn Độ là Ashley Tellis. (“Trump could make Obama's pivot to Asia a
reality”, Josh Rogin, Washington Post, Jan 8, 2017).
Bối cảnh quốc
tế
Có thể nói,
chính sách đối ngoại của chính quyền mới hình thành ngay trong giai đoạn chuyển
giao quyền lực, trước khi Donald Trump nhậm chức. Diễn văn nhậm chức của Trump
sặc mùi dân túy, chẳng khác diễn văn tranh cử trước đó, khẳng định quan điểm đối
ngoại cứng rắn của Trump, và phủ nhận gần hết các di sản của Obama. Nó không chỉ
làm người Mỹ chia rẽ mà còn làm thế giới hoang mang lo ngại, nhất là Trung Quốc.
Một số nhà
phân tích cho rằng Trump sẽ chơi trò “ngoại giao tay ba” (Triangular Diplomacy)
với Nga và Trung Quốc, nhưng “tinh tế hơn” (Alexander Vuving). Thay vì dùng lá
bài Trung Quốc để chống Nga (thời Nixon-Kissinger), Trump sẽ dùng lá bài Nga để
chống Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra lúng túng và bị động (như bị “phục
kích”), chưa biết nên phản ứng và đối phó thế nào. Họ chưa gặp một Tổng thống Mỹ
nào lại ăn nói và hành xử như vậy. Đối với một người không biết sợ như Trump,
Trung Quốc rất khó nắn gân và hù dọa. Khó đoán được ý đồ thực của Trump là một
thách thức lớn đối với Trung Quốc (“Trump Tweets China Retreats”, Gordon Chang,
National Interest, Jan 6, 2017).
Trong khi
Trung Quốc trỗi dậy “không hòa bình”, bắt nạt các nước khu vực và thách thức
vai trò của Mỹ, thì Mỹ vẫn “chiều” họ bằng chính sách “Một Trung Quốc” (như chiều
“Frankenstein”). Tuy Nixon đã qua đời, nhưng Kissinger, là tác giả của chính
sách “Một Trung Quốc” (theo “Shanghai Communique”), vẫn còn nhiều ảnh hưởng như
một cây cổ thụ về chính sách đối ngoại từ thập niên 1970 (dù nay đã 93 tuổi).
Tính đến nay, Kissinger đã đến thăm Trung Quốc tới 80 lần, và quen biết hầu hết
lãnh đạo nước này.
Gần đây nhất,
sau khi Trump đắc cử, Kissinger đã đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình và Vương Kỳ
Sơn (1/12/2016), trong khi Trump điện đàm với Thái Anh Văn (3/12/2016). Không
biết là Kissinger đã nói gì với Trump khi họ gặp nhau bàn về Trung Quốc, nhưng
sau đó khi được hỏi ông nghĩ gì về cựu ngoại trưởng Kissinger, Trump đã
Twitted, “Một cây cổ thụ đã mục ruỗng, thì không nên tưới bón làm gì, chỉ tốn
thời gian”.
Không phải
Kissinger chỉ quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, mà còn quan hệ chặt chẽ với Nga. Gần
đây nhất, Kissinger đã đến Moscow đàm phán (bí mật) với Putin (3/2/2016). Ông
cho rằng Mỹ sai lầm lớn nếu để Nga và Trung Quốc hình thành một liên minh kinh
tế và chính trị. Vì vậy, Mỹ phải hợp tác với Nga để “cân bằng lực lượng toàn cầu”.
Nhưng tại sao Trump lại thân thiện với Nga mà không thân thiện với Trung Quốc,
trong khi cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách thách thức lợi ích và vai trò toàn
cầu của Mỹ?
Theo các cơ
quan tình báo Mỹ (CIA và FBI), Nga đã can thiệp vào chính trị Mỹ bằng hacking
(qua tin đồn giả) không phải chỉ làm Hillary Clinton thất cử, mà còn làm Donald
Trump đắc cử, nhưng trở thành tổng thống “vịt què”, vì có tin đồn là Trump đã
quan hệ với gái điếm Nga tại Moscow. Nói cách khác Trump đã từng bị tình báo
Nga theo dõi và khống chế. Việc rò rỉ tin xấu vào đúng lúc Trump sắp nhậm chức
có thể là đòn gió của Putin, muốn tác động vào sắp xếp nhân sự và chính sách của
Trump (đối với Nga).
Dưới chính
quyền Obama, chủ trương xoay trục sang Châu Á là một tầm nhìn đúng, nhưng thực
hiện lại yếu vì Obama thiếu quyết đoán. Nay dưới chính quyền Trump, triển vọng
có thể ngược lại, vì Trump là một tổng thống “con buôn” (dealer). Theo John
Hudak (Brookings), có nhiều khả năng Trump sẽ điều hành Nhà Trắng như CEO của một
tập đoàn kinh doanh. Có người còn cho rằng lãnh đạo thực sự của nước Mỹ không
phải là Donald Trump mà là Rex Tillerson, vì “nước Mỹ không còn là một chế độ
dân chủ, mà là một chế độ tài phiệt”. (Jimmy Carter interviewed by Oprah
Winfrey, September 27, 2015).
Bối cảnh khu
vực
Tuy ASEAN đã
trở thành “cộng đồng kinh tế” (AEC), nhưng đoàn kết ASEAN ngày càng yếu, vì bị
Trung Quốc thao túng. Không chỉ có Campuchea và Thailand, mà cả Philippines và
Malaysia cũng “xoay trục” sang Trung Quốc. Nếu không sớm cải tổ cơ chế thì
ASEAN có thể mất vai trò và “Đoàn kết ASEAN” chỉ còn là khẩu hiệu.
Nếu vai trò
lãnh đạo của Mỹ về kinh tế và an ninh khu vực giảm đi, với tương lai bất định của
TPP và chính sách “xoay trục” dưới chính quyền mới, thì vai trò kinh tế và an
ninh của Nhật tại khu vực phải mạnh lên tương ứng. Bất ổn trong “tam giác Mỹ-Trung-Việt”
cần được hóa giải bằng “tứ giác Nhật-Úc-Ấn-Việt” trên cơ sở đối tác chiến lược
toàn diện, với vai trò đầu tàu của Nhật, thay thế một phần vai trò lãnh đạo của
Mỹ.
Quan điểm cứng
rắn của Rex Tillerson về Biển Đông là một dấu hiệu đáng mừng, xuất phát từ kinh
nghiệm của ông ấy tại khu vực này, khi Exxon-Mobil có quan hệ hợp tác tốt về dầu
khí với PetroVietnam (năm 2009) để khoan thăm dò hai vị trí tại Biển Đông. Khi
bị Trung Quốc phản đối, các công ty khác buộc phải rút, nhưng Exxon-Mobil không
bỏ cuộc, mà vẫn lặng lẽ theo đuổi dự án khai thác dầu khí tại Biển Đông. Vai
trò của Exxon-Mobil (như một cường quốc) không chỉ có hợp tác dầu khí, mà còn
vì địa chính trị.
Đáng chú ý
là quan điểm cứng rắn của Rex Tillerson lại trùng hợp với quan điểm cứng rắn của
TNS John McCain (và một số người khác). McCain cho rằng không quốc gia nào ủng
hộ cho sự thành công của Trung Quốc nhiều hơn là Mỹ… nhưng Trung Quốc lại chọn
cách sử dụng sức mạnh và vị thế đang lớn lên của họ để phá vỡ trật tự đó. Trung
quốc đã từng bước triển khai chính sách dọa dẫm và cưỡng bức để hỗ trợ cho mục
tiêu bành trướng, một tiến trình được tăng tốc quyết liệt dưới sự lãnh đạo của
Tập Cận Bình.
McCain còn
cho rằng Mỹ và Việt Nam chia sẻ một loạt những quyền lợi kinh tế và chiến lược,
và tin rằng đã đến lúc hai quốc gia cần triển khai “Sáng kiến Hàng hải Việt-Mỹ”
(US-Vietnam Maritime Initiative). Sáng kiến này có thể bao gồm việc mở rộng các
cuộc tập trận hỗn hợp trên biển. McCain hoan nghênh Việt Nam tham gia cuộc tập
trận “Pacific Rim” và cho rằng Hải quân Hoa Kỳ cần tăng cường thăm Việt Nam…
TNS John
Mccain và TNS Jack Reed đã cộng tác để bảo trợ “Sáng kiến An ninh Hàng hải”
(Maritime Security Initiative), với kinh phí 1/2 tỉ USD, cho phép Bộ Quốc phòng
Mỹ nâng cao năng lực hàng hải cho các đối tác của Mỹ tại Đông Nam Á…Năm nay, Ủy
ban hành động lưỡng đảng sẽ nâng cấp sáng kiến này và cung cấp thêm nhiều nguồn
lực mới. McCain cũng ủng hộ TPP, và cho rằng “Nếu TPP thất bại thì sự lãnh đạo
của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương có thể thất bại theo…” (“The Need for Renewed
American Leadership in Asia-Pacific”, John McCain, the Herritage Foundation,
December 29, 2016).
Bối cảnh Việt
Nam
Trong giai
đoạn mới, ngoại giao Việt Nam lại đứng trước ngã ba đường. Việt Nam phải định
hướng lại mục tiêu chiến lược (vì lợi ích dân tộc) và điều chỉnh chính sách kịp
thời. Chính sách “đu dây” của Việt Nam nhằm giữ thăng bằng với hai nước lớn
(Trung Quốc và Mỹ) là một đặc thù lâu nay gây nhiều tranh cãi. Đây là một dịp tốt
để lý giải nhằm làm rõ và điều chỉnh chính sách “đu dây” này trong bối cảnh quốc
tế mới.
Trong lịch sử,
Việt Nam đã từng phải “đu dây” giữa hai cường quốc cộng sản “thân hữu” nhưng “đồng
sàng dị mộng” là Liên Xô và Trung Quốc. Muốn hay không, đó là định mệnh (hay
nghịch lý) đối với Việt Nam, một nước nhỏ phải dựa vào hai nước lớn “thân hữu”
để “chống Mỹ cứu nước”. Thật trớ trêu, Việt Nam nay lại phải “đu dây” giữa Mỹ
và Trung Quốc, như sự kế thừa và tiếp nối một định mệnh (hay một nghịch lý).
Trong khi
Trung Quốc là nước láng giềng khổng lồ mà Việt Nam không được lựa chọn nhưng phải
chung sống suốt đời, thì Liên Xô và Mỹ (cũng như Pháp) là những đế quốc “ngoại
bang” mà Trung Quốc luôn ôm mối hận để phục thù. Điều đó lý giải tại sao Việt
Nam phải “đu dây”. Vấn đề không phải chỉ là hành động “đu dây” mà là lý do “đu
dây”, và cách thức “đu dây”, liên quan đến bối cảnh lịch sử, lợi ích dân tộc,
ràng buộc ý thức hệ, có thể làm người ta lẫn lộn về thái độ chính trị và ngộ nhận
về bạn/thù. Đừng quên rằng, “không có đồng minh và kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi
ích dân tộc vĩnh viễn” (Palmerston).
Chủ nghĩa
“tiệm tiến” (gradualism) và quan niệm “đặc thù” (exceptionalism) trong chính
sách của Việt Nam, phản ánh tư tưởng bảo thủ (vì ý thức hệ), tư duy truyền thống
(theo quy trình), và tâm trạng lo sợ hoặc nghi ngại (do tâm lý). Tâm trạng này
có thể trở thành rào cản đối với tư duy đổi mới sáng tạo trong một cục diện mới.
Theo Alexander Vuving, “Việt Nam tiếp tục tách xa dần (nhưng không quá xa)
Trung Quốc, và tiếp tục xích lại gần (nhưng không quá gần) Mỹ, sợ làm Trung Quốc
tức giận”. (“Cops, Robbers and the South China Sea's New Normal”, Alexander
Vuving, National Interest, Dec 23, 2016).
Đến lúc phải
xoay trục
Đã đến lúc
phải “kiểm toán” chính sách đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ “Hậu Thành Đô”
(1990-2016), trên cơ sở thành công hay thất bại. Qua mấy thập kỷ, Việt Nam đã bị
lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, cả về kinh tế, chính trị, và đối ngoại, vì mắc
phải cái vòng “kim cô”. Muốn khắc phục những hệ lụy to lớn và lâu dài đó, Việt
Nam phải đổi mới thể chế toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị, cả về đối nội
lẫn đối ngoại.
Quan hệ “4 tốt”
và “16 chữ vàng” chính là cái vòng “kim cô” để Trung Quốc thực hiện tham vọng
bành trướng bá quyền ở Biển Đông (như “Đường 9 đoạn”). Nó làm Việt Nam tụt hậu,
bất ổn, và mất dần chủ quyền lãnh thổ. Theo World Bank, Viêt Nam đã mất 15.420
km2 đất liền (năm 2000), ngoài mất Hoàng Sa (1974) và một phần Trường Sa
(1988). Sự kiện dàn khoan HD981 tại Biển Đông là một bước ngoặt bộc lộ bộ mặt
thật của Trung Quốc, làm lãnh đạo Việt Nam giật mình tỉnh giấc khỏi ảo tưởng và
ngộ nhận.
Chính sách đối
ngoại của Việt Nam giai đoạn trước dựa trên bốn trụ cột: (1) độc lập tự chủ
(trong đó có chính sách “3 không”), (2) đa phương đa dạng hóa (trong đó có chủ
trương “thêm bạn bớt thù”), (3) vừa hợp tác vừa đấu tranh (trong đó có “đối tác
hợp tác” và “đối tượng đấu tranh”), (4) chủ động và tích cực hội nhập quốc tế
(để trở thành “đối tác tin cậy” của cộng đồng quốc tế). Các trụ cột đó về cơ bản
là đúng (như khẩu hiệu), nhưng không ổn (về thực chất) vì sự bất cập giữa tuyên
bố chính sách (declared policy) và thực tiễn (reality), do thể chế lỗi thời và
cái “vòng kim cô” làm lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Chính sách đối
ngoại giai đoạn mới phải giúp Việt Nam thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc, để
quan hệ dựa trên “tái cân bằng tích cực” (active rebalance). Tái cân bằng tích
cực không phải là “đu dây”, và “thoát Trung” không có nghĩa là quay lưng lại với
Trung Quốc. Sau sự kiện dàn khoan HD 981 và chiến dịch quân sự hóa các đảo mà
Trung Quốc chiếm giữ tại Biển Đông, Việt Nam đã xích lại gần Mỹ. Chuyến thăm Mỹ
chính thức của CTN Trương Tấn Sang (7/2013) và TBT Nguyễn Phú trọng (7/2015) là
một bước ngoặt cho “đối tác toàn diện” và tầm nhìn chung Mỹ-Việt về an ninh quốc
phòng, làm tam giác Mỹ-Trung-Việt thay đổi, nhưng vẫn chưa đủ trở thành “đối
tác chiến lược” (vì cái “vòng kim cô”).
Chuyến thăm
Việt Nam của Tổng thống Obama (23/5/2016) với tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí, đã kết
thúc quá trình bình thường hóa hơn 2 thập kỷ. Nhưng đáng tiếc, Việt Nam đã “đu
dây” quá lâu (suốt 8 năm) không tranh thủ được cơ hội “xoay trục” của Mỹ dưới
thời Obama để nâng cấp quan hệ thành “đối tác chiến lược” (như với 10 nước
khác). Cơ hội đó đã bị tuột mất vì dưới chính quyền Donald Trump, TPP đã bị gác
lại, chủ trương “xoay trục” cũng bị xem xét lại, và di sản của Tổng thống Obama
có thể bị xóa sổ.
Những giá trị
cốt lõi
Thực chất
quan hệ Trung-Việt (thời kỳ “Hậu Thành Đô”) là bất bình đẳng và lệ thuộc quá
nhiều vào Trung Quốc. Đã đến lúc Việt Nam phải “xoay trục” để thoát khỏi tình
trạng “cân bằng tiêu cực”, thể hiện qua chính sách “3 không” và “đu dây” với
các nước lớn để tồn tại. Chính sách đối ngoại trong giai đoạn mới (đổi mới vòng
2) cần dựa trên ba tiêu chí cơ bản, như giá trị cốt lõi: (1) độc lập trưởng
thành (mature independence), (2) tái cân bằng tích cực (active rebalance), và
(3) hội nhập tích cực (proactive integration).
Một chính
sách đối ngoại “độc lập trưởng thành” phải nhất quán về tư duy chiến lược, lấy
lợi ích dân tộc làm mục tiêu tối hậu, không lệ thuộc vào ý thức hệ đã lỗi thời.
Đã đến lúc người Việt phải đổi mới tư duy triệt để, không thể tiếp tục “đu dây”
cả về đối nội và đối ngoại tại ngã ba đường, như mấy thập kỷ qua. Cái giá phải
trả về lợi ích lâu dài (do sự trì trệ) lớn hơn nhiều so với cái lợi trước mắt
(vì “hoàng hôn nhiệm kỳ”).
Một chính
sách đối ngoại “tái cân bằng tích cực” phải dựa trên sự cân đối và tương hỗ giữa
đối nội và đối ngoại, giữa lợi ích quốc gia và hội nhập quốc tế, giữa cải cách
thể chế kinh tế và đổi mới thể chế chính trị, để phát triển bền vững và dân chủ
hóa. Để khai phóng năng lượng sáng tạo của người dân, phải xóa bỏ cơ chế lỗi thời
về quyền sở hữu ruộng đất và độc quyền cho doanh nghiệp nhà nước theo “định hướng
XHCN”.
Một chính
sách đối ngoại “hội nhập tích cực” phải giúp các doanh nghiệp có điều kiện và
cơ hội để hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. Dù
tương lai TPP ra sao, thì Việt Nam vẫn phải sẵn sàng tham gia các thể chế tự do
mậu dịch quốc tế (thế hệ mới). Việt Nam đã đi được một quãng đường dài từ WTO đến
TPP, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quen với sân chơi toàn cầu hóa.
Cần giúp họ phát huy các lợi thế tương đối của mình, để tăng cường năng lực cạnh
tranh trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh
Tổng thống đắc cử Donald Trump điện đàm với bà Thái Anh Văn, bổ nhiệm Peter
Navarro làm chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia, và cử Rex Tillerson làm Ngoại
trưởng (với những phát biểu cứng rắn chống Trung Quốc), thì TBT Nguyễn Phú Trọng
lại vội vàng sang thăm Trung Quốc (từ 12/1/2017). Ngay hôm sau, ngoại trưởng Mỹ
John Kerry tới thăm Việt Nam lần cuối (13/1/2017). Thời điểm hai chuyến thăm bộc
lộ sự bất cập chứng tỏ Việt Nam vẫn đang “đu dây” (vì sức ép của Trung Quốc).
Trong khi
đó, PetroVietnam và Exxon-Mobil ký hai hợp đồng về khí tại mỏ “Cá voi xanh”
(Blue Whale). Điều đáng lưu ý là thời điểm ký kết trùng với chuyến thăm của TBT
Nguyễn Phú Trọng và ngoại trưởng John Kerry, điều trần tại Thượng Viện của Rex
Tillerson (ngoại trưởng mới được đề cử) với những phát biểu cứng rắn chống
Trung Quốc. Trong bối cảnh Trump quyết định rút khỏi TPP, thì hợp đồng hợp tác
dầu khí với Exxon-Mobil tại Biển Đông không chỉ quan trọng về kinh tế, mà còn
có ý nghĩa lớn về địa chiến lược.
Ngay sau đó,
thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đến thăm Việt Nam (16/1/2017) nhằm tăng cường hợp
tác tại Biển Đông. Nhật muốn cải thiện năng lực tuần duyên của Việt nam, nên đã
quyết định viện trợ cho Việt Nam thêm 6 tầu tuần duyên mới. Một quan chức Bộ
Ngoại Giao Việt Nam phát biểu “hy vọng Nhật có vai trò lớn hơn về hợp tác an
ninh quốc phòng”. Quan hệ Nhật-Việt cần phát triển theo hướng xây dựng nền tảng
cho một tứ giác chiến lược mới do Nhật làm đầu tầu
(“Japan-Australia-India-Vietnam Partnership”).
Thay lời kết
Khi môi trường
quốc tế và khu vực có nhiều biến động khó lường, và tình hình kinh tế, chính trị
trong nước có nhiều bất ổn, đòi hỏi phải cải cách thể chế toàn diện (cả kinh tế
và cính trị), thì chính sách đối ngoại cũng phải đổi mới theo tương ứng. Chính
sách đối ngoại tuy là cánh tay kéo dài của chính sách đối nội, nhưng có nhiệm vụ
làm đòn bẩy, hỗ trợ quá trình “đổi mới vòng 2” để phát triển bền vững. Đề cương
đổi mới chính sách đối ngoại cần dựa trên đề cương đổi mới toàn diện của chiến
lược phát triển quốc gia.
“Báo cáo Việt
Nam 2035” chính là đề cương đổi mới, làm cơ sở xây dựng chính sách đối ngoại thời
kỳ mới. Muốn thay đổi, phải gắn kết được trên với dưới, trong với ngoài, để huy
động tối đa nguồn lực của dân tộc, nhằm kiến tạo một quốc gia giàu mạnh và văn
minh. Đến lúc người Việt phải chứng minh Việt Nam không phải là một quốc gia
hèn kém và lệ thuộc, quen dựa vào viện trợ nước ngoài, rằng người Việt Nam có
thể hòa giải dân tộc, đứng dậy từ đổ nát và li tán, để tái tạo một quốc gia độc
lập và dân chủ. Chỉ có độc lập và dân chủ mới thu phục được nhân tâm để kiến tạo
một quốc gia giàu mạnh và văn minh.
1/2/2017 (5
Tết Đinh Dậu) Nguyễn Quang Dy Viet-studies